Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT và NỘI TÂM

Đời sống cầu nguyện của người Công giáo bắt nguồn từ Lòng Chúa Thương Xót (LCTX). Có những khoảng tối trong cuộc đời chúng ta, chỉ với LCTX thì chúng ta mới khả dĩ đối đầu và xử lý thực tế của chính con người chúng ta. Sống với chính mình, lý tưởng này bắt đầu được nói rõ vào khoảng thời Thánh Bênêđictô, mặc dù đó là một phần đời sống tâm linh của Kitô giáo từ chính lúc khởi đầu. Nghĩa là không chỉ thú tội và làm việc đền tội, không chỉ chấp nhận sự yếu đuối và hữu hạn của mình trước mặt Thiên Chúa, mà còn có thể đi vào sâu thẳm trong tâm hồn để khiêm nhường lắng nghe tiếng Chúa, vì Ngài đang chờ đợi chúng ta ở đó – Giáo hội gọi đó là Habitare Secum.

Lời cầu nguyện của Kitô giáo xử lý thực tế của trái tim con người. Trái tim này là dòng suối tuôn chảy có cả điều tốt và điều xấu. Nó bị rạn nứt và bị thương, trĩu nặng u buồn, nhưng vẫn khả dĩ tìm được niềm vui nơi điều tốt. Đó là thâm cung, nơi mà Thiên Chúa nói với chúng ta. Người ta không muốn xử lý với chính mình hoặc với Thiên Chúa nên không muốn vào nơi đó. Người ta vẫn xa lạ với chính mình và không biết điều gì đang lèo lái họ trong cuộc sống. Nhưng khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến với Ngài và chúng ta bắt đầu khao khát ở với Ngài, vào nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng ta, chấp nhận những gì ở đó và để cho Chúa là “đại lộ” để khả dĩ tìm kiếm Ngài.

Lý do chúng ta phải làm nhờ LCTX là điều mà ĐGH Bênêđictô XVI đã nói trong bài giảng tại thánh lễ phong Chân phước cho Đức cố GH Gioan Phaolô II (nay là Thánh Gioan Phaolô II): Lòng Chúa Thương Xót nghĩa là giới hạn sự dữ. Thánh Gioan Phaolô II đã yêu mến LCTX. Chính LCTX đã giúp ngài xử lý sự tàn ác của Thế chiến II và sau đó là sự đàn áp của Soviet nhiều thập niên. Thánh Gioan Phaolô II tin rằng LCTX là giới hạn của sự dữ vì càng tin vào Chúa Giêsu thì càng chiến thắng sự dữ. Chiêm ngưỡng diện mạo Đức Kitô và bám vào LCTX là bí quyết không chỉ xử lý với chính ngài mà còn xử lý với tha nhân, ngay cả với người đã cố ý giết ngài. Niềm tín thác vào LCTX đã làm cho Thánh Gioan Phaolô II trở thành vị trạng sư đối với phẩm giá con người. Đó là lý do mà mọi người trên thế giới đều phải tâm phục khẩu phục và quý mến ngài – dù là vô thần hay tự do, hoặc bất kỳ tôn giáo nào. Họ muốn biết LCTX mà cuộc đời ngài đã phản chiếu Đức Kitô.

Sự dữ, bí ẩn của tội lỗi, đã độc ác và vô nhân đạo, nhưng LCTX lại trổi vượt hơn! LTX là Tình yêu chịu đựng nỗi bất hạnh của sự dữ đã làm đau khổ trái tim người khác, để phẩm giá của người đó khả dĩ được phục hồi. Đức Kitô đã ôm lấy mọi nỗi bất hạnh của chúng ta khi Ngài bị treo trên Thập giá, và chúng ta gọi đó là LCTX.

Cách áp dụng vào trái tim chúng ta là điều tốt và điều xấu chúng ta thấy ở đó không là các quy luật đối ngẫu đồng đẳng (co-equal dualistic principles). Điều tốt đã chiến thắng điều xấu qua cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Khi chúng ta trở lại với Ngài bằng đức tin, Ngài ban cho chúng ta sức mạnh của LTX và dạy chúng ta biết nhận ra sự chiến thắng của điều tốt đối với điều xấu trong cuộc sống của chúng ta. Ngài đã chịu đau khổ với chúng ta và sẵn sàng gặp chúng ta ở đó, để qua Ngài mà mọi sự nên tốt lành, quý giá và xác thực là chúng ta được cứu thoát khỏi bất hạnh vì tội lỗi và được sống cuộc sống mới.

Để biết sống với chính mình, đây là nhìn vào những chỗ đó trong cuộc đời chúng ta, nơi mà sự dữ đã chiếm dụng, và dâng những điều này cho Chúa để chúng ta khả dĩ nhận biết LCTX là giới hạn của sự dữ. Tuy nhiên, vực sâu của nỗi bất hạnh lại trở nên vực sâu của LCTX, đó là các vết thương của Đức Kitô sâu thẳm khôn dò. Chúng ta càng phát hiện giới hạn đối với sự dữ, chúng ta càng có thể tận hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa đáng kể và lạ lùng trong cuộc đời chúng ta. Thay vì bị đau khổ và tuyệt vọng, chúng ta có thể thấy mình sống như Thánh Bênêđictô, Thánh Gioan Phaolô II và các vị thánh khác – những người đã phát hiện bí quyết sống với chính mình trước mặt Thiên Chúa qua sự giải thoát nội tâm như vậy. Đó là tìm kiếm và sống Lòng Chúa Thương Xót: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài!”

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Divine Mercy and Habitare Secum)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment