Trong Bữa Tiệc Ly, chính Chúa Giêsu đã xác lập Giao Ước Máu: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22:20) Giao ước mới chứ không cũ, và được ký kết bằng máu chứ không bằng thứ gì khác, mà máu này là chính Máu của Con Thiên Chúa, chứ không là máu chiên, máu bò, máu dê,... Giao ước mới là Giao Ước Máu – Máu Thánh của chính Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa.
Giao ước (hiệp
ước, thỏa ước, khế ước, minh ước) khác với hợp đồng. Hợp đồng là sự thỏa thuận
của đôi bên và có thời hạn. Còn giao ước vô thời hạn, vĩnh viễn, và là thành
phần của cuộc sống. Hợp đồng và giao ước đều có những trách nhiệm mà đôi bên
phải thực hiện.
Theo nghĩa Kinh
Thánh, giao ước được thiết lập và đóng ấn bằng một lễ nghi công khai và long
trọng. Theo phong tục của dân ở Đất Thánh xưa, người ta đóng ấn giao ước bằng
nghi thức sát tế một con vật, rồi phân thây con vật ấy thành hai phần và đặt
dưới đất. Sau đó, đại diện hai bên lần lượt đi ngang qua giữa hai phần con vật đó,
ngụ ý quyết tâm thi hành giao ước và sẵn sàng chịu cùng một số phận như con vật
bị giết nếu vi phạm giao ước. (x. St 15:7-20; Gr 31:31; Gr 34:18-22)
Trong lịch sử cứu
độ, Thiên Chúa đã nhiều lần thiết lập giao ước với loài người.
(x. St 8:20-21; St 9:8-17; St 12:1-3) Có hai giao ước được nhắc tới trong Kinh Thánh là
Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới – Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước là giao ước được
thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Israel, được đóng ấn bằng máu con vật sát tế. Tân
Ước là giao ước được thiết lập trực tiếp giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại,
và được đóng ấn bằng chính Bửu Huyết của Đức Kitô, Con Một yêu dấu của Thiên
Chúa.
Không gì có thể
so sánh với giá máu, gọi là vô giá. Tục ngữ Việt Nam so sánh: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã.” Quý
lắm! Như chúng ta biết, máu là một tổ chức di động, được tạo thành từ thành
phần hữu hình là các tế bào và huyết tương. Theo thể tích, hồng cầu chiếm
khoảng 45%, bạch cầu chiếm khoảng 0,7%, và huyết tương chiếm khoảng 54,3%. Chức
năng chính của máu là cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức, đồng
thời loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể – như khí
carbonic và acid lactic. Máu cũng là phương tiện vận chuyển của các tế bào (cả
tế bào bảo vệ cơ thể và tế bào bệnh lý) và các chất khác nhau (các amino acid,
lipid, hormone) trong các cơ phận quan trọng. Các rối loạn về thành phần cấu
tạo máu hoặc sự tuần hoàn bình thường của máu đều có thể dẫn đến rối loạn chức
năng của nhiều cơ quan khác. Máu chiếm 7% trọng lượng cơ thể. Người trưởng
thành trung bình có khoảng 5 lít máu. Tỷ trọng máu ở vào khoảng 1060 kg/m3.
Rõ ràng máu thực
sự giữ vai trò rất quan trọng trong sự sống của con người – và động vật. Cái gì
liên quan máu đều đáng giá, vì liên quan sự sống còn! Thực vật có loại “máu
lạnh” và không có màu đỏ, chúng ta gọi là “nhựa.”
Cuộc sống có
nhiều thứ liên quan máu, có thể tốt, có thể xấu, nhưng luôn “nghiêm trọng.” Máu
xấu có trong những người xấu xa, chẳng hạn một cô bé vô tội 16 tuổi ở Guatemala
bị đám người xấu đánh đập dã man, rồi họ thiêu sống em. Và hàng ngày, ở đâu đó
trên thế giới này – kể cả Việt Nam, còn biết bao vụ án liên quan “máu xấu” vẫn không
ngừng xảy ra. Chính họ đang muốn “triệt tiêu” Thiên Chúa, làm hư Giá Máu của
Đức Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu đã nói
thẳng với Saolê – tức là Saun, sau trở thành Phaolô: “Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26:14) Người có “máu xấu”
cố ý làm ngơ chứ chắc chắn không phải không biết. Còn máu, còn sống; mất máu,
đông máu hoặc “khô máu,” chết chắc! Đó là quy luật tự nhiên – tức là Luật Chúa.
Saolê đã tỉnh ngộ vì cú ngã ngựa chí mạng, và rồi nhìn vào thực tế của cuộc
đời nhiễu nhương này, ông đã phải thốt lên: “Mầu
nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7) Người ta đã và đang muốn
loại bỏ Thiên Chúa, bằng chứng là xưa nay luôn xuất hiện các tà thuyết. Nhiều
điều nhãn tiền mà người ta vẫn không hề biết sợ, vì quá cố chấp. Thật khủng
khiếp!
Ngày xưa, ông
Môsê xuống núi thuật lại cho dân mọi lời và mọi điều luật của Đức Chúa. Toàn
dân đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã
phán, chúng tôi sẽ thi hành.” (Xh 24:3) Rất ngoan ngoãn. Một lời hứa rất
đẹp. Ước gì họ luôn ngoan ngoãn như vậy, và chúng ta cũng luôn ngoan ngoãn như
thế. Nhưng nào có được như vậy!
Ông Môsê chép
lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân
núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các
thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ
an tế Đức Chúa. Ông Môsê lấy một nửa phần máu đổ vào những cái chậu, còn nửa
kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi
sẽ thi hành và tuân theo.” (Xh 24:7) Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy lên dân
và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh
24:8)
Giao ước cũ cũng
có “dính líu” tới máu. Máu biểu hiện sự sống. Vì thế, máu rất quan trọng, vì sự
sống là thứ bất khả xâm phạm. Màu máu cũng có gì đó rất khác lạ, sắc đỏ khác
với mọi màu đỏ khác. Với những con người bình thường, lời thề cũng thường liên
quan máu. Ngày xưa, người ta thường “uống máu ăn thề” – họ cùng cắt máu ngón
tay, cho chảy chung vào một cái chén rồi chia nhau uống, thề sống chết có nhau.
Các Thánh Vịnh cũng lặp đi lặp lại từ “giao ước” ít nhất 18 lần – trong 13
Thánh Vịnh.
Phàm nhân chẳng
là gì, nhưng Thiên Chúa đã tha tội chết, cho quyền sống, và còn ký kết giao ước
vĩnh viễn. Cảm được lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh
đã tự nhủ: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây
giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu
cầu thánh danh Chúa.” (Tv 116:12-13)
Thiên Chúa là
Chúa của người sống, Ngài yêu thương họ tới cùng và Ngài muốn mọi người được
sống dồi dào. Tác giả Thánh Vịnh tự hứa với Thiên Chúa: “Đối với Chúa thật là đắt giá, cái chết của những ai trung hiếu với
Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.” (Tv 116:15-16) Và quyết tâm
hành động: “Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và
kêu cầu thánh danh Chúa. Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn
thể dân Người.” (Tv 116:17-18)
Thánh Phaolô cho
biết: “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem
phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều
lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc
về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê,
con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh
được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9:11-12) Như đã nói, cái gì
liên quan máu đều là vấn đề nghiêm trọng. Máu động vật đã vậy, máu người còn
nghiêm trọng hơn. Và còn hơn thế nữa, Máu Chúa Giêsu vô cùng quý giá, tột đỉnh
quý giá, không gì có thể so sánh, vì không chỉ là Máu Thánh mà còn là Máu Cực
Thánh.
Thánh Phaolô so
sánh và giải thích: “Nếu máu các con dê,
con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn
thánh hóa được họ, nghĩa
là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn
biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật
vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi
những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng
sống.” (Dt 9:13-14) Máu động vật và máu người có thể làm chúng ta bị dơ bẩn,
nhưng Máu Thánh Chúa Giêsu lại khác, không làm chúng ta dơ bẩn mà còn tẩy sạch
chúng ta khỏi mọi thứ ô uế.
Thật kỳ diệu với
mối liên kết giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa sự sống thể lý và sự sống tâm linh.
Thánh Phaolô cho biết: “Người [Chúa
Giêsu] là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội
lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên
Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.” (Dt
9:15)
Ca tiếp liên “Lauda
Sion” (Hỡi Sion, Hãy Ngợi Khen) có những lời cầu nguyện thâm thúy này: “Này đây bánh của các thiên thần, biến thành
lương thực của khách hành hương; thật là bánh của những người con, không nên
ném cho loài khuyển. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát
tế Isaác, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng
manna. Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, là Bánh thật, xin Người thương xót,
chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy những điều
thiện hảo trong cõi nhân sinh. Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi
sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh,
xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và
đồng danh phận với những công dân thánh của nước trời. Amen.”
Ngày xưa, ca tiếp
liên này được sử dụng trong Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi,
ngày xưa thường gọi là lễ Săng-ti), không hiểu sao ngày nay không được sử dụng
nữa. Thật đáng tiếc!
Thánh Mác-cô cho
biết: Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, ngày sát tế chiên Vượt Qua, các
môn đệ hỏi Đức Giêsu để biết ý Thầy muốn họ dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu. Ngài
sai hai môn đệ đi và dặn họ đi vào thành, gặp một người mang vò nước thì đi
theo người đó. Người đó vào nhà nào thì họ hỏi chủ nhà về căn phòng dành cho Thầy
ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ, người ấy sẽ chỉ cho một phòng rộng rãi trên lầu
đã được chuẩn bị sẵn sàng, và họ sẽ dọn tiệc ở đó. Hai môn đệ ra, vào thành và
thấy mọi sự y như Ngài đã nói. Thật kỳ lạ, chỉ có Thiên Chúa mới khả dĩ biết
trước như vậy, vì Ngài thấu suốt mọi sự!
Khi đang ăn cùng
các môn đệ, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các
ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” (Mc 14:22) Rồi
Ngài cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống
chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì
muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây
nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” (Mc
14:24-25) Nghe Thầy nói và nhìn phong cách Thầy lúc đó, chắc hẳn họ vô cùng
ngạc nhiên – dù Kinh Thánh không ghi lại chi tiết. Không lạ sao được, vì bánh
mà bảo là “thịt,” rượu mà bảo là “máu.” Vâng, trí tuệ phàm nhân không thể hiểu
thấu: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu
giác quan không cảm thấy gì.” (Đây Nhiệm Tích)
Năm 700 (sau công
nguyên), tại Nhà thờ Thánh Domitian ở Lanciano (Ý), Lm Thomases (tu sĩ Dòng
Basilian) đã nghi ngờ sự hiện hữu thật
của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thời đó có nhiều tà thuyết nổi lên đã làm
lung lay đức tin của ông. Một buổi sáng nọ, Lm Thomases dâng Thánh lễ mà vẫn
nghi ngờ. Đến phần truyền phép, có điều lạ xảy ra trên đôi tay khiến toàn thân
Lm Thomases rung động: Bánh biến thành
Thịt thật, Rượu biến thành Máu thật.
Lm Thomases lặng
người một lúc rồi từ từ đưa lên cho mọi người thấy và nói: “Ôi chứng cớ hữu hình của Chúa để xóa bỏ sự nghi ngờ của tôi, Ngài muốn
mặc khải chính Ngài trong bí tích Thánh Thể hoặc để chúng ta nhìn thấy tỏ
tường. Anh chị em hãy đến chiêm ngưỡng phép lạ của Chúa. Đây là Mình Máu Thánh
Đức Kitô.” Đây là phép lạ Thánh Thể đầu tiên được Giáo Hội Công giáo công
nhận.
Trong Thông điệp “Ecclesia de
Eucharistia” (Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể, số 62), Thánh Gioan Phaolô II đã gọi
Thánh Tiến Sĩ Tôma Aquinô là “thần học gia vĩ đại nhất và là thi sĩ mãnh liệt
nhất của Chúa Kitô về Bí tích Thánh Thể” (summus theologus simulque Christi
Eucharistici fervidus cantor). Trong bộ “Tổng Luận Thần Học” (Summa Theologica,
III, Q. 76, Art. 8), Thánh Tôma Aquinô cho biết:
• KHÁCH THỂ 1: Có vẻ như Thánh Thể
Chúa Kitô không thực sự ở đó khi thịt hoặc một em bé hiện ra trong bí tích này.
Vì thân thể Ngài ngừng ẩn trong bí tích này khi dạng bí tích ngừng hiện hữu
(the sacramental species cease to be present). Nhưng khi thịt hoặc một em bé
hiện ra, dạng bí tích ngừng hiện hữu. Do đó thân thể Chúa Kitô không thực sự ở
đó.
• KHÁCH THỂ 2: Hơn nữa, dù thân thể
Chúa Kitô ở đâu, dưới chính dạng đó hoặc dạng bí tích. Nhưng khi có sự hiện ra,
rõ ràng là Chúa Kitô không hiện hữu trong chính dạng của Ngài, vì toàn bộ Chúa
Kitô được chứa trong bí tích này, và Ngài vẫn là tổng thể dưới dạng mà Ngài lên
trời: nhưng điều xuất hiện mầu nhiệm trong bí tích này đôi khi được thấy là một
miếng thịt nhỏ, hoặc đôi khi là một em bé. Rõ ràng là Ngài không ở đó dưới dạng
bí tích là bánh hoặc rượu. Do đó, có vẻ như thân thể Chúa Kitô không ở đó bằng
bất kỳ cách nào.
• KHÁCH THỂ 3: Hơn nữa, thân thể Chúa
Kitô bắt đầu ở trong bí tích này bằng việc thánh hiến và biến chuyển
(consecration and conversion). Nhưng thịt và máu xuất hiện mầu nhiệm bằng phép
lạ không được thánh hiến (not consecrated), cũng không được biến chuyển thành
Mình Máu thật của Chúa Kitô. Vì thế, Mình Máu Chúa Kitô không ẩn dưới dạng đó.
Chúa Giêsu muốn
chúng ta sống dồi dào, (Ga 10:10) muốn vậy thì chúng ta phải lãnh nhận Thánh
Thể. Thánh Eymard, đấng sáng lập Dòng Thánh Thể (SSS – Societas Sanctissimi Sacramenti),
đã nói: “Chúng ta chỉ chuốc lấy thất bại
nếu chúng ta xa rời Thánh Thể.” Một câu nhắc nhở vô cùng quan trọng, chúng
ta cần ghi nhớ luôn.
Hơn nữa, chính
Chúa Giêsu đã xác nhận rạch ròi: “Tôi là
bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh
tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga
6:51) Như vậy, không có gì nghi ngờ nữa – nghĩa là hoàn toàn chắc chắn!
Lạy Thiên Chúa, xin sắp
đặt cuộc đời của chúng con theo đúng ý Ngài và xin ở với chúng con luôn để
chúng con được sự sống viên mãn của Con Một Ngài. Xin giúp chúng con biết cầm
lấy tấm-bánh-cuộc-đời của chúng con, rồi tạ ơn, bẻ ra, và trao tặng tha nhân
với cả tấm lòng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng
con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment