Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

CHUYỂN HÓA ĐAU KHỔ VỚI THẬP GIÁ

Tuần Thánh – cách riêng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh – là thời gian tốt nhất để suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của chúng ta. Không ai thoát khỏi đau khổ ở thế gian này, nhưng nhờ cái chết của Ngài, đau khổ trở nên có ý nghĩa.
Đi Đàng Thánh Giá là cách tốt để làm điều này — chúng ta có thể tái hiện sự trải nghiệm của Ngài và áp dụng vào cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta sống trong mùa đau khổ này, có nhiều điều chúng ta có thể học tập từ Ngài về cách chịu đau khổ hữu hiệu. Khi học cách chịu đau khổ, chúng ta trở nên kết hiệp mật thiết với Ngài bằng cách kết hiệp kinh nghiệm đau khổ của chúng ta với đau khổ của Ngài — và chúng ta nên một với Ngài.
Đây là 6 cách học biết đau khổ từ Đàng Thánh Giá:
1. CHÂN THẬT VỀ CẢM XÚC – CƠN HẤP HỐI TRONG VƯỜN DẦU
Một trong những điều quan trọng nhất để làm trong nỗi đau khổ của mình, cả tâm sinh lý, là chấp nhận rằng mình đang đau khổ. Hãy nhận biết đau khổ của mình, và hãy chân thật về cách cảm nhận của mình đối với đau khổ. Không chấp nhận đau khổ là chống lại đau khổ, điều đó khiến chúng ta càng đau khổ hơn. Thiên Chúa cùng hành động với chúng ta nếu chúng ta chân thật với Ngài.
Chính Chúa Giêsu đã chân thật về cảm xúc đối với đau khổ. Trong cơn hấp hối tại Vườn Dầu, Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:39) Ngài cầu nguyện hai lần. Ngài không bị kích động để chịu đau khổ và chịu chết, nhưng Ngài tuân phục ý Chúa Cha dành cho Ngài. Ngài không nói điều đó trước, mà trước tiên Ngài chấp nhận đau khổ.
2. CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ – CHÚA GIÊSU VÁC THẬP GIÁ
Nếu chúng ta chân thật về cảm xúc, việc chấp nhận đau khổ lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Đa số chúng ta có xu hướng chống lại đau khổ; chúng ta chỉ muốn mình không đau khổ, muốn số phận mình phải khác. Ngay cả với các đau khổ nhỏ, những điều phiền toái hằng ngày như chuyện giao thông hoặc bực tức người khác, chúng ta đều thiếu kiên nhẫn.
Thật không dễ chút nào, nhưng chấp nhận đau khổ cũng không làm giảm bớt đau khổ. Nó vẫn ở đó, nhưng nó không làm chúng ta đau khổ hơn. Khi chúng ta dâng mọi đau khổ cho Chúa Giêsu là vì người khác, đây là một cách khác để chấp nhận đau khổ. Và thật kỳ diệu, đau khổ sẽ trở nên ngọt ngào hơn, hoặc ít ra cũng có thể chịu đựng.
Chúa Giêsu không chỉ nói: “Được rồi, Tôi không còn cách chọn lựa nào khác, thế nên Tôi sẽ vác thập giá.” Nhưng Ngài tự nguyện đón nhận đau khổ với lòng yêu mến: Ngài ôm lấy Thập Giá. Tấm gương của Ngài là để chúng ta noi theo và làm tương tự.
Chúng ta không thể thay đổi đau khổ, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách phản ứng đối với đau khổ. Chúng ta có thể ôm lấy những đau khổ như chúng đến từ Thánh Tâm của Chúa Giêsu, một cơ hội mà Ngài cho phép chúng ta đến gần Ngài hơn, và cùng chia sẻ đau khổ với Ngài. Đó là lúc đau khổ trở thành niềm vui.
3. TÌM VÀ NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ – ÔNG SIMON VÁC ĐỠ THẬP GIÁ CHO CHÚA GIÊSU
Không dễ nhạy bén đối với người khác về đau khổ của chúng ta để họ có thể chia sẻ với mình. Nhưng làm như vậy không chỉ là ân sủng dành cho bạn, cho họ, vì nó cho phép họ có dịp để yêu thương bạn. Tìm người giúp đỡ hoặc chấp nhận đau khổ cũng là hành động bác ái.
Khi ông Simon (người Kyrênê) bị quân lính Rôma bắt vác đỡ thập giá, Chúa Giêsu đã chấp nhận để cho ông vác giúp. Ngài cũng chấp nhận điều đó từ bà Veronica, người đã lấy khăn thấm máu mặt cho Ngài. Sự nhạy bén với đau khổ của Ngài là cơ hội để họ yêu thương Ngài, và vì vậy, bà Veronica đã trở nên một vị thánh và các con trai của ông Simon là Rufus và Alexander cũng trở nên những nhà truyền giáo.
4. CHẤP NHẬN  HÈN MỌN – CHÚA GIÊSU BỊ LỘT ÁO
Khi chịu đau khổ, chúng ta thường bị tước mất năng lực, hoặc mất khả năng cầu nguyện như bình thường, có thể chúng ta không muốn cầu nguyện nữa. Đây là những lúc để chúng ta ôm lấy thập giá, nghĩa là chấp nhận mình thực sự “bé nhỏ.” Khi bản tính yếu đuối nhân loại của chúng ta trở nên rõ ràng hơn, chúng ta có thể dâng cho Chúa Giêsu. Đây là điều mà Thánh Therese Hài Đồng gọi là “Con Đường Bé Nhỏ.”
Cũng có cơ hội khác để kết hiệp với Chúa Giêsu, cùng chia sẻ việc Ngài bị tước mất nhân phẩm và nhân quyền khi quân lính lột áo Ngài trước khi đóng đinh Ngài vào Thập Giá.
5. ĐỪNG CHỐNG LẠI NHỮNG CÁI CHẾT HẰNG NGÀY – CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ
Thường thì cái chết không rõ ràng nơi thân xác, mà chúng ta cứ chết dần từng ngày. Các đau khổ của chúng ta là những cái chết nhỏ, chết dần, nhất là khi chúng ta cho phép chúng “đúc khuôn” chúng ta nhiều hơn theo cách mà Thiên Chúa muốn. Hãy ôm lấy đau khổ, và hãy bước vào đau khổ!
Suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu là điều an ủi, vì chúng ta biết rằng đau khổ của chúng ta có ý nghĩa khi chúng được kết hiệp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Ngài chịu mọi đau khổ mà chúng ta chịu, thế nên Ngài rất hiểu và thông cảm với chúng ta. Những gì chúng ta trải nghiệm thì Ngài đã trải nghiệm trước rồi. Đúng như người ta vẫn nói: “Bạn đi qua điều gì thì trước tiên điều đó đã đi qua trái tim của bạn.”
6. SỰ SỐNG MỚI XUẤT HIỆN SAU NỖI ĐAU KHỔ – CHÚA GIÊSU PHỤC SINH
Chịu đau khổ không bao giờ cảm thấy thoải mái, nhưng chúng ta có thể luôn luôn tin rằng đau khổ có giá trị cứu chuộc khi chúng ta dâng mọi đau khổ cho Chúa Giêsu.
Sự sống mới luôn xuất hiện sau mùa khô hạn. Điều đó tùy thuộc vào cách chọn lựa của chúng ta. Chúng ta có thể phản ứng với đau khổ bằng tâm trạng cay cú, hoặc chúng ta có thể phản ứng với đau khổ bằng tấm lòng cởi mở và để cho nó có cách phát triển mới nơi cuộc sống của chúng ta và của người khác.
Chúng ta không thể loại bỏ thế giới đau khổ. Mặc dù chúng ta có chịu bao nhiêu nỗi đau khổ thì chúng ta cũng không đủ kinh nghiệm, thế nên chúng ta vẫn có những lúc phải bật khóc và không hiểu tại sao điều đó lại xảy ra. Nhưng chúng ta có thể tín thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa Cha, dù Ngài cho phép điều gì xảy ra, Ngài vẫn muốn điều tốt lành nhất cho chúng ta và cho người khác.
Lạy Chúa Giêsu, Người Tôi Trung Đau Khổ, vì cuộc khổ nạn đau thương của Ngài, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen.
THERESE AAKER
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ DenverCatholic.org)
Giờ Thứ Chín, Thứ Sáu Tuần Thánh – 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment