Cuộc trở về nào cũng cam go, vì phải
có sự tin tưởng và can đảm, nếu không thì rất khó, vì người ta bị níu kéo với
nhiều lý lẽ vừa chủ quan vừa khách quan. Trở về theo nghĩa tâm linh càng cam go
hơn. Trở về phải “đau” vì “cắt đứt” với quá khứ, rời bỏ cái mà mình đã quen và
ưa thích. Thật là khó, nhưng không thể không trở về nếu muốn sống đời đời và
tận hưởng vĩnh phúc với Thiên Chúa.
Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu
Mùa Chay, rồi đến Tuần Thánh. Thời gian như thoi đưa, không
đợi chờ ai hết!
“Con Nay Trở Về” là bài thánh ca quen
thuộc thường vang lên trong những buổi phụng vụ của người Công giáo, hầu như ai
cũng thuộc. Tác giả bài thánh ca này là cố Nhạc sư Hùng Lân (1922-1986). Ca từ đẹp và có vần điệu như một bài
thơ, nhưng vẫn đậm chất Công giáo và diễn tả sâu sắc về tâm tình sám hối, nhất
là trong Mùa Chay.
Ông dùng cấu trúc bình thường của bài
thánh ca là A và B, với bài này là Phiên khúc và Điệp khúc (có những bài dùng
Điệp khúc và Phiên khúc). “Con Nay Trở Về” được tác giả dùng nhịp 4/4, phần A
được viết ở âm thể Fa thứ, phần B là Fa trưởng. Âm thể Fa trưởng mang tính phổ
thông, nhưng Fa thứ có âm sắc rất lạ.
PK 1 diễn tả nỗi lòng của “đứa con
hoang đàng” trong Phúc Âm: “Con nay trở
về, trở về cùng Chúa, Chúa ơi! Con nay trở về, lòng sầu thống hối khôn nguôi. Muốn
khóc cho một niềm tin, đã trót bao phen ngả nghiêng, bước chân hoang đàng, nay
bến yêu thương tình đáp tình.” Đứa con hư hỏng đó đã thực sự tin tưởng tình
phụ tử nên mới can đảm quay gót trở về nhà.
PK 2 diễn tả niềm hạnh phúc của người
lầm đường lạc lối, nhưng vui mừng trở về nơi miền đất hứa của nhân sinh: “Con nay trở về, trở về miền đất tái sinh; con
nay trở về, về đường chính lý quang minh, có suối nhân sinh tràn ứa, có lá hoa
không tàn úa, lúa thơm trăm mùa, thêm trái ngon, hoa ngọt có thừa”.
Quang cảnh “miền đất sống” thật đẹp tuyệt vời, tràn đầy nhựa sống!
PK 3 diễn tả thực tế của con người,
đầy tính thực tế: “Con không trở về cùng
nhiều nghi lễ nghênh ngang, con không trở về lòng còn bối rối hoang mang. Quyết
chí ăn năn chừa lỗi, lánh hết nguy cơ lạc lối, thắp hương chân thành, đây trái
tim con tận hiến Ngài.” Chính “nén hương chân thành” với “trái tim tận
hiến” là những điều đẹp lòng Chúa: “Ta
muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9:13)
Phần ĐK được chuyển sang âm thể Fa
trưởng (F), giai điệu sáng lên niềm tin và niềm hy vọng: “Ngài là Thiên Chúa rất nhân hậu và hay tha thứ, Ngài dựng nên con,
không khi nào mặc con thoái hư. Vì là bụi đất, con phải vương tục lụy yếu
đuối. Dẫn con trên đường lành, thủy chung ơn nghĩa muôn đời.”
Đức tin của tác giả thật mãnh liệt: “Ngài dựng nên con, không khi nào mặc con
thoái hư.” Đúng như Thánh Phaolô xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm
5:20) Chắc chắn Ơn Chúa đủ cho chúng ta, vấn đề là chúng ta có đón nhận và sử
dụng hợp lý hay không.
Phàm nhân là cát bụi, rất yếu đuối.
Chúa biết nên Ngài mới hào phóng ban muôn vàn Hồng Ân không ngừng. Biết ngã là
đau, biết lạc là lầm, biết đi hoang là dại, biết phạm tội là ngu, do đó mới cần
can đảm “đứng dậy” và “trở về” càng sớm càng tốt.
Thiên Chúa THẤU SUỐT mọi sự, (1 Sb 28:9;
Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35, 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv
139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr
11:20; Gr 20:12) không ai có thể giấu giếm bất cứ điều gì dù đó là điều nhỏ bé
nhất và thầm kín nhất.
Sám hối và trở về rồi, nhưng bản tính
con người dễ “ngủ quên trong chiến thắng” và dễ ảo tưởng, thế nên cũng rất dễ tái
phạm, lại sa ngã như “ngựa quen đường cũ.” Do đó, mỗi chúng ta rất cần cầu xin
Thiên Chúa luôn “dẫn con trên đường lành” và biết cố gắng sống “thủy chung ơn
nghĩa muôn đời.”
Lạy
Thiên Chúa, “xin dẫn chúng con về, xin đừng hận chúng con,” (Tv 84:5) “xin đừng
chê tấm lòng tan nát, khiêm cung,” (Tv 51:19) và “xin dẫn chúng con đi theo
đường chân lý của Ngài.” (Tv 25:5) Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu
Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU (học trò của nhạc sư Hùng Lân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment