Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

KINH THÁNH và ÁN TỬ

Kinh Thánh có thực sự đề cập án tử đối với nhiều dạng vi phạm? CÓ và KHÔNG.

Tác giả David Reagan nói: “Rất nhiều người tin rằng Chúa Giêsu chống lại án tử. Theo cách nhìn của cả người đề xuất và người phản đối về án tử, trường hợp này đã khép lại. Chúa Giêsu chống lại án tử hình. Nhưng tôi phản đối. Các thần học gia cũng vẫn sai như thường. Chúa Giêsu đã được tái tạo bởi thế giới hiện đại qua danh nhân Mahatma Gandhi, Mẹ Teresa và Tiny Tim, những người có thể đã không thấy Chúa Giêsu được phác họa rõ ràng trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy xem lại hồ sơ.”

Kinh Thánh đã liệt kê nhiều loại tội với khung hình phạt là án tử hình:

– Tội giết người: “Ai đánh chết người thì phải bị giết chết.” (Xh 21:12)

– Tội bất hiếu: “Ai đánh cha hoặc mẹ thì phải bị giết chết. Kẻ nào nguyền rủa cha hoặc mẹ thì phải bị giết chết.” (Xh 21:15 và 17)

– Tội bắt cóc tống tiền: “Ai bắt cóc người, dù đã bán đi hay còn giữ trong tay thì phải bị giết chết.” (Xh 21:16)

– Tội thú tính: “Kẻ giao hợp với thú vật phải bị tử hình” (Xh 22:18); “Khi người đàn ông nào giao hợp với con vật thì phải bị xử tử, và các ngươi sẽ giết con vật. Khi người đàn bà nào đến gần bất cứ con vật nào để giao cấu với nó thì (các) ngươi phải giết người đàn bà và con vật; chúng phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng.” (Lv 20:15-16)

– Tội ngoại tình: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20:10); “Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng thì cả hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà.” (Đnl 22:22)

– Tội thông dâm: “Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô thì anh em sẽ lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết: cô gái, vì lý do ở trong thành mà đã không kêu cứu, và người đàn ông, vì lý do đã cưỡng bức vợ người đồng loại. Anh em phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh em.” (Đnl 22:23-24)

– Tội hiếp dâm: “Nhưng nếu người đàn ông gặp ở ngoài đồng cô gái đã đính hôn, bắt lấy nàng và nằm với nàng, thì chỉ một mình người đàn ông đã nằm với nàng sẽ phải chết; còn cô gái thì anh em đừng làm gì nàng, nàng không có tội đáng chết. Trường hợp cũng như một người xông vào người đồng loại để giết người ấy: vì người đàn ông kia đã gặp cô ngoài đồng; cô gái đính hôn đã kêu mà không ai cứu.” (Đnl 22:25-27)

– Tội loạn luân: “Khi người đàn ông nào nằm với vợ của cha mình, thì đã lột trần chỗ kín của cha mình; cả hai phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng. Khi người đàn ông nào nằm với con dâu mình, thì cả hai phải bị xử tử; chúng đã làm điều quái đản, máu chúng đổ xuống đầu chúng” (Lv 20:11-12); “Khi người đàn ông nào lấy cả con gái lẫn mẹ thì đó là tội ác tày trời; người ta sẽ bỏ nó và hai người đàn bà vào lửa mà thiêu, để không còn tội ác tày trời giữa các ngươi.” (Lv 20:14)

– Tội đồng tính luyến ái: “Khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với đàn bà thì cả hai đã làm điều ghê tởm; chúng phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng.” (Lv 20:13)

– Tội tiên tri giả: “Nếu ở giữa anh em xuất hiện một ngôn sứ hay một kẻ chuyên nghề chiêm bao và nó báo trước cho anh em một dấu lạ hay một điềm thiêng, nếu dấu lạ hay điềm thiêng nó đã nói xảy ra, và nó bảo: ‘Chúng ta hãy theo và phụng thờ các thần khác,’ những thần mà anh em không biết thì anh em đừng nghe những lời của ngôn sứ hay kẻ chuyên nghề chiêm bao ấy, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không. Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải theo; chính Người là Đấng anh em phải kính sợ; anh em phải giữ các mệnh lệnh của Người, phải nghe tiếng Người; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em phải gắn bó với Người. Ngôn sứ hay kẻ chuyên nghề chiêm bao ấy sẽ bị xử tử, vì nó đã hô hào nổi loạn chống Đức Chúa.” (Đnl 13:2-6)

– Tội vu khống và đàng điếm: “Khi một người đàn ông lấy vợ và ăn nằm với nàng, rồi ghét bỏ nàng, vu khống và bôi xấu danh dự nàng mà nói: ‘Tôi đã lấy người đàn bà này, đã gần gũi với cô ấy và không thấy dấu nào chứng tỏ cô ấy còn trinh,’ cha mẹ cô gái sẽ lấy những dấu chứng tỏ cô gái còn trinh và đưa ra cửa thành cho các kỳ mục thành ấy. Người cha cô gái sẽ nói với các kỳ mục: ‘Tôi đã gả con gái cho người đàn ông này, nhưng anh ta ghét bỏ nó; bây giờ anh ta vu khống nó và nói: Tôi không thấy những dấu chứng tỏ con gái ông còn trinh. Vậy đây là những dấu chứng tỏ con gái tôi còn trinh.’ Họ sẽ mở chiếc áo choàng ra trước mặt các kỳ mục trong thành. Các kỳ mục trong thành sẽ bắt người chồng và sửa phạt: họ sẽ bắt người ấy nộp phạt một trăm thỏi bạc, và sẽ trao số bạc đó cho người cha cô gái, vì người ấy đã bôi xấu danh dự của một trinh nữ Ít-ra-en. Nàng sẽ là vợ người ấy và suốt đời người ấy không thể rẫy nàng. Nhưng nếu điều đó có thật, nếu người ta không tìm thấy nơi cô gái những dấu chứng tỏ cô còn trinh, họ sẽ lôi cô gái ra cửa nhà cha nàng; người trong thành của nàng sẽ ném đá nàng cho chết và nàng sẽ phải chết, vì nàng đã làm điều đồi bại trong Ít-ra-en, khi làm điếm trong nhà cha mình.” (Đnl 22:13-21) Ở đây cũng hiểu là dạng hoạt động mại dâm.

Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn tỏ lòng thương xót khi án tử được áp dụng. Đa-vít phạm tội ngoại tình và giết người, (2 Sm 11:1-5, 14-17) nhưng Thiên Chúa không kết án tử. (2 Sm 12:13) Cuối cùng, mọi tội lỗi chúng ta phạm đều đáng chịu án tử vì “lương bổng của tội lỗi là cái chết.” (Rm 6:23) Tạ ơn Thiên Chúa, Ngài luôn tỏ lòng thương xót đối với chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. (Rm 5:8)

Có vấn đề gì đối với hành động của Chúa Giêsu?

Khi người Pharisêu dẫn một phụ nữ phạm tội ngoại tình đến gặp Chúa Giêsu, họ lý luận rằng chị ta phải bị ném đá đến chết theo luật Môsê, Ngài im lặng và cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất, vì Ngài biết lòng lang dạ thú của nhóm Pharisêu. Nhưng họ cứ hỏi mãi, Ngài ôn tồn: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8:7) Và rồi chẳng ai dám động tay vào hòn đá, họ lặng lẽ lần lượt rút lui, già đi trước, trẻ theo sau. Ở đây, Chúa Giêsu muốn lột trần thói giả hình của nhóm Pharisêu. Họ chỉ muốn gài bẫy để thấy Ngài phá bỏ Luật Cựu Ước, chứ họ thực sự không quan tâm việc ném đá nữ tội nhân kia.

Thiên Chúa không phản đối án tử đối với người phạm tội ác: “Ai đổ máu con người thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa.” (St 9:6) Nhưng Thiên Chúa luôn nhân từ và giàu lòng thương xót. Khi chỉ còn lại mình nữ tội nhân ngoại tình khép nép đứng đó, Chúa Giêsu ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?.” Chị nhỏ nhẹ đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Chúa Giêsu cười và nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!(Ga 8:1-11)

Thánh Phaolô nói về trật tự xã hội được thể hiện qua thế quyền: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt. Thật thế, làm điều thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ. Bạn muốn khỏi phải sợ chính quyền ư? Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được họ khen ngợi, vì chính quyền là người thừa hành của Thiên Chúa để giúp bạn làm điều thiện. Nhưng nếu bạn làm điều ác thì hãy sợ, vì họ mang gươm không phải không có lý do. Thật vậy, họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống kẻ làm điều ác. Vì lẽ đó, cần thiết phải phục tùng, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm. Đó cũng là lý do khiến anh em nộp thuế: nhân viên thu thuế là những người phục vụ Thiên Chúa, khi chu toàn phận sự. Anh em nợ ai cái gì thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính” (Rm 13:1-7). Người Việt có cách nói giản dị mà thâm thúy: “Ăn cây nào, rào cây ấy.” Chúa Giêsu cũng đã nói thẳng với tổng trấn Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài.” (Ga 19:11)

Chúa Giêsu không làm gì ngược với luật Thiên Chúa đã truyền ban: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5:17-18) Một bộ luật có nhiều điều khoản. Chúa Giêsu không bỏ qua một điều khoản nào. Như vậy, Ngài cũng chẳng phản đối án tử, nhưng Ngài muốn thể hiện lòng thương xót khi không kết án tử.

Sau Đại Hồng Thủy thời ông Nô-ê, Thiên Chúa đã che chở con người thoát khỏi bạo lực: “Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa.” (St 9:5-6) Đó là tính thánh thiêng của sự sống con người, nên Cựu Ước có luật báo phục tương xứng: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” (Xh 21:24; Lv 24:20; Đnl 19:21)

Kitô hữu nghĩ gì về án tử? Trước hết, chúng ta phải nhớ rằng Thiên Chúa đã lập nên án tử. Chúng ta sẽ trở nên kiêu ngạo nếu nghĩ rằng chúng ta có thể lập nên một tiêu chuẩn cao hơn. Thiên Chúa có tiêu chuẩn cao nhất, vì Ngài hoàn hảo. Tiêu chuẩn này không chỉ áp dụng cho chúng ta mà còn cho chính Con Một Ngài: Chúa Giêsu bị người đời kết án tử, rồi Ngài đã bị đóng đinh và chết trên Thập Giá. Do đó, Ngài muốn cấp độ vô hạn, và Ngài có lòng thương xót ở cấp độ vô hạn. Thiên Chúa duy trì mức cân bằng tuyệt hảo.

Thứ hai, chúng ta phải biết rằng Thiên Chúa đã trao cho chính phủ quyền xác định khi nào cần áp dụng án tử. (x. St 9:6 và Rm 13:1-7) Chúng ta nên chấp nhận án tử khi được áp dụng đối với những người phạm tội ác. Thánh Phaolô đã nói với ông Phéttô: “Nếu quả thật tôi có tội, nếu tôi đã làm điều gì đáng chết, thì tôi không xin tha chết. Nhưng nếu những điều tố cáo của các người này là vô căn cứ, không ai có quyền nộp tôi cho họ. Tôi kháng cáo lên hoàng đế Xê-da!” (Cv 25:11)

Đừng ảo tưởng về một Giêsu nào khác. Thánh Phaolô đã cảnh báo về các thầy dạy giả và người rao giảng giả: “Nếu có ai đến rao giảng một Đức Giêsu khác với Đức Giêsu mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay.” (2 Cr 11:4) Chúng ta vẫn nên cảnh giác về các tiên tri giả ngày nay.

Tác giả Reagan kết luận: “Chúa Giêsu tin có án tử. Điều đó được Thiên Chúa thiết lập, được hệ thống hóa bởi luật pháp, được Chúa Giêsu chấp nhận và được Thánh Phaolô duy trì. Các thần học gia không có chứng cớ chống lại điều đó. Đừng hiểu về một Đức Giêsu nào khác. Mong sao chúng ta đừng bao giờ theo bất cứ một Đức Giêsu nào khác, mà chỉ trung tín với Chúa Giêsu của Kinh Thánh.”

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment