“Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, xe chữ đồng. Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ, canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa…” (Đêm Thánh Vô Cùng – Still Nacht! Heilige Nacht! – Nhạc: Franz Xaver Gruber, lời Việt: Hùng Lân) Đó là lời thánh ca quen thuộc với rất nhiều người mỗi khi Giáng Sinh về.
Đêm Con Chúa giáng trần, mặc xác phàm và ở với nhân loại. Còn niềm vui nào hơn? Niềm vui khôn tả khi người dưới được người trên đến thăm; thần dân vô cùng hạnh phúc khi được nhà Vua ghé vào “tệ xá” của mình; dân tình khốn khổ vì thấp cổ bé miệng sẽ trở nên sung sướng khi được tổng thống lưu ý;… Thế thì không vui sướng tột cùng sao được khi Thiên Chúa đến với chúng ta?
Giáo hội quen dùng tán tụng ca của các thiên thần hát vang trong đêm Con Chúa sinh tại Bêlem: Gloria in excelsis Deo – Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Ngôn ngữ loài người không thể đủ để diễn tả niềm hạnh phúc tuyệt đỉnh này! Nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach đã sáng tác bản nhạc tôn giáo “Gloria” vào năm 1733, và khoảng năm 1745, ông viết bản “Gloria in excelsis Deo” [https://www.youtube.com/watch?v=izVzruuk1lc] cũng theo “phong cách” như bản “Gloria.” Bản “Gloria in excelsis Deo” đã được cất tiếng hát vang vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1745 để mừng đón hòa bình sau những đợt chiến tranh Salesia giữa Áo quốc và Prussia.
Ngôn sứ Isaia nói: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám
người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is
9:1) Tại sao? Vì nhiều lý do được ngôn sứ Isaia liệt kê: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng
vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan
khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai
họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân
Mađian. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem
thiêu, làm mồi cho lửa. Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã
được ban tặng cho ta.” (Is 9:2-5a)
Trẻ Thơ đó chính là Con Thiên Chúa, là Đấng
đến giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và quyền lực của bóng tối. Đêm nay là Đêm
Bình An, là Đêm Giao Hòa Đất Trời, là Giờ Hạnh Phúc, là Ngày Độc Lập, là Ngày
Quốc Khánh Tâm Linh của cả nhân loại.
Đấng Cứu Thế đầy uy lực và với nhiều danh
hiệu: “Người gánh vác quyền bính trên
vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn
thuở, Thủ Lãnh hoà bình.” (Is 9:5b) Không dừng ở mức đó, mọi sự vẫn không
ngừng tiếp diễn: “Người sẽ mở rộng quyền
bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít.
Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công
minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo
binh sẽ thực hiện điều đó.” (Is 9:6)
Niềm vui nối tiếp niềm vui kể từ hôm nay,
ngày Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, và Người là Đức Kitô, là Thiên
Chúa của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải thể hiện niềm vui sướng đó bằng cách “reo
hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời
cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:2) Có thể có người muốn
biết lý do cho hai năm rõ mười. Đây là lý do: “Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần, nắm
trong tay bao vực sâu lòng đất, giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao. Đại dương
Chúa đã tạo thành là của Chúa, lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về
Người.” (Tv 95:3-5)
Tác giả Thánh vịnh không giấu được niềm vui
nên kêu gọi mọi người: “Hãy vào đây, ta
cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người
là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn
dắt.” (Tv 95:6-7) Được tôn thờ Ngài là đại phúc đối với chúng ta. Việc ca
tụng Ngài chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng lại sinh ích lợi và kéo hồng ân xuống cho
chính chúng ta.
Thánh Phaolô xác nhận: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho
mọi người.” (Tt 2:11) Tuy nhiên, “ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối
sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức
ở thế gian này.” (Tt 2:12) Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong
đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất
hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát
khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân
riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.” (Tt 2:14) Vấn đề là “hăng
say làm việc thiện,” vậy mới là sống tích cực, chứ không chỉ sống tiêu cực là
“xa điều xấu, tránh điều ác.”
Theo lời kể của Thánh sử Luca: Thời ấy, hoàng
đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là
cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri.
Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành
Nadarét, miền Galilê, lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông
thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành
hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà
Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc
con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Lời kể ngắn gọn nhưng chất chứa cả khoảng
thời gian dài, không gian mênh mông và biết bao nỗi cơ cực. Đường sá xa xôi,
trời lại tối và giá lạnh, tìm chỗ nghỉ đêm thì bị từ chối thẳng thừng, không
được chút động lòng trắc ẩn – dù chỉ là thương hại. Khổ thật!
Nhưng trong cái xui luôn có cái hên. Tại vùng
ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.
Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh,
khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Sợ đến chết đứng như Từ Hải luôn chứ nói chi tới
hãi hùng. Đang đêm tối đen như đêm 30, đen thui như mõm chó, trăng không có,
điện đóm cũng không, thế mà bỗng dưng sáng chói hơn đèn cao áp, dù không hề có
“những ánh mắt hỏa châu,” mà họ chỉ là những trẻ mục đồng nghèo hèn và thất học
– như Việt Nam gọi là lũ trẻ chăn trâu hoặc chăn bò, thế thì hỏi sao không chết
đứng cho được?
Nhưng sứ thần đã động viên họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một
tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã
sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc
2:10-11) Các mục đồng chẳng đáng là “cái đinh gỉ” trước mặt người đời, thế mà
họ lại là những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng. Họ quả là đại phúc!
Thiên thần “mách nước” cho họ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em
sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12) Và như để
củng cố niềm tin cho họ, bỗng dưng muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất
tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên
Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14)
Hình như văng vẳng tiếng bổng trầm và nhịp
nhàng của Đức Mẹ đang nhẹ ru Hài Nhi Giêsu:
Lạy
Thiên Chúa Cha, chúng con cảm tạ Cha đã ban chính Ngôi Con đến thế gian để cứu
độ chúng con. Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con cảm tạ Ngài đã thánh hóa và dẫn
đường chỉ lối cho chúng con nhận biết Hài Nhi sinh ra nơi hang lừa là Đấng Cứu
Thế.
Lạy
Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, chúng con cảm ơn nhị vị đã vâng lời Thiên Chúa
mà chấp nhận mọi gian nan để trao Đấng Cứu Thế cho chúng con.
Lạy
Thánh Nhi Giêsu, chúng con cảm tạ Ngài đã đến ở với chúng con. Xin giúp chúng
con hưởng trọn Niềm Vui Giáng Sinh và Hồng Ân Cứu Độ. Nhờ Thánh Danh Hài Đồng Giêsu,
Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment