Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

AI VÔ TỘI?

Khi đọc Thánh Vịnh, bạn có xác định với tác giả về việc Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta về sự vô tội, sự ngay thẳng, sự chính trực và sự công bình?
SỰ VÔ TỘI
∎ Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời! (Tv 119:1)
∎ Mọi quyết định của Người luôn ở trước mặt tôi, thánh chỉ Người truyền, tôi không hề bỏ. (Tv 18:23)
∎ Nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. (Tv 19:13)
SỰ NGAY THẲNG
∎ Lạy Thiên Chúa công minh, Chúa dò thấu lòng dạ con người, xin làm cho bọn ác nhân hết đường tác hại và cho người công chính được vững vàng. (Tv 7:10)
∎ Chúa là Đấng công chính, ưa thích điều chính trực; những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan. (Tv 11:7)
∎ Hết thảy mọi người đều kính sợ, họ sẽ loan truyền hành động của Thiên Chúa và hiểu ngay những việc Người làm. Người công chính sẽ vui mừng trong Chúa và ẩn náu bên Người. Mọi tấm lòng chính trực đều lấy thế làm vinh. (Tv 64:10-11)
SỰ CHÍNH TRỰC
∎ Lạy Chúa là Đấng xét xử muôn dân nước, xin Chúa xử cho con, vì con công chính và vô tội. (Tv 7:9)
∎ Lạy Chúa, xin Ngài xử cho con, vì con sống vẹn toàn. Con tin tưởng vào Chúa, không do dự. (Tv 26:1)
∎ Chúa nâng đỡ con vì con vô tội, và đặt con ở mãi trước nhan Ngài. (Tv 41:13)
SỰ CÔNG BÌNH
∎ Chúa chăm sóc cuộc đời người thiện hảo, gia nghiệp họ tồn tại đến muôn năm. (Tv 37:18)
∎ Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ. (Tv 55:23)
∎ Chúa yêu chuộng những người công chính. (Tv 146:8)
Bạn có là người tốt lành trong số những người vô tội, ngay thẳng, chính trực và công bình? Thật khó trả lời. Nhưng nếu là Kitô hữu, bạn phải trả lời “có.”
NỀN TẢNG CÔNG BÌNH
Điều này không đơn giản bởi vì trong Đức Kitô, chúng ta được kể là công chính. Thánh Vịnh gia không chỉ nói về sự công bình. Sự biện hộ cho những người vô đạo dựa vào Đức Kitô bằng đức tin là sự thật quý giá và to lớn. Điều đó là thật đối với Thánh Vịnh gia trong Cựu Ước, bởi vì cái chết của Đức Kitô đã tính đến họ trong trí nhớ của Thiên Chúa trước khi điều đó xảy ra trong lịch sử.
Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính.” (Rm 3:25-26)
Khi hỗ trợ giáo huấn về “việc bào chữa những người vô đạo,” Thánh Phaolô đã trích dẫn Thánh Vịnh 32. Thiên Chúa biện hộ cho người vô đạo, như vua Đa-vít cũng nói về phúc lành của người được Thiên Chúa làm cho nên công chính: “Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính. Đó là điều vua Đavít nói khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm: Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!” (Rm 4:5-8)
Nếu chỉ dựa vào Đức Kitô thì sự công chính này không là tổng số của những gì mà Thánh Vịnh gia đề cập khi nói về sự vô tội, sự ngay thẳng, sự chính trực và sự công bình. Sự tha thứ và sự quy tội là nền tảng, nhưng không là tổng số của đức công chính Kitô giáo.
ĐỨC TIN DẪN TỚI SỰ NGAY THẲNG VÀ SỰ CHÍNH TRỰC
Đó là sự thật trong Cựu Ước và Tân Ước. Đức tin liên kết chúng ta với Đức Kitô và sự công chính hoàn hảo của Ngài là thật khi sản sinh các động thái mới trong chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.” (Gl 5:6) Đức tin liên kết chúng ta với Đức Kitô vì sự biện hộ cũng dẫn tới sự thánh hóa.
Thánh Vịnh gia được công chính hóa nhờ đức tin. Nhưng đức tin này “tác động qua tình yêu”. Đức tin sản sinh sự vô tội, sự ngay thẳng, sự chính trực và sự công bình. Đây là công việc thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Thánh Vịnh gia biết rằng công việc của Thiên Chúa không là công việc của mình: “Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ, để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng. Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm. Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.” (Tv 51:10-12)
Động lực tương tự về sự biện hộ và sự thánh hóa tác động nơi người vô đạo cũng tác động nơi các Kitô hữu ngày nay, mặc dù chúng ta được ưu tiên biết nhiều hơn về cách Thiên Chúa cứu độ bằng máu Ngài, và cách điều đó tác động trong sức mạnh của Đức Kitô phục sinh.
Do đó, có sai lầm khi đọc Thánh Vịnh và cho rằng Thánh Vịnh gia là luật gia, người vị kỷ hoặc ngây thơ khi họ đề cập sự vô tội, sự ngay thẳng, sự chính trực và sự công bình. Cùng với Thánh Vịnh gia, các Kitô hữu phải là những người vô tội, ngay thẳng, chính trực và  công bình.
THÁNH VỊNH 25
Hãy cân nhắc Tv 25. Đây là một Thánh Vịnh đẹp về đức khiêm nhường sâu xa và lòng khao khát Thiên Chúa. Với 22 câu, Thánh Vịnh gia thú tội 4 lần. Sự thú tội và nhu cầu về ân sủng không được đề cập từ đầu Thánh Vịnh, và rồi tiếp tục tiến tới trong sự chiến thắng.
∎ Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân. (Tv 25:6-8)
∎ Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa. Lạy Chúa, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con. (Tv 25:10-11)
∎ Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con, vì thân này bơ vơ khổ cực. (Tv 25:16)
∎ Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực và tha thứ hết mọi tội con. (Tv 25:18)
TỘI NHÂN ĐÁP LẠI TÌNH CHÚA
Vua Đavít mô tả cách đáp lại Thiên Chúa như thế nào? Đó là tin tưởng, chờ đợi, khiêm nhường, giữ giao ước, kính sợ Chúa, và ẩn náu nơi Ngài.
∎ Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài đừng để con tủi nhục, đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con. (Tv 25:2)
∎ Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái. Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa. (Tv 25:5 và 21)
∎ Chúa dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người. (Tv 25:9)
∎ Phàm ai kính sợ Chúa, Người chỉ cho thấy đường phải chọn. Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa và cho họ biết giao ước của Người. (Tv 25:12 và 14)
∎ Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con, đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài. (Tv 25:20)
Đa số chúng ta phấn khởi với loại Thánh Vịnh như thế này. Đó là nhận biết tội lỗi, nhận biết ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Vịnh gia tin tưởng vào lòng thương xót và bám chặt vào Đấng tha tội.
SỰ CÔNG CHÍNH VÀ SỰ NGAY THẲNG BẢO TOÀN TÔI
Đến gần cuối Thánh Vịnh, tác giả cho biết: “Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.” (Tv 25:21) Sự công chính và sự ngay thẳng không là điều sai lầm trong sự khiêm nhường đầy tin tưởng.
Đó không là kiêu ngạo, không là sự tự lực cánh sinh, không là các tuân thủ luật pháp, không là sự cứu độ nhờ việc làm. Đó là người tin Chúa, người có đạo, người tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, biết tội lỗi mình được tha thứ, bước đi trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Họ là người công chính và ngay thẳng.
Họ chưa hoàn hảo, không phải là không phạm tội, vẫn kiêu ngạo, nhưng họ là người hưởng lợi từ lòng thương xót — lòng thương xót có sức hoán cải. Đó là “nhờ danh Chúa mà tội tày trời của họ được thứ tha.” (Tv 25:11) Và cũng nhờ danh Chúa mà họ bước đi trong sự công chính và sự ngay thẳng. Thánh Vịnh 23 cho biết: “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv 23:2-3)
ĐỪNG LƯỠNG LỰ VỀ SỰ CHÍNH TRỰC
Chúng ta đừng lưỡng lự về sự chính trực trong Thánh Vịnh. Trong thời Cựu Ước và Tân Ước, Thiên Chúa đã biện hộ những người vô đạo, thánh hóa các tín hữu, và ân thưởng cho sự công chính của họ được Thánh Linh tác động. Đó không là cách tuân thủ luật pháp hoặc được công chính hóa nhờ việc làm để cùng nói với Thánh Vịnh gia: “Con sẽ nhận biết rằng Chúa thương con thật, nếu kẻ thù không đắc thắng hò reo. Chúa nâng đỡ con vì con vô tội, và đặt con ở mãi trước nhan Ngài.” (Tv 41:12-13) Đó không là sự kiêu ngạo hoặc tự mãn khi nói: “Mọi quyết định của Người luôn ở trước mặt tôi, thánh chỉ Người truyền, tôi không hề bỏ. Trước mặt Chúa, tôi là kẻ thập toàn, và tránh xa tội lỗi.” (Tv 18:23-24)
Tân Ước mạnh mẽ để “làm điều thiện” trong sức mạnh của Thần Khí Chúa, từ con tin của đức tin, sẽ được ân thưởng bằng sự sống đời đời và được lợi ích do sự trung tín của chúng ta.
∎ Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. (Gl 6:8-9)
∎ Ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do (Ep 6:8)
∎ Ai đón tiếp một ngôn sứ vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. (Mt 10:41)
∎ Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. (Lc 6:35)
∎ Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác. (2 Cr 5:10)
∎ Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời, vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người. (Cl 3:23-24)
TIN THÁC VÀO CHÚA VÀ LÀM ĐIỀU THIỆN
Khi đọc Thánh Vịnh, chúng ta thấy rằng tác giả đưa ra sự vô tội, sự ngay thẳng, sự chính trực và sự công bình thuộc về Thiên Chúa, đừng tâm linh hóa thái quá điều đó, đừng coi đó là chủ nghĩa hoàn hảo, đừng nghĩ về sự tuân thủ luật pháp, cũng đừng hạ giá đó là phần khiếm khuyết trong “giao ước cũ.” Hãy coi đó là chính nó: người tin Chúa, người biết mình là tội nhân, người được tha thứ nhờ danh Chúa, người được biện hộ nhờ ân sủng, người tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, người lệ thuộc vào Thần Khí Chúa, người ẩn náu trong sự che chở của Thiên Chúa, người vui sướng trước Tôn Nhan Chúa, người tuân giữ giao ước của Chúa, và vì thế mà họ bước đi trong sự chính trực và sự ngay thẳng.
Khi nhìn theo cách này, các Thánh Vịnh trở nên quý giá khi giúp chúng ta biết “tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện.” (Tv 37:3) Quả thật, “nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ DesiringGod.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment