Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

3/3 – THÁNH KATHARINE DREXEL, NỮ TU (1858-1955)

Còn được biết đến với tên Catherine Marie Drexel. Nếu cha bạn làm trong ngân hàng quốc tế và bạn đi xe riêng, hẳn bạn sẽ không thể sống khó nghèo tự nguyện. Nhưng nếu mẹ bạn mở cửa cho người nghèo trú ngụ mỗi tuần 3 ngày và cha bạn dành mỗi tối 30 phút để cầu nguyện thì bạn không thể không dành cuộc đời mình cho người nghèo và cho đi hằng triệu đô-la. Katharine Drexel đã làm điều đó!
Bà sinh ngày 26-11-1858 tại Philadelphia, Pennsylvania, Hoa kỳ. Bà học nhiều và đi nhiều. Là con gái nhà giàu, bà có dịp giao tiếp xã hội sớm. Nhưng khi bà chăm sóc người mẹ kế bệnh 3 năm, bà thấy tất cả tiền bạc nhà Drexel cũng không thể mua sự an toàn để khỏi bị bệnh và chết, và cuộc đời bà có bước ngoặt sâu xa.
Bà luôn quan tâm cảnh khó khăn của dân Ấn Độ, bà hoảng sợ khi đọc cuốn “Một Thế kỷ Ô nhục” (A Century of Dishonor) của Helen Hunt Jackson. Trên đường du lịch Âu châu, bà gặp ĐGH Leo XIII và xin ngài gởi thêm các nhà truyền giáo tới Wyoming cho ĐGM James O’Connor, bạn của bà. ĐGH đặt vấn đề: “Tại sao chị không trở thành nhà truyền giáo?”. Câu hỏi của ngài làm bà suy nghĩ.
Về nhà, bà đến thăm Dakotas, gặp người lãnh đạo Sioux của Hội Mây Đỏ (Red Cloud) và là người giúp bà truyền giáo cho Ấn Độ. Bà có thể dễ dàng kết hôn, nhưng sau khi thảo luận với ĐGM O’Connor, bà quyết định khác, như bà viết năm 1889: “Lễ thánh Giuse ban cho tôi hồng ân dành phần đời còn lại cho dân Ấn độ và người da màu”. Các tiêu đề báo chí kêu gọi: “Hãy bỏ ra bảy triệu!” (Gives Up Seven Million!).
Sau 3 năm rưỡi tập luyện, bà và nhóm nữ tu Dòng Thánh Thể cho dân Ấn Độ và Da Màu (Sisters of the Blessed Sacrament for Indians and Colored) mở trường nội trú ở Santa Fe. Sau đó nhiều cơ sở khác được mở. Năm 1942, bà có hệ thống trường Công giáo cho người da đen ở 13 tỉnh, cộng với 40 trung tâm truyền giáo và 23 trường học ở vùng quê. Những người phân biệt chủng tộc luôn quấy rầy công việc của bà, thậm chí còn đốt trường ở Pennsylvania. Cuối cùng, bà vẫn thành lập được 50 nơi truyền giáo ở 16 tỉnh. Bà được Mẹ Cabrini khuyên về việc xin Rôma chuẩn Luật Dòng. Thành công của bà là nền tảng của Đại học Xaviê ở New Orleans, trường đại học đầu tiên ở Mỹ dành cho người da đen.
Lúc 77 tuổi, bà bị bệnh tim và phải nghỉ hưu. Rõ ràng cuộc đời bà đã hết. Nhưng sau gần 20 năm lặng lẽ, những cuốn sách nhỏ của bà và những tờ rơi ghi lời cầu nguyện của bà không ngừng gợi hứng suy niệm. Bà qua đời ngày 3-3-1955 tại nhà mẹ Dòng Nữ Thánh Thể, thọ 96 tuổi. Hài cốt bà đặt tại nhà mẹ và được công nhận là Hài cốt Quốc gia năm 2008. Bà được ĐGH Gioan Phaolô II tôn là bậc đáng kính ngày 26-1-1987, phong chân phước ngày 20-11-1988, và phong thánh ngày 1-10-2000 tại Rôma.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment