Lãnh nhận Phép Rửa là “dấu chỉ bề ngoài” chứng tỏ chúng ta đã đón nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ. Từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa, một hồng ân quá lớn!
Phép Rửa của Ông Gioan là Phép Rửa của sự sám hối, (Mt 3:11) nhưng Chúa Giêsu vô tội nên không cần sám hối. Thánh Gioan nhận biết tội mình và biết mình chỉ là tội nhân, cần sám hối, không đáng xách dép cho Chúa Giêsu, nên ông e ngại mà nói với Chúa Giêsu: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3:14) Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3:15) Nghe nói vậy ông Gioan mới chiều theo ý Ngài. Chúa Giêsu đến với Thánh Gioan Tẩy Giả cho thấy Ngài chấp nhận Phép Rửa của ông. Lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện qua việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa.
Nói
cách khác, ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là Đấng Mêsia
và là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.” (Ga 1:29) Ông Gioan vừa làm
Phép Rửa xong, Thiên Chúa liền tỏ ra dấu chỉ tỏ tường là “các tầng trời xé ra,
và Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống,” sự thật minh nhiên đó đã được chính Chúa
Cha xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta,
Ta hài lòng về Người.” (Mt 3:17; x. Mc 1:11)
Thật
kỳ diệu, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện
thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5:21) Chúa Giêsu là Đấng công
chính, không cần sám hối, nghĩa là không cần chịu Phép Rửa, nhưng Ngài chịu
Phép Rửa để làm gương cho chúng ta, còn chúng ta thực sự cần Phép Rửa và cần
sám hối, vì chúng ta là các tội nhân. Hãy mở lòng để đón nhận ơn tha thứ!
Phép
Rửa là “cửa ngõ” để chúng ta bước vào miền cứu độ. Trong cuộc đối thoại với ông
Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái, Chúa Giêsu nói với ông: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu
không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên; không ai có thể vào Nước Thiên
Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3:3 và 5) Và Thánh
Phaolô xác định: “Chỉ có một Chúa, một
niềm tin, một phép rửa.” (Ep 4:5)
Từ ngàn xưa, Đấng Kitô đã được đề cập với danh xưng
Người-Tôi-Trung-Đau-Khổ: “Đây là người
tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần
khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ
công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe
tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét,
cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn,
không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa
xăm đều mong được nó chỉ bảo.” (Is 42:1-4) Người-Tôi-Trung đó chấp nhận đau khổ nhưng
không muốn người khác chịu đau khổ, luôn chạnh lòng thương người khác, nhất là
đối với những người yếu đuối, hèn mọn.
Thiên Chúa xác nhận rạch ròi: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính
của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm
ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù
những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.” (Is
42:6-7) Mỗi chúng ta cũng được Thiên Chúa
gọi đích danh và đặt vào một vị trí theo Thánh Ý Ngài, nhưng không phải để tự
tôn hoặc ích kỷ giữ riêng cho mình, mà phải hành động tích cực, dùng những gì
mình đã được Ngài trao ban để làm lợi cho tha nhân – đặc biệt là đối với những
người bị áp bức, bị bóc lột, bị tước đoạt những quyền cơ bản của con người,...
Tất cả mọi sự chúng ta tận hưởng, cả tinh thần và vật
chất, đều do Thiên Chúa ban, chúng ta chẳng có gì và chẳng đáng gì mà dám vênh
vang tự đắc. Tác giả Thánh Vịnh đã nhận thức như vậy, và mời gọi chúng ta: “Hãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh, dâng
Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người, và thờ
lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện.” (Tv 29:1-2) Đó là bổn phận và trách nhiệm của mọi người.
Chúng ta chúc tụng Ngài thì Ngài cũng chẳng thêm được gì, nhưng chính chúng ta
lại hưởng lợi ích từ việc chúc tụng đó. Thiên Chúa luôn tìm mọi cách làm lợi
cho chúng ta, thật là kỳ diệu quá!
Ngài là Đấng vô hình mà lại hữu hình, vì Ngài vẫn hiện
diện trong mọi thứ: “Tiếng Chúa rền vang
trên sóng nước, Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm, Chúa ngự trên nước lũ
mênh mông. Tiếng Chúa thật hùng mạnh! Tiếng Chúa thật uy nghiêm!” (Tv
29:3-4) Thiên Chúa toàn năng, và chỉ có
Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Thật vậy, chính Thiên Chúa đã truyền lệnh: “Ngươi không được có thần nào khác đối
nghịch với Ta.” (Xh 20:3; Đnl 5:7)
Thiên Chúa xuất hiện trong mọi vật và mọi sự. Những gì
chúng ta gọi là tự nhiên hoặc thiên nhiên thì chính là Thiên Chúa: “Tiếng Chúa lay động cả rặng sồi, tuốt trụi
lá cây cao rừng rậm. Còn trong thánh điện Người, tất cả cùng hô: Vinh danh
Chúa! Chúa ngự trị trên cơn hồng thủy, Chúa là Vua ngự trị muôn đời.” (Tv
29:9-10) Bổn phận của chúng ta là phải tôn
thờ, cảm tạ và chúc tụng Ngài, như Đức Giêsu Kitô đã nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người,
còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33)
Tại nhà ông Conêliô, ông Phêrô lên tiếng nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa
và ăn ngay ở lành thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp
nhận.” (Cv 10:34-35)
Đức Giêsu nhập thể và nhập thế để “cứu cái gì đã hư mất.” (Mt 18:11) Thánh
Phêrô giải thích rạch ròi: “Người đã gửi
đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô,
là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê,
bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ:
Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà
xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa
lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv
10:36-38)
Trước khi Chúa Giêsu đến thế gian theo Kế hoạch Cứu độ
của Thiên Chúa, ông Gioan đã được sai đến trước để dọn đường. Ông là người được
Thiên Chúa sai đến, nhưng phong cách rất bình dân: Mặc áo lông lạc đà, thắt
lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Có lần người ta hỏi ông là ai –
Đấng Kitô, Êlia hay ngôn sứ? Cả ba lần ông đều trả lời “không,” ông chỉ dám
nhận mình là “tiếng người hô trong hoang địa.” (Ga 1:20-23) Ông khiêm nhường
bao nhiêu thì chúng ta cảm thấy xấu hổ bấy nhiêu, vì chúng ta chỉ là “số không”
thật lớn mà lại mạo nhận mình là “cái rốn của vũ trụ.” Lạy Chúa tôi!
Ông rao giảng về Đức Kitô: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm
phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em
trong Thánh Thần.” (Mc 1:7-8)
Ông Gioan cho biết rằng ông cũng không biết Đức Giêsu là ai, nhưng khi ông làm
Phép Rửa cho Ngài, rồi thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên
Ngài, nên ông nhận biết Ngài chính là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga
1:32-34) Đặc biệt nhất là có tiếng từ trời xác nhận: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc
1:11)
Di
tích sông Giođan, nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa, (Mc 1:6-11; Mt 3:13-17; Lc 3:21-22) cách trung tâm thành phố
Tibêria khoảng 10 km về phía Nam trên sông Giođan, có một địa điểm thu hút
khoảng nửa triệu người hằng năm. Theo khoa khảo cổ và kinh thánh, nơi thực sự
Chúa Giêsu chịu phép rửa cách xa Yardenit cả trăm cây số, ở gần Biển Chết,
thuộc về lãnh thổ Giođan: “Các việc đó đã
xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.” (Ga
1:28)
Dòng sông Giođan bình thường, nhưng bỗng trở nên khác
thường vì là nơi Chúa Giêsu chọn để ông Gioan làm Phép Rửa. Nước thật kỳ diệu.
Nước rất mềm mà cũng rất mạnh, đặc biệt là không thể tách hoặc cắt được nước. Ở
đâu có nước là có sự sống, người ta có thể nhịn đói chứ không thể nhịn khát, vì
cơ thể chúng ta chứa tới 70% là nước, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 2 lít nước. Có
điều lạ là quốc gia cũng được chúng ta gọi là “nước” – nước Việt Nam. Phải
chăng Việt ngữ muốn diễn tả nơi mình sống được ví như nước? Còn nước là còn nơi
sống, mất nước là mất nơi sống!
Nước biểu hiện sự xuất hiện của Thiên Chúa, chứng tỏ
quyền năng của Ngài: “Tiếng Chúa rền vang
trên sóng nước, Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm, Chúa ngự trên nước lũ
mênh mông.” (Tv 29:3) Với
Thiên Chúa, nước cũng được Ngài coi là chất liệu quan trọng nên Ngài đã dùng
nước để chứng tỏ chúng ta được tẩy sạch tội lỗi. Nước rất đặc biệt vì nước còn
là chất liệu Chúa Giêsu dùng làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới ở Cana, (Ga
2:1-12) và cũng là chất liệu Ngài dùng để dạy “bài học phục vụ” khi Ngài rửa
chân cho các môn đệ. (Ga 13:1-20) Nước còn quan trọng hơn nữa vì nước là chất
liệu biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và
Thần Khí.” (Ga 3:5)
Chúa Giêsu được dìm mình trong dòng nước Giođan để
khởi đầu sứ vụ, dòng nước đó trở nên Dòng Tình mà Chúa Giêsu muốn tuôn đổ Lòng
Thương Xót cho chúng ta, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho mỗi chúng ta phải
đắm mình trong dòng đời để phục vụ mọi người, đó cũng là phục vụ chính Ngài vậy:
“Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản
thân.” (Kinh Hòa Bình – Thánh Phanxicô Assisi)
Lạy Thiên
Chúa, xin giúp chúng con biết đón nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Độ và hết lòng
phụng sự Ngài qua việc phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những con người hèn
mọn ở mọi ngõ ngách của cuộc đời này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment