Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

NHỊ VỊ TÔNG ĐỒ PHILÍPPHÊ và GIACÔBÊ

Ngày 3 tháng 5, Giáo hội mừng kính hai Thánh Tông Đồ Philípphê và Giacôbê “Nhỏ.”

Thánh Philípphê thuộc Nhóm Mười Hai Tông Đồ của Chúa Giêsu. Truyền thống Kitô giáo cho biết rằng Thánh Philípphê là người đã rao giảng ở Hy Lạp, Syria, và Phrygia.

Theo truyền thống xưa của Giáo hội Công giáo, lễ Thánh Philípphê và Thánh Giacôbê, được mừng vào ngày 1 tháng 5, kỷ niệm ngày cung hiến đền thờ hai thánh này tại Rôma (ngày nay gọi là Đền thờ Mười Hai Tông Đồ). Giáo hội Chính thống Đông phương mừng lễ Thánh Philípphê vào ngày 14 tháng 11. Một trong các tài liệu chép tay được phát hiện ở thư viện Nag Hammadi năm 1945 có tên Thánh Philípphê ở tựa đề, ở dòng cuối.

Các Phúc Âm nhất lãm cho biết Thánh Philípphê thuộc Nhóm Mười Hai. Phúc Âm theo Thánh Gioan cho biết Chúa Giêsu gọi Philípphê trở nên tông đồ của Ngài. (Ga 1:43)

Thánh Philípphê được mô tả là môn đệ đến từ Bếtxaiđa, và có liên quan Anrê và Phêrô, những người cùng quê Bếtxaiđa. Mới đầu, Thánh Philípphê được giới thiệu với Chúa Giêsu bằng tên Nathanaen. Theo tác giả Butler, Thánh Philípphê cũng là một thực khách tại tiệc cưới Cana.

Khác với các Phúc Âm nhất lãm, Phúc Âm theo Thánh Gioan làm nổi bật Thánh Philípphê. Chúa Giêsu bảo Thánh Philípphê kiếm đồ ăn cho 5.000 người. Ông bảo ông Anrê đến gặp Chúa Giêsu và cho biết thông tin về Ngài. Thánh Philípphê xin Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha, và Chúa Giêsu đã tiện dịp này mà nói về sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con. (Ga 14:8-14)

Đừng lầm lẫm Thánh Philípphê với Philípphê là người được sai đi truyền giáo cùng với Stêphanô, Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và Nicôla – gọi là Nhóm Bảy Người. (Cv 6:5)

Có những câu chuyện được tìm thấy trong sách Công Vụ Thánh Philípphê – không biết ai là tác giả, có thể là Eusebius. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Thánh Philípphê được sai đi với người chị em là Mariamne và Bartholomew để loan báo Tin Mừng tại Hy Lạp, Phrygia, và Syria. Phụ lục của cuốn Công Vụ Thánh Philípphê có nói tới việc tử đạo của Thánh Philípphê ở Hierapolis. Theo tài liệu này, Thánh Philípphê đã làm phép lạ chữa bệnh và hoán cải vợ của thống đốc thành phố này. Điều này khiến ông ta tức giận nên ông ta cho lính bắt các ông Philípphê, Bathôlômêô và Mariamne. Cả ba người đều bị hành hạ. Sau đó họ đóng đinh ngược ông Philípphê và ông Bathôlômêô. Khi bị treo ngược, ông Philípphê vẫn rao giảng về Chúa Giêsu.

Thánh Philípphê thường được mô tả với biểu tượng Thánh Giá Latin. Một biểu tượng khác được dùng với Thánh Philípphê là Thánh Giá với hai chiếc bánh, một rổ bánh đầy, một thanh gươm, hoặc một Thánh Giá với cây thước thợ mộc. Thánh Philípphê là bổn mạng của những người làm mũ nón.

Thánh Giacôbê Nhỏ cũng thuộc Nhóm Mười Hai. Chúng ta không biết gì về ngài ngoài tên gọi, và sự thật là Chúa Giêsu đã chọn ông làm 12 cột trụ của Israel mới – tức là Giáo hội. Ngài không là Giacôbê trong sách Công vụ, ông là con của ông Cơ-lô-pát (Clopas) – khác với ông Cơ-lê-ô-pát (Cleophas), mà là con của ông An-phê, người Xê-da-rê, đồng thời là “anh em” của Chúa Giêsu, và là tác giả của Thư Thánh Giacôbê. Thánh Giacôbê được gọi là Giacôbê Nhỏ (Hậu) để tránh lầm lẫn với Giacôbê Lớn (Tiền) là con của ông Dêbêđê, cũng là tông đồ.

Cả hai Thánh Philípphê và Giacôbê đều là tông đồ của Chúa Giêsu, trung thành phục vụ Giáo hội thời kỳ đầu.

Thánh Giacôbê Nhỏ thường được đề cập trong Kinh Thánh nhiều hơn so với Thánh Philípphê. Thánh Giacôbê được gọi là “nhỏ” có thể vì ông có “chiều cao khiêm tốn” hoặc trẻ tuổi hơn so với Thánh Giacôbê Lớn. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Thánh Giacôbê Nhỏ tiếp tục rao giảng về Chúa Giêsu, rồi là giám mục của Giêrusalem, sau đó chịu tử đạo vào năm 62.

Lạy hai Thánh Philípphê và Giacôbê, xin thương nguyện giúp cầu thay cho chúng con, đặc biệt là con dân Nước Việt Nam. Nhờ công nghiệp Đức Kitô Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)

Lễ Nhị Vị Tông Đồ Philípphê và Giacôbê – 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment