Trình thuật Mc 7:31-37 cho biết việc Đức Giêsu chữa lành người vừa điếc vừa ngọng. Tình trạng điếc liên quan TAI, tình trạng ngọng hoặc câm liên quan MIỆNG, tình trạng đui mù liên quan MẮT. Trình thuật Mc 8:22-26 cho biết Chúa Giêsu đã chữa lành một người mù ở Bết-xai-đa.
Còn trình thuật Mc
10:46-52 (≈ Mt 20:29-34; Lc 18:35-43) cho biết Chúa Giêsu đã chữa lành một người
mù tại Giê-ri-khô. Và rồi Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót mà chữa lành họ: “Ép-pha-tha!” (Εφφαθα – Hãy mở ra!)
Bị tình trạng “ba
không” như vậy thì thật là khổ, ở đây là dạng “ba không thụ động.” Tuy nhiên,
trong cuộc sống có những khi chúng ta cần phải biết “ba không chủ động.” Dạng
“ba không chủ động” còn có dạng tích cực và tiêu cực. Tình trạng “ba không” này
gợi nhớ tới bộ Khỉ Tam Không: Một con khỉ bịt tai, một con khỉ bịt mắt, và một
con khỉ bịt miệng. Tức là không nghe, không nhìn, và không nghe.
Ba hình tượng đó
cũng nhắc nhở chúng ta về cách sống vô cảm: Sống an phận, mặc kệ những gì đang
xảy ra xung quanh, và người ta gọi đó là những người theo quan niệm “makeno” –
tức là “mặc kệ nó.” Tương tự câu người ta thường nói: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.” Ai sao mặc ai, miễn sao mình
“khỏe re” là được!
Giữa cuộc đời đầy
các điều thị phi và nhiễu nhương này, nếu cứ “an phận” và vô cảm như vậy thì xã
hội sẽ đi đến đâu, còn gì là tình người? Và nếu cứ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng
như thế cả cuộc đời, cuộc sống còn gì là thú vị? Là Kitô hữu thì không thể và
không có quyền sống vô cảm, nghĩa là phải biết yêu thương, biết chạnh lòng trắc
ẩn, biết thể hiện lòng thương xót như Chúa Giêsu đã sống.
Người ta cho rằng
bức tượng “Khỉ Tam Không” này có nguồn gốc Ấn độ từ vài ngàn năm trước. Nguyên
là bức tượng Thần Vajrakilaya, vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai
mắt, hai tai và hai miệng. Có ý khuyên răn người ta “không nhìn bậy, không nghe
bậy, và không nói bậy.”
Sau đó, vào
khoảng thế kỷ VIII, đời nhà Đường (Tang Dynasty), một thiền sư người
Nhật đến Trung hoa và đã mang theo tư tưởng này về Nhật. Tại Nikko
(cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc), ở đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ
một bức điêu khắc cổ là ba con khỉ với ba tên là Mizaru, Kikazaru và
Iwazaru. Từ “zaru” gần giống âm với “saru” – nghĩa là con khỉ, nên người ta
khắc hình ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu
thị cho triết lý sống này. Bức tượng gỗ này của nghệ nhân Hidari Jingoro nổi
tiếng từ thế kỷ XVII.
Con che mắt tên
là Mizaru – nghĩa là “tôi không nhìn thấy điều xấu,” con bịt tai là Kikazaru –
“tôi không nghe những điều xấu,” con bịt miệng là Iwazaru – nghĩa là “tôi không
nói điều xấu.”
Điều này cũng
mang tư tưởng của Khổng Tử. Sách Luận Ngữ cho biết rằng khi Nhan Uyên hỏi về
đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đáp: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.”
– nghĩa là “không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái,
không làm điều quấy.”
Tuy nhiên, người
Nhật thâm ý hơn nhiều: “Bịt mắt để dùng
TÂM mà nhìn, bịt tai để dùng TÂM mà nghe, bịt miệng để dùng TÂM mà nói.”
Khi TÂM ở trạng thái “tịnh,” không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ TÂM
mới phát sinh những điều “thiện,” dùng cái TÂM thiện mà nói. Cái TÂM rất quan
trọng: “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI.”
(Truyện Kiều, Nguyễn Du) Nhờ có “tâm” mà người ta không nói những lời không
tốt, những lời làm đau khổ người khác, hoặc những lời làm chết người.
Tư tưởng trên
được danh nhân Mahatma Gandhi (1869-1948) áp dụng làm phương châm trong đời
sống và trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Lúc nào ông cũng
mang theo bên mình hình tượng bộ khỉ tam không như lời nhắc nhở vậy. Người ta diễn
đạt triết lý “Tam Không” theo cách khác: “Có
người THẤY và NÓI ra nhưng họ không bao giờ NGHE theo những gì người khác nói,
có người không bao giờ THẤY bất cứ gì nhưng họ NGHE người khác và NÓI ra, có
người NGHE và THẤY nhiều việc nhưng họ không bao giờ NÓI ra hết.”
Theo triết lý
Đông phương, mọi sự vật trong đời đều bị chi phối bởi triết lý Âm Dương tương
phản. Động thái của ba con khỉ có thể nói lên tính chất tương phản của luật âm
dương trong cuộc sống hằng ngày.
Hình ảnh “Khỉ Tam
Không” nhắc nhở về tầm quan trọng của “tâm viên, ý mã” trong phép thiền. Tâm
của chúng ta như con khỉ, ý của chúng ta như con ngựa. Người ta phải biết kiểm
soát cái tâm vọng động, chẳng khác gì con khỉ chạy lăng xăng. “Tâm viên, ý mã”
là tâm lăng xăng như loài khỉ, và ý hướng loạn động như loài ngựa. Loài khỉ
thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành
cây này sang cành cây khác, lại hay phá phách, bắt chước, thế nên người ta thường
nói “liếng khỉ.” Loài ngựa cũng thích chạy lung tung nên người ta phải đóng
móng và tra hàm thiếc cho ngựa, nếu không thì “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan
truy.”
Tâm người ta
không khi nào được yên, cứ lăng xăng, lộn xộn, suy nghĩ hết chuyện này đến
chuyện khác, từ quá khứ đến hiện tại, tương lai, đó là “tâm viên, ý mã.” Loại
“tâm” này đưa người ta đến loạn động, phát sinh đủ thứ phiền não, nếu không tu thân
thì không thể vững chắc như chiếc kiềng ba chân. Thật vậy, tục ngữ Việt Nam đã
cảnh báo: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, ta
đây vẫn vững như kiềng ba châm.”
Triết lý “tam
không” cũng không xa rời Kinh Thánh, vì trong Kinh Thánh cũng có những chuyện
liên quan Mắt, Tai và Miệng.
1. MẮT – Chúa Giêsu
chữa lành người mù, nhưng Ngài nói về sáng mắt là Nhóm Phe-ri-sêu: “Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà
lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.” (Mt 15:14) Những người tưởng mình sáng mà lại mù. Họ sáng mắt thể lý như mù mắt
tâm linh! Thế nhưng tác giả Thánh Vịnh đã khôn khéo cầu xin: “Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài
kỳ diệu biết bao.” (Tv 119:18)
2. TAI – Kinh Thánh nhiều lần cảnh báo: “Ai có tai
thì nghe!” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc
14:35; Kh 13:9) Khi khốn cùng, tác giả Thánh Vịnh than thở: “Phần con, như kẻ điếc chẳng nghe gì, tựa người câm, không hề mở miệng.”
(Tv 38:14) Còn Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ thì
phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn
vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 4:11) Có tai thì phải biết nghe,
nghe rồi thì phải giữ chứ đừng nghe tai này lọt qua tai kia. Chúa Giêsu xác
định: “Ai giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8:51)
3. MIỆNG – Thánh Giacôbê phân tích: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng
lưỡi là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ ĐẠO ĐỨC HÃO.” (Gc 1:26) Thần
khẩu hại xác phàm – cái miệng hại thân xác. Không kiềm chế lời nói là đạo đức
hão – tức là giả hình. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Môi miệng chúng chẳng có gì thành thật, lòng dạ đầy chước độc mưu
thâm. Cửa họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ.” (Tv
5:10) Và tác giả Thánh Vịnh than vãn: “Kẻ
thù con lòng chai dạ đá, mở miệng ra là ngạo mạn khinh đời.” (Tv 17:10)
Có lẽ vì ngao
ngán cái gọi là thế thái nhân tình, người ta vẫn thường thở dài và than thở: “Đời là thế! – C’est la vie! – It’s life!”
Tục ngữ Việt Nam thật chí lý: “Tránh voi
chẳng xấu mặt nào!” Cứ như mù, điếc và câm để khỏi phiền và khỏi mất lòng.
Thật vậy, bác học Albert Einstein (1879-1955) đã nhận định: “Không thể chống lại những kẻ ngu, vì họ quá
đông.” Kinh khủng thật!
Đúng vậy, biết mà
không nói thì không đành lòng, vì không thể làm ngơ khi thấy sai, mà nói ra thì
người ta lại không vui, thậm chí là người ta bực mình và rồi lại ghét mình.
Lạy
Thiên Chúa, xin chữa lành “tam chứng tâm linh” (mù, điếc, câm tinh thần) nơi
chúng con. Xin dạy chúng con biết khi nào cần phải mù, điếc, hoặc câm. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Chiều 04-09-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment