Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện đã làm một cuộc so sánh khá hay giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo, căn cứ trên kinh nghiệm sống của bản thân ông là một nhà cộng sản kỳ cựu, xuất thân từ một gia đình “làm quan”, thấm nhuần đậm tinh thần Khổng giáo.
NHO SĨ VÀ NGƯỜI MÁC-XÍT
Nguyễn Khắc Viện cho rằng người Mác-xít tìm
thấy nơi Nho giáo một quan điểm hoàn toàn như mình là phục vụ xã hội, phục vụ
đất nước. Từ gốc rễ của phong trào Nho giáo bên Trung Quốc, nhà nho là người
được đào tạo để giúp vua trị nước. “Chủ nghĩa Mác không làm cho các nho sĩ bị
ngỡ ngàng khi tập trung suy nghĩ về các vấn đề chính trị và xã hội, học thuyết
nho giáo cũng có cùng một mục tiêu suy nghĩ tương tự ” (Nguyễn Khắc Viện,sđd,
tr 38). Nơi khác, Nguyễn Khắc Viện viết: “Nho giáo khác với những tôn giáo, hướng
suy nghĩ con người hoàn toàn vào cuộc sống xã hội, cho nên đứng trên một bình
diện chung với người Mác-xít’ (tr. 47).
Theo tác giả, điểm khác biệt căn bản giữa chủ
nghĩa Mác và Nho giáo là ở tính chất khoa học (x. sđd, tr 42). Để cải tổ
xã hội, chủ nghĩa Mác dựa trên phân tích khoa học về xã hội và lịch sử để rút
ra những quy luật phát triển và đưa ra những kế hoạch hành động phù hợp với
thực tế khách quan, trong lúc đó thì Nho giáo chỉ đứng trên quan điểm thuần tuý
đạo đức để hành động (x. sđd, tr 38). Dĩ nhiên người chiến sĩ Mác-xít có
thể vận dụng chủ nghĩa đạo đức chính trị của nho giáo cho chính mình (x. sđd, tr
38), như cụ Hồ Chí Minh đã làm trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, nhưng chỉ
có đạo đức mà thôi thì chưa đủ.
Theo Nguyễn Khắc Viện, chủ nghĩa Mác so với
Nho giáo thiếu mất phần đạo lý. Kể lại con đường ông đã đi theo chủ
nghĩa Mác như thế nào, tác giả viết: “…Dần dần tôi bị cuốn hút vào trào lưu
Mác-xít. Lòng yêu nước, những hiểu biết về khoa học, tiếp xúc với nhân dân tiến
bộ Pháp, dễ dàng dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác. Nhưng dù sao vẫn thấy thiếu hụt một
chút gì đây, thoả mãn mới 90-95% thôi. Về sau mới hiểu là thiếu hụt phần ‘Đạo
lý’” (sđd, tr 56). “Phân tích xã hội để hiểu rõ lịch sử, xác định đường
lối thì chủ nghĩa Mác hơn hẳn, nhưng Mác trong đạo lý không được nổi bật và cụ
thể như trong nho giáo. Có thể nó không có học thuyết chủ nghĩa nào đặt vấn đề
‘xử thế’ rõ ràng và đầy đủ như vậy…” (sđd, tr 58). Tóm lại “Mác coi nhẹ mặt xử
thế, tu thân” (tr 59).
Trước đó khoảng vài chục trang, tác giả quả
quyết người cách mạng phải có đạo đức, “không đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng
không lãnh đạo được nhân dân” (tr. 41), rồi lại quả quyết ngày nay chủ nghĩa
Mác thay thế cho nho giáo (…), tạo cơ sở cho một nền đạo đức mới đã thay
thế cho luân lý nho giáo” (tr 43). Nền đạo đức đó là đạo đức cách mạng.
ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG VÀ ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO
Theo Nguyễn Khắc Viện, đạo đức Nho giáo đã
lỗi thời và đã được đạo đức cách mạng thay thế. Nhưng có thể nêu câu hỏi:
Thay thế như thế nào ?
Bây giờ người cộng sản Việt Nam thường xuyên
nói tới đạo đức cách mạng, mà tiêu biểu cho nền đạo đức ấy là Chủ tịch Hồ Chí
Minh, nên cán bộ đảng viên phải ra sức học tập và noi gương. Khi mô tả nội dung
đạo đức cách mạng hoặc khi nói về đạo đức Hồ Chí Minh, người ta nêu ra một loạt
những đức tính mà ta có thể phân ra làm ba loại.
1. Trước hết, đó là những đức tính luân lý
căn bản mà một con người tốt phải có như: lòng nhân ái, vị tha, sự thành thực,
tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng, khiêm tốn, trung tín (giữ lời hứa). Chúng
ta có thể gặp thấy chúng nơi những con người tốt thuộc bất cứ xã hội nào, giai
cấp nào. Có thể nói chúng thuộc về đạo đức làm người.
2. Kế đến là những đức tính được đề cao trong
truyền thống đạo đức dân tộc Việt, chẳng hạn lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết
khi nước lâm nạn, hiếu học, tôn sư trọng đạo, hiếu khách, cần cù, nhẫn nại.
3. Thứ ba là những đức tính còn mang đậm ảnh
hưởng của Khổng giáo. Trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nói tới chí công vô tư và nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Chủ tịch áp
dụng những điều tốt ấy vào môi trường cách mạng để rèn luyện cán bộ đảng viên.
Chẳng hạn: “Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng
bào… Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có gì phải
giấu Đảng; ngoài lợi ích Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan… Dũng là
dũng cảm, gan góc, gặp việc phải làm có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa
chữa. Có gan chống lại những sự vinh hoa phú quý không chính đáng. Nếu cần thì
có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút
nhát”… (Trích theo Nguyễn Khắc Viện, sđd,tr 40).
Đó là đạo đức cách mạng. Đó là đạo đức Nho
giáo được chuyển về những đối tượng mới là Đảng, nhân dân, Tổ quốc. Sự
chuyển đổi đối tượng và ý nghĩa nguyên thủy của đạo đức Nho giáo, ta còn thấy
rõ trong cách người cộng sản giải thích hai khái niệm cơ bản của tư tưởng đạo
đức Nho giáo: Trung và Hiếu. Trung không còn là trung với vua, hiếu không còn
là hiếu với cha mẹ, nhưng là “trung với nước, hiếu với dân, suốt đời
chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh
phúc của nhân dân” (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình
Đạo đức học, (dùng cho Hệ Cử nhân chinh trị), nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
2000, tr 199).
Như vậy, đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí
Minh như được trình bày trên đây chưa có gì thực sự độc đáo, mới mẻ. Cả những
khai triển mở rộng và thích nghi của đạo đức cách mạng với hoàn cảnh mới (mở
cửa, kinh tế thị trường, toàn cầu hoá) cũng không có gì khác.
Tóm lại đạo đức cách mạng đã thay thế đạo đức
nho giáo bằng cách vận dụng nó, chuyển đổi môt phần ý nghĩa của nó và gột rửa
hết những gì mang tính phong kiến trong đó để đưa vào trong đạo đức cách mạng,
biến nó thành đạo đức cách mạng.
ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG THỰC CHẤT LÀ GÌ?
Nhưng theo tôi, những nội dung đuợc mô tả
trên đây về đạo đức cách mạng chưa phải là đạo đức cách mạng đúng nghĩa, vì
không cho thấy rõ đặc trưng của đạo đức cách mạng là gì. May ra thì có vài chi
tiết nhỏ có thể coi là dấu chỉ về nét đặc trưng, trong đoạn trích của
cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, ở đó đồng chí (người cùng
Đảng) được đặt trước (tức là trên)đồng bào, và Đảng trước nhân
dân, trước tổ quốc. Nhưng không biết chắc khi sắp xếp thứ tự như thế Hồ
Chí Minh có chủ ý hay chỉ là tình cờ. Có điều rõ ràng là ngay từ thời đầu Cách
mạng, cụ Hồ đã dạy: đối với người đảng viên, không còn lợi ích riêng tư nào nữa
mà chỉ có lợi ích của Đảng, và phải dám chết vì Đảng.
Theo học thuyết Mác-Ăngghen, không có nền đạo
đức chung cho mọi người mọi nơi; đạo đức không phát sinh từ ý muốn của Thượng
Đế hay ý niệm tuyệt đối, hoặc từ lý trí hay bản tính con người, nhưng từ điều
kiện sinh hoạt vật chất, đặc biệt là tình trạng kinh tế của xã hội, do đó nó
luôn thay đổi và luôn mang tính giai cấp. Giai cấp thống trị có đạo đức của họ
cũng như giai cấp bị trị có đạo đức của riêng mình. Đạo đức cách mạng là đạo
đức của giai cấp công nhân. Tiêu chuẩn để xác định cái gì tốt cái gì xấu trong
đạo đức cộng sản đã được Lênin nêu rõ: “Đạo đức của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc
vào các lợi ích cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản” (trích theo
Gustave Wetter, Sowjet Ideologie heute, Fischer Buecherei, Frankfurt 1962,
tr 262). Cuộc đấu tranh này nhằm giải phóng giai cấp vô sản và thiết lập một xã
hội vô giai cấp trong đó không còn cảnh người bóc lột người nhưng mọi người sẽ
coi nhau như anh em và được sống tự do hạnh phúc.
Vậy tại sao nhà cộng sản Nguyễn Khắc Viện lại
bảo học thuyết Mác thiếu phần đạo lý ? Rõ ràng ông Viện phân biệt đạo đức
cách mạng với đạo lý theo nghũa tu thân, xử thế. Các Mác không bàn đến tu
thân xử thế. Ông không quan tâm tới cá nhân. Cá nhân luôn được nhìn trong tập
thể, qua tập thể. Về sau các nhà cộng sản phải xây dựng một nền đạo đức mới cho
đảng viên, cán bộ. Nhưng nền đạo đức đó cũng rất coi nhẹ “đạo lý”. Hiểu theo
nghĩa hẹp thì đạo đức cách mạng không dạy người ta phải biết cư xử ở đời sao
cho phải đạo làm người, nhưng phải làm gì để thành “người cách mạng” (cụ thể
làm người cộng sản, một con người đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng
giai cấp vô sản bị bóc lột…).
Ở Việt Nam ngày nay, người cộng sản thường
ghép đạo đức cách mạng vào đạo đức dân tộc và đạo đức làm người. Có thể là vì
người ta hiểu đạo đức cách mạng một cách mơ hồ hoặc ít nhất là rộng rãi, cởi mở
(như Cụ Hồ thời đầu Cách Mạng chăng?), hoặc vì người ta muốn làm cho nó gần gũi
hơn, dễ chấp nhận hơn. Nhưng về mặt lý luận, dường như điều đó không hợp lý,
nếu hiểu đạo đức cách mạng theo nghĩa chặt chẽ. Vì sao ? Vì người ta không
thể đơn giản lấy những phạm trù, những giá trị của hệ thống đạo đức này bỏ qua
một hệ thống khác mà không làm thay đổi chúng trừ ra khi cả hai hệ thống đều có
cùng một hệ quy chiếu chung. Bây giờ người cộng sản thích nói tới lòng nhân;
nhưng lòng nhân trong đạo đức cách mạng có một nghĩa khác với lòng nhân trong
nho giáo vì đôi bên quan niệm “con người” khác nhau (chẳng hạn, chủ nghĩa cộng
sản coi hoạt động lao động sản xuất “là bản chất sâu xa nhất của con người”
(Giáo trình Đạo đức học, tr 101). Lòng nhân trong Nho giáo, cho dù mang
màu sắc giai cấp phong kiến, nhưng vẫn đặt cơ sở cuối cùng trên “Trời” và trên
bản tính con người (nhân chi sơ tính bản thiện) (x.Nguyễn Khắc Viện, sđd,
tr 43 và tr 19-20); do đó nó có một giá trị “phổ quát”, dễ được mọi người chấp
nhận. Thiết tưởng một người không theo Đạo Khổng ở Đông hay ở Tây phương đều có
thể hiểu và chấp nhận những quy tắc sống của nho giáo như: “Thấy điều thiện
phải cố làm như không bao giờ kịp, thấy điều bất thiện thì phải sợ hãi như thò
tay vào nước sôi” (Luận Ngữ); “mình tự trách mình nhiều mà trách người ít, thì
xa được điều oán hận” (Luận Ngữ); “ăn gạo xấu, uống nước lã, gấp cánh tay mà
gối đầu, tuy thế cũng có cái vui ở trong đó; làm điều bất nghĩa mà giàu sang
thì ta coi như đám mây nổi” (Luận Ngữ); “người ta không thể không có lòng xấu
hổ về điều mình làm bậy. Nếu ai đã biết lòng xấu hổ về điều vô sỉ thì không có
điều gì đáng xấu hổ nữa” (Mạnh Tử)… Những quy tắc sống như thế ắt
sẽ bị các nhà cộng sản – trong tư cách là cộng sản – coi là đạo đức tiểu tư
sản, làm nhụt ý chí đấu tranh của người cách mạng! Nhưng đạo đức cách mạng thì
chỉ dành cho người cộng sản mà thôi.
Một đoạn trong cuốn sách của Nguyễn Khắc Viện
giúp tôi đoán hiểu hàm ý của ông khi phân biệt đạo đức mác-xít với đạo lý nho
giáo. Ông viết:
“Tôi thích thú tinh thần có mức độ, ứng xử
vừa phải của đạo nho. Không cường điệu lên và yêu hết mọi người ngang nhau, mà
bảo phải yêu bố mẹ mình, vợ con mình đã rồi mới đến yêu người khác… Nhận rõ
điều gì là phi pháp, nhưng không nhẫn tâm đến mức đi tố cáo bố mẹ với nhà chức
trách. Vì cao hơn pháp luật là tình người, là lòng nhân” (sđd, tr 58).
Tôi nghĩ tác giả viết câu này hoàn toàn không
phải trong tư cách là một nhà cộng sản (chính thống). Cách nay mấy chục năm,
không biết các lý thuyết gia cộng sản nghĩ gì khi đọc ý kiến này ? Chắc họ
đã coi tác giả là người thiếu lập trường giai cấp, thiếu tinh thần đấu tranh
cách mạng, vì theo đạo đức cách mạng, không thể đặt tình người, lòng nhân cao
hơn mục tiêu cách mạng hay chủ trương của Đảng được. Câu viết làm cho những ai
đã sống trong giai đoạn sôi sục của phong trào cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ
năm 1953 đến 1956, nhớ lại những cuộc đấu tố đầy bạo lực lật đổ giai cấp địa
chủ và cường hào ác bá, kẻ thù của “nhân dân”. Hàng ngàn người đã chết trong
đợt cải tạo xã hội này. Trong cuộc đấu tranh này, chuyện con cái đấu tố cha mẹ,
trò đấu tố thầy, bạn bè đấu tố nhau, kẻ chịu ơn đấu tố người ân nhân của mình,
mỗi người nhìn kẻ khác như một kẻ thù tiềm tàng (virtuel)… – đó là chuyện bình
thường và, mặc cho ông Viện coi là thiếu “đạo lý”, họ vẫn được Đảng coi là “đạo
đức”. Nhưng thiếu đạo lý là thiếu đạo làm người, cũng có nghĩa là thiếu lòng
nhân, tức là thiếu “tính người và tình người” (Nguyễn Khắc Viện, sđd, tr
58), hay thiếu mất cái “đức tính tối cao khiến con người trở ‘Con Người’ nhất”
(sđd, tr 20). Một cái thiếu “nghiêm trọng”. Những người tổ chức cuộc đấu tố và
những người đứng ra đấu tố như thế đã đặt quan điểm giai cấp lên mọi tình
cảm, mọi quan hệ xã hội khác. Và điều này ăn khớp hoàn toàn với quan niệm cộng
sản về giai cấp. Cũng vì thế mà đạo đức cách mạng dạy phải tuyệt đối trung
thành với Đảng (của giai cấp công nhân) và sẵn sàng chết cho Đảng như người tín
đồ sống chết cho “Đức Chúa” của mình.
KẾT LUẬN
Bài phân tích này, khởi đi từ một câu
viết của nhà nghiên cứu cộng sản Nguyễn Khắc Viện, đưa tôi đến nghi vấn: một
nền đạo đức của một xã hội, một tập thể hay của một giai cấp mà không có “đạo
lý” thì có còn là một nền đạo đức thật hay không ? Vì nền đạo đức nào thì
cũng phải nhìn nhận một số giá trị quy chuẩn vượt lên trên chính xã hội sinh ra
nó, như nhân phẩm, nhân tính, luật tự nhiên, lý tính, hay Thượng đế – những
điều mà đạo đức mácxít phủ nhận. Nhưng khi chọn những giá trị khác thay thế vào
đó như tiền tài, danh vọng, nòi giống, quốc gia, giai cấp, thì đạo đức không
những mất đi cái nền tảng vững vàng mà còn dễ dàng trở nên phi nhân như lịch sử
đã cho thấy và vẫn còn cho thấy. Người cộng sản bảo: đạo đức cũng như những
hình thái “ý thức xã hội” khác (như tôn giáo, văn học, triết học…) chỉ là phản
ánh của một tình hình kinh tế nhất định nào đó, nhưng xin hỏi: tình hình xã hội
chỉ là một “thực tế”; vậy từ cái “là” – cái thực tế – làm sao trở thành cái
“phải là” (tức đạo đức) được? Tính bó buộc hay tính lý tưởng của đạo đức không
thể dựa trên thực trạng kinh tế hay xã hội.
Tôi cũng biết đảng cộng sản đã khởi sự công
cuộc đổi mới từ mấy thập niên qua, nhưng đó là những đổi mới trên các mặt đời
sống kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại, còn trên bình diện học thuyết thì cơ
bản vẫn giữ nguyên, các tài liệu giáo khoa về chủ nghĩa Mác-Lênin có đưa vào
một đôi giải thích và áp dụng cởi mở hơn trước, nhưng cũng chỉ là những chi
tiết chắp vá vào một tổng thể đã “hoàn chỉnh” mà thôi. Vì thế mà trong bài
viết, tôi không tính đến cuộc đổi mới này.
Lm NGUYỄN HỒNG GIÁO, dòng Phanxicô –
24/8/2011
(Lm N.H.Giáo qua đời ngày 6-4-2015 tại Quận
9, Saigon)
Nguồn: NguoiTinHuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment