Hạnh phúc liên quan tự do: Làm công việc mình
thích, đó là TỰ DO; thích công việc mình làm, đó là HẠNH PHÚC. Người ta có thể
chỉ làm việc bình thường nhưng lại có thể nhờ đó mà trở nên phi thường. Những
người chỉ nghĩ đến bản thân mình và tìm lợi ích cho riêng mình thì chẳng bao
giờ có được hạnh phúc đích thực!
Văn thi sĩ William Arthur Ward (1921-1994,
Hoa Kỳ) nói: “Người khôn ngoan là người
học được những sự thật này: Rắc Rối là tạm thời, Thời Gian là thuốc bổ, Đau Khổ
là ống nghiệm.” Đau khổ lớn nhất của con người chính là cái chết. Văn sĩ
trào phúng Mark Twain (1835-1910, Hoa Kỳ) đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta lại vui mừng trước sự chào đời và thương tiếc ở lễ
tang? Bởi vì chúng ta không phải là đương sự.”
Chúng ta biết chắc rằng hạnh phúc luôn là
niềm mơ ước suốt cuộc đời của mọi người – bất luận nam, phụ, lão, ấu. Mưu cầu
hạnh phúc là mơ ước chính đáng và là quyền cơ bản của con người. Hạnh phúc đa
dạng, với nhiều mức độ. Hạnh phúc ở gần chứ không xa. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng
dễ khiến người ta ảo tưởng nếu đòi hỏi thái quá. Cũng như tình yêu, chẳng ai có
thể định nghĩa chính xác thế nào là hạnh phúc. Tất cả chỉ là tương đối.
Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc cao cấp
của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Hạnh phúc mang tính nhân
bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí, là cảm giác thoải mái khi đạt
được một giá trị, một mục đích, một kết quả,... như mình mong ước. Nhưng sự
khác nhau nằm ở tính hữu hình hoặc vô hình của giá trị, của mục đích, của kết
quả đạt được về nhiều lĩnh vực: tình yêu, thành công, nổi tiếng, giàu có,...
Hạnh phúc và sung sướng có nghĩa gần giống nhau, hạnh phúc hiểu theo nghĩa tinh
thần, trừu tượng; sung sướng hiểu theo nghĩa vật chất, cụ thể.
Tuy nhiên, nếu muốn có hạnh phúc thì phải đi
tìm. Đi tìm hạnh phúc không phải là sẽ “nhặt” được nó như nhặt được một vật
thể, cũng không thể ngồi chờ sung rụng, mà phải chủ động “tạo” ra nó. Nghĩa là
chấp nhận với những gì mình có hiện tại thì sẽ có hạnh phúc. Hạnh phúc là không
đòi hỏi. Thế nhưng không hề dễ thực hiện được động thái “chấp nhận” như vậy!
CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ…
Bác học Thomas Alva Edison (1847-1931, người
Mỹ) được coi là một thiên tài, nhưng ông kết luận: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và chín mươi chín phần trăm mồ
hôi. Tôi chưa hề thất bại, mà tôi chỉ tìm ra mười ngàn cách không tác dụng.”
Có vất vả mới biết thế nào là thảnh thơi, có đau khổ mới biết thế nào là hạnh
phúc. Cũng như có bị tù đày rồi mới nhận thức được tự do và biết quý tự do. Có
gian nan vất vả mới nên người, thành nhân tài. Chính đau khổ là “chất xúc tác”
cho những tác phẩm giá trị. Càng dày kinh nghiệm thì tác giả càng có được những
tác phẩm hay. Những người giỏi đều là những người đã từng vật lộn với cuộc sống
khó khăn vô cùng. Giàu có và sung sướng không tạo nên vĩ nhân, như cụ Nguyễn
Công Trứ (có người cho là của cụ Phan Bội Châu) đã đặt vấn đề: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả / Anh hùng
hào kiệt có hơn ai?” Chúng ta thường nói rằng “thất bại là mẹ thành công,”
nhưng có lẽ đó chỉ là lời nói đầu môi chót lưỡi hoặc nói để “lên lớp” người
khác, còn chính mình thì run cầm cập trước đau khổ và thất bại.
Thời Cựu Ước, Đức Chúa nói rõ với ông Ápram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi,
mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ
chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một
mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; ai nhục mạ
ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
(St 12:1-3) Cái nơi “xa vời” đó được gọi là Đất Hứa – miền đất trù mật được
Thiên Chúa sắp sẵn cho ông.
Thật là “căng” lắm đấy! Cuộc sống đang ổn
định, an cư lạc nghiệp, đùng một cái phải chuyển đến nơi xa lạ, chẳng biết thế
nào, liệu chúng ta có dám đi không? Khi muốn tìm nơi lập nghiệp, ai cũng thăm
dò trước xem có thể thuận lợi hay không chứ chẳng ai dám “nhắm mắt đưa chân.”
Người ta ví von: “Ba lần dời nhà bằng một
lần cháy nhà.” Chắc chắn là rất khó mà dám bước chân ra đi, bởi vì giằng co
dữ dội và cần phải can đảm để có thể dứt khoát ngay.
Cũng vẫn khó ra đi dù biết rõ nơi đến như thế
nào – phải ra đi vì đất quy hoạch, bị giải tỏa, có nguy cơ bão lũ hoặc động
đất,… huống chi ra đi mà không biết nơi đó ra sao, ngày mai thế nào. Vậy mà
“ông Ápram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông.” (St 12:4a) Không chỉ vậy, khi
rời Kharan, “ông Ápram được bảy mươi lăm tuổi” (St 12:4b) chứ đâu còn trẻ trung
gì nữa. Quả thật, đức tin của ông lớn quá! Vì thế ông được đổi tên Ápram thành
Ápraham, nghĩa là “người cha vĩ đại của muôn dân tộc.” (Hc 44:19)
Hoàn toàn tín thác và vâng lời ra đi theo sự
hướng dẫn của Thiên Chúa, “ông Ápram đem theo vợ là bà Sarai, cháu là ông Lót,
và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kharan. Họ
ra đi về phía đất Canaan và đã tới đất đó.” (St 12:5) Tổ phụ Ápraham ra đi vì
ông HOÀN TOÀN TÍN THÁC vào Thiên Chúa quan phòng và tiền định, đồng thời ông
cũng VÂNG LỜI TUYỆT ĐỐI. Thật vậy, Kinh Thánh đã xác định: “Đức vâng lời trọng hơn của lễ.” (x. 1 Sm 15:22; Tv 50:8-9) Vì vâng
lời vô điều kiện, không hề so đo, ông an tâm và vui vẻ, tức là ông cảm thấy
hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của người biết tín thác vào Thiên Chúa luôn miên man
và lâng lâng khó tả, chắc chắn là như vậy. Đứa bé hoàn toàn vô tư và hồn nhiên
khi ở bên mẹ!
Như chúng ta đã biết, một khi Thiên Chúa hứa
bất cứ điều gì thì luôn chắc chắn, luôn giữ đúng lời, vì đó là luật, Ngài làm
luật nên Ngài tôn trọng luật, như Chúa Giêsu nói: “Trời đất qua đi còn dễ hơn là một cái phết của Lề Luật rụng mất.”
(Lc 16:17) Tương tự, tác giả Thánh Vịnh cũng đã trải nghiệm cuộc sống trên hành
trình đức tin và chân thành chia sẻ: “Vì
lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu
thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất.” (Tv
33:4-5) Thật vậy, “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 100:5; Tv
106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4, 29; Tv 136:1-26)
Kinh Thánh xác định “Thiên Chúa là tình yêu”
(1 Ga 4:8 và 16) và là “Đấng giàu lòng thương xót.” (Ep 2:4) Ngài luôn quan tâm
thụ tạo mà Ngài đã dựng nên: “Chúa để mắt
trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ
khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông
Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì.” (Tv 33:18-20) Tác giả Thánh Vịnh bộc
bạch với cả niềm thành tín: “Vâng, có
Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.” (Tv 33:21) Tin
tưởng nên sẵn sàng vâng lời, vâng lời hành động thì sẽ an tâm và được nếm vị
hạnh phúc.
Tuy nhiên, mặc dù nhận biết Thiên Chúa tận
tình như vậy, chúng ta không được ỷ lại, mà vẫn phải không ngừng cầu nguyện: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy
Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.” (Tv 33:22) Tương tự, câu “xin
Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” nghĩa là chúng
ta trông cậy ở mức nào thì được nhận lòng thương xót như vậy, chúng ta tha thứ
cho người khác ra sao thì được nhận ơn tha thứ như thế. Đó là công bình, là
công lý, và cũng là chân lý. Không thể CHO ít mà đòi NHẬN nhiều. Thiên Chúa
không bao giờ “bù lỗ” cho ai theo kiểu đó, nghĩa là không có chuyện “ngồi mát
ăn bát vàng.”
Thánh Phaolô ân cần căn dặn: “Anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì
tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng
lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.”
(2 Tm 1:8) Tuy nói với Timôthê, nhưng cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi
chúng ta. Chắc chắn mọi người, không
trừ ai, đều phải nỗ lực ngày đêm!
Nhưng mà tại sao lại phải nỗ lực làm chứng
như vậy? Đơn giản thôi, vì đó là lý do tất yếu. Thánh Phaolô cho biết: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân
thánh của Người, KHÔNG PHẢI vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do KẾ
HOẠCH và ÂN SỦNG của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở
trong Đức Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta
là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã
dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.” (2 Tm 1:10) Ôi, thật
là chí lý và thấm thía quá chừng!
Trên hành trình đức tin ở trần gian, nếu thực
hiện được như vậy thì chúng ta chắc chắn sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc trong
Đức Kitô, được trường sinh và vĩnh cư trong Vương Quốc Hằng Sinh của Thiên
Chúa. Đó chính là niềm hạnh phúc miên viễn và tuyệt đối, mục đích cuối cùng của
mọi Kitô hữu!
…ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC
Có tài mà không khổ luyện cũng vô ích. Thiên
tài thần đồng âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791, Áo quốc) cũng chỉ
“lên tay” sau khi trau giồi thêm về chuyên môn. Ai khổ luyện thì sẽ thành tài.
Vất vả trồng cây thì sẽ có ngày hưởng trái ngọt. Đó là quy luật chung muôn
thuở, như người Việt cũng nói: “Có công
mài sắt, có ngày nên kim.” Đó là điều tất nhiên và hoàn toàn hợp lý!
Sáu ngày sau khi Đức Giêsu nói về cuộc thương
khó, Ngài đem theo các đệ tử thân tín nhất là Phêrô cùng với hai anh em Giacôbê
và Gioan. Ngài đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Ngài
biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và
y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. Các ông chưa hết ngỡ ngàng thì
bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài. Lạ quá chừng
luôn!
Hạnh phúc là đây. Và quá hưng phấn, ông Phêrô
thưa ngay với Thầy Giêsu mà không cần so đo tính toán chi cả: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu
Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và
một cho ông Êlia.” (Mt 17:4) Ông không hề nhắc tới việc làm lều cho ba anh
em, nghĩa là sao cũng được, ở giữa “khách sạn ngàn sao” cũng vẫn tốt, miễn sao
cứ vui hưởng hạnh phúc thế này là được thôi. Các ông được sống trong niềm hạnh
phúc khôn tả đó là được nếm thử hạnh phúc Nước Trời, nhờ đó mà đủ sức chịu cực
khổ ở trần gian này.
Sự lạ và điều kỳ diệu đan chéo vào nhau. Chưa
hết ngạc nhiên này lại có ngạc nhiên khác. Và một lần nữa, các ông lại tròn mắt
chữ O và tròn miệng chữ A. Ngạc nhiên nhưng mà rất thú vị. Sướng rơn! Ngay khi
ông Phêrô còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ họ, và có tiếng vọng
ra từ đám mây phán: “Đây là Con yêu dấu
của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17:5)
Trước đó không lâu, sau khi Thánh Gioan Tẩy giả làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu tại
sông Giođan, Thiên Chúa Cha cũng đã xác nhận tương tự về Đức Kitô Giêsu, Con Yêu
Dấu của Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta,
Ta hài lòng về Người.” (Mt 3:17)
Nhưng lần này thì khác hẳn, khác lắm. Vừa mới
nghe như vậy thì các ông liền kinh hoàng và ngã sấp mặt xuống đất. Chu choa,
hết hồn luôn! Thế nhưng chẳng ai làm sao, không xây xát chút nào, mặc dù té lăn
cù trên đá sỏi lởm chởm như thế. Lạ hết sức!
Thấy các đệ tử như vậy, Đức Giêsu lại gần,
chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, ĐỪNG
SỢ!” (Mt 17:7) Các ông ngước mắt lên, và không còn nhìn thấy ai nữa, chỉ
còn Đức Giêsu mình ên đứng ngay đó. Mèn ơi, kỳ lạ thật đấy, chả hiểu gì ráo
trọi!
Sau đó, khi Thầy trò trên đường từ núi xuống,
Đức Giêsu nói với họ: “Đừng nói cho ai
hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.” (Mt 17:9) Các
ông im lặng nhưng chắc là gãi đầu miết thôi, bởi vì chả hiểu át giáp gì cả, thế
nhưng các ông cũng không dám hỏi Thầy, dù chỉ nửa lời. Kỳ diệu lắm, lạ lùng vô
cùng, nhưng chắc chắn họ cũng cảm thấy “đã” lắm!
Niềm hạnh phúc ở trên đỉnh Tabor liên quan
nỗi sầu thương trên đỉnh Canvê. Cuộc sống nhân gian cũng vậy, không thể ngồi
rung đùi rồi đòi bổng lộc. Các môn đệ cũng đã từng đặt vấn đề rằng họ bỏ mọi sự
để theo Chúa Giêsu, thế nên họ muốn có quyền lợi gì đó tương xứng. Chúa Giêsu
nói: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em,
chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ,
ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất,
gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc
10:29-30) Tabor và Canvê không thể tách rời!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment