Kiếp phàm nhân có rất nhiều nỗi khổ, đủ kiểu và đủ mức độ, tóm tắt trong bốn lĩnh vực chính: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Trong tứ khổ đó, cái “đệ tam khổ” là thứ khổ dai dẳng nhất: Bệnh tật. Bệnh thể lý là cái khổ rõ ràng rồi, nhưng còn cái khổ còn “dữ dội” hơn, đó là “tâm bệnh” và “bệnh tâm linh.”
Vì mắc bệnh tật nên mới cần được chữa trị,
còn có “lành” hay không lại là chuyện khác. Về thể bệnh, chúng ta cần sự hỗ trợ
của các y bác sĩ và dược sĩ; về tâm bệnh, chúng ta cần Đại Lương Y Giêsu. Các
lương y phải như từ mẫu để chứng tỏ Ý Chúa thể hiện qua họ, chứ chính họ không
thể chữa lành, vì Kinh Thánh xác định: “Không
phải lá cây, chẳng phải thuốc đắp đã chữa họ lành, nhưng chính Lời Ngài chữa lành tất cả.” (Kn 16:12)
Quả thật, chỉ trong ba năm Ngài thi hành sứ
vụ công khai, Chúa Giêsu đã chữa lành rất nhiều người – cả thể bệnh và tâm bệnh:
Chữa nhạc mẫu của Simôn Phêrô, (Mt 8:14-15; Mc 1:29-31; Lc 4:38-39) chữa hai
người bị quỷ ám, lũ quỷ xin được nhập vào bầy heo, rồi cả bầy heo lao xuống
biển chết đuối hết, (Mt 8:29-34; Mc 5:1-20; Lc 8:26-39) chữa nhiều kẻ ốm đau
mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ, (Mt 8:16-17; Mc 1:32-34; Lc 4:40-41)
chữa lành người bại liệt, (Mt 9:1-8; Mc 2:1-12; Lc 5:17-26) chữa người đàn bà
bị băng huyết và phục sinh con gái của một vị thủ lãnh, (Mt 9:18-26; Mc
5:21-43; Lc 8:40-56) chữa hai người mù, (Mt 9:27-31) chữa người câm bị quỷ ám,
(Mt 9:32-34) chữa con gái bị quỷ ám của người đàn bà Canaan, (Mt 15:21-28;
Mc 7:24-30) chữa nhiều bệnh nhân tại ven Biển Hồ Galilê, (Mt 15:29-31)... và
rồi ngay trước lúc bị bắt, Ngài còn chữa lành tai cho tên đầy tớ của thầy
thượng tế, (Mt 26: 47-55; Mc 14:43-49; Lc 22:47-51; Ga 18:3-11) cuối cùng là
làm sáng mắt cho Longinus, kẻ đã cầm lưỡi giáo đâm thâu trái tim Chúa Giêsu khi
Ngài đã chết trên Thập Giá. (Ga 19:34)
Và ngày nay, cho tới tận thế, đang có và sẽ
có biết bao trường hợp được Thiên Chúa chữa lành... Cụ thể là hàng triệu trường
hợp thể bệnh được ghi nhận do phép lạ chữa lành ở Lộ Đức.
Thời Cựu Ước, dân Israel bị rắn độc hoành
hành, Thiên Chúa bảo ông Môsê làm một con rắn đồng để “hễ ai bị rắn cắn mà nhìn
lên con rắn đồng thì được sống.” (Ds 21:9) Thời Tân Ước, Chúa Giêsu đi tới đâu
cũng được người ta tìm đến, họ “tìm cách sờ vào Ngài, vì từ nơi Ngài phát ra
một năng lực chữa lành hết mọi người.” (Lc 6:19) Và Ngài xác định: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi
mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32) Ai tin Chúa Giêsu là
Con Thiên Chúa làm người để cứu độ nhân gian thì sẽ được “chữa lành.”
Người ta thường nói: “Chỉ sợ trời hại, chứ không sợ người ta hại.” Thật vậy, Thiên Chúa
đã xác nhận: “Ta cầm quyền sinh tử, Ta
đánh phạt, rồi Ta lại chữa lành, không
ai cứu khỏi tay Ta được.” (Đnl 32:39) Trốn trời không khỏi nắng. Phàm
nhân chỉ là thụ tạo, không thể “qua mặt” Thiên Chúa. Ngoan thì được thương,
ương thì bị phạt!
Ngày nay, ung thư xuất hiện nhiều, đủ loại,
bất cứ độ tuổi nào cũng có thể phải đối mặt với “cái chết được báo trước” này.
Không phải ngày nay mới có bệnh ung thư, mà thời Cựu Ước cũng đã có đủ chứng
bệnh rồi: “Đức Chúa sẽ làm cho anh em bị
ung nhọt Ai Cập, bị u bướu, ghẻ lở, ngứa ngáy, mà không thể chữa khỏi. Đức Chúa
sẽ làm cho anh em bị điên khùng, mù lòa, loạn trí. Anh em sẽ mò mẫm giữa trưa,
như người mù mò mẫm trong bóng tối, và sẽ không thấy đường mà đi. Đức Chúa sẽ
làm cho anh em bị ung độc không thể chữa lành ở đầu gối và ở đùi, từ bàn chân
cho tới đỉnh đầu.” (Đnl 28:27-29, 35)
Vì Ông Bà Nguyên Tổ bất tuân lệnh Chúa nên con
cháu bị “di truyền,” chứng “ung thư” này “di căn” tới tận thế. Ôi, khốn khổ
thay! Và cũng đáng sợ thay, vì loài người có “máu” nổi loạn, lúc nào cũng chỉ
rình cơ hội để bạo động, phản trắc, bất tuân. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn giàu
lòng thương xót, Ngài “tội nghiệp” chúng ta lắm, Ngài “đánh” vì yêu thương chứ
không vì ghét bỏ. Chúng ta đau một thì Ngài thương mười: “Người gây thương tích, cũng chính Người băng bó, đánh bầm dập xong,
lại ra tay chữa lành.” (G 5:18) Trong “tứ khổ” của phàm nhân, cái “đệ tứ
khổ” (sự chết – tử) là cái khổ lớn nhất và đáng sợ nhất.
Chúng ta khổ vì “di truyền” chứng ung-thư-tội-lỗi.
Kinh Thánh cho biết rõ ràng: “Thiên Chúa
không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1:13) Lý
do đơn giản và minh nhiên: “Vì Người đã
sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu
ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất hủy hoại. Âm phủ không thống
trị địa cầu. Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử.” (Kn 1:14-15)
Cha mẹ trần gian chỉ là tội nhân, là “người xấu,” (Lc 11:13) mà còn biết yêu
thương và muốn điều tốt cho con cái, huống chi Thiên Chúa là Đấng cực tốt cực
lành?
Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng tình yêu
muôn thuở (Gr 31:3) và yêu thương chúng ta thật nhiều. (Gr 31:20) Kinh Thánh
cho biết thêm: “Quả thế, Thiên Chúa đã
sáng tạo con người cho họ được trường
tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái
chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về
phe nó đều phải nếm mùi cái chết.” (Kn 2:23-25) Rất rõ ràng, Satan ghen
tỵ với chúng ta nên chúng mới “gài bẫy” chúng ta, chúng muốn kéo chúng ta về
phía chúng, chịu cái-chết-đời-đời với chúng nơi vương quốc hỏa ngục của chúng.
Chuyện kể rằng ma quỷ cám dỗ một anh chàng nọ
theo phe nó, nhưng anh ta không chịu. Ma quỷ ra ba điều kiện: Một là giết mẹ,
hai là giết vợ, ba là uống rượu. Anh ta suy nghĩ: Mẹ là người sinh ra mình, dù
chưa đáp đền chữ hiếu thì cũng không thể là nghịch tử mà đành lòng giết mẹ; vợ
là người đồng hành với mình, nên một xương một thịt, đầu ắp tay gối, chưa thể
yêu thương đủ thì cũng không thể là kẻ sát phu mà giết vợ; cuộc đời có nhiều
lúc buồn, người ta bảo “nhất túy giải vạn sầu” (rượu có thể giải nhiều nỗi
sầu), vả lại uống rượu chẳng hại ai, có chăng chỉ khổ mình, thôi thì mình chọn
cách này.
Sau những lần làm đệ tử Lưu Linh, riết đâm
nghiện. Một lần nọ, anh ta uống rượu say và cố gắng về nhà, anh ta kiếm chuyện
rồi đập phá lung tung, mẹ và vợ can ngăn không được, anh ta lấy dao chém chết
cả mẹ và vợ. Mưu mô ma quỷ thâm độc vô cùng!
Trước mắt Thiên Chúa, chúng ta thật quý giá, luôn
được Ngài trân trọng và mến thương. (Is 43:4) Có bệnh thì vái tứ phương, còn
nước còn tát. Thể bệnh còn vậy, huống chi tâm bệnh. Thiên Chúa sẽ chữa lành
chúng ta ngay nếu chúng ta sám hối. Vua Đavít phạm “lưỡng tội” (gián tiếp giết
Urigia và cướp vợ của Urigia), nhưng ông đã sám hối nên được Thiên Chúa “chữa
lành” – tha thứ và không kết án tử; (2 Sm 12:13) tướng cướp Dismas (cùng bị
đóng đinh với Chúa Giêsu) chỉ xin lỗi một lời liền được Chúa Giêsu “chữa lành”
tâm bệnh và cho theo vô Thiên Đàng ngay đêm hôm đó. (Lc 23:42-43) Và còn rất
nhiều trường hợp như vậy mà chúng ta không biết!
Chúng ta cũng đã bao lần được Thiên Chúa
“chữa lành” qua Bí Tích Thương Xót – Bí Tích Hòa Giải. Càng sống lâu càng được
chữa lành nhiều. Vì thế, chúng ta phải biết chúc tụng và tạ ơn: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã
thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con.” (Tv 30:2) Với
trí óc phàm nhân, chúng ta không thể nào hiểu nổi việc Chúa thực hiện vì yêu
thương chúng ta: “Lạy Chúa, từ âm phủ
Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.” (Tv 30:4)
Chắc chắn tác giả Thánh Vịnh cũng đã được
chữa lành nhiều, vì thế mà không thể im lặng: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ Thánh Danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ
có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.” (Tv
30:5-6)
Hiệp thông với tâm tình của tác giả Thánh
Vịnh, chúng ta cùng dâng lời nguyện tạ ơn và thề hứa: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng
đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy
hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là
Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.” (Tv 30:11-13)
Thiên Chúa chan chứa lòng thương xót, Ngài
yêu thương chúng ta trước, (1 Ga 4:19) dù chúng ta hoàn toàn bất xứng. Thánh
Phaolô nói: “Anh em biết Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý,
nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho
anh em trở nên giàu có.” (2 Cr 8:9)
Thánh Phaolô giải thích: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt
nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự
đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ
những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp
đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với
lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.”
(2 Cr 8:13-15) Cách chia sẻ đó là sống yêu thương, thể hiện lòng thương xót,
thực hành đức ái, và cũng là “chữa lành” lẫn nhau.
Trình thuật Mc 5:21-43 cho chúng ta biết Chúa
Giêsu chữa lành hai con người, một lớn và một nhỏ.
Hôm đó, Đức Giêsu vừa từ thuyền lên bờ Biển Hồ,
một đám người rất đông liền tụ lại quanh Ngài. Lúc đó, có một ông trưởng hội
đường tên là Giaia tới sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoản nài xin Ngài đến
đặt tay cứu sống con gái nhỏ của ông, vì nó gần chết. Khi Ngài theo ông về nhà
ông, một đám rất đông kéo theo và chen lấn Ngài.
Trong đám đông đó có một bà bị băng huyết đã
mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại
sản mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Bà nghe đồn về Đức
Giêsu nên cố lách qua đám đông để đến phía sau và sờ vào áo Ngài. Bà chỉ mong
sờ được vào áo Ngài thôi thì sẽ được chữa lành ngay. Quả thật, vừa chạm vào áo
Ngài thì máu trong bà liền cầm lại, bà cảm thấy trong mình được khỏi bệnh.
Lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi
mình phát ra, Ngài liền quay lại giữa đám đông mà hỏi xem ai đã sờ vào áo Ngài.
Các môn đệ vừa ngạc nhiên vừa mắc cười, đám đông chen lấn như thế, ai đã sờ vào
Ngài thì có trời mới biết. Đúng, phàm nhân không thể biết, và chỉ có trời biết.
Trời là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa chính là Thầy Giêsu đấy thôi. Vâng, Ngài biết
rõ nên Ngài ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Có tật giật mình. Bà
này sợ phát run lên vì bà biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục
trước mặt Ngài, và thú thật ngọn nguồn. Ngài cười và nhẹ nhàng nói: “Này bà Hai, chính lòng tin của bà đã cứu chữa
bà đấy. Bà hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh. An tâm nhé, bà Hai!”
Ngay khi Đức Giêsu còn đang nói với bà Hai
như vậy, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo rằng con gái ông chết
rồi, đừng làm phiền Thầy nữa. Đức Giêsu nghe nói vậy liền bảo ông trưởng hội
đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin
thôi!” Rồi Ngài không cho ai đi theo mình, trừ ba đệ tử ruột (Phêrô, Giacôbê
và Gioan). Đến nhà ông trưởng hội đường, Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc thảm
thiết, Ngài bảo họ: “Sao lại náo động và
khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Ngài. Đúng
là người trần, mắt thịt. Chả biết quái gì còn chảnh!
Chuyện nhỏ! Chúa Giêsu bắt họ ra ngoài hết,
rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi vào nơi con bé đang nằm. Ngài cầm
lấy tay nó và nói: “Talitha Kum.” (Ταλιθά
κούμ[ι]) – nghĩa là “Bé ơi, bé trỗi dậy đi!” (talitha là “con bé” hoặc “bé gái.”)
Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Ai nấy kinh
ngạc sững sờ, mắt chữ O, miệng chữ A, há hốc nhìn nhau, như kiểu ngày nay người
ta thường nói là “bó tay.” Chứ còn gì nữa! Tuy nhiên, Đức Giêsu nghiêm cấm họ
không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn. Tiếng khóc trở
thành tiếng cười, hạnh phúc ngập tràn…
Chúa Giêsu chữa lành thể bệnh, nhưng Ngài
muốn chúng ta quan tâm tâm bệnh. Được yêu thương thì phải biết yêu thương, được
chữa lành thì cũng phải biết chữa lành: “Hãy
bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó
chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là
người phàm mà để tâm thù hận thì ai sẽ xin tha tội cho nó? Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành
giữ các điều răn.” (Hc 28:2-6) Đọc mấy câu này mà thấy “nhột gáy” hết
sức. Vì thế, rất có thể người ta “ngại” nhắc tới đoạn Kinh Thánh này!
Để được chữa lành, chúng ta cùng chữa lành
lẫn nhau bằng cách noi gương tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đoái thương, này con đang
kiệt sức, chữa lành cho, vì gân cốt rã rời. Xin thương xót và chữa lành con, quả
thật con đắc tội với Ngài.” (Tv 41:5 & Tv 6:3) Và hãy ghi nhớ câu
này: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất
cả đều do Đức Chúa.” (Hc 11:14)
Ai cũng bị bệnh, cả thể bệnh và tâm bệnh, nên
luôn cần được chữa lành. Muốn được chữa lành thì phải thành tâm cầu xin ơn chữa
lành. [*]
Lạy
Thiên Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con và giúp chúng con biết mau mắn đến
với Ngài để được chữa lành cả hồn và xác, đồng thời cũng thúc giục chúng con
luôn mau mắn chữa lành cho nhau. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu,
Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Kinh XIN ƠN CHỮA LÀNH
Lạy
Chúa Giêsu, con ra trước nhan Chúa với thân phận khốn hèn của con. Con đau buồn
vì lỗi mình, con hối tiếc đã phạm tội, xin Chúa dủ lòng tha thứ cho con. Nhân
danh Đức Giêsu, con sẵn sàng tha thứ cho kẻ xúc phạm đến con. Con xin từ bỏ
Satan, từ bỏ ma quỷ và các hành vi của nó. Con xin trao hiến mình cho Chúa. Ôi
Chúa Giêsu, con mời Chúa hãy bước vào cuộc sống con.
Lạy
Chúa Giêsu, con xin tiếp nhận Ngài làm Đức Chúa của con, Thiên Chúa của con và
Đấng Cứu Độ của con. Xin Ngài chữa lành con, biến đổi con, ban sức mạnh cho con
cả hồn, xác và tinh thần.
Lạy
Chúa Giêsu, xin Ngài hãy đến, xin lấy Máu Thánh Ngài tắm gội con, xin đổ tràn
Thánh Thần Chúa trên con. Ôi Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài, con chúc tụng Ngài,
con tạ ơn Ngài. Ôi Chúa Giêsu, con xin theo Ngài hết mọi ngày trót cả đời con.
Lạy
Mẹ Maria là Nữ Vương bình an, lạy toàn thể các Thánh trên trời, xin hộ giúp
con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment