Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

THẰNG NHÓC

Tôi bước vào bưu điện quận Bình Thạnh (Saigon). Một thằng nhóc cầm xấp vé số đến gần tôi. Gầy đét. Cáu bẩn. Xốc xếch. Giọng nói trống không và cộc lốc, khô như ngói: “Mua đi!” Tôi dửng dưng lắc đầu. Nó “cọ” xấp vé số vào tay tôi, giọng vẫn khô khốc: “Mua đi!” Khẽ lắc đầu, tôi bỏ thư vào thùng rồi đến quầy lãnh bưu phẩm.

Vài người khác cũng đang lãnh. Tôi ra ngồi chờ ở chiếc bàn gần đó. Một lúc sau, nó lại xuất hiện đưa xấp vé số cho 2 phụ nữ đang đứng làm thủ tục gởi bưu phẩm. Vẫn giọng điệu cũ: “Mua đi! Mua đi!” Không ai mua. Giọng nó càng ra vẻ “thảm não”. Nó lăn ra đất. Tiếng khóc khô như gió nồm. Đến một giọt nước mắt cá sấu cũng không có. Tôi bắt đầu nghi ngờ “sự nghèo khổ” của nó. Những người “được mời” đều tỏ vẻ ngần ngại. Ngay cả phụ nữ có gương mặt đôn hậu nhất cũng bỗng trở nên “lạnh như tiền” và bỏ đi.

Lãnh bưu phẩm xong. Vừa mở khóa xe, tôi lại phải “gặp” đứa-trẻ-khô-khan-tội-nghiệp ấy. Vẫn bổn cũ soạn lại với cái điệp khúc nhèo nhẹo như băng cassette bị nhão, dai nhách như kẹo chewing gum, rỉ rả bên tai: “Mua đi! Mua đi mà!” Tôi không thèm phản ứng, dù chỉ là cái lắc đầu nhẹ. Nó vẫn không chịu “buông tha” tôi.

Đột nhiên nó lăn ra khóc ngay dưới chân tôi. Nhiệt độ bốc lên mặt nóng ran. Tôi gắt: “Mất dạy!” – giọng tôi chợt khô nóng như cát sa mạc. Có lẽ thế. Thấy vậy, người giữ xe nói với tôi: “Không biết con cái nhà ai mà cứ kỳ ghê. Mời người ta không mua là nó ‘sến’ kiểu đó.”

Lên xe đi. Con đường Lê Văn Duyệt giao thông tấp nập. Tôi miên man suy nghĩ và chợt thấy thẹn với lòng mình vì câu nói hồi nãy đối với thằng nhóc. Nó có được dạy đâu mà “mất dạy” chứ? Có thể là “vô giáo dục” thì đúng hơn. Quái lạ, lại có thể có những đứa trẻ “siêu” đến vậy! Cũng có thể xấp vé số nó rao bán chưa hẳn là những “vé số phận” đích thực như mình tưởng.

Nếu thực sự nó quá nghèo khổ thì rất đáng thương. Trách ai đây? Thời buổi này khó xác định được lúc nào nên thể hiện lòng trắc ẩn. Bởi lẽ, đôi khi, lòng trắc ẩn đặt không đúng chỗ hoặc không đúng lúc sẽ trở nên “đồng lõa” với sự lười biếng hoặc sự lạm dụng nào đó. Thậm chí có những người đã dám coi “hành khất” là một “nghề.” Và có khi chính người lớn biến trẻ em thành “công cụ” với mục đích trục lợi riêng của họ. Nếu vậy, quả là đáng buồn và đáng trách thật! Đáng lên án những kẻ “chăn dắt” đó, còn những đứa trẻ như “thằng nhóc” kia thì vừa đáng thương vừa đáng trách…

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment