Từ thế kỷ III – IV, người ta đã thấy xuất hiện danh xưng “Mẹ Thiên Chúa.” Theo tiếng Hy Lạp, Theotókos [θeoˈtokos] nghĩa là “người mang Thiên Chúa,” trở nên tiêu chuẩn của giáo huấn Giáo Hội về Mầu nhiệm Nhập thể. Công đồng Êphêsô năm 431 nói rằng các thánh giáo phụ đã đúng khi tôn xưng Đức Mẹ là Theotókos.
Khi bế mạc công đồng này, nhiều người
đã cùng đi diễu hành và hô to: “Tôn vinh
Đấng Theotókos!” Truyền
thống đó còn tới ngày nay. Trong chương nói về vai trò của Đức Maria trong Giáo
Hội, Hiến chế về Giáo Hội (Dogmatic Constitution on the Church,
Công đồng Vatican II) đã 12 lần tôn xưng Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa.”
Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta
biết rằng tôn danh “Mẹ Thiên Chúa” đã được người chị họ Êlidabét – mẹ của Thánh
Gioan Tẩy Giả – sử dụng lần đầu tiên, khi hai chị em gặp nhau: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và
người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa (của) tôi đến với tôi thế
này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy
lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người
đã nói với em.” (Lc 1:42-45)
Những người theo trào lưu chính thống
cảm thấy “ái ngại” khi Đức Mẹ được tôn vinh là Thánh Mẫu Thiên Chúa. Tuy nhiên,
phản ứng của họ thường dựa vào sự hiểu lầm – không chỉ về danh xưng của Đức Mẹ
mà còn về Chúa Giêsu là ai, điều mà các nhà thần học và các nhà cải cách Tin
Lành đã đề cập và có liên quan giáo lý này.
Một phụ nữ là mẹ
của một con người nếu phụ nữ đó mang thai người đó hoặc di truyền nửa tổng số
gen cho người đó. Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu theo cả hai nghĩa này, vì Đức
Maria không chỉ mang thai Đức Giêsu mà còn di truyền gen cho thân thể Ngài, do
đó mà qua Đức Maria – chứ không phải Đức Giuse, Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua
Đa-vít về phương diện nhục thể.
Giáo Hội mừng
kính Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm dương lịch, cũng là ngày cầu xin hòa bình cho
thế giới. Mẹ luôn kỳ diệu, không ai hiểu hết tình mẫu tử. Có một sự trùng hợp
kỳ lạ: Mẹ hoặc Má (tiếng Việt), Mother (Mom, Mum – tiếng Anh), Mère (Maman –
tiếng Pháp), Mutter (Mumie – tiếng Đức), Madre (Mamá – tiếng Tây Ban Nha),
Madre (Mamma – tiếng Ý), Moeder (Mummie – tiếng Hà Lan),… Nhưng khi gọi Cha thì
các nước không dùng chung âm mở đầu, mỗi nước mỗi khác. Phải chăng đây là “đặc
cách” mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ, Mẹ của những người Mẹ, và tất cả những
phụ nữ làm Mẹ?
Người ta nhận thấy có hai điều thú vị về cha mẹ: [1] Mẹ khởi đầu cho cuộc
sống, tình yêu và hạnh phúc; [2] Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh. Mẹ
là “nội tướng” tạo sự êm ấm trong gia đình. Bàn tay phụ nữ thật kỳ diệu, làm
những việc-không-tên, nhưng thiếu bàn tay của người mẹ thì mọi thứ trở nên bừa
bộn. Tất nhiên người cha cũng có một vị trí nhất định. Người mẹ và người cha bổ
túc lẫn nhau để duy trì gia đình trong ấm ngoài êm.
Người Anh có câu: “Người ta có thể
mua tất cả, trừ cha mẹ.” Cha hoặc mẹ đều có vị trí và vị thế không thể hoán đổi, nhưng mẹ luôn dễ
gần gũi hơn. Mẹ là tất cả của cuộc đời con cái, mẹ như gà mẹ xòe cánh che chở
con khỏi bị diều hâu làm hại: “Nơi ẩn náu
yên ổn nhất là lòng mẹ.” (Florian) Mẹ được ví
von bằng những gì giản dị, gần gũi và thân thiết nhất: Vầng trăng, khúc ca dao,
cổ tích, quê hương, lọn mía, nải chuối, buồng cau, tiếng dế,... Còn ca dao Việt
Nam so sánh:
Xin được “mở
ngoặc” nhỏ: Chuối Ba Hương là chuối Bà Hương. Sách “Vân Đài Loại Ngữ” nói đó là
chuối Ba Tiêu, ở xứ Giao Châu có nhiều loại chuối, trong đó có chuối lùn (bà
lùn). Từ đó nhân gian suy nghĩ thêm chuối Bà Lùn cùng “ruột thịt” với chuối Ba
Hương và tồn tại từ buổi khê động hái lượm xứ Giao Châu. Xôi nếp một còn
gọi là xôi nếp mật, người ta có món xôi mật; mía lau là một loại mía ngọt lịm,
dùng để làm đường. Nói chung, đó là những thứ ngon ngọt nhất và đậm đà “chất”
quê hương – vì Mẹ là Quê Hương. Ca dao Việt Nam ân cần đề cao công lao của cha
mẹ:
Mẹ là câu chuyện
cổ-tích-có-thật nghe mãi không chán, và cũng không ai khả dĩ hiểu hết Tình Mẫu
Tử. Nói đến song thân phụ mẫu, người ta đề cập chín đức cù lao: [1] Sinh (cha
mẹ đẻ ra), [2] Cúc (nâng đỡ), [3] Phủ (vỗ về vuốt ve), [4] Súc (cho ăn bú mớm),
[5] Trưởng (nuôi nấng thể xác), [6] Dục (giáo dưỡng tinh thần), [7] Cố (trông
nom, nhìn ngắm), [8] Phục (quấn quít, săn sóc không ngừng), [9] Phúc (ẵm bồng,
gìn giữ, lo cho con đầy đủ, sợ con bị ăn hiếp).
Nói đến tình cha
nghĩa mẹ thì phải cũng phải nói tới trách nhiệm của người con. Những người
trung niên trở lên chắc hẳn còn nhớ tập truyện “Nhị Thập Tứ Hiếu,” [*] đó là
gương hiếu thảo của 24 người con, do Quách Cư Nghiệp kể lại. Có điều “lạ” là
trong 24 hiếu tử đó, đa số lại là nam giới. Ước gì cuộc đời có thật nhiều nhưng
tấm gương hiếu thảo như vậy!
Nhưng thật buồn
thay, vì trần gian vẫn có những nghịch tử bất nhân với chính đấng sinh thành
của mình. Một trong các nghịch tử đó là Hoàng Khắc Thắng (25 tuổi), ngụ xóm 25,
xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thắng bị bắt ngày 4-12-2013 vì tội
nhẫn tâm đánh chết mẹ ruột là bà
Nguyễn Thị Đấu (68 tuổi).
Nguyên nhân: Tối
2-12-2013, Thắng đi làm về nhưng chưa thấy mẹ nấu cơm nên gọi hỏi mẹ. Bà Đấu bị
ốm nên không dậy nấu cơm được. Nghe vậy, Thắng vừa chửi bới vừa xông vào
dùng tay và dép đánh tới tấp vào người bà. Hàng xóm nghe tiếng kêu chạy sang,
đập cửa nhưng Thắng không mở. Khi bị dọa báo công an, Thắng mới dừng tay. Thấy
bà Đấu bị thương, hàng xóm đã gọi điện báo công an và đưa bà đi cấp cứu tại trạm
y tế xã Nghi Phương. Hàng xóm còn cho biết rằng Thắng thường xuyên đánh đập mẹ,
nhiều hôm bà Đấu phải trốn sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Thật đau lòng mẹ!
Sau một đêm cấp
cứu, tình trạng bà Đấu xấu hơn nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi
Lộc. Các bác sĩ phát hiện bà bị nhiều vết thương sưng tím bầm ở gáy, đầu, mặt
và hai cánh tay. Sau hai ngày điều trị, bà Đấu đã tử vong vào sáng 4-12-2013.
Nghịch tử Thắng có bị xử tử cũng không thể đền bù tội lỗi. Khốn nạn thay cho
những nghịch tử như Thắng!
Chữ Mẹ chỉ có hai
mẫu tự, thế mà con cái viết cả đời chưa xong. Mẹ luôn là điều kỳ diệu, bí ẩn,
không ai hiểu hết. Trong thi phẩm “Con Cò,” thi sĩ Chế Lan Viên (1920-1989) nói
về tình mẫu tử: “Con dù lớn vẫn là con
của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.” Thật cảm động biết bao! Cố NS Y
Vân cũng trút niềm cảm phục tình mẹ qua ca khúc nổi tiếng “Lòng Mẹ” mà hầu như
ai cũng đã hơn một lần ngâm nga: “Lòng mẹ
bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt
ngào...” Còn ca dao Việt Nam so sánh tình cha mẹ, đồng thời khuyên răn
những người con:
Đối với người mẹ
trần gian, ngạn ngữ Trung Hoa xác định: “Phúc
đức tại mẫu.” Quả đúng là vậy, chính Đại đế Napoléon I đã nhận xét: “Tương lai của con là công trình của mẹ.”
Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng trái tim người mẹ vẫn là kỳ quan tuyệt vời nhất.
Nói về người mẹ
tâm linh – Thánh Mẫu Maria, Thánh GM Denis (cũng gọi là Dionysius, tử đạo
khoảng năm 258) xác định: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng
hư mất, là niềm hy vọng của
những người không còn hy vọng.”
Ngày xưa, Thiên
Chúa đã phán với ông Môsê: “Hãy nói với
A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói
thế này: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét
mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và
ban bình an cho anh em! Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ
của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.” (Ds 6:23-27)
Ai cũng yêu quý
hiếu tử, nhưng có trở nên hiếu tử hay không lại là chuyện khác. Nếu chúng ta thực
sự là hiếu tử thì mới xứng đáng dâng lời cầu nguyện này: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng
ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn
cứu độ của Ngài.” (Tv 67:2-3) Nếu đúng như vậy, chắc chắn Thiên Chúa sẽ rất
vui mừng chấp nhận và sẵn sàng chúc lành cho chúng ta!
Theo
đạo-làm-người, tu thân là điều kiện tiên quyết trong “tu luật” của mọi người:
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Có tu tâm sửa tính thì mới đủ đức độ
để mà “tề gia,” rồi mới có thể “trị quốc” và “bình thiên hạ.” Những người có
quyền mà không có đức thì chỉ “hành” người khác và làm rối loạn xã hội. Rất
nguy hiểm! Tác giả Thánh Vịnh hy vọng và cầu chúc: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ
công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân
trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng
thanh cảm tạ Ngài.” (Tv 67:5-6)
Là hậu sinh, và
diễm phúc được lãnh nhận đức tin, chúng ta hãy đồng tâm nhất trí cầu xin: “Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước
chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:8) Được như vậy thì mới là được
hưởng nền hòa bình đích thực và vĩnh cửu.
Chúa Giêsu là
Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, Ngài đã đến thế gian lần thứ nhất, và Ngài
sắp trở lại lần thứ nhì với tư cách Vua Công Lý. Thời gian này là thời gian
chạy nước rút – giống như trong các cuộc thi điền kinh hoặc đua xe đạp. Thánh
Phaolô nói: “Khi thời gian tới hồi viên
mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống
dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn
làm nghĩa tử.” (Gl 4:5) Đó là đại phúc chúng ta được tận hưởng.
Đại phúc đó không
hề mơ hồ hoặc viễn vông, mà rất thật: “Để
chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự
trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’. Vậy anh em không còn phải là nô
lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl
4:6-7) Chỉ là những tội nhân khốn nạn, giống như các tử tội, thế mà chúng ta lại
được trắng án; và không chỉ vậy, chúng ta còn được nhận làm con và được quyền
thừa kế gia sản. Sự thật mà hầu như không thể tin được, chúng ta tưởng như giữa
giác mơ, (Tv 126:1) nhưng đó lại là sự thật minh nhiên!
Thật hạnh phúc vì
chúng ta đang trào dâng niềm tin kính và vui mừng kỷ niệm sự kiện trọng đại: Chúa
Con giáng sinh. Hôm nay, Giáo Hội kính mừng Mẹ Thiên Chúa. Đó là một cách “nối
kết” rất lô-gích. Thánh sử Luca tường thuật: “Các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng
với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16) Lời kể ngắn gọn nhưng vẫn có
thể phác họa “chân dung” một gia đình, trong đó có Người Mẹ, với Thánh Gia thì
có Mẹ Thiên Chúa.
Sau khi đã biết
điều quan trọng, các mục đồng liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi
này. Khi nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Ôi, không
“tròn mắt” sao được khi nghe những điều “khác thường” như vậy! Thánh Luca mô tả
thêm: “Còn Cô Maria thì hằng ghi nhớ mọi
kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2:19) Đó là bản chất phụ
nữ, “phong cách” của người mẹ là thế: Chịu đựng, âm thầm, lặng lẽ, khiêm
nhường, chịu lụy, dịu dàng,… Riêng các người chăn chiên, Thánh Luca cho biết
rằng “họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được
mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.” (Lc 2:20)
Sự thật minh
nhiên được ghi lại trong Kinh Thánh: “Khi
Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên
cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người
được thụ thai trong lòng mẹ.” (Lc 2:21) Câu này nói về Người Con nhưng vẫn
mặc nhiên nói đến Người Mẹ, nói đến Tình Mẫu Tử, nói đến Lòng Mẹ của Đức Maria
– người được vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa và được là người-mang-Thiên-Chúa.
Điều quan trọng cần ghi nhớ: Mẹ Thiên Chúa đã
hiện ra với ba trẻ tại Fátima (1917), mỗi chúng ta phải luôn nghiêm túc tự xét
mình qua ba mệnh lệnh của Đức Mẹ: [1] Tôn sùng Mẫu Tâm, [2] Lần Chuỗi
Mai Côi, và [3] Canh tân đời sống. Được như vậy thì chắc chắn có hòa bình
đích thực. Nhưng nên lưu ý, hòa bình có hai dạng: Hòa bình xã hội và hòa bình
tâm hồn. Có hòa bình tâm hồn, hòa bình tâm linh, tất nhiên sẽ có hòa bình xã
hội. Chiến tranh bom đạm, dù là nguyên tử hoặc hạt nhân, cũng không độc hại
bằng chiến tranh tinh thần!
Trong Nhật Ký, Thánh
nữ Maria Faustyna Kowalska (1905-1938) cho biết: “Tôi càng bắt chước Mẹ Thiên Chúa, tôi càng nhận biết Thiên Chúa. – The
more I imitate the Mother of God, the more deeply I get to know God.” (số
843)
Có người mẹ hiền
đảm đang thì gia đình sẽ êm ấm, gia đình nào cũng trên thuận dưới hòa thì xã
hội sẽ an ninh, xã hội an ninh thì đất nước sẽ bình an, đất nước nào cũng bình
an thì thế giới sẽ hòa bình. Đó là điều ai cũng mong muốn, vậy hãy bắt đầu mọi
thứ từ gia đình để có thể thay đổi thế giới!
Lạy Thiên Chúa, lại một năm nữa vừa qua đi, và một
năm mới vừa khởi đầu, xin tha thứ những lỗi lầm của chúng con trong năm cũ, và
xin chúc lành cho chúng con trong năm mới này. Xin giúp chúng con biết sống
đúng tinh thần yêu thương để kiến tạo hòa bình ở những nơi chúng con hiện diện,
xin cho bất kỳ ai gặp chúng con cũng gặp được Ngài nơi chúng con, và họ khả dĩ
nhận biết chúng con là môn đệ của Ngài. Xin Thánh Mẫu Thiên Chúa nguyện giúp
cầu thay và hướng dẫn chúng con trên mọi nẻo đường trần gian đầy bất trắc này. Chúng
con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] 1. Ngu Thuấn (虞 舜, tức vua Thuấn): hiếu cảm động trời;
2. Lưu Hằng (刘 恆, tức Hán Văn Đế): người con nếm thuốc; 3. Tăng Sâm (曾 参): mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót;
4. Mẫn Tổn (闵 损): nghe lời mẹ
với quần áo đơn giản; 5. Trọng Do (仲 由): vác gạo nuôi cha mẹ; 6. Đổng Vĩnh (董 永): bán thân chôn cha; 7. Đàm Tử (郯 子): cho cha mẹ bú sữa hươu; 8. Giang
Cách (江 革): làm thuê nuôi mẹ; 9. Lục Tích (陆 绩): giấu quýt cho
mẹ; 10. Đường phu nhân (唐 夫 人): cho mẹ chồng bú sữa; 11. Ngô Mãnh (吳 猛): cho muỗi hút máu; 12. Vương Tường (王 祥): nằm trên băng chờ cá chép; 13.Quách
Cự (郭 巨): chôn con cho mẹ; 14. Dương Hương (杨 香): giết hổ cứu
cha; 15. Châu Thọ Xương (朱 寿 昌): bỏ chức quan tìm mẹ; 16. Dữu Kiềm
Lâu (庾 黔 娄): nếm phân lo âu; 17. Lão Lai Tử (老 莱 子): đùa giỡn làm vui cha mẹ; 18. Thái
Thuận (蔡 顺): nhặt dâu cho mẹ; 19. Hoàng Hương (黄 香): quạt gối ấm chăn; 20. Khương Thi (姜 诗): suối chảy, cá
nhảy; 21. Vương Bầu (王 裒): nghe sấm, khóc mộ; 22. Đinh Lan (丁 兰): khắc gỗ thờ
cha mẹ; 23. Mạnh Tông (孟 宗): khóc đến khi măng mọc; 24. Hoàng Đình Kiên (黄 庭 坚): rửa sạch cái
bô vệ sinh của mẹ.
▶ Kính Mừng Mẹ Thiên Chúa – https://youtu.be/tKAa3LcLY_A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment