Tôi thường tham dự Thánh lễ tại một giáo xứ nhỏ thuộc giáo hạt G. (tạm gọi xứ B.), TGP Saigon, giáo dân đa số là dân nhập cư. Tôi thích “cách nói” của linh mục (LM) xứ: “CHÚNG TA hãy chúc bình an cho nhau,” rồi ngài cúi đầu chúc bình an mọi người. Đó là động thái lịch sự, chứ nhiều LM không chúc bình an giáo dân, có lẽ vì “cách nói” mặc định: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau.” Nghĩa là giáo dân chúc bình an cho nhau chứ LM không chúc ai cả, cùng lắm cũng chỉ chúc bình an với LM đồng tế (nếu có), còn hầu như là “bất động.”
Dù chỉ là “nghi thức” (hoặc nghi lễ), nhưng
“nghi thức” hoặc “nghi lễ” vẫn PHẢI từ thực tế, như người ta nói “có đầy mới
tràn.” Cách áp dụng có thể tạo sự gần gũi và có cách áp dụng “máy móc” cứ lệ
thuộc nghi thức nên tạo sự xa cách – vì không hòa đồng, có gì đó “phân biệt” và
“ích kỷ.” Chắc chắn Chúa cũng không muốn người ta “quá máy móc.”
Linh mục xứ đi vắng, có một linh mục Dòng Chúa
Cứu Thế (LM DCCT) tới dâng lễ vài ngày. Nghe nói LM này thường đến chia sẻ mỗi
tối thứ bảy. LM này cũng thường đến dâng lễ khi có dịp. Ngài có giọng nói rõ
ràng, cách dâng lễ nghiêm trang, giảng lễ khá lôi cuốn. Đặc biệt hơn, tôi rất
thích “cách nói” của một LM DCCT này sau khi dâng Lễ vật: “Anh chị em hãy cầu nguyện để HY LỄ CỦA CHÚNG TA được Thiên Chúa là Cha
toàn năng chấp nhận.” Anh ngữ nói thế này: “Pray, brethren, that OUR sacrifice may be acceptable to God, the
almighty Father.” Nói “our sacrifice” chứ không phân biệt là “my sacrifice and
yours.”
Các linh mục khác luôn dùng “cách nói” đúng
luật-chữ-đỏ: “Anh chị em hãy cầu nguyện
để LỄ VẬT CỦA TÔI và CỦA ANH CHỊ EM được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.”
Tại sao Việt ngữ lại có sự phân biệt khi mọi người cùng nhau dâng Lễ Vật chung?
Vậy làm sao có thể “nên một” như Chúa Giêsu ước muốn? Vì Chúa đã, đang và sẽ
rất muốn mọi người “hiệp nhất nên một.” Cách nói “của chúng ta” với “của tôi cũng
là của bạn,” cách nào dễ hơn và thể hiện hiệp nhất hơn?
Có con người rồi mới có luật, vì thế luật
phải vì con người chứ con người không nên vì luật. Thiết nghĩ, “luật chữ đỏ”
không thể như Lời Chúa, và chỉ có Lời Chúa mới “không sai một chấm, một phẩy.”
Từ lâu, tôi đã thấy không “êm tai” khi còn phân
biệt “của tôi” và “của anh chị em” nên tôi đã đặt vấn đề với nhiều người. Tuy
nhiên, cách lý luận của họ không làm tôi “tâm phục khẩu phục.” Hằng ngày, chúng
ta vẫn nói “nhà mình” hoặc “nhà ta” (tức là nhà của chúng ta) chứ không ai nói
“nhà của ba/mẹ cũng là nhà của con.” Thiết tưởng, nói là “của tôi cũng là của
anh chị em” thì khác gì nói “của chúng ta”? Cách nói nào dễ hơn? Chắc hẳn nói
“của chúng ta” sẽ là “cách nói” hòa đồng hơn, chung hơn và “êm tai” hơn.
Còn khi chúc bình an, một LM DCCT dùng cách
nói: “Anh chị em CHÚNG TA hãy chúc bình
an cho nhau.” Rồi ngài chúc bình an không chỉ với giáo dân mà còn quay sang
hai bên chúc bình an cho hai lễ sinh đứng ở hai bên bàn thờ. Cách chúc bình an
như vậy thật là ý nghĩa.
Giữa hai LM nói trên có một điểm chung: Không
đề cao mình và dám chê mình. Khi giảng lễ, nhiều LM chê người nọ, trách người
kia, không dám chê mình, đôi khi còn nói những vấn đề không liên quan Phúc Âm,
thậm chí còn… “lạc đề.” Với LM xứ B, có lần Phúc Âm nói về đức tin, ngài nói: “Tôi cũng chưa thực sự đủ mức tin.” Với
LM DCCT, có lần Phúc Âm nói về dụ ngôn Người Gieo Giống, ngài nói: “Có lúc tôi thấy mình là hạt gieo trên vệ
đường, có lúc thấy mình là hạt gieo vào sỏi đá, có lúc thấy mình là hạt gieo
vào bụi gai, tôi chưa dám chắc mình là hạt gieo vào đất tốt.” LM này ví dụ
chính mình chứ không “đụng chạm” tới ai.
Ai cũng muốn nói tốt về mình và dễ dàng chê
người khác. Người dám chê mình chắc hẳn cao thượng và khả dĩ tha thứ. Paul
Boese nói: “Sự tha thứ không làm thay đổi
quá khứ nhưng nó mở rộng tương lai.” (Forgiveness does not change the past,
but it does enlarge the future.) Dám chê mình không làm mình “đáng ghét” hoặc
xấu hơn, mà làm cho mình được tôn trọng hơn. Đức Giêsu đã xác định: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc
18:14) Dám chê mình là người khiêm hạ, muốn hướng thượng, muốn sống tốt hơn, dù
bây giờ mình chưa đủ tốt. Vâng, dù chưa làm được điều mình muốn thì ít ra cũng
phải biết muốn điều mình làm. Vì con người luôn bất túc, bất trác và bất toàn
vậy!
Thiên Chúa không hề câu nệ hoặc lệ thuộc hình
thức (nghi thức), và cũng không thiên tư tây vị ai, Ngài chỉ cần lòng thành. Cũng
là “cách nói” nhưng có “cách nói” hợp lý và có “cách nói” không hợp lý. Việt
ngữ không như ngoại ngữ. Ngoại ngữ chỉ dùng một đại từ ngôi thứ nhất số nhiều –
như We của Anh ngữ, hoặc Nous của Pháp ngữ, vừa có nghĩa CHÚNG TÔI vừa có nghĩa
CHÚNG TA. Nhưng trong Việt ngữ, CHÚNG TÔI và CHÚNG TA có khác nhau – đôi khi
rất khác nhau.
Một Chúa Nhật nọ, tôi dự thánh lễ thêm sức
cho khoảng 50 em tại một giáo xứ thuộc giáo phận Xuân Lộc, ĐGM Thomas Aquino Vũ
Đình Hiệu về ban bí tích Thêm Sức. Khi nói, ngài dùng đại từ “con” chứ không
dùng đại từ “tôi” hoặc “cha” như nhiều giáo sĩ khác. Mấy năm trước, khi tham dự
Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc Việt Nam, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên (GP Cần Thơ,
khi còn đặc trách Ủy ban Thánh nhạc Toàn quốc) cũng dùng đại từ “con” khi nói
với các hội thảo viên. Cách nói như thế là khiêm nhường, chắc chắn thu phục
lòng người và được người ta khâm phục.
Thế nhưng có những linh mục tuổi đời chẳng
bao nhiêu – thậm chí chỉ đáng tuổi con cháu, vậy mà luôn xưng mình là “cha”
hoặc là “tôi” với những người lớn tuổi hơn mình. Có một số người xưng mình là “con”
và gọi người khác (hơn 20 tuổi) là “chú,” nhưng rồi chỉ làm linh mục khoảng một
hoặc vài năm, họ đổi cách xưng hô thành “em – anh” ngay. Than ôi, không còn gì
để nói!
Hẳn là do cách dịch của người dịch từ ngoại
ngữ sang Việt ngữ, chứ chắc chắn ngày xưa Chúa Giêsu không xưng mình là “Ta” và
gọi người khác là “ngươi” – nhất là với những người cao niên hơn Ngài. Nhiều bản
văn (nhiều chứ không phải “tất cả”) đã dịch là TÔI. Nếu Chúa Giêsu là người
Việt Nam, chắc chắn Ngài sẽ gọi ngư phủ Phêrô là “anh” và xưng mình là “em”
đàng hoàng – vì trước khi bạn là gì thì bạn phải là CON NGƯỜI trước đã. Thật
vậy, trước khi người ta là “ông kia, bà nọ” (người-ngoại-đạo cũng như người-có-đạo),
trước tiên người ta vẫn là “con người” – theo nghĩa “bình thường nhất trong các
nghĩa bình thường.” Có những mối quan hệ xã hội đời thường, và tất nhiên phải
sống đúng CƯƠNG VỊ đó. Ca dao Việt Nam thật chí lý: “Lời nói chẳng mất tiền mua…”
Và quả thật, đúng là “phong ba bão táp không
bằng ngữ pháp Việt Nam.” Việt ngữ rất độc đáo, vì thế mà không dễ sử dụng chút
nào, và cũng rất... tế nhị!
Lạy
Chúa, xin giúp chúng con sống hoàn thiện và nên MỘT như Tôn Ý Ngài. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment