Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

TỪ TRÁI TIM TỚI TRÁI TIM

Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14:15).

Khi nhìn vào vấn đề này, chúng ta thấy lời Chúa rõ ràng: dĩ nhiên chúng ta vâng lời Đức Kitô vì chúng ta yêu mến Ngài! Tuy nhiên, yêu mến Chúa và sống theo các giới răn của Ngài có vẻ như hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Trước tiên, chúng ta là các Kitô hữu, chúng ta được xác định bằng Tình Yêu của Ngài. Chúa Giêsu nói: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Và Ngài đúc kết: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).

Chúng ta biết rằng chúng ta yếu đuối và rất cần tình yêu của Đức Kitô, và chúng ta sung sướng được Ngài yêu thương, tận hưởng sự ấm nồng của tình Ngài tuôn đổ trên chúng ta qua sự hiện diện của Ngài trên thế gian trong Bí tích Thánh Thể.

Nhưng sự hiện diện và tình yêu thương của Ngài cũng thực sự tha thiết trên Thập Giá. Vì Ngài đã “vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8), thế nên chúng ta cũng được mời gọi vâng lời hoàn toàn bằng cách hòa hợp với các mệnh lệnh của Đức Kitô. Mệnh lệnh của Ngài là gì? Ngài đưa ra hai điều: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:37-40).

Chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận bằng cách nào? Nói với họ rằng chúng ta yêu thương họ, và nghĩ về mức độ mà chúng ta yêu thương họ. Đó là sự khởi đầu tốt đẹp, nhưng ý nghĩ và lời nói có tạo nên tình yêu đích thực?

Theo Thánh Phaolô, tình yêu rất đa dạng. Yêu thương là kiên nhẫn và tử tế, không ghen tuông, không khoác lác (giống như dạng “nổ” phổ biến ngày nay), không kiêu căng, không thô lỗ, không làm theo ý riêng, không tức giận, cáu kỉnh hoặc phẫn uất, không vui thú với điều sai, nhưng vui mừng về điều tốt lành. Yêu thương là tha thứ mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, và chịu đựng mọi sự.

Thánh Phaolô nói chi tiết: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:4-8, 13).

Bản chất của yêu thương là sự kết hợp của nhiều nhân đức. Hãy nhìn vào các động từ mà Thánh Phaolô sử dụng để thể hiện tình yêu là gì: “Đức mến THA THỨ tất cả, TIN TƯỞNG tất cả, HY VỌNG tất cả, CHỊU ĐỰNG tất cả”. Đức mến không thể làm gì? Một điều duy nhất: Đức mến không bao giờ mất được. Nghĩa là đức mến không bao giờ kết thúc hoặc cùng đường, đức mến vĩnh tồn.

Yêu quý những gì mạnh mẽ, tinh tuyền và tốt đẹp là hành động vô giá. Thật tuyệt vời khi chúng ta biết chia sẻ chính bản chất và sự sống của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16). Nhưng qua ý muốn tự do chọn lựa, yêu thương không phải là không có giá: từ khi loài người sa ngã, tình yêu thương được “nối kết” với sự đau khổ trên thế gian này.

Hãy cứ yêu thương con người, dù có thể họ sẽ lừa dối bạn, bỏ rơi bạn, chối bỏ bạn, phản bội bạn. Hãy cứ yêu thương mọi con người, và bạn lại mạo hiểm: họ có thể làm bạn tổn thương, làm bạn thất vọng, thử thách bạn, và thậm chí là những gì hoàn hảo nhất rồi sẽ tan biến, chẳng sớm thì muộn.

C.S. Lewis nói: “Không có sự đầu tư an toàn. Yêu thương dễ bị tổn thương. Hãy yêu mọi thứ, và tâm hồn bạn sẽ bị vắt ép và có thể bị tan vỡ. Nếu bạn muốn nó còn nguyên vẹn, bạn đừng trao trái tim mình cho ai, thậm chí đó chỉ là một con vật. Hãy bọc kín cẩn thận với các thú vui và niềm sung sướng, hãy tránh mọi sự rắc rối, hãy khóa cho an toàn trong cái “két sắt” ích kỷ của bạn. Nhưng trong cái két sắt đó – an toàn, tối tăm, bất động, không có không khí – nó sẽ thay đổi. Nó sẽ không bị tan vỡ, không bị xuyên thủng, và không thể cứu vãn. Cách lựa chọn đối với bi kịch đó là sự nguyền rủa. Bên ngoài Nước Trời, nơi duy nhất hoàn toàn an toàn, không gặp nguy hiểm và không sợ hãi vì tình yêu thương, đó là Hỏa Ngục”. [1]

Tình yêu làm tổn thương. Hy sinh và đau khổ vì tình yêu rất đáng giá đối với chúng ta, và cái giá này có vẻ nặng nề hơn phần thưởng trong khi Nước Trời có vẻ còn xa lắc xa lơ về thời gian và không gian (có vẻ hạn chế chúng ta trên thế gian này). Nhưng cách tiếp cận này đối với tình yêu có vẻ nông cạn, mặc dù chúng ta có thể kiếm cách lên Trời. Cuối ngày, khi chúng ta kiểm điểm các điều tốt (nếu chúng ta cảm thấy tự tin!), chúng ta gật gù bằng lòng vì điều tốt nhiều hơn tội lỗi, chúng ta có cảm thấy vui mừng và bình an? Không, thực sự là không.

Chúng ta muốn điều gì đó khác và hơn thế nữa. Những đau khổ mà chúng ta chịu đựng: chúng có thực sự sinh ra khác với mục đích yêu thương? Nếu vậy, chúng có vẻ chỉ có giá trị nếu chúng ta có thể “chuyển đổi” chúng thành bằng chứng của tình yêu. Nhưng nếu mỗi khi chịu đau khổ, mặc dù ghê tởm và khó khăn, không chỉ là phương tiện mà còn là bản chất của đời sống Kitô hữu, những lúc đó chúng ta có gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa? Nếu những lúc đó không mau qua, cũng không hề có niềm vui “anh dũng”, nhưng là thập giá Đức Kitô trao cho chúng ta? Nếu những lúc đó được trao vì yêu thương, là chính những bậc đưa tới sự thánh thiện?

Nếu vậy, mọi thứ đều có giá trị. Trở lại với lời của Thánh Phaolô, tình yêu thương ấp ủ mọi thứ. Đúng vậy, yêu thương nghĩa là đau khổ thường xuyên trên thế gian này, nhưng không có đau khổ nào, dù rất dữ dội, cũng không thể ngăn cản chúng ta chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, sự sống mà chúng ta ấp ủ khi chúng ta yêu thương nhau.

Tại sao phải chịu đau khổ vì yêu thương? Theo bản chất, chúng ta được mời gọi kết hợp với Đấng-là-Tình-Yêu, và đau khổ là cái giá của niềm vui cao cả chỉ được hoàn tất nơi Ngài – Đấng mà chúng ta hằng khao khát. Bởi vì, “Ngài đã tạo dựng chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và tâm hồn chúng con còn bồn chồn cho tới khi được nghỉ ngơi trong Ngài”. [2]

Từ Trái Tim Tới Trái Tim. Đó là 6 mẫu tự T thật tuyệt vời đối với đời sống Kitô hữu của mỗi chúng ta!

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)
Lễ Thánh Gia – 30/12/2016

[1] C.S. Lewis, “Charity”, trong cuốn “The Four Loves” (Orlando, FL: Harcourt, 1960), trang 121.
[2] Thánh Augustinô thành Hippo, trong cuốn “Confessions” (tự thuật, tự thú), I, 1, 1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment