Hạnh phúc không có nghĩa là sở hữu mọi thứ hoàn hảo, mà là biết can đảm nhìn xa hơn các khuyết điểm của mình và của người khác. Thật là không dễ, thế nên mới phải cố gắng không ngừng, từng giây, từng phút... Hãy cố gắng nhận thức về quá khứ của mình – dù xấu xa và hèn hạ, cứ hy vọng và vững tin vào tương lai, rồi chấp nhận mình là chính mình. Đó là một cách từ bỏ và chấp nhận.
Tác giả Brian Tracy (sinh ngày 5-1-1944 tại Vancouver,
Canada) một người viết về chủ đề tự-giúp-bản-thân, nhận định: “Món quà lớn nhất mà bạn có thể trao cho
người khác là tặng phẩm của tình yêu vô điều kiện và sự chấp nhận – The
greatest gift that you can give to others is the gift of unconditional love and
acceptance.” Sự chấp nhận ở đây là cách chấp nhận vui vẻ chứ không miễn
cưỡng.
Có nhiều động từ cần thiết, nhưng có lẽ BỎ và
NHẬN là hai động từ quan trọng: Bỏ những cái xấu xa để nhận những điều tốt
lành. Cần phải khôn ngoan kẻo hóa thành “thả mồi, bắt bóng.” Với các Kitô hữu
có dạng “cao cấp” hơn: từ bỏ chính mình và đón nhận thập giá của cuộc đời (của
mình và của người). Quả là “căng” thật đấy!
Thánh tiến sĩ Teresa Avila nói: “Cái gọi là đầy tớ trung thành của Thiên
Chúa chính là ở trong việc yêu người như yêu chính mình, có một ý chí cương
quyết không lay động, liên tục sống theo Thánh Ý của Thiên Chúa, giữ cho tâm
hồn khiêm tốn, mộc mạc và trông cậy vào Thiên Chúa.” Thánh nhân không trực
tiếp dùng chữ “bỏ” và “nhận,” nhưng chúng ta vẫn khả dĩ nhận thấy bóng dáng của
hai động thái đó.
Tác giả sách Khôn Ngoan thân thưa cầu nguyện:
“Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của
Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng con vốn là loài
phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững. Quả vậy, thân xác dễ hư nát
này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo
nghĩ trăm bề.” (Kn 9:13-15)
Phàm nhân là vậy, như Chúa Giêsu đã nói: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại
yếu hèn.” (Mt 26:41) Chỉ là bụi cát nhỏ nhoi, nay còn, mai mất, thế mà lúc
nào cũng chỉ muốn nổi loạn, bởi vì “cái tôi” luôn to lớn nên lúc nào cũng phải
hơn người khác, kém thua một chút là khó chịu, thậm chí còn dám “coi trời bằng
vung” nữa. To gan, lớn mật thật!
Từ bỏ “cái tôi” là từ bỏ chính mình. Thật là
khó. Khó lắm! Nhưng không bỏ không được, vì nó xấu, là cái đáng ghét. (Pascal)
Vả lại, không bỏ nó thì không thể nên người mới, không biến đổi thành con người
mới thì không thể hoàn thiện, không hoàn thiện thì không thể lên trời và không
thể nên thánh.
Tác giả sách Khôn Ngoan so sánh: “Những gì thuộc hạ giới, con đã khó mà hình
dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được thì những
gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng? Ý định của Chúa, nào ai biết
được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần
khí thánh? Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì
thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn
Ngoan mà được cứu độ.” (Kn 9:16-18)
Những thứ phàm tục chẳng là gì, thế mà vẫn
nhiêu khê và bí ẩn, huống chi những điều trên trời, chúng ta chẳng thể nào hiểu
được khi còn đang “tạm trú” nơi thân xác này. Không ai trường sinh, bất tử. Đó
là điều chắc chắn, là quy luật muôn thuở. Thế mà người ta có ngán gì đâu. Máu
sôi và bốc lên tới chỏm rồi, nếu có “xả láng, sáng về sớm” cũng chỉ là chuyện
nhỏ. Và như đã nói trên đây, trời cũng chỉ như “cái vung” mà thôi!
Thánh Vịnh dẫn chứng rạch ròi: “Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài
phán bảo: ‘Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!’ Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa
hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi! Ngài cuốn đi, chúng
chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.” (Tv 90:3-6) Đó là sự thật. Đời người
tưởng dài mà ngắn, chẳng khác chi đóa phù dung, sớm nở và tối tàn, thế mà đổi
màu sắc liên tục – tượng trưng thất tình và lục dục của con người. [*]
Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống.
Người biết là người khôn ngoan, biết biến đổi cái bình thường và tầm thường trở
nên siêu phàm. Tác giả Thánh Vịnh là người khôn ngoan nên đã biết cầu nguyện
chí lý: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày
mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến
bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho
đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (Tv
90:12-14) Cầu nguyện chân thành như thế thì làm sao Thiên Chúa chối từ cho
đành! Cầu nguyện như vậy là khôn ngoan, còn “người thiếu khôn ngoan là kẻ ngu
đần.” (Hc 19:23) Sách Huấn Ca cho biết thêm: “Bước đầu của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa. Lòng kính sợ Đức Chúa là
tuyệt đỉnh của khôn ngoan.” (Hc 1:14 & 18) Đức khôn ngoan vô cùng quan
trọng trong cuộc sống!
Phàm nhân có khôn ngoan tới mức nào cũng
chẳng là gì, có làm được công to việc lớn cũng chẳng đáng chi. Tại sao? Bởi vì
ai cũng chỉ là tội nhân, là những kẻ xấu xa, không đáng gì trước mặt Thiên Chúa
chí thánh. Do đó, ai cũng cần cậy nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nghĩa là
phải khiêm nhường cầu nguyện: “Xin cho
chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc
tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.”
(Tv 90:17)
Khiêm nhường bao nhiêu cũng không đủ, kiêu
ngạo một chút là quá thừa. Công sức nỗ lực hoàn thiện bao ngày mà lên mặt khoe
khoang một chút là tiêu tan hết. Kiêu ngạo như que diêm nhỏ bé, nhưng nó vẫn có
thể thiêu rụi cả một tòa nhà nguy nga tráng lệ.
Tương tự, đốm-lửa-kiêu-ngạo cũng có thể thiêu
rụi cả lâu-đài-khiêm-nhường mà chúng ta đã dày công xây dựng – nếu bất cẩn. Thật
chí lý với lời nhắc nhở của tiền nhân: “Cẩn
tắc vô ưu.”
Trong thư gởi cho ông Philêmôn, Tông đồ
Phaolô tha thiết yêu cầu: “Tôi là Phaolô,
một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu, tôi van
xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó
là Ônêximô.” (Plm 9b-10)
Thánh Phaolô có quyền nhưng không muốn dùng
quyền để hành người khác, đó là thể hiện đức khiêm nhường. Thánh nhân nói rõ
ràng với ông Philêmôn: “Tôi xin gửi nó về
cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. Phần tôi, tôi
cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị
xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận
của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.”
(Plm 12-14) Đó là tôn trọng người khác. Có khiêm nhường mời khả dĩ tôn trọng
người khác, biết tôn trọng người khác là dám từ bỏ mình, từ bỏ mình là yêu
thương người khác.
Vì yêu thương tha nhân, vì xót thương “đứa
con tình thần,” Thánh Phaolô sẵn sàng hạ mình mà cầu xin người khác: “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là
để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay
vì một người nô lệ thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy,
phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như
về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, xin anh hãy
đón nhận nó như đón nhận chính tôi.” (Plm 15-17) Động thái thật tốt đẹp!
Trình thuật Lc 14:25-33 cho viết hai động
thái – NHẬN và BỎ: “Vác thập giá mình mà đi theo Đức Giêsu” và “từ bỏ hết những
gì mình có.”
Thánh sử Luca cho biết rằng hôm đó có rất
đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ
con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi
được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì KHÔNG THỂ làm môn đệ tôi
được.” Chắc chắn Ngài không “xúi dại” chúng ta, không bắt chúng ta bất nhân
mà bất hiếu với cha mẹ hoặc coi thường các thân nhân, vì Ngài rất nhân hậu, và
Ngài cũng không hề bắt chúng ta không chăm lo cho sự sống của mình.
Người Việt có câu: “BÁN anh em xa, MUA láng giềng gần.” Có người sửa là “vắng anh em xa…,”
vì cho rằng chữ “bán” nặng nề quá. Thật ra không phải vậy, tiền nhân muốn đặt
hai vế với hai động từ đối lập: Bán và Mua. Còn chữ “xa” ở đây là xa cách về
địa lý, chứ không là “xa” theo nghĩa bóng – chẳng hạn, bà con xa, họ hàng xa.
Còn láng giềng thì phải gần, không có láng giềng xa.
Chúa Giêsu không hề tính toán với chúng ta về
lòng yêu thương, về lòng thương xót, nhưng Ngài dạy chúng ta phải biết tính
toán tỉ mỉ, rạch ròi. Ngài phân tích với hai ví dụ cụ thể: “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi
xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt
móng rồi mà không có khả năng làm xong thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê
cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc
có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống
bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai
vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa,
ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa.”
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
Tiền nhân dạy như vậy. Đó là người khôn ngoan. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta
phải cố gắng sống khôn ngoan để đối đầu với ba thù (xác thịt, thế gian, ma quỷ).
Tuy nhiên, “thằng quỷ” ranh ma nhất chính là “thằng” ở gần chúng ta nhất: xác
thịt – tức là chính chúng ta, chứ “chẳng ai trồng khoai đất này.” Thảo nào Chúa
Giêsu luôn muốn chúng ta phải cố gắng từ bỏ nó, bằng mọi giá. Cuối cùng, Chúa
Giêsu kết luận: “Cũng vậy, ai trong anh
em KHÔNG TỪ BỎ hết những gì mình có thì KHÔNG THỂ làm môn đệ tôi được.”
Ai cũng có cách quan sát. Người ta quan sát
Chúa Giêsu và người khác, nhưng với ác ý là soi mói và tìm cách bắt bẻ, chúng
ta cũng thường làm như vậy với nhau; còn Chúa Giêsu, Ngài quan sát để biết tình
huống ra sao mà “gỡ rối” cho người khác.
Tiền nhân ví von: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.” Quả thật, Việt ngữ
cũng chí lý lắm: TÔI là TỒI, vì TÔI thích TỐI nên lắm TỘI. Toàn là mẫu tự T,
thật là “tê” quá chừng, vừa TÊ vừa TÁI. Theo ngoại ngữ, chữ Santa (thánh nhân)
nếu hoán vị các mẫu tự sẽ biến thành Satan (ma quỷ) – một làn ranh mong manh.
Kỳ lạ quá, và cũng đáng sợ quá!
Việt ngữ của chúng ta không thể hoán vị theo
dạng này, nhưng Việt ngữ lại có dạng “độc đáo” khác, ví dụ: Tôi tưởng mình TIN
YÊU nhưng tôi chỉ là YÊU TINH; tôi tưởng mình là người biết LẮNG NGHE, nhưng
tôi chỉ muốn người khác phải LẮNG xuống, còn tôi không NGHE ai ráo trọi; tôi
muốn người khác THẤU HIỂU hoàn cảnh của tôi, còn tôi có THẤU cũng không chịu
HIỂU cho họ. Ui da, lạy Chúa tôi!
Lạy
Thiên Chúa, xin giúp con biết rõ con để con can đảm từ bỏ “cái tôi” của con, và
có thể đón nhận mọi thập giá của cuộc đời này, xin cũng giúp con biết rõ Ngài
để con yêu mến Ngài, quyết tâm hành động để có được Ngài mãi mãi. Con cầu xin
nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] THẤT TÌNH gồm: Hỉ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố,
Dục; LỤC DỤC gồm: (1) Sắc Dục: ham muốn thỏa mãn đôi mắt; (2) Thính Dục: ham
muốn thỏa mãn đôi tai; (3) Hương Dục: ham muốn thỏa mãn cái mũi; (4) Vị Dục:
ham muốn thỏa mãn cái miệng; (5) Xúc Dục: ham muốn thỏa mãn thể lý; (6) Pháp
Dục: ham muốn thỏa mãn ý nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment