Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

HÚT THUỐC CÓ THỂ TÀN PHÁ DNA VĨNH VIỄN

Hút thuốc có thể tàn phá DNA vĩnh viễn, theo một nghiên cứu mới.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lão hóa Hebrew SeniorLife có liên kết với Trường Y Harvard cho biết hút thuốc lá để lại tác hại lâu dài lên DNA.
“Nghiên cứu của chúng tôi tìm thấy bằng chứng thuyết phục rằng hút thuốc có ảnh hưởng lâu dài lên DNA của chúng ta, tác động này có thể kéo dài hơn 30 năm,” nhà nghiên cứu Roby Joehanes, tác giả cuộc nghiên cứu cho biết. “Nhưng điều khích lệ là một khi ngừng hút thuốc, sau 5 năm, đa số các tín hiệu methyl hóa DNA trở lại mức như người chưa từng hút thuốc, nghĩa là cơ thể bạn cố gắng tự phục hồi sau các tác động tai hại của việc hút thuốc lá.”
Người ta tin rằng các loại bệnh như bệnh tim và ung thư một phần do DNA bị tổn thương.
Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học xem các mẫu máu của 16.000 người. Họ nhận thấy rằng trong hầu hết các trường hợp, tổn thương DNA do hút thuốc lá phai nhạt dần ở những người bỏ hút thuốc trong 5 năm. Một số tổn thương dường như tồn tại vĩnh viễn.
Các tổn hại cho DNA là kết quả của quá trình gọi là methyl hóa, làm thay đổi chức năng của DNA, có thể dẫn đến ung thư và các bệnh khác. Các nhà nghiên cứu nói trong số những người được nghiên cứu, những người hút thuốc chịu những thay đổi tới hơn 7.000 gen hoặc khoảng một phần ba các gen được biết đến.
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của các căn bệnh có thể ngăn ngừa và cũng là nguyên nhân gây tử vong khoảng 480.000 người Mỹ mỗi năm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Trên toàn cầu, hút thuốc được cho là nguyên nhân gây thiệt mạng hơn 6 triệu người mỗi năm, chủ yếu qua ung thư, bệnh tim và bệnh phổi.
Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ hút thuốc đã giảm đáng kể, với khoảng 15% dân số trưởng thành hút thuốc.
Nghiên cứu này sẽ được công bố trên tạp chí Circulation: Cardiovascular Genetics, số ra tháng 10. Đây là tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment