Có lần Chúa Giêsu đã
xác định: “Con cái đời này khôn khéo hơn
con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc 16:8). Sự khôn khéo ở
đây mang nghĩa xấu, tức là mưu mô, mưu mẹo, toan tính và sắp đặt ngầm để thực hiện
điều bất chính. Người ta gọi đó là mưu ma chước quỷ. Con người là sinh
vật cao cấp nhất nhưng cũng nhiêu khê nhất vì luôn “biến hóa” với thất tình và
lục dục (*).
Cổ nhân đã nói: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu” (ngậm
máu phun người, trước tiên là bẩn miệng mình). Thế nhưng kẻ xấu vẫn làm,
bất chấp mọi thứ. Suy nghĩ xấu dẫn tới ước muốn xấu, ước muốn xấu dẫn tới hành
động xấu. MÀU liên quan SẮC. Cái gì ĐEN thì TỐI. Thánh Phaolô khuyên: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy
loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13:12). Đó là động thái
đặc biệt của Mùa Chay Thánh.
Sau Đại Hồng Thủy, Thiên
Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông: “Đây
Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả
mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa
là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các
ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không
còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9:8-11). Lời hứa đó của Thiên
Chúa là điều diễm phúc cho cả nhân loại, vì không còn cảnh “tẩy rửa” địa cầu
như thời Cựu Ước.
Thiên Chúa không hứa
suông, mà Ngài cho dấu chỉ cụ thể và rõ ràng: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh
vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên
mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến
trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta
với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không
còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa” (St 9:12-15). Ngày
nay, chúng ta thường thấy “cây cung” đó sau những cơn mưa to, và chúng ta gọi
đó là Cầu Vồng, với bảy sắc màu lung linh rất đẹp, rất kỳ diệu.
Mỗi khi thấy Cầu
Vồng, chúng ta lại được nhắc nhở về giao ước xưa, nghĩa là Thiên Chúa đã thứ
tha, không trừng phạt nhãn tiền nữa. Nhưng đừng vì thế mà ỷ lại, cứ ung dung
sống. Hãy noi gương tác giả Thánh Vịnh cầu xin: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin
chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì
chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì
Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5).
Tạ ơn trong niềm
hạnh phúc, nhưng cũng đừng quên sám hối. Mùa Chay là lời nhắc nhở: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin
Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Chúa là Đấng
nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công
chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:6-9). Quả thật, nếu Thiên
Chúa chấp tội thì chẳng ai được cứu rỗi (Tv 130:3).
Thật hạnh phúc cho
chúng ta vì được Bửu Huyết của Đức Giêsu Kitô tẩy sạch mọi vết tội. Thánh
Phaolô nói: “Chính Đức Kitô đã chịu chết
một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa
chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần
Khí, Người đã được phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam
cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên
Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một
số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước” (1 Pr 3:18-20). Nước
thật kỳ diệu, rất mềm mà rất cứng, người ta có thể “cắt” nước nhưng không thể
làm “đứt” nước.
Tứ nước của Đại Hồng
Thủy tới Phép Rửa, rồi Nước (và Máu) tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu khi lưỡi
giáo đâm vào: “Nước đó là hình bóng phép
rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết
nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên
Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng,
nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi
đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền” (1 Pr
3:21-22). Tội lỗi là điều ghê tởm, ô uế lắm, nhưng may mắn chúng ta được
rửa sạch nhờ Bí tích Thánh Tẩy. Và vì yếu đuối, chiếc “áo trắng” của chúng ta
lại vấy bẩn, nhưng lại được “giặt sạch” nhờ Bí tích Giao Hòa (Giải Tội). Tội
chồng lên tội, nhưng rồi phúc lại chồng lên phúc. Xui mà lại hên! Tuy nhiên,
chúng ta vẫn phải tiếp tục ăn chay và sám hối. Ăn chay và đền tội không chỉ cho
chính mình, mà còn cho cả người khác trong tình liên đới Kitô giáo.
Trình thuật Mc
1:12-13 nói ngắn gọn về cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu chịu sau khi đã ăn chay ròng
rã suốt 40 đêm ngày: “Thần Khí liền đẩy
Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ,
sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”. Trong Mt 4:1-11 và
Lc 4:1-13 nói chi tiết hơn về cơn cám dỗ này: Cám dỗ thứ nhất về sự ăn uống, đệ nhất khoái trong tứ
khoái của con người; cám dỗ thứ nhì về tính
kiêu ngạo, “cái tôi” luôn là số dzách, nó có thể nổi dậy bất cứ lúc nào; cám
dỗ thứ ba về danh vọng và địa vị,
những thứ mà ai cũng muốn để chứng tỏ mình tài giỏi hơn người, chứng tỏ mình có
“bản lĩnh”.
Đức Giêsu đã ăn chay
trước khi khai mạc công việc rao giảng, điều đó cho thấy việc ăn chay luôn gắn
liền với việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện cần thiết trước khi hành động bất cứ
điều gì. Một trong những điều quan trọng chúng ta cần cầu xin là “xin cứu chúng
con khỏi mọi sự dữ” (Kinh Lạy Cha). Điều này đã được chính Chúa Giêsu dạy khi
các môn đệ xin Sư Phụ dạy cách cầu nguyện.
Sau khi ông Gioan bị
nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã
đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Thời
kỳ của chúng ta là thời kỳ cuối rồi. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta thấy ai mở
miệng ra cũng than là “đạo đức xuống cấp” hoặc “suy thoái nhân bản”. Thật vậy, chưa
cần va quẹt nhau, chỉ cần nhìn thôi, người ta có thể to tiếng hoặc ẩu đả nhau,
thậm chí là rút dao đâm ngay, không hề gớm tay. Như vậy là người ta không muốn
sám hối theo lời khuyên của Đức Kitô.
Người ta mưu mô và
thủ đoạn, đủ dạng mưu ma chước quỷ. Văn minh tiến bộ thì tội lỗi cũng tinh vi
hơn. Chắc chắn việc ăn chay, sám hối và đền tội càng cần hơn bao giờ hết. Ước
gì mỗi chúng ta đều biết chân thành thú tội để được Thiên Chúa đại xá: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51:6).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng
con biết xa tránh và triệt tiêu mọi mưu ma chước quỷ, can đảm sống ngay thẳng
trong tinh thần sám hối suốt đời, không chỉ trong Mùa Chay này. Xin Ngài nâng
đỡ và bảo vệ chúng con trên suốt hành trình sám hối, đặc biệt trong Mùa Chay
này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Thất tình: Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Lục dục: [1] Sắc dục: ham muốn nhìn thấy sắc đẹp; [2] Thinh dục:
ham muốn nghe âm thanh êm tai; [3] Hương dục: ham muốn ngửi mùi thơm dễ chịu; [4]
Vị dục: ham muốn món ăn ngon miệng; [5] Xúc dục: ham muốn xác thân sung sướng;
[6] Pháp dục: ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment