Quốc gia nào cũng có những ngày đặc biệt mang đặc tính của dân tộc, tôn giáo nào cũng có các nghi lễ riêng. Với người Việt, Tết là lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời. Với người Công giáo, vui Xuân ăn tết theo phần đời và hân hoan chúc Tết nhau – đặc biệt là ông bà và cha mẹ, nhưng không thể quên phần tâm linh: Tết Thiên Chúa và Tết Đức Mẹ.
Lời chúc luôn bao hàm ý tốt đẹp và ngay lành.
Có nhiều lời chúc. Tuy nhiên, chắc hẳn lời chúc tốt nhất là lời mà ông Mô-sê
được nhạc phụ trao cho: “Cầu chúc Thiên Chúa ở với anh.” (Xh 18:19) Và
lời chúc lành nhất là điều mà Chúa Giêsu vẫn chúc các môn đệ: “Bình an cho
anh em.” (Lc 24:36; Ga 20:19; Ga 20:21; Ga 20:26) Có Thiên Chúa ở với chúng
ta thì chúng ta luôn được bình an.
I. TẾT CHÚA
Thời gian cứ ngắn dần, mùa Đông lui bước để
nhường chỗ cho mùa Xuân. Đó là quy luật muôn thuở.
Dân tộc nào cũng có ngày Tết riêng. Dù muốn
dù không, dù trẻ hay già, dù nam hay nữ, tất cả đều cảm thấy cõi lòng rạo rực,
nô nức, dù ít hay nhiều, dù chỉ là vô thức hoặc không muốn. Ngoại tại khả dĩ tác
động nội tại.
Thời gian là của Chúa. Thời gian không thuộc
quyền của chúng ta, nhưng chúng ta được Chúa cho phép quản lý thời gian của
mình. Đó là trách nhiệm. Ai cũng có mỗi ngày 24 giờ, không hơn 1 giây, không kém
1 giây. Dùng thời gian đó làm điều tốt hay xấu là quyền của mỗi người.
Nén-thời-gian Ngài đã trao và cho chúng ta hoàn toàn tự do sử dụng.
Chúa rất muốn chúng ta vui. Dân tộc nào cũng
có cách vui Xuân đặc trưng. Có nhiều cách ăn tết, thế nên mỗi người đón tết
cũng rất khác nhau. Có người chỉ cần một cành mai, có người muốn nếm miếng bánh
chưng, có người thích ăn một miếng mứt, có người ưa ăn một miếng dưa, có người khoái
sắm chiếc áo mới, có người dành thời gian đọc sách báo, nghiên cứu, hoặc làm từ
thiện,… Thế nhưng có người lại cố gắng thể hiện bề ngoài cho ra vẻ tết nhất để
hợp với “đẳng cấp” của mình. Mỗi người mỗi kiểu, mỗi người có quan niệm riêng
và phong cách riêng.
Tết nhau cũng đa dạng, tùy theo “thần tài”
nhà mình, do đó mà lễ vật cũng mỗi người mỗi vẻ, mức “nặng” và “nhẹ” cũng rất
khác nhau. Các “ông to, bà lớn” rất vui khi được “bề dưới” thể hiện bản lĩnh
“biết điều” sao cho đúng mức. Người nghèo cũng rất vui khi được các nhà hảo tâm
tặng vài kg gạo, túi đường hoặc bịch mứt. Giá trị vật chất khác nhau, nhưng giá
trị tinh thần có thể giống nhau về niềm vui mà lại không giống nhau về “ý nghĩa.”
Nhiêu khê quá!
Có người nói “tết là chết trong lòng,” thật
cũng hợp lý lắm!
Với con người là thế. Người ta lo tết nhau
những thứ có giá trị “thực tế,” làm đẹp lòng nhau bằng vật chất. Người ta
cân-đo-đong-đếm giá trị tinh thần bằng chính giá trị vật chất, người nghèo
không “chết trong lòng” sao được!
Về tinh thần thì sao? Có lẽ người ta không
chú trọng nhiều đến việc xin lỗi nhau, dù ai cũng có lỗi, mà Tết là dịp để gặp
gỡ nhau. Dù không nói ra, nhưng chính sự gặp nhau đó ngầm hiểu là tha thứ cho
nhau. Chính sự giao hòa và lòng tha thứ mới là “quà tết” giá trị nhất.
Còn với Chúa thì sao? Thực sự chúng ta chỉ là
những tội đồ vô cùng khốn nạn, hoàn toàn bất túc và bất trác, nhận rất nhiều mà
chẳng có gì xứng đáng để tết Chúa, như Tv 115 nói: “Con biết lấy gì dâng lại
cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con?” thế nên chúng ta
chỉ biết tiếp tục làm như Tv 115 dạy: “Con sẽ dâng Chén Cứu Độ và con sẽ kêu
cầu Thánh Danh Chúa chí tôn.” Vả lại, chính Chúa cũng xác định: “Tôi muốn
lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9:13) Ngài cho chúng ta tất cả: “Tôi
đến để cho con người được sống và được sống dồi dào.” (Ga 10:10) Thế nên
Ngài không đòi hỏi gì ở chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta đối xử tốt với nhau,
và Ngài coi đó là làm cho chính Ngài.
Chúa không cần chúng ta tết Chúa, nhưng Ngài
muốn chúng ta tết tha nhân bằng chính tấm lòng chân thành nhất: YÊU THƯƠNG NHAU.
Chúa Giêsu gọi đó là Điều Răn Mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là
anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương
anh em.” (Ga 13:34; Ga 15:12) Đó là “dấu hiệu” chứng tỏ ai là nhân chứng
đức tin: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là
anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35) Chúa Giêsu nhắc lại: “Điều
Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15:17)
Chúa Giêsu thường nhắc đi nhắc lại: “Hãy
yêu thương nhau.” Điều đó cho thấy Luật yêu cực kỳ quan trọng trong cuộc
sống người Công giáo nói riêng. Và đó mới là Quà Tết đẹp lòng Chúa nhất. Chính
món quà đó là những thứ Chúa muốn, nhưng không để lợi ích cho Ngài, mà là để
lợi ích cho chính chúng ta và tha nhân. Tất nhiên, Quà tết đó sẽ thắm sắc màu
Tin Cậy Mến:
Món quà yêu thương là Quà Tết quý giá, nhưng Quà
Tết thánh đức nhất lại không gì bằng chính Con Thiên Chúa:
Chúa cũng sẽ rất vui chúc lành nếu chúng ta
không chỉ giao hòa với Ngài mà còn cầu nguyện cho đất nước yêu dấu, tổ quốc
thân thương, nơi mình đang sinh sống, với tâm tình cảm tạ:
Và dâng cho Chúa tất cả những nỗi niềm, lo
toan, mơ ước, dự tính,… trong năm mới:
Quà Tết dành cho Chúa còn là món quà “vâng
lời,” như Đức Mẹ đã “xin vâng,” (Lc 1:38) là thực hiện những điều Ngài dạy qua
Kinh Thánh: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng
ngày mà theo.” (Lc 9:23) – “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng
nhân từ.” (Lc 6:36) – “Chính anh em hãy cho họ ăn,” (Lc 9:13) vì “cho thì có
phúc hơn là nhận.” (Cv 20:35) – “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa,
nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.”
(Ep 4:29) – “Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái.” (Rm 13:8)
Và còn rất nhiều “món quà” khác chúng ta phải
tết Chúa hôm nay và suốt cuộc đời này…
Lạy Chúa Xuân vĩnh hằng, chúng con chỉ là những
đầy tớ vô dụng, (Lc 17:10) chúng con thành tâm xin lỗi Chúa, xin Ngài thương
xót mà tha thứ tội lỗi cho chúng con. Xin cảm tạ Chúa về mọi ơn lành Ngài đã
ban cho chúng con trong năm qua, và xin thương xót mà chúc lành cho năm mới của
chúng con. Xin giúp chúng con biết sống vuông tròn Ý Ngài trong từng hơi thở
của chúng con, luôn thể hiện yêu thương và khiêm nhường ngay từ trong ý nghĩ,
đúng như Con Chúa đã truyền dạy. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Kitô, Thiên
Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
II. TẾT MẸ
Người đời cảm nhận được Tình Mẫu Tử tuyệt
vời, có Mẹ là có Mùa Xuân nên vẫn ca tụng Mẹ là Mùa Xuân. Với người Công giáo,
chúng ta có một Người-Mẹ-của-các-người-mẹ là Đức Maria, một trinh nữ tuyệt vời
với biết bao danh xưng cao trọng.
Với tâm tình của người con dành cho Mẹ trong
ngày Xuân, cố Nhạc sư Hùng Lân đã bày tỏ lòng hiếu thảo thánh đức qua bài Thánh
ca “Mẹ Là Mùa Xuân.” Ông sáng tác bài Thánh ca này năm 1946, cấu trúc là hai
phần đơn giản. Phần 1 được viết ở âm thể Thứ để nói lên lòng tha thiết tôn kính
dành cho Đức Mẹ, nhưng giai điệu không sầu thảm mà vẫn “sáng”; phần 2 được viết
ở âm thể Trưởng thể hiện niềm hy vọng ngời sáng.
Ông là người chủ trương viết giản dị để mang
tính cộng đồng, thế nhưng ca từ của ông luôn đầy chất thơ rất “đắt” và vần điệu
rất chỉnh, cả tiết tấu và giai điệu đều đơn giản nhưng luôn mượt mà. Ông quả là
bậc thầy về cả ca từ và giai điệu. Tôi thấy mình có chút may mắn được thụ giáo
ông một thời gian, dù tôi chỉ là một trong vài học trò cuối cùng của cuộc đời
ông – một người âm thầm theo Chúa và phục vụ Giáo hội bằng con đường âm nhạc.
Mở đầu, ông ca tụng Đức Mẹ là những gì tốt
lành nhất: “Ôi Maria! Mẹ là Mùa Xuân Ánh Sáng, Mẹ là Cửa Son Đền Vàng, Bến
Lành vào Quê Bình An.” Rồi ông chân nhận thân phận phàm nhân: “Ôi Maria!
Dẫu rằng đời con lầm than, bóng tội mờ che trần gian, sức hèn con ngã nhiều
phen.” Kiếp người lận đận sớm chiều, tội lỗi ngập đầu, hèn yếu vô cùng.
Muốn vươn lên mà cứ xập xụi mãi, Mẹ ơi!
Thân phận con người là thế, nhưng không vì
vậy mà thất vọng, ngược lại vẫn một lòng tin tưởng và trông cậy và cố gắng
hướng thượng: “Nhưng con luôn trông đến ngày tàn phai mùa Đông, ánh vàng Sự
Rỗi reo mừng, hoa trái đau thương lựng hương. Ban ơn cho con, biết tìm ngọt
trong sầu than, biết tìm mạnh trong nguy nàn, biết có Xuân trên Đông tàn.”
Ca từ đầy chất cầu nguyện và tích cực: Tìm
NGỌT trong SẦU THAN, tìm MẠNH trong NGUY NÀN (nguy nan), vì biết chắc có mùa
Xuân tươi đẹp trên mùa Đông tàn tạ. Hy vọng là đó, mong sống trọn kiếp nhân
sinh cho hết cuộc lữ hành trần gian này.
Đức tin bừng sáng, đức Cậy vững vàng, và đức
Mến nồng nàn. Có Chúa là có Mẹ, có Mẹ là có Chúa. Đó là Mùa Xuân tuyệt diệu, ai
cũng khao khát khôn nguôi, hy vọng dạt dào: “Mẹ là Mùa Xuân đem sức thiêng
cho cõi lòng, Mẹ là Mùa Xuân muôn kiếp muôn dân đợi trông, Mẹ là Mùa Xuân bất
diệt trên cõi hằng sống, giúp con vượt đời, trông về cõi phúc vô song.”
Vâng, Mẹ ơi, chúng con chỉ mong có vậy thôi:
Cõi Phúc Vô Song. Mẹ là nguồn cậy trông, Mẹ tuyệt mỹ, chúng con nhờ Mẹ để đến
với Chúa Giêsu Con yêu Dấu của mẹ, và là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Những sự hy
sinh, những sự chịu đựng, và cả những lỗi lầm khốn nạn của chúng ta nữa, đó là
Quà Xuân chúng ta có thể chân thành Tết Mẹ. Xin Mẹ thương nhận mà tha thứ và
che chở chúng ta hôm nay và suốt đời.
Và còn rất nhiều “món quà” khác chúng ta cũng
phải tết Mẹ hôm nay và suốt cuộc sống trần gian này…
Đức Mẹ Maria là Người Nữ can trường, (Cn 31)
là Người Nữ trong sách Khải Huyền (Kh 12) tiến vào cuộc chiến vĩ đại chống con
rồng hoả ngục, là người không sợ hãi gì, như đạo quân sắp hàng vào trận, mang
hàng ngàn thuẫn chắn. (Dc 4:4; Dc 6:4)
Trong lời nguyện tại lễ bế mạc Năm Thánh kính
Đức Mẹ, ngày 15-8-1988, Thánh GH Gioan Phaolô II nói: “Đức Mẹ là Người Nữ
mảnh khảnh mà bền vững vô cùng làm cho lòng chúng ta vui mừng vững vàng vì chắc
chắn rằng Con Rồng ấy không mạnh hơn Bà Đẹp tuyệt vời. Chúng ta hãy luôn bám
chặt lấy Mẹ.”
Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu nói với Thánh Gioan:
“Đây là Mẹ con.” (Ga 19:27) Điều đó xác định Đức Mẹ là Mẹ của Giáo hội,
Mẹ của nhân loại. Chúng ta thực sự hạnh phúc vô cùng, vì được làm con của Đức Mẹ
và được Tết Đức Mẹ trong ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đồng thời chúng
ta tin tưởng sẽ được sum họp với Chúa và Mẹ trên Cõi Trường Sinh!
Lạy Mẹ là Mùa Xuân Ánh Sáng, xin giúp chúng
con mến Chúa và yêu người, đồng thời luôn biết “xin vâng” như Mẹ trong mọi hoàn
cảnh. Xin cảm tạ Mẹ đã ban bao ơn lành hồn xác cho chúng con trong năm qua, xin
tha thứ những thiếu sót của chúng con. Xin giúp chúng con biết siêng năng lần
hạt Mân Côi hằng ngày, luôn thể hiện yêu thương và khiêm nhường ngay từ trong ý
nghĩ, đúng như Con Chúa đã truyền dạy. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Kitô,
Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG, số 365, tháng 01-2017, Dòng CCT xuất bản tại Hoa Kỳ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment