Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

ĐIỆU BUỒN THÁNH THIỆN

Đã 6 giờ chiều mà trời chưa tối hẳn, vẫn thấy rõ mặt người. Ngày như còn muốn níu kéo ánh sáng, chưa muốn tan hòa vào bóng đêm. Tôi vừa bước vào nhà, Phụng hỏi ngay:

– Sao dạy về tối vậy?

– À, dạy xong sớm, mấy người bạn rủ uống cà phê. Nấu cơm chưa, Phụng?

Thấy Phụng buồn, tôi hỏi:

– Sao mặt như đưa đám vậy?

Phụng cười gượng:

– Mấy bài nhạc mới viết, đưa cho nhà xuất bản mà họ không chịu xuất bản. Muốn xuất bản phải có điều kiện.

Tôi thở dài ngao ngán. Tội nghiệp! Ba má mất sớm, Phụng ở với dì ruột ở Biên Hòa từ hồi 15 tuổi. Việc học dở dang, Phụng phải làm việc quần quật suốt ngày. Chịu không nổi cảnh khổ nên Phụng lên Bảo Lộc ở với cô ruột. Tình thương cũng không kiên trì để tồn tại với thời gian. Ở với cô, Phụng phải làm rẫy từ sớm tới tối, có khi phải ở lại để coi rẫy vào những ngày sắp thu hoạch. Thân gầy sức yếu, chịu không nổi cực nhọc, Phụng lại về Gò Vấp ở nhờ nhà chị họ. Không kham nổi ánh mắt lườm nguýt, đá mèo khoèo rế, Phụng xin đi may xuất khẩu để ít có mặt ở nhà. Phụng làm vẫn không đủ sống, xoay xở đủ cách nhưng số phận có vẻ thích “đùa dai.” Buồn đời tủi phận, Phụng trở nên ít nói. Giờ rảnh, Phụng lao vào viết nhạc và làm thơ. Điều này lại khiến người khác càng “khó chịu.”

Thấy hoàn cảnh Phụng bi đát quá, tôi rủ Phụng về ở chung. Tuy đồng lương giáo viên “khiêm tốn,” tôi vẫn hơn Phụng là có căn nhà nhỏ, dù chẳng hơn ai, chỉ tạm sống qua ngày đoạn tháng. Ba má không còn, anh chị lại ở xa, có Phụng cũng thuận tiện cho nhau. Hai đứa là bạn học từ hồi học cấp II ở Biên Hòa. Thực ra hai đứa chỉ học chung với nhau một năm thì Phụng phải nghỉ học khi bắt đầu bước vô cấp III. Phụng nghỉ học nhưng hai đứa vẫn thường xuyên gặp nhau, thân thiện và cởi mở. Mới 16 tuổi mà Phụng đã có thể ký âm những bài hát từ băng đĩa nhạc. Có lẽ là năng khiếu âm nhạc thiên phú thật. Ký âm xong, Phụng thường kéo nhỏ Oanh và tôi hát bè mà Phụng tự hòa âm. Tôi rất ngạc nhiên.

Hồi còn đi học, môn nhạc lý chỉ học chiếu lệ, học kiểu “kịp thời vụ” cốt để lấy đủ điểm trung bình thôi. Vậy mà khi nghỉ học, Phụng mày mò thế nào mà có thể phát triển mau đến không tưởng! Nghe nói Phụng từng làm ca trưởng hơn 10 năm tại một giáo xứ. Trong thời gian phục vụ giáo xứ, Phụng có sáng tác nhiều Thánh ca nữa. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi Phụng “lôi” nhỏ Oanh và tôi ra để “thí nghiệm” bài hát đầu tay. Đôi tai âm nhạc có khác. Oanh và tôi chỉ hát sai một chút là Phụng bắt ngưng ngay, bắt hát đi hát lại đến “sái quai hàm.” Nhiều khi tôi đâm quặu. Oanh thường than với tôi rằng Phụng “khó tính.” Nghĩ cũng phải thôi, hát sai 1 coma [1] cũng đủ “xuyên tạc” âm nhạc rồi. Có thể vì hoàn cảnh vô tình đã biến Phụng mang vẻ “khô” như vậy. Mà “bị” làm “thí điểm” cho Phụng cũng thấy… hay hay!

Thời gian trôi dần. Xa nhau có đến 20 năm. Tình cờ gặp nhau, tôi tròn mắt vui sướng nắm tay Phụng và reo lên:

– Phụng!

Phụng cười, đá nhẹ tôi. Hai đứa không ôm chầm nhau nhưng thâm hiểu rằng thương nhau lắm.

Phụng đi làm mộc cả ngày. Tôi đi dạy buổi chiều. Hai đứa “phân công” với nhau: Tôi nấu cơm trưa, Phụng nấu cơm chiều. Nhà xuất bản định xuất bản tập nhạc của Phụng nhưng phải góp vốn. Hoàn cảnh bế tắc thế này, vốn đào đâu ra? Xuất bản tập nhạc còn chưa được nói chi ra album? Tôi cũng chẳng giúp được gì. Phụng tâm sự:

– Chiều nay trên đường về, tao chợt nghĩ: Giả sử bệnh lúc này chắc không có tiền uống thuốc.  Chết vì đói thuốc chứ chưa hẳn chết vì đói ăn. Tao chợt nhận ra mình là một lãng tử chính hiệu đó mày!

Tôi cười ngặt nghẽo:

– Chứ còn gì nữa, ông tướng! Ngay hồi còn học chung, lúc nào mày cũng lơ ngơ và có vẻ “bụi” lắm. Máu nghệ sĩ bốc lên thì khỏi nói. Coi trời bằng… “nắp bia” thôi!

– Hơn 20 năm qua, bây giờ tao mới chợt nhận ra điều này. Có muộn không ha?

– Nghệ sĩ tính quá, ông bạn “cưng” của tôi ơi! Mình cũng không nhận ra mình, “đánh rơi” cả chính mình rồi. Nhưng coi chừng, vì e rằng gặp được lãng mạn là bắt đầu hết lãng mạn đó nha!

Hai đứa cười thoải mái, cười “không thấy tổ quốc” luôn, và nỗi buồn như được hơi nóng của tiếng cười làm tan chảy. Tôi chêm vào:

– Mày cắt tóc ngắn uổng quá. Tao thấy để tóc dài coi “bụi bụi” mới hợp với tướng mày.

– Lần này tao sẽ để tóc dài lại. Coi như “tấm khăn tang” cho những tác phẩm của mình.

– Nói chi “oải” quá mày!

Bất ngờ có cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề tự do, tôi động viên Phụng dự thi. Biết đâu có thể lịch sử sang trang. Tôi gạn hỏi mà Phụng không chịu tiết lộ bài gì. Mãi khi được tin trúng giải, Phụng mới “bật mí” ca khúc của mình. Hai đứa ôm nhau sung sướng. Phụng đệm guitar và hát cho tôi nghe ca khúc vừa trúng giải có tựa đề u uẩn mênh mang là Một Ngày – Một Đời: Tôi bâng khuâng nhìn đời. Thời gian trôi, tóc phai da mồi. Tôi ngu ngơ nửa đời đi tìm tôi, lãng đãng như mưa rơi. Băn khoăn hoài…

Giai điệu đẹp, nhẹ nhàng, giản dị mà sâu lắng. Hai đứa vui đến chảy nước mắt. Cuộc đời không “dễ tính” chút nào. Nó để cho người ta đắm đuối đến sắp chìm mới chịu lặng sóng. Gian khổ cũng chẳng chịu “nương tay” với bất kỳ ai. Thôi cũng được. Có một tin vui trùng hợp nữa là Ban Thánh nhạc giáo phận vừa thông báo sẽ in riêng cho Phụng một tập Thánh ca. Phụng rất điềm đạm và trầm tĩnh, vui hay buồn gì Phụng cũng không hề tỏ lộ. Tôi nhìn Phụng và Phụng cũng nhìn tôi với nụ cười bí ẩn…

o0o

Ngày mai là ngày Phụng đi nhận giải. Tôi thúc mãi Phụng mới chịu gọi điện mời Oanh cùng đi cho vui. Yêu nhau mà Phụng còn mang nhiều mặc cảm sang hèn. Vả lại, gia đình Oanh cũng đã phản đối chuyện tình cảm của hai người. Tội nghiệp! Bề ngoài nhìn như “nước đá cục” vậy chứ lòng Phụng như “lò lửa.” Tôi biết. Với số tiền lãnh giải cũng chưa thấm gì, nhưng cũng giải quyết được một số vấn đề trước mắt, bớt phần nào gian nan.

Chiều hôm đó, đang dạy tiết cuối thì tôi có điện thoại của Oanh. Tôi vội đến bệnh viện. Một vị linh mục đang đứng bên giường Phụng nằm. Oanh cũng đã có mặt. Thì ra bệnh viện gọi điện cho Oanh nhờ cuốn sổ tay của Phụng và Oanh đã mời linh mục ngay. Tôi hỏi:

– Phụng bị sao vậy?

– Ảnh bị… bể đầu. – Oanh nói trong nước mắt.

Tôi thở dài. Trời ơi! Định mệnh! Cổ tôi bỗng nghèn nghẹn nhìn Phụng lờ mờ đôi mắt. Ánh mắt ấy như muốn nhắn nhủ điều gì trăn trối. Nắm tay Phụng, tôi nghe giọng thều thào như gió thoảng rất nhẹ:

– Mày… thay tao… lãnh giải. Cảm ơn… Oanh!

Nghịch cảnh “đồng lõa” với tử thần, không tha ai, dù người đó đã đầu hàng vô điều kiện. Cuộc đời Phụng là bài ca có giai điệu buồn thảm với nhiều dấu hóa bất thường. Mà cũng thương và buồn cho Oanh biết mấy, người bạn gái của Phụng, đã can đảm yêu một người như Phụng mà không trọn niềm hạnh phúc.

Trời không mưa mà mắt tôi chợt ướt. Tôi nghe được tiếng sóng đang vỗ mạnh trong lòng người con gái tên Oanh. Đôi mắt Oanh ướt đẫm. Oanh đưa tay úp mặt hứng lấy những giọt mặn trong veo…

Chiếc radio dưới căn-tin vừa vô tình vừa hữu ý đang vang lên bản “Định Mệnh” của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven [2] với những nhịp dồn như tiếng gõ cửa của Tử Thần! Xin Chúa chúc lành cho những gì Phụng đã làm bằng tất cả tấm chân tình trong niềm tin, cậy, mến… Dẫu giai điệu cuộc đời Phụng có buồn nhưng vẫn mang vẻ thánh thiện. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời… Thiên Chúa luôn giàu lòng từ bi nhân hậu!

TRẦM THIÊN THU

[1] Coma là “tiểu phần” cao độ nhỏ nhất mà tai chúng ta có thể nghe và phân biệt, liên quan hòa âm hoặc thanh nhạc. Một cung có hai bán âm. Tuy nhiên, hai bán âm KHÔNG bằng nhau như chia đôi thứ gì đó. Theo quy luật âm thanh, bán âm đồng “lớn hơn” bán cung dị. Có lẽ vấn đề này cần thiết, vì chưa chắc ai cũng biết.

[2] Luwig van Beethoven (1770-1827, Đức) soạn nhạc và chơi dương cầm (piano), có sức ảnh hưởng tới nhiều nhạc sĩ thời đó. Ông sáng tác bản giao hưởng “Định Mệnh” (Destiny) khi ông có triệu chứng điếc tai. Ông vẫn sáng tác nhưng chỉ “nghe” âm thanh trong đầu, chứ tai ông không nghe được nữa.

 Giọt Nhớ Mùa Giáng Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment