Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

NGÀY TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI

Hằng năm, trước lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội mừng thành tựu của ngành truyền thông và tập trung vào cách mà truyền thông có thể sử dụng tốt nhất truyền bá Tin Mừng.
ĐÓ LÀ GÌ?
Ngày Truyền thông Thế giới được ĐGH Phaolô VI thành lập năm 1967 nhằm khuyến khích chúng ta phản ánh các cơ hội và thách đố mà các phương tiện hiện đại về truyền thông xã hội (báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình và internet) cho phép Giáo hội rao truyền sứ điệp Tin Mừng.
Việc kỷ niệm này có từ đầu Công đồng Vatican II, vì nhận thấy phải liên hệ với thế giới hiện đại. Thực tế này diễn tả trong lời mở đầu của Hiến chế Gaudium et Spes (1), có câu: “Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và đau khổ của con người trong thời đại chúng ta, nhất là của những người nghèo hoặc đau khổ bằng cách nào đó, cũng chính là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và đau khổ của những người theo Chúa Kitô.”
TẠI SAO CỬ HÀNH NGÀY TRUYỀN THÔNG HẰNG NĂM?
Khi thành lập Ngày Truyền Thông vào thứ Bảy, 7-5-1967, chưa đầy 2 năm sau Công đồng Vatican II, Chân phước GH Phaolô VI biết rằng Giáo Hội thực sự liên quan mật thiết với nhân loại và lịch sử nhân loại, muốn chú ý tới các phương tiện truyền thông và và sức mạnh của nó đối với việc thay đổi văn hóa.
Các phương tiện truyền thông có những cơ hội phong phú hóa đời sống con người bằng các giá trị về sự thật, vẻ đẹp và sự thiện, nhưng cũng có thể có những hệ quả tiêu cực khi phát tán những điều kém giá trị và gây áp lực cho trí tuệ và lương tâm bằng vô số các điều mâu thuẫn.
THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG: TÒA ÁN TỐI CAO (AREOPAGUS) ĐẦU TIÊN CỦA THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
Chân phước GH Gioan Phaolô II (1990) viết trong Tông thư Redemptoris Missio (2), số 37: “Thế giới truyền thông là Tòa án Tối cao đầu tiên của thời hiện đại, thống nhất nhân loại và hướng vào những gì được coi là ‘ngôi làng toàn cầu.’ Các phương tiện truyền thông đòi hỏi tầm quan trọng như vậy để ủng hộ các phương tiện chính về thông tin và giáo dục, hướng dẫn và gợi hứng cho nhiều người trong cách cư xử của cá nhân, gia đình và xã hội. Đặc biệt là giới trẻ đang lớn lên trong một thế giới đầy thông tin trên các phương tiện truyền thông.”
Càng nhận biết thế giới là ngôi nhà chung và sức mạnh của truyền thông là thị trường tự do về các triết lý và các giá trị, Giáo hội đã tìm cách đưa vào đó các sứ điệp và dùng truyền thông để loan truyền các giá trị có lợi cho sự phát triển của con người và phúc lợi vĩnh hằng của con người.
Hai tài liệu quan trọng này của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội – Communio et Progressio (3) và Aetatis Novae (4) – đã phân tích về thế giới truyền thông và đưa ra lời khuyên để Giáo hội hành động. Tòa Thánh đã đặt tiêu đề cập nhật hóa cách sử dụng của hằng loạt phương tiện truyền thông. Trong dịp thăm Đài phát thanh Vatican, ĐGH Bênêđictô XVI đã giới thiệu chiếc iPod có âm nhạc của nhà soạn nhạc Mozart mà ngài rất quan tâm.
Năm 2002, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội đã công bố hai tài liệu về Internet. Tài liệu thứ nhất phân tích các cơ hội và các thách đố mà Internet đưa ra để truyền bá Tin Mừng với tựa đề “Giáo Hội và Internet.” Tài liệu thứ nhì đặt ra quy luật đạo đức (ethical code) hướng dẫn cách sử dụng với tựa đề “Đạo đức trong Internet.”
Sứ điệp của ĐGH Bênêđictô XVI về Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2012 đã tập trung vào trẻ em và các phương tiện truyền thông. Ngài thúc dục các bậc cha mẹ định hình cho con cái biết quan tâm việc dùng các phương tiện truyền thông, vì truyền thông luôn đề cao nhân phẩm. Ngài yêu cầu truyền thông đừng sản xuất những thứ kém luân lý, thúc đẩy bạo lực hoặc sự tầm thường của tình dục.
CATHOLICIRELAND.NET
Từ năm 2002, j2.CatholicIreland.net đã cung cấp mạng lưới thu thập những hoạt động tốt nhất của Công giáo Ai-len với nối kết quốc tế. Mạng lưới này cung cấp nguồn trực tuyến về cầu nguyện, suy tư và hành động với các mục Tâm linh, Đức tin và Công lý, Giới trẻ, Văn hóa và Nghệ thuật. Mạng lưới này cũng cung cấp tin tức hằng ngày tại www.cinews.ie và xây dựng các website cho các giáo xứ, các giáo phận và các dòng tu tại địa chỉ www.GetOnline.ie.
TRÁCH NHIỆM MỚI
Các dạng truyền thông mới đã mở ra cho Giáo hội không chỉ có thể “thỏa mãn khát khao niềm tin”, mà còn giao tiếp trong Giáo hội bằng cách “xây dựng tính đồng nhất tôn giáo… qua sự tương tác của internet”. Trang CatholicIreland.net hy vọng tiếp tục vươn tới những người Công giáo truyền thống sử dụng các dịch vụ và tìm ra cách thức mới để vươn tới giới trẻ.
Theo giám đốc Tony Bolger, truyền hình trực tiếp đã hoàn tất với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại Tu viện Clonard, Belfast, trên một trang khác là www.ChurchServices.tv.
Tháng Sáu có lễ phong thánh cho Chân phước Charles Mount Argus, đây là dịp đưa ra chương trình truyền hình thứ hai từ Tu viện Khổ Nạn (Passionist Monastery) ở Mount Argus tại Dublin. Truyền hình trực tiếp sẽ được truyền tới các nhà thờ nào muốn gia nhập mạng lưới này.
Inter Mirifica (Trong Số Những Điều Kỳ Diệu) là Sắc lệnh của Công đồng Vatican II về Truyền thông Xã hội, được bầu chọn của 1.960 to 164 giám mục đã nhóm họp, và được Chân phước GH Phaolô VI (1897-1978) công bố ngày 4-12-1963.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicIreland.net)
(1) Hiến chế “Vui mừng Và Hy vọng” là hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vatican II. Đây là văn kiện dài nhất của Công đồng, chia làm hai phần chính: 1. Giáo huấn của Giáo hội về con người, thế giới họ sống và mối quan hệ với thế giới đó; 2. Các mặt đa dạng của cuộc sống ngày nay và xã hội con người, và đặc biệt các vấn đề luân lý khẩn thiết thời nay. Sự xử lý của vai trò Giáo hội trong thề giới ngày nay là hiện thực, công nhận rằng “thuyết vô thần phải được kể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại này.” (số 19) Cách xử lý cũng là thực tiễn, khi nhận định rằng cùng với mọi tiến bộ kỹ thuật của phương tiện truyền thông đang họat động hiện nay, “cuộc đối thoại huynh đệ giữa con người được hoàn hảo không phải ở trong những tiến bộ ấy, nhưng trong cộng đoàn nhân loại bằng cách sâu xa hơn,” (số 23) trong đó cá nhân cùng chia sẻ trong tinh thần. Việc bàn về hôn nhân và gia đình Kitô hữu được mở rộng nhất trong lịch sử công đồng. Lập trường mạnh về chiến tranh và hòa bình phản ảnh ý nghĩ của Giáo hội trong thời đại hạt nhân (ngày 7-12-1965).
(2) Tông thư “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” của ĐGH Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7-12-1990.
(3) Huấn thị Mục vụ “Hiệp thông và Tiến bộ”. Đây là Huấn thị của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, nhằm áp dụng Sắc Lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội (Inter Mirifica) của Công đồng Vatican II. Huấn thị này bàn thảo theo thứ tự: các nguyên tắc tín lý; đóng góp của truyền thông xã hội vào sự tiến bộ của con người; huấn luyện cho người tiếp thu và người truyền thông; cơ hội và nghĩa vụ của cả hai bên; hợp tác giữa công dân và chính quyền dân sự; hợp tác giữa mọi tín hữu và người thiện chí; sự dấn thân của người công giáo trong phương tiện truyền thông; công luận và truyền thông trong đời sống Giáo hội; họat động của người công giáo trong lĩnh vực viết văn, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, kịch nghệ, thiết bị, nhân sự, và tổ chức; nhu cầu cấp bách bởi vì các lực lượng khác ngoài Công giáo hoặc Tin lành có nguy cơ thống trị phương tiện truyền thông. Văn kiện này là một phần của giáo huấn hậu Công đồng về phương tiện truyền thông. Văn kiện bổ túc Tự sắc “Với Nhiều Hoa Trái” (In Fructibus Multis) của ĐGH Phaolô VI ban hành ngày 25-5-1971.
(4) Huấn thị Mục vụ “Bình minh Tân kỷ nguyên” của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, ban hành ngày 22-1-1992.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment