Thế giới năm 2016 chứng kiến nhiều biến động, từ những sự kiện chính trị Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ đưa ra phán quyết Biển Đông vào ngày 12-7-2016, bầu cử Mỹ, vụ Brexit,… đến những thảm kịch đau xót như rơi máy bay hay khủng bố.
1. PHÁN QUYẾT BIỂN ĐÔNG
Sự kiện mấu chốt trong tình hình Biển Đông năm nay là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ (PCA) ngày 12-7-2016. Trong phán quyết dài gần 500 trang, tòa kết luận “quyền lịch sử” trên phần lớn diện tích Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là vô hiệu. Đồng thời, hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây thiệt hại nặng nề cho môi trường biển, theo PCA.
2. DONALD TRUMP THẮNG CỬ TỔNG THỐNG MỸ
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 58, diễn ra vào ngày 8-11-2016, cả thế giới vô cùng bất ngờ khi kết quả được công bố: Donald Trump thắng cử. Ông giành được 306 phiếu đại cử tri trong khi bà Hillary Clinton chỉ có 232 phiếu. Đây là lần đầu tiên nước Mỹ có tổng thống là một tỷ phú và chưa hề có kinh nghiệm chính trị. Mặc dù có nhiều cuộc biểu tình phản đối Trump sau bầu cử, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng ông sẽ đem lại sự thay đổi cần thiết cho nước Mỹ. Sự kiện này cũng có tác động lớn đến bàn cờ chính trị thế giới.
3. ANH RỜI EU (Brexit)
Một sự kiện chính trị rất nổi bật của thế giới năm 2016 đó là cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU ở Vương quốc Anh. Ngày 23-6-2016, đa số người Anh đã bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), với số phiếu 52% muốn rời đi và 48% ở lại. Sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh lúc đó, David Cameron tuyên bố từ chức. Thủ tướng mới, bà Theresa May, lên cầm quyền.
Hiện chưa rõ quá trình Anh rời EU sẽ kéo dài bao lâu, nhưng dự kiến sẽ hoàn thành vào mùa hè năm 2019.
4. LÃNH TỤ CUBA QUA ĐỜI
Fidel Castro, cựu Chủ tịch và là biểu tượng cách mạng Cuba, qua đời vào ngày 25-11-2016, hưởng thọ 90 tuổi. Lãnh dụ Fidel Castro đã lật đổ chế độ độc tài quân sự Batisa, lên lãnh đạo Cuba từ năm 1959, tuyên bố đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản từ cuối năm 1961. Fidel là người luôn đấu tranh vì tinh thần độc lập dân tộc, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng của người dân Cuba. Ông chuyển giao chức vụ cho em trai là Raul Castro vào năm 2011.
Mặc dù Cuba ngày nay có những đổi thay dưới thời lãnh đạo mới Raul Castro, ví dụ tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng những di sản của Fidel để lại như hệ thống y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội... là những thành quả to lớn mà không có mấy quốc gia đạt được.
5. ĐẢO CHÍNH QUÂN SỰ Ở THỔ NHĨ KỲ
Ngày 15-7-2016, một nhóm nhỏ trong Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ông Erdogan may mắn thoát chết và kêu gọi người dân xuống phố để thể hiện sự ủng hộ chính quyền. Kết quả là, cuộc đảo chính thất bại. Khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 2.100 người bị thương. Khoảng 40.000 khác cũng bị bắt giữ vì liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành. Tổng thống Erdogan tiếp tục nắm quyền.
6. TÂN TỔNG THỐNG PHILIPPINES VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG MA TÚY
Năm 2016, thế giới cũng dồn sự chú ý vào một quốc gia châu Á. Philippines và Tổng thống đắc cử hồi tháng 5, ông Rodrigo Duterte, xuất hiện trên tiêu đề của nhiều báo quốc tế với chiến dịch càn quét tội phạm ma túy gây tranh cãi. Cho đến nay, hơn 5.900 người bị bắn chết bởi cảnh sát và những tay súng không xác định trong chiến dịch chống ma túy được khởi xướng bởi ông Duterte. Ông từng nói với người dân vào ngày 18-8-2016: “Hãy bắn chúng (những người buôn bán và sử dụng ma tuý) và tôi sẽ bảo vệ các bạn”.
7. CÁC VỤ KHỦNG BỐ KINH HOÀNG
Tối ngày 14-7-2016, một kẻ tấn công (sau này đc xác định tên là Mohamed Lahouaiej Bouhle) đã lái xe tải hạng nặng lao vào đám đông xem pháo hoa ở thành phố Nice, nước Pháp. Đây dường như là vụ khủng bố kinh hoàng nhất của năm, với 84 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm vụ khủng bố.
Trước đó, ngày 22.3, IS cũng đã đánh bom liên tiếp vào sân bay và nhà ga của thủ đô Brussels, Bỉ, khiến 32 người thiệt mạng và 340 người bị thương.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nổi bật nhất là vụ đánh bom liều chết ở sân bay Ataturk, thành phố Istanbul ngày 28-6-2016 khiến 45 người thiệt mạng; và vụ đánh bom đám cưới ở Gaziantep khiến 57 người thiệt mạng ngày 20-8-2016.
Một vụ xả súng cũng đã rúng động nước Mỹ khi lấy đi sinh mạng của 49 người trong một hộp đêm ở Orlando (Mỹ) ngày 12-6-2016.
Nhìn chung, năm 2016 là năm thể hiện rõ xu hướng “con sói đơn độc”, khi rất nhiều vụ khủng bố chết chóc được thực hiện bởi cá nhân chứ không phải tổ chức khủng bố lớn.
8. HỘI NGHỊ G20
Hội nghị G20 được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 4 đến 5-9-2016, có sự tham gia của lãnh đạo 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Nga và một số nước châu Á như Indonesia, Nhật Bản. "Nhóm Hai mươi" (G20) là diễn đàn hàng đầu để thảo luận các vấn đề về hợp tác kinh tế và tài chính toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “ghi điểm” trên sân nhà và quốc tế bởi việc tổ chức thành công hội nghị chính trị quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc, theo các nhà phân tích. Đây cũng là dịp để Trung Quốc thể hiện quyền lực mềm và gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế.
9. THẢM KỊCH MÁY BAY RƠI
Năm 2016, hai vụ tai nạn máy bay kinh hoàng nhất đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Đầu tiên là vụ máy bay của hãng hàng không EgyptAir rơi ở đảo Karpathos, Ai Cập ngày 19-5-2016 khiến toàn bộ 66 người trên máy bay thiệt mạng. Đến giờ vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân tai nạn, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng có thể máy bay gặp sự cố liên quan đến lửa.
Mới đây nhất, một máy bay chở 77 người, trong đó có một CLB bóng đá của Brazil, rơi ở Colombia ngày 28-11-2016. Chỉ có 6 người sống sót sau vụ tai nạn được cho là xảy ra do lỗi kĩ thuật.
(sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment