Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

CHUYỆN NÊN THÁNH

Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Hoàn thiện để làm gì? Chắc chắn không gì hơn là NÊN THÁNH. Nói vậy là Ngài bảo chúng ta PHẢI nên thánh, vì chúng ta được tạo dựng để nên thánh, rồi đồng hưởng vinh quang muôn thuở với Ngài.

Nên thánh KHÓ hay DỄ? Vừa khó vừa dễ. [Theo ngu ý riêng, người viết thích dùng chữ “nên thánh” hoặc “ thánh” hơn là dùng chữ “làm thánh,” vì “nên thánh” (trở nên) bao hàm sự nỗ lực không ngừng, còn “làm thánh” có vẻ như được tôn phong].

Nên thánh DỄ vì chúng ta có lợi thế là được nhiều “quyền trợ giúp”: Lòng thương xót của Chúa, hồng ân, lời cầu bầu của các Đức Mẹ, chư thần và chư thánh, sự thông hiệp của ba Giáo Hội, lời cầu nguyện của người khác,…

Nên thánh KHÓ vì “cái tôi” của chúng ta quá lớn! Vì vậy mà khó yêu thương, trong khi yêu thương (đức mến, đức ái, lòng thương xót) lại là điều tối quan trọng: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13:13)

Cả chương 13 trong thư của Thánh Phaolô gởi giao đoàn Côrintô “giải thích” thế nào là yêu thương, gọi là “bài ca đức ái.” Chỉ có 13 câu ngắn gọn nhưng súc tích, thâm túy. Có thể lâu nay chúng ta đã không mấy lưu ý. Chúng ta cùng đọc lại và xét mình:

Phần đầu (1 Cr 13:1-3), Thánh Phaolô nói về hệ lụy của đức ái: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi.”

Phần giữa (1 Cr 13:4-7), Thánh Phaolô giải thích về đức ái: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”

Phần cuối (1 Cr 13:8-12), Thánh Phaolô nói về hệ lụy của đức ái: Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng, sự hiểu biết có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.”

Và cuối cùng (1 Cr 13:13), Thánh Phaolô đề cao đức ái bằng câu kết luận: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.”

Và trong dịp khác, thần học gia Phaolô xác định bằng một mệnh lệnh cách ở thể phủ định liên quan đức ái: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái.” (Rm 13:8) Còn Mẹ Teresa Calcutta nhắn nhủ chúng ta về đức ái: “Điều tốt bạn làm hôm nay có thể bị quên làng vào ngày mai, nhưng hãy cứ làm điều tốt.”

Nghe nói những điều đó, chúng ta đã cảm thấy “nhức đầu” lắm rồi, vì quá “ngược đời.” Như vậy vẫn là “chuyện nhỏ,” vì còn hơn thế nữa, vì chúng ta còn phải “điên đầu” khi ngẫm nghĩ về Bát Phúc. (Mt 5:3-12) Chúa Giêsu còn “ngược đời” hơn nhiều. Những ai thực hành như vậy thì đúng là “điên” thật. Nhưng phải “điên” như thế mới nên thánh. Chứ cứ khơi khơi, ngồi rung đùi mà thưởng thức cuộc đời thì còn khuya mới nên thánh. Những người như Thánh GH Gioan Phaolô II hoặc Mẹ Thánh Teresa Calcutta đúng là những “người điên” có hạng, dạng “bất trị” đấy!

Chúa Giêsu khuyến cáo thêm về đức ái: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.” (Mt 7:1-2) Đó là cách đè bẹp “cái tôi” xuống, là từ bỏ chính mình theo lời dạy của Thầy chí thánh Giêsu. Đè bẹp “cái tôi” càng nhiều thì càng mau nên thánh, và nên thánh ngay tại thế gian này – chứ không phải đợi được tuyên thánh mới nên thánh. Đè bẹp “cái tôi” là nỗ lực hoàn thiện.

Tuy nhiên, hoàn thiện là nhờ yêu thương. Yêu thương là trở nên nhân từ như Chúa Cha, Đấng nhân từ. (Lc 6:36) Thật vậy, Chúa Giêsu nói rõ: “Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6:37-38)

Ui da, quả là khó thật, “căng” lắm! Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã hứa rồi: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Thế thì chúng ta không lo sợ chi nữa, chỉ cần quyết tâm “đè bẹp cái tôi” bằng mọi giá thì ô-kê thôi mà! Và như vậy, nên thánh không khó như chúng ta tưởng.

Ngày 18-10-2015, Giáo Hội đã tuyên thánh cho song thân của Thánh nữ Teresa là ông bà Louis và Zélie. Hai thánh nhân là những con người “vô danh tiểu tốt,” chẳng ai biết đến, nhưng sự âm thầm của họ đã “chạm” tới Cõi Trời.

Hai ông bà có tới 9 người con, nuôi 9 đứa con đâu phải chuyện dễ! Trong đó, 4 người con chết trẻ, còn 5 cô con gái, nhưng rồi cả 5 cô đều lần lượt vào dòng – trong đó có thánh nữ Teresa. Thế là chỉ còn lại hai ông bà hủ hỉ với nhau mà thôi. Ông Louis là dân “ta-ru” (tu ra, tu xuất). Ông “nghỉ tu” vì yếu môn Latinh, mà thời đó Latinh rất quan trọng, vì Latinh là ngôn ngữ chính trong Phụng Vụ, chứ không dùng tiếng bản xứ như ngày nay. Thời đó, chắc hẳn Thánh Louis cũng “khổ sở” do bị người ta dè bỉu, lườm nguýt vì “cái tội” tu xuất.

Chắc chắn ý Chúa muốn ông “nghỉ tu” để nhận trọng trách khác, chứ nếu ông đi tu thì ngày nay chúng ta làm gì có được Thánh tiến sĩ Teresa Hài Đồng Giêsu với luận án tiến sĩ “Con Đường Thơ Ấu” độc đáo như vậy?

Và chẳng đâu xa, cha của ĐGM Giuse Lê Văn Ấn (1916-1974, giám mục tiên khởi của GP Xuân Lộc kiêm đặc trách Tổng tuyên úy Công giáo cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa) cũng là dân tu xuất. Đó là ông Lê Đồ (vợ là bà Đào Thị Sự), người đã từng tháp tùng ĐGM Cuénot (Thể), giám mục Đông Đàng Trong (Qui Nhơn), trên những bước đường gian truân trốn tránh cơn bắt đạo dữ dội dưới triều vua Tự Đức.

Thiên Chúa vô cùng mầu nhiệm, điều chúng ta muốn thì Ngài lại không muốn, đối với chúng ta là sự khôn ngoan nhưng đối với Ngài lại là cái ngu dại. Quả thật, “Thánh Ý Chúa mãi mãi công minh.” (Tv 119:111) Đức Mẹ thật là khôn ngoan vì biết “xin vâng.” (Lc 1:38) Nếu chúng ta biết xin vâng Thánh Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, chắc chắn chúng ta cũng nên thánh.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment