Oremus Pro Defunctis – Xin Cầu Cho Những Người Đã Qua Đời.
Giáo Hội Chiến Đấu (chúng
ta) vừa mừng Giáo Hội Khải Hoàn (các
thánh) vừa cầu cho Giáo Hội Đau Khổ (các linh hồn) hoặc Giáo Hội Thanh Luyện.
Cứ mỗi khi đến ngày 2/11, Giáo Hội lại tưởng nhớ đến các tín hữu đã qua đời một cách đặc biệt, và dành trọn cả Tháng Mười Một để cầu cho các linh hồn còn ở Luyện Ngục (luyện hình) vì chưa đủ “thủ tục” nhập quốc tịch Nước Trời. Đó là “các linh hồn thánh” (holy souls), vì họ chắc chắn lên Thiên Đàng.
Nay người, mai ta. Đó
là quy luật muôn đời bất biến!
Nhiệm vụ của chúng ta
là giúp nhau biết nguyên nhân và biết cách nguyện giúp cầu thay cho “các linh
hồn thánh” nơi Luyện Ngục. Đó là nhiệm
vụ chung của những người là chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô, đồng thời cũng
là nhiệm vụ riêng – vì ai cũng có tổ
tiên, thân nhân và bạn hữu đã “ra đi” trước.
Chúng ta đã được biết
giáo lý về Luyện Ngục. Con người “nhân vô thập toàn,” chắc hẳn có nhiều thiếu
sót khi còn sinh thời, mà con người thì rất dễ sa ngã và chủ quan, như Thánh Inhaxiô
Loyola nói: “Ngay cả những tâm hồn đạo
đức nhất cũng lần mò tìm về với Chúa qua con đường tội lỗi và thứ tha.”
Không có Tình Yêu Chúa, không có Lòng Chúa Thương Xót, không ai được thứ tha,
không ai xứng đáng vào Nước Trời. Nhưng con người rất may có được lòng từ bi nhân
hậu của Thiên Chúa, “vì Chúa thường rộng lượng thứ tha để cho thiên hạ tôn thờ
và kính yêu.” (Tv 130:4)
Các linh hồn ở đó
không thể làm gì cho mình được nữa, rất cần sự giúp đỡ của chúng ta. Cầu cho
các linh hồn là trách nhiệm và bổn phận, vì tội lỗi có sự liên đới và ơn lành
cũng có sự liên đới, vì “lên Thiên Đàng một mình là ích kỷ.” Đó là một trong
các vấn đề của thần học Công giáo.
Lòng Chúa Thương Xót
luôn hoạt động tích cực. Các tù nhân cần người khác giúp đỡ bằng cách nào đó để
được giảm án hoặc phóng thích, các linh hồn cũng rất cần và chỉ còn trông cậy
vào những lời cầu nguyện chân thành của chúng ta dâng lên Thiên Chúa thay các
ngài. Vả lại, Chúa cũng mong mỏi ban phát Ơn Cứu Độ, như Ngài đã mạc khải cho Thánh
Faustina: “Cha khao khát cứu các linh hồn.”
Những việc chúng ta
làm có thể lợi ích trực tiếp cho các linh hồn là tham dự Thánh Lễ, Rước Lễ,
Chầu Thánh Thể, lần Chuỗi Mân Côi, lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót và Chặng Đàng
Thánh Giá. Tốt nhất là Thánh Lễ, vì đó là việc thờ phượng cao nhất trong các
dạng cầu nguyện.
Khi dâng lễ cầu cho
người qua đời, chúng ta dùng cả đại dương ân sủng của Chúa để “tắm gội” các
linh hồn, đồng thời chính chúng ta cũng được hưởng nguồn Suối Thiêng dồi dào
đó. Bạn nhớ đến ai nhất? Bạn muốn làm nhiều điều lợi cho ai? Ai làm bạn tổn
thương? Hãy đến với Chúa qua việc dâng lễ. Chúng ta không thể làm điều gì tốt
hơn. Hãy nhớ tới các linh hồn bị bỏ quên (quen gọi là “các linh hồn mồ côi”) vì
không ai trong gia đình họ cầu nguyện cho học hoặc gia đình họ không tin giáo
lý về Luyện Ngục. Hãy cầu nguyện cho các giáo sĩ và tu sĩ. Chúng ta chỉ “phong
thánh” cho họ khi họ qua đời, nghĩa là họ chỉ được cầu nguyện ít ngày sau hoặc
vào ngày giỗ chạp, rồi lời cầu nguyện chúng ta dành cho họ cứ giảm dần theo
thời gian.
Chúng ta có Kinh Mân
Côi là “lời cầu nguyện mạnh mẽ.” Khi lần Chuỗi Mân Côi cầu cho các linh hồn nơi
Luyện Ngục, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những công lao, niềm vui, đau khổ và sự
chết của chính Đấng Cứu Độ để xin ơn tha thứ cho họ.
Chúng ta cũng có thể
nguyện giúp cầu thay cho các linh hồn bằng việc Chầu Thánh Thể để và đi Đàng
Thánh Giá. Qua các phương cách cầu nguyện đó, “chúng ta được ân xá kèm theo những
lời cầu nguyện cho các linh hồn.” (x. Giáo lý Công giáo, 1471)
Bao nhiêu người có thể
lãnh nhiều ơn toàn xá từ ngày 1 tới ngày 8 tháng 11 khi viếng Nghĩa Địa để lãnh các ân xá
khác trong năm? Hãy tự phấn đấu để trở nên thành viên trong số đó, hãy đưa con
cái đi viếng Nghĩa Địa và hãy dạy chúng biết cầu nguyện cho các linh hồn, không
chỉ trong ngày lễ cầu hồn mà là hằng ngày, đồng thời dạy chúng thành tâm làm
việc lành phúc đức để chỉ cho các linh hồn.
Chuỗi Lòng Chúa Thương
Xót là lời cầu thống thiết mà, theo tôi, ai nghe cũng “mủi lòng.” Đó là những
ngọn nến tỏa ánh sáng lung linh mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa vô bờ bến và
vô điều kiện. Chắc chắn các linh hồn được hưởng nhờ rất nhiều, các “linh hồn tù
nhân” sẽ mau được tha trước thời hạn, vì Chúa không thể trì hoãn Lòng Thương
Xót.
Nếu chúng ta chấp nhận
những gian khổ, bệnh tật, ngược đãi, nhiệm vụ khó khăn, nhịn nhục vì khiêm
nhường, chịu đựng những sự phiền toái, tránh xét đoán, biết tha thứ,… và dâng
cho Chúa những sự ấy để cứu các linh hồn thì “kho tàng hồng ân của Thiên Chúa” sẽ
được ban cho họ, đồng thời phong phú hóa công lao của chúng ta trở nên vĩnh
hằng.”
Làm việc bác ái cũng
là một cách hữu hiệu để cứu các linh hồn. Kinh thánh dạy rằng làm việc bác ái có
thể đền bù nhiều tội lỗi. Giáo lý, số 1032, khuyên chúng ta làm việc bác ái để
cứu các linh hồn.
Việc dâng 30 Thánh Lễ liên
tục trong tháng để cầu cho các linh hồn có từ thời Thánh GH Gregôriô Cả, thế kỷ
thứ VI, Giáo Hội gọi là Gregorian Masses (Thánh Lễ Grêgôriô). Tác dụng của các
Thánh Lễ này là “cực mạnh.” Có lẽ nhiều người chưa biết “loại” Thánh Lễ này.
Nếu chưa biết thì bây giờ biết, và biết rồi thì hãy áp dụng ngay!
Khi cầu nguyện cho các
linh hồn, chúng ta trở nên “người bầu cử cho chính mình” và tự giúp mình vào
Thiên đàng. Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, họ trở nên bạn thân thiết
của chúng ta mãi mãi. Vì “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.” (Thánh
Phanxicô Assisi)
Xin được nói thêm,
chúng ta thường thấy trên các bia mộ ghi RIP. Tôi đã được một số người hỏi về ý
nghĩa của từ này. Như vậy là nhiều người không biết, chỉ hiểu đại khái là chết
thì có chữ RIP. Đây là từ được viết tắt câu “Requiescat in Pace” của tiếng
Latin, tiếng Anh là “Rest in Peace,” tiếng Pháp là “Reposer en Paix) – nghĩa là
“Nghỉ ngơi trong Bình an,” chúng ta quen nói: “An nghỉ ngàn thu.” Đó vừa là lời cầu nguyện cho người quá cố được
hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa vừa là lời chúc dành cho người “lên đường” vào cõi
vĩnh hằng.
Thánh
Gióp tin tưởng: “Sau khi da tôi đây bị
tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa.” (G 19:26)
Thật vậy, Chúa Giêsu đã hứa: “Tôi sẽ cho
họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6:40) Đức tin của chúng ta đúng đắn và
chính xác, không mơ hồ hoặc ảo tưởng!
Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment