Có ly
hôn (và ly thân) vì đã có hôn nhân. Hôn nhân không tốt lành, do ảo tưởng hoặc
ích kỷ, nên mới dẫn tới ly hôn. Heinrich Heine nhận xét: “Hôn nhân là đại dương sâu thẳm mà chưa ai phát minh ra la bàn”.
Duyên không dám tin vào tai mình. Cha
bỏ đi sau đó một tuần. Mẹ như người mất hồn. Từ hôm đó, bà không muốn ra khỏi
nhà, chỉ thu mình trong phòng, bật ti-vi để giết thời gian. Cả năm trôi qua,
Duyên vẫn thấy gia đình trống trải và nặng nề. Hai mẹ con lặng lẽ ăn cơm, không
ai nói gì với nhau. Bạn bè cũng không biết làm gì để an ủi Duyên. Bà con họ
hàng cũng ngại đến thăm mẹ con Duyên. Mọi người chỉ biết khuyên: “Thôi, hãy cố vượt qua!”.
HẬU LY HÔN
Nói dễ hơn làm. Con cái là khổ nhất,
nhưng người ta không chú ý đến nỗi khổ của những đứa con lớn, vì họ cứ tưởng
“không sao” đối với các các đứa con trưởng thành. Dù những đứa con lớn không
phải cấp dưỡng, giúp đỡ và thăm nom, tổn thương tinh thần vẫn rất nặng nề. Ly
hôn có thể tạo ra sự mất mát nghiêm trọng, cảm thấy như chết một người thân
vậy. Sự mất mát bao trùm cả gia đình!
Những đứa con (nhỏ hoặc lớn) có cha
mẹ ly hôn sẽ bị khủng hoảng trầm trọng: thất vọng, tức giận, buồn bã và khép
kín. Vì đã hiểu biết, những đứa con lớn chịu ảnh hưởng nhiều từ cuộc ly hôn của
cha mẹ. Chúng dễ cảm thấy gia đình là vô
nghĩa, cha mẹ không còn là mẫu mực hoặc thần tượng của chúng, đặc biệt là
một trong hai người có quan hệ “ngoài luồng”.
Thêm vào đó, một số đứa con có cha mẹ
ly hôn có thể mất niềm tin vào người khác phái, không tin vào tình yêu và quan
hệ hôn nhân. Chúng lo sợ và nghi ngờ mọi người. Các vấn đề tâm lý này rất khó
giải quyết, đồng thời khả dĩ ảnh hưởng căng thẳng tới tình yêu hoặc hôn nhân
của chính đứa con.
Những đứa con có cha mẹ ly hôn (hoặc không
ly hôn mà không hạnh phúc) sẽ gặp khó khăn về khả năng tập trung, học yếu,
bướng bỉnh, hỗn láo, và dễ sa đà vào các hoạt động xấu hoặc tệ nạn xã hội – vì
chúng mất niềm tin vào cuộc sống nên “bất cần đời”.
THÍCH NGHI
Khi cha mẹ ly hôn, những đứa con
trưởng thành có thể không muốn làm “người trung gian” cho cha và mẹ. Đây là
tình huống “gay go”, nhất là các “sứ điệp” chẳng vui vẻ gì. Chúng có thể lo sợ
rằng vai trò trung gian sẽ làm căng thẳng thêm, nói hay không nói cũng đều…
kẹt! Tuy nhiên, những đứa con này cần xác định rằng chúng có quyền từ chối làm
“liên lạc viên”, không có gì sai lỗi. Chúng phải cho cha mẹ biết rằng chúng
kính trọng và yêu thương cả hai, nhưng cảm thấy khó xử khi phải làm trung gian.
Cha hoặc mẹ (người “còn lại” khi
người kia bỏ đi) có trách nhiệm phân tích và an ủi đứa con đang bị dao động.
Những đứa con lớn có thể tìm cách xử lý khi phải chấp nhận “cha dượng” hoặc “mẹ
ghẻ”, nếu cha hoặc mẹ “đi bước nữa”. Có thể những đứa con lớn sẽ cảm thấy tức
giận đối với thành viên mới, nhất là khi quan hệ phụ tử hoặc mẫu tử vẫn bền
chặt và chúng vẫn hy vọng một cơ hội hòa giải.
Những đứa con này đôi khi có thể sợ
rằng cha hoặc mẹ mình sẽ không còn thời gian dành cho con mà chỉ quan tâm đến
“người mới”. Nếu ở trường hợp này, chúng cần nhận biết rằng dù có duyên mới
nhưng tình mẫu tử hoặc phụ tử vẫn không thay đổi. Chúng cũng cần chấp nhận rằng
cha hoặc mẹ cũng cần có hạnh phúc riêng, chúng không nên ích kỷ. Chấp nhận và
thiết lập quan hệ với “phụ huynh mới” không có nghĩa là mình “quay lưng” với
cha hoặc mẹ ruột. Nhưng đó là trường hợp người ngoài Công giáo, người Công giáo
không thể tái hôn khi “cố nhân” còn sống.
Việc ly hôn của cha mẹ có thể bớt
“độc hại” nếu con cái lấy lại được cân bằng tâm lý, giữ được quan hệ bình
thường với nhau sau cuộc chia tay buồn bã. Muốn được vậy, mỗi thành viên đều
phải nỗ lực duy trì cách giao tiếp cởi mở, cố gắng loại bỏ những động thái tiêu
cực mọi nơi và mọi lúc.
Phải khéo léo chọn đúng thời điểm và
đúng cách để giao tiếp với nhau, để tránh hiểu lầm hoặc tạo sự xa cách, khi
giúp đỡ nhau đồng cảm và cải thiện mối quan hệ gia đình.
Khi người ta hỏi về vấn đề ly hôn,
chính Chúa Giêsu đã xác định: “Sự gì
Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6; Mc 10:9).
Chắc chắn không ai được phép ly hôn vì bất cứ lý do gì. Giáo Luật, điều 1141,
cho biết: “Hôn phối thành nhận và hoàn
hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào,
ngoài sự chết”.
Khi cử hành bí tích Hôn Phối, hai
người cầm tay nhau và thề hứa: “Tôi X...
nhận em/anh Y... làm vợ/chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em/anh, khi
thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu
thương và tôn trọng em/anh mọi ngày suốt đời tôi”. Đó là lời hứa tự nguyện,
không ai có thể ép buộc, vậy tại sao lại muốn ly hôn? Muốn ly hôn thì thật là
vô lý!
Vậy tại sao những người đã từng yêu
thương nhau say đắm mà lại ly hôn? Vì họ ích kỷ, vì họ chỉ yêu mình chứ không
hề yêu người bạn đời. Họ ảo tưởng, bồng bột khi quyết định kết hôn, nhắm một
mục đích riêng nào đó, nhưng rồi không đạt được như ước nguyện nên họ thất
vọng. Lời khuyên của Benjamin Franklin thật chí lý: “Hãy mở thật to mắt trước khi cưới, sau đó hãy nhắm hờ”. Đó là biết
sống, là khéo sống, nhờ vậy mà khả dĩ tránh được ly hôn hoặc ly thân.
Thiên Chúa cấm ly dị, Giáo Hội không
cho ly hôn, thế nhưng có những người Công giáo vẫn tái hôn khi người phối ngẫu
còn sống. Một trường hợp tôi biết rõ: Ông A đã có vợ và con, rồi ông vượt biên
sau biến cố 30-4-1975, lúc ở đảo, ông bị bệnh và được một phụ nữ chăm sóc chu
đáo. Sau một thời gian, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, họ “nặng lòng” với nhau
và quyết định sẽ cùng nhau xây tổ ấm riêng. Khi tới Hoa Kỳ, họ đã kết hôn với
nhau. Vợ ông A là bà B cũng vượt biên sau đó và đến Hoa Kỳ. Biết chồng đã có vợ
khác, sau một thời gian, bà B cũng lấy chồng khác. Điều đáng nói là ông A và bà
B đều là người Công giáo, họ tái hôn mà vẫn được cử hành Bí tích Hôn Phối. Mới
đây, cô con gái của bà B (con chung với ông A) về Việt Nam kết hôn với một
thanh niên tại Saigon. Và cũng nhờ dịp này mà tôi mới biết được “chuyện lạ” của
ông A và bà B, tức là cha mẹ của cô dâu.
Vấn đề không là cô dâu, mà là ông A
và bà B, cả hai còn sống, nhưng cả hai cùng tái hôn và được cử hành theo đúng
nghi thức Công giáo. Như vậy là trái giáo luật Công giáo. Rất thắc mắc vì thấy
rất “kỳ lạ”. Rõ ràng hai người này giữ Luật Cựu Ước chứ không giữ đúng lời Chúa
Giêsu dạy (Mt 19:6; Mc 10:9). Tuy nhiên, hôn nhân của họ được công nhận nên họ
vẫn được rước lễ. Khó hiểu quá!
Để kết, xin ghi lại câu nói của Sacha
Guitry, tuy có vẻ khôi hài nhưng lại rất thật: “Bí mật của một cuộc hôn nhân tốt đẹp là tha thứ cho bạn đời vì đã lấy
mình”. Còn Menander nói: “Hôn nhân,
nếu chịu thừa nhận sự thực, chỉ là tai họa, nhưng là tai họa cần thiết”.
TRẦM THIÊN THU
Bài đã đăng báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Dòng Chúa Cứu Thế, số 344, tháng 4-2015, báo in và xuất bản tại Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment