Saturday, July 25, 2015

SÔNG GIOĐAN – DI SẢN THẾ GIỚI

UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc) công nhận địa điểm “Bêtania bên kia sông Giođan” (Ga 1:28; 10:40-42) ở về bờ đông của sông Giođan là địa điểm di sản thế giới, đây cũng chính là nơi Đức Giêsu chịu phép rửa.

“Đây là một quyết định hợp lý. Bờ đông là nơi có các nhà thờ và di tích cổ Byzantine”. Linh mục Eugenio Alliata dòng Phanxicô, giáo sư của phân khoa Kinh Thánh và Khảo Cổ học Franciscanum – phân khoa này ở Giêrusalem, nhưng trực thuộc trường Pontificia Universitas Antonianum tại Rôma. Cha cho biết: “Người ta chỉ mới hành hương tới phía bờ đông từ 600 năm trở lại đây. Nhưng đối với chúng ta, ngay giữa, chính ngay giữa sông Giođan, nơi đó là nơi cực thánh.”

Từ nhiều năm nay, hai nước Israel và Giođan đã tranh cãi về việc phía bờ nào của sông Giođan mới là địa điểm thực sự nơi Đức Giêsu chịu phép rửa, cả hai nước đều cố giành lấy cái vinh dự ấy nhằm thu hút thêm khách du lịch. Israel đã cho nâng cấp ven bờ với các phòng thay đồ, và cho làm các lối đi bằng gỗ dẫn tới các vũng, các mạch nước đục ngầu.

Thế nhưng cả ba vị giáo hoàng đã chọn bờ đông bên phía Gio-đan để viếng thăm, như một cử chỉ chính thức của Giáo hội Công giáo công nhận đó chính là địa điểm “Bêtania bên kia sông Giođan.” Tin Mừng Gioan (1:28 và 10:40) cho việc đây chính là nơi ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, kể cả thực hiện phép rửa cho Đức Giêsu.

Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên tới đây trong chuyến hành hương thiên niên kỷ tới Đất Thánh, tiếp theo là Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô.

Gần địa điểm này người ta cũng tìm thấy phế tích của hơn 20 địa điểm quan trọng gắn liền với Kitô giáo có tuổi từ sáu 6 thế kỷ trở lên, có khi từ thời đế quốc Rôma và Byzantine. Trong đó, có nhiều nhà thờ, một phòng cầu nguyện, các bể chứa nước làm phép rửa, và một hệ thống cấp nước khá phức tạp, công phu.

Ít nhất 12 thánh đường mới đang được xây dựng trong vùng, người ta hy vọng sẽ có một khu phức hợp các thánh đường Công giáo lớn nhất vùng Trung đông, với tổng diện tích là 323.000 feet vuông.

Cha Alliata cho biết, các bức icon vẽ Đức Giêsu giữa dòng chứ không phải là ở gần bờ sông, cũng có những bản khắc được các khách hành hương cổ thời lưu lại trên các cột cẩm thạch ở giữa dòng sông, đánh dấu nơi Đức Giêsu chịu phép rửa.

Cha Alliata cũng nói: “Lịch sử được ghi nhớ theo nhiều cách thế. Nếu hai nước Israel và Giođan thoả thuận được với nhau (về vấn đề này) thì hai địa điểm là bờ đông và bờ tây có thể được kết hợp lại với nhau. Cả hai đều quan trọng cả, bờ đông vào cổ thời, và bờ tây của thời hiện đại.”

DaminhVN chuyển ngữ từ CatholicNews

No comments:

Post a Comment

Comment