Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương Hòa Bình. Giáo hội Công giáo kính mừng Đức Mẹ với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa vào ngày Tết dương lịch – mồng 01 tháng 01 hằng năm, và cũng là ngày cầu xin hòa bình cho thế giới. Nghệ thuật diễn tả Đức Mẹ cầm trái địa cầu có chim bồ câu và cành lá ô-liu, biểu tượng của hòa bình. Lễ Đức Mẹ Hòa Bình được mừng vào ngày 24 tháng 01 hằng năm tại Hawaii và một số nhà thờ tại Hoa Kỳ, những nơi khác mừng vào ngày 09 tháng 07.
Cố NS Hải Linh (1920-1988)
có bài Thánh ca “Nữ Vương Hòa Bình” (1959), với giai điệu du dương và lời ca nói
lên tâm tình thảo kính của người Việt. Ca từ phần điệp khúc thế này: “Kính mừng Nữ vương, Nữ vương Hòa bình, Nữ
vương Hòa bình. Đây bao tâm hồn thao thức, dân con đất Việt nao nức, cất
tiếng ca mừng vui: Kính chào Nữ vương Hòa bình. Tung hô Mẹ Maria! Tung hô
Mẹ đầy ơn phúc! Mẹ là sáng khắp đất nước bao la! Tung hô Mẹ Maria! Tung hô
Mẹ đầy ơn phúc! Đem nguồn sống an vui chan hòa.”
Đức Mẹ Hòa Bình là
bổn mạng của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ, do Peter Coudrin sáng lập tại
Paris trong thời Cách Mạng Pháp. Khi dòng này xây nhà thờ Công giáo tại Hawaii,
người ta kính dâng quần đảo Hawaii cho Đức Mẹ Hòa Bình che chở. Người ta xây
nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Hawaii để dâng kính Đức Mẹ. Ngày nay, Nhà thờ
Đức Mẹ Hòa Bình ở Honolulu là nhà thờ Công giáo cổ nhất vẫn được sử dụng tại
Hoa Kỳ.
Đền thờ EDSA (Epifanio
De Los Santos, nghĩa là “quy tụ các thánh”) được dâng kính Đức Mẹ Hòa Bình. Đền
thờ này ở Philippine, gần giao lộ các xa lộ. Tại đường phố này, dân Philippine
nói rằng Đức Mẹ Hòa Bình đã hiện ra bên những chiếc xe tăng và bộ chỉ huy quân
đội tấn công đối phương hồi năm 1986, và đã ngăn chặn được.
Có ba tượng Đức
Mẹ Hòa Bình đặt tại Paris và Honolulu. Tượng thứ nhất bằng gỗ được đặt tại Tu
viện Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ ở Pháp. Tượng thứ nhì lớn hơn và bằng đồng được
đặt trong Thánh đường Đức Mẹ Hòa Bình. Tượng thứ ba được đặt trên Thánh đường
Đức Mẹ Hòa Bình.
Tượng Đức Mẹ Hòa
Bình nguyên thủy được Đức TGM Paris cho xây dựng ngày 09-07-1906. Từ đó, cứ đến
ngày 09-07, Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ lại mừng lễ Đức Mẹ Hòa Bình. Trong
những năm Thế chiến I, ĐGH Bênêđictô XIV đã thêm lời cầu Đức Mẹ Hòa Bình vào
Kinh cầu Đức Mẹ Loreto [*] để dùng trong phụng vụ từ năm 1917.
Thánh GH Gioan
Phaolô II đã thánh hiến và dâng kính Thánh đường Đức Mẹ Yamoussoukro cho Nữ
Vương Hòa Bình. Đây là đền thờ lớn nhất Phi châu. Các nơi khác trên thế giới, có
các nhà thờ mang tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình, nhất là ở Ai-len và Hoa Kỳ, đặc
biệt là Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình ở Bray, Co. Wicklow, Ai-len.
Nhà nguyện Foujita
ở Reims (Pháp) cũng được dâng kính Đức Mẹ Hòa Bình, để ghi nhớ cuộc tàn phá của
vụ thả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Nhà nguyện tại Đại học St.
Edward ở Austin (Texas, Hoa Kỳ) cũng được dâng kính Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình.
Tước hiệu Đức Mẹ
Hòa Bình thường được thay bằng Nữ Vương Hòa Bình. Đức Maria là Thân Mẫu của “Hoàng
Tử Bình An,” tức là Chúa Giêsu, Đấng giao hòa đất trời. Đức Mẹ đã đau khổ đứng
dưới chân Thánh Giá nên xứng đáng bảo trợ cho mọi người được hưởng hòa bình
đích thực. Ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Mẹ đã cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an. Đức
Mẹ cầu xin Chúa cho chúng ta được tinh thần yêu mến, đoàn kết và hòa giải. Đức
Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, luôn bình an sống kết hiệp với Thiên Chúa. Có
nhiều tông thư của các giáo hoàng đã cầu xin Đức Mẹ can thiệp để có hòa bình.
Hòa Bình thế giới
là chủ đề tại Fátima. Điều đó đã ảnh hưởng các phong trào như Đạo Binh Xanh và
nhiều phong trào Chuỗi Mân côi. Đức Mẹ luôn nhắc tới hòa bình trong những lần
hiện ra. Đức Mẹ Hòa Bình là bổn mạng của El Salvador. Tại Việt Nam, Đức Mẹ Hòa
Bình cũng được đặt lộ thiên trước Vương cung Thánh đường Saigon tại trung tâm
thành phố.
Theo tiếng Ả-rập,
Hồi giáo nghĩa là “kiến tạo hòa bình.” Hồi giáo do Mohammed sáng lập, coi kinh Koran
là sách thánh. Hồi giáo cũng chấp nhận Tân ước của Kitô giáo và Cựu ước của Do
Thái giáo là những sách được Chúa Thánh Thần linh hứng. Các tín đồ Hồi giáo,
cũng như các tín đồ Do Thái giáo và Kitô giáo, chỉ tin vào MỘT Thiên Chúa. Nhưng
qua nhiều thế kỷ, các tín đồ Hồi giáo chiến tranh nhiều với các tín đồ Do Thái
giáo và Kitô giáo, hy vọng hòa bình rất ít. Tuy nhiên, kế hoạch hòa bình của
Thiên Chúa, liên quan Đức Mẹ, đã được chứng tỏ tại Fátima (Bồ Đào Nha) và ở những
nơi khác trên khắp thế giới.
Khi người Hồi
giáo chiếm Bồ Đào Nha, làng Fátima bị đổi tên theo Hồi giáo, với tên của Hoàng
Tử Yêu Dấu ở Lâu đài Ourem gần đó. Công Chúa chết sau khi kết hôn với Bá tước
Ourem, được rửa tội và được đặt tên là Oureana, theo tên khi mới sinh là Fátima,
cũng như các cô gái Hồi giáo khác, để tôn kính ái nữ của Mohammed. Trong số con
gái của ông, Fátima được Mohammed yêu quý. Mohammed nói: “Trên trời, nó ở chỗ cao nhất, chỉ sau Đức Trinh Nữ Maria.”
Sự thật là người
Hồi giáo tới từ nhiều quốc gia, đa số từ Trung Đông, tạo nên số đông khách hành
hương đến với Đức Mẹ Fátima khiến chính phủ Bồ Đào Nha phải quan tâm. Sự kết
hợp giữa tên theo Hồi giáo lòng sùng kính của Hồi giáo dành cho Đức Mẹ tạo nên
sự thu hút mạnh đối vối dân Hồi giáo. Thiên Chúa rất nhiệm mầu. Fátima là một
phần trong kế hoạch của Ngài, là niềm hy vọng của thế giới.
Trong kinh Koran,
Thánh danh Đức Maria được nhắc tới không dưới 30 lần. Ngoài ra không một phụ nữ
nào được nhắc tới, kể cả ái nữ của Mohammed là Fátima. Trong số nam giới, chỉ
có Áp-ra-ham, Môsê, và Noe được nhắc tới nhiều lần hơn Đức Maria. Cũng trong
kinh Koran, Đức Maria được mô tả là “Trinh Nữ trọn đời đồng trinh.” Niềm tin
của Hồi giáo về sự đồng trinh của Đức Maria khiến những người tự nhận mình là
Kitô hữu phải hổ thẹn vì đã nghi ngờ hoặc không tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh.
Đức Mẹ và các tín đồ Hồi giáo có mối quan hệ đặc biệt!
Thánh địa
Giêrusalem là chiến trường giữa người Hồi giáo và người Kitô giáo qua nhiều thế
kỷ. Bằng chứng là nhiều nhà thờ đã được Công giáo xây dựng đã bị người Hồi giáo
phá hủy, nhưng lại được Thập Tự Quân tái xây dựng, ngày nay cũng vẫn xảy ra. Tuy
nhiên, có một ngoại lệ: Đền thờ Thánh Anna ở Giêrusalem vẫn nguyên vẹn.
Thập Tự Quân đã
xây dựng và dâng kính Thân mẫu của Đức Maria – Thánh Anna. Tại hầm mộ ở Nhà thờ
Thánh Anna, tượng Nhi Nữ Maria vẫn được tôn kính ngay tại nơi Đức Mẹ sinh ra. Lòng
sùng kính Đức Mẹ khiến người Hồi giáo không phá hủy nơi sinh của Đức Maria. Nền
tảng trong kế hoạch của Thiên Chúa tại Fátima có thể thấy tại Thánh địa, nơi
Đức Giêsu Kitô đã sống và thực hiện sứ vụ.
Thế kỷ VIII, khi
người Hồi giáo càn quét khắp Tây Ban Nha, một kho tàng tôn giáo lớn được chôn
giấu để giữ an toàn, trên núi Estremadura: Tượng Đức Mẹ bế Hài Nhi Giêsu. Đó là
tặng phẩm của Thánh GH Grêgôriô Cả dành cho ĐGM Leander, GP Seville. Sau khi
lật đổ chế độ của Hồi giáo, người ta phát hiện bức tượng quý này vào năm 1326, ngay
sau khi Đức Mẹ hiện ra với một người chăn chiên tên là Gil. Tượng Đức Mẹ được
đem về đặt tại một tu viện Phanxicô ở gần “Sông Sói.”
Trong thời gian
chiếm giữ Tây Ban Nha, chính người Hồi giáo đã đặt tên cho dòng sông đó. Họ đặt
tên theo kiểu của Hồi giáo là “Guadalupe” (nhĩa là Sông Sói – Guada là “sông,”
Lupe là “sói.”) Từ đó, hình ảnh Công giáo trở thành nổi tiếng ở tây Ban Nha, từ
thế kỷ XIV, nhờ cái tên “Đức Mẹ Guadalupe” theo kiểu Hồi giáo – tức là “Đức Mẹ
Hoa Hồng,” lễ ngày 12 tháng 12 hằng năm.)
Thiên Chúa biết
các nhà truyền giáo Tây Ban Nha sẽ phải đối mặt với sự chống đối dữ dội trong “thế
giới mới” từ người Aztec ở Ấn Độ. Dân Aztec thờ Tỵ Thần (thần Rắn) bằng đá, thần
này bắt người ta phải hy sinh tế thần. Rất khó giành lấy các linh hồn cho Đức
Kitô từ những kẻ khát máu đó. Tuy nhiên, với Thiên Chúa thì mọi thứ đều có thể.
(x. Mt 19:26; Lc 1:37; Mc 10:27) Đức Mẹ hiện đã ra với Juan Diego năm 1531. Đức Mẹ yêu cầu Juan
Diego gọi Đức Mẹ là “coatloxopeuh” (phát âm là “te quatlasupe,” theo tiếng Aztec Ấn
độ ở vùng Nahuatl nghĩa là “người đạp rắn.”) Về lịch sử, đó là một phần văn hóa
Aztec thời đó, hằng năm có ít nhất 20.000 người (đàn ông, phụ nữ và trẻ em)
phải làm vật hy sinh tế thần.
Chuyện còn nữa. Ngày
7-10-1571, Hải quân Công giáo đã chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Tây ban Nha,
Venice, và Genoa, dưới sự chỉ huy của tư lệnh Don Juan, người Áo. Đó là cuộc
chiến cuối cùng trên biển, lực lượng Hồi giáo với khoảng 12.000 tới 15.000 Kitô
hữu nô lệ. Các tàu chiến Công giáo được “trang bị” bằng Chuỗi Mân côi của Đức Trinh
Nữ Maria.
Biết quân đội
Công giáo yếu thế, Thánh GH Piô V kêu gọi cả Âu châu lần chuỗi Mân côi cầu xin
chiến thắng. Ngày nay, chúng ta biết rằng chiến thắng hiển hách đó đã được xác
nhận là nhờ Kinh Mân côi, ngăn chặn được cuộc xâm lăng của quân Hồi giáo ở Âu
châu, đó là quyền lực của Thiên Chúa tác động qua Đức Mẹ. Lúc chiến thắng, St. Thánh
GH Piô V, ở Vatican cách hằng trăm dặm, đã tuyên bố đó là sức mạnh siêu nhiên.
Ngài nói: “Quân đội Kitô giáo đã chiến
thắng!” Và rồi ngài bật khóc trong tâm tình tạ ơn Chúa.
Tại Lepanto, khi
chiến thắng quân Hồi giáo nhờ Kinh Mân côi. Thánh Padre Piô (Piô Năm Dấu), khi
đó là linh hướng của Đạo Binh Xanh, đã xác định: “Chuỗi Mân côi là vũ khí.” Có thể nói rằng Kinh Mân côi là vũ khí
“siêu nguyên tử.” Thật đúng như vậy!
Từ chiến thắng
trận Lepanto, Giáo hội mừng kính tước hiệu “Đức Mẹ Chiến Thắng” vào ngày 07
tháng 10. Sau đó, lễ này được đổi thành tước hiệu “Đức Mẹ Mân côi,” và được mở
rộng ra toàn cầu từ năm 1716, thời ĐGH Clement XI. Mở ngoặc: ĐGH Clement XI đã tuyên
thánh cho ĐGH Piô V năm 1712.
Tại Fátima, khi
được hỏi danh xưng, Đức Mẹ đã nói: “Ta là
Mẹ Mân côi.” Đức Mẹ đã dạy chúng ta hằng ngày phải cầu nguyện bằng Kinh Mân
côi. Chính Kinh Mân côi là kế hoạch hòa bình của Thiên Chúa, cho chúng ta niềm
hy vọng. Tại Fátima, Đức Mẹ cũng đã hứa: Hoán cải các tội nhân và hoán cải nước
Nga. Điều gì đến cũng đã đến.
Tuy nhiên, mỗi
chúng ta phải nghiêm túc xét lại mình qua ba mệnh lệnh Fátima: [1] Tôn sùng Mẫu
Tâm, [2] Lần Chuỗi Mân côi, và [3] Canh tân đời sống. Được như vậy thì chắc
chắn có hòa bình đích thực. Nhưng nên lưu ý, hòa bình có hai dạng: Hòa bình xã
hội và hòa bình tâm hồn. Có hòa bình tâm hồn, hòa bình tâm linh, tất nhiên sẽ
có hòa bình xã hội. Chiến tranh bom đạm, dù là nguyên tử hoặc hạt nhân, cũng
không độc hại bằng chiến tranh tinh thần!
Thánh nữ Maria
Faustyna Kowalska (1905-1938) viết trong Nhật Ký: “Tôi càng bắt chước Mẹ Thiên Chúa, tôi càng nhận biết Thiên Chúa – The
more I imitate the Mother of God, the more deeply I get to know God.” (số
843)
Lạy Đức Mẹ Mân côi, Nữ Vương Hòa Bình, xin ban hòa
bình đích thực cho chúng con, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và
trong giờ lâm tử. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Kinh cầu này
có từ thời Trung Cổ, được ĐGH Sixtô V phê chuẩn năm 1587.
[Đăng báo ĐMHCG, tháng 01-2014, Dòng Chúa Cứu
Thế xuất bản tại Hoa Kỳ – Đăng báo TTĐM, tháng 01+02-2015, Dòng Mẹ Chúa Cứu
Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment