Chức vụ và chức danh nghe có vẻ giống nhau, nhưng có phần khác nhau
quan trọng. Chức danh đề cập phẩm tước, còn chức vụ đề cập công việc, trách
nhiệm và bổn phận về chức vụ – gọi là chức phận.
Như vậy, chức danh không cần có chuyên môn, nhưng chức vụ cần có chuyên
môn. Danh từ “chức sắc” thường dùng trong tôn giáo, tức là nói về những người có
chức vụ nào đó.
Người có chức vụ mà không làm đúng chức năng thì chỉ là “hữu danh vô
thực”, là “bù nhìn”, là hình nộm, như ma-nơ-canh (mannequin, người giả ở các
tiệm trang phục). Loại người “ham chức, quên vụ” này chẳng làm nên trò trống
gì, đôi khi còn phá bướng, nhưng lại hay lên mặt “ta đây”. Chúa rất ghét loại
người này.
Thời Cựu ước, viên quan Sép-na là tể tướng triều đình (tương tự thủ
tướng ngày nay), được người ta coi là “người hùng”, nhưng Đức Chúa tuyên phán thẳng
thắn và rõ ràng: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị. Ngày ấy, Ta sẽ
gọi tôi tớ Ta là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu. Áo thụng của ngươi, Ta sẽ
lấy mặc cho nó, cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó, quyền bính của ngươi,
Ta sẽ trao vào tay nó, nó sẽ là cha đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa.
Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được.
Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho
nhà cha nó” (Is 22:19-23). Quyền “tháo cởi” này trong Cựu ước có liên quan
quyền “tháo cởi” trong Tân ước: Bí tích Hòa Giải.
Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, giàu lòng xót thương, nhưng Ngài cũng rất
thẳng thắn và dứt khoát. Ngài đã cho chúng ta thời gian để sửa đổi, nếu không
chịu chấn chỉnh, chúng ta sẽ bị Ngài tước hết. Có lần chính Chúa Giêsu đã xác
định: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ
có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt
13:12; Mt 25:29; Mc 4:25; Lc 8:18; Lc 19:26). Có lần Chúa Giêsu nói rõ: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên
trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi” (Mt 15:13). Thật là đáng sợ biết
bao!
Ngược lại, nếu người có lỗi biết sám hối và sửa sai, Chúa sẵn sàng tha
thứ và phục hồi nguyên trạng: “Như đông
đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv
103:12). Trên cả tuyệt vời! Đức Khổng Tử cũng nói: “Có lỗi mà không sửa mới thành ra có lỗi”. Tuy nhiên, Lời Chúa có
lúc làm chúng ta vui mừng, rồi cũng có khi làm chúng ta đau điếng, nhưng tất cả
vẫn là Hồng Ân, Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của mọi người. Tác
giả Thánh Vịnh đã thành tâm thân thưa: “Lạy
Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã
nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về
đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm
tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời
hứa của Ngài trên tất cả mọi sự” (Tv 138:1-2).
Dù chúng ta có thế nào thì vẫn cần tâm tình tạ ơn, một động thái rất
cần thiết vì nhiều lý do, vừa minh nhiên vừa mặc nhiên: “Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương
đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho
tâm hồn. Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ khi nghe những lời miệng Ngài phán ra. Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: Vinh quang Chúa
vĩ đại dường bao!” (Tv 138:3-5).
Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa làm cho chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới
ngạc nhiên khác, và chúng ta chẳng bao giờ hiểu nổi lòng thương xót bao la vô
tận của Ngài: “Chúa tuy thật cao cả,
nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa
ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết. Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn
tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn
trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang” (Tv
138:6 và 8). Được thương xót nhiều hay ít là điều tùy vào niềm tin của mỗi
người: “Ai tin thế nào thì được như vậy”
(Mt 9:29).
Thánh Phaolô xác định, vừa đặt vấn đề vừa giải thích: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của
Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối
của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm
cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật
đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời!
Amen” (Rm 11:33-36). Những vấn đề
vẫn này vẫn luôn nóng bỏng và nhức nhối ở mọi thời đại. Đó cũng là những câu
hỏi để mỗi chúng ta tự trắc nghiệm và tự cân-đo-đong-đếm mức độ tín thác của
mình vào Thiên Chúa.
“Tại sao tôi tin vào Thiên Chúa? Ngài là ai mà tôi tin?”. Đó là nghi
vấn người ta vẫn luôn đặt ra ở mọi thời đại. Người vô thần cho rằng người hữu
thần (cụ thể là Kitô hữu) chỉ ảo tưởng và mơ hồ, nhẹ dạ nên bị tôn giáo “ru
ngủ” và mê hoặc. Người ta luôn muốn dùng các tiến bộ khoa học hoặc bất cứ thứ
gì khác để chứng minh rằng “không có Thiên Chúa”, nhưng tất cả đều vô vọng. Đức
Tin cần có lý trí, nhưng phải là lý trí trong suốt, dùng lý trí để cố ý chối bỏ
và không tin thì hoàn toàn bất trị – nói vui theo ngôn ngữ @ là
“bó-tay-chấm-com” (BoTay.com). Người vô thần càng cố tìm cách chối bỏ Thiên
Chúa thì họ càng đi vào ngõ cụt, hoàn toàn bế tắc. Thật vậy, chính một Saolê giỏi
giang và bạo tàn đến thế, nhưng rồi cũng đành phải đầu hàng Thiên Chúa để trở
nên một con người hoàn toàn khác, một Phaolô thuần hóa và nhiệt thành rao giảng
Chúa-Giêsu-Kitô-chịu-chết-và-phục-sinh.
Trước khi Chúa Giêsu công khai sứ vụ, Ngôn sứ Gioan ở trong lao tù nên đã
bảo đệ tử đến gặp Chúa Giêsu và hỏi xem Ngài có phải là Đấng phải đến hay còn
phải đợi ai khác. Ngài không trả lời rõ ràng mà chỉ nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe:
Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe,
người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không
vấp ngã vì tôi” (Mt 11:4-6). Khi xét xử Chúa Giêsu, vị thượng tế cũng hỏi: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền
cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa
không?” (Mt 26:63; Mc 14:61). Chúa Giêsu nói: “Chính ngài vừa nói” (Mt 64). Thánh Luca cho biết rằng Chúa Giêsu
nói: “Tôi có nói với các ông, các ông
cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời” (Lc 22:67-68). Và rất
có thể chúng ta cũng đã hoặc đang có những lúc tự hỏi về Thiên Chúa như vậy.
Một hôm, khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Ngài hỏi
các môn đệ: “Người ta nói Con Người là
ai?” (Mt 16:13). Hỏi để mà hỏi, vì Ngài biết rõ mười mươi rồi. Ngài hỏi là
để người khác tự xác tín. Và các ông đều thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại
cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16:14). Mỗi người mỗi
ý, mỗi cách nhìn, nhưng chung quy vẫn coi Ngài là một “người đặc biệt”.
Sau đó, Ngài hỏi chính các đệ tử của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống” (Mt 16:16). Đức Giêsu nói: “Này
anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người
có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của
Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa
là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên
trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng
sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:17-19). Ý Chúa quan phòng và tiền định vô cùng
kỳ diệu, chúng ta chẳng làm sao suy thấu. Nghe ông Phêrô nói vậy, Ngài cấm ngặt
các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô.
Từ đó, Ngư phủ Phêrô đã trở thành Giáo hoàng tiên khởi với quyền tối
thượng. Chìa khóa Sư phụ Giêsu trao cho đệ tử Phêrô là Chìa-Khóa-Yêu-Thương-và-Tha-Thứ,
Chìa-Khóa-Nước-Trời để mở lối vào cho các hối nhân, chứ không là
Chìa-Khóa-Nhà-Tù để giam hãm người khác. Có chức thì có quyền, nhưng cũng đầy
bổn phận và trách nhiệm. Quyền cũng đi với Hành, gọi là quyền hành, thế nên đôi
khi những người có quyền thì cũng dễ lạm dụng rồi khoái “hành” người khác. Việt
ngữ thâm thúy thật!
Con người rất dễ háo danh và
hám lợi, vì có “cái danh” thì thường
có kèm theo “cái lợi”. Chức danh càng cao, bổng lộc càng nhiều. Điều này xảy ra
trong xã hội thì quá rõ ràng, từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây đều có, nhưng
ngay trong Giáo hội cũng có những người không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của DANH
và LỢI. Người ta chú trọng “cái danh” mà quên “cái phận”, trong khi “cái phận”
cần thiết hơn “cái danh”. Thật vậy, Đức Kitô đã động viên người ta làm “ngược
đời” chứ không theo lẽ thường: “Nhiệt tâm phục
vụ, không mong hưởng thụ” (x. Mt 20:28). Hai động thái trái ngược mà vẫn
xuôi chiều, thuận lý.
Ngày thứ Sáu 1-8-2014, ĐGH Phanxicô (TGM Jorge Mario
Bergoglio ngày nào luôn gần gũi đám dân nghèo) đã bất ngờ đến ăn trưa tại
một tiệm ăn bình dân dành cho các
công nhân áo xanh và những người lao công trong khu công nghiệp nhỏ ở Vatican.
Ngài vẫn tự cầm khay và đứng xếp hàng chờ đến lượt mình nhận
thức ăn nơi quầy thức ăn làm sẵn, giống như mọi người, không nhận quyền ưu tiên nào. Điều này chứng tỏ lời ngài là thật đối
với câu nói của ngài đã phát biểu trước đám đông giới trẻ: “Tôi không muốn làm giáo hoàng”.
Giáo hoàng là “vua” của Công giáo, là “ông lớn”, thế nhưng “ông lớn”
lại thích làm “ông nhỏ”, tự phục vụ chứ không cần người khác phục vụ, còn nhiều
“ông nhỏ xíu” lại muốn biến thành “ông lớn”. Chẳng khác gì truyện ngụ ngôn “Ếch
Muốn Bằng Bò” (*). Vừa khôi hài, vừa đau điếng!
Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên – Trong ba người cũng có một
người làm thầy. Lẽ tất nhiên. Chức vụ là để phục vụ chứ không để tự tôn hoặc
lên mặt với người khác. Mỗi người đều được Thiên Chúa mời gọi hoạt động trong
một lĩnh vực nào đó để cộng tác với Ngài mà hoàn tất công trình cứu độ của
Thiên Chúa, không ai được “ngồi mát ăn bát vàng”. Người ta thích “nói hay” về
sự phục vụ nhưng chưa chắc muốn phục vụ. Người ta cũng leo lẻo nói rằng “lao
động là vinh quang”, nhưng rồi có mấy ai thích vinh quang mà chỉ ưa ngồi rung
đùi, chỉ tay năm ngón, và... hốt bạc tỷ. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi –
đời cũng thế mà đạo cũng vậy. Thế là ô-kê. Xong!
Nói được thì phải làm được, đừng nói trước rồi bước không qua, đó là
“lẻo mép”. Viết được thì cũng phải làm được, đừng viết lắm mà nắm không xong,
đó là “lẻo bút”. Dạng “lẻo” nào cũng chết. Chết chắc! Vì đó là người có “máu”
Pharisêu, mang gien-đạo-đức-giả, đúng như Ngôn sứ Isaia đã nói trước: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn
lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật
phàm nhân” (Mt 15:8-9). Dạng người như vậy “được” Chúa Giêsu gọi là “mồ
mả tô vôi” (Mt 23:27). Một biệt hiệu (nickname) nghe rất “kêu”, nhưng lại cảm
thấy “nhột gáy” thật đấy!
Trước mặt Thiên Chúa, ai cũng bình đẳng, chẳng ai hơn hoặc kém ai. Mọi
người là con cái Chúa thì tất nhiên là anh em với nhau (Mt 23:8). Chắc chắn Chúa
không quan tâm cái CHỨC mà chỉ xét đến cái VỤ. Mười nén, năm nén, ba nén, thậm
chí là nửa nén cũng không thành vấn đề, quan trọng là SINH LỜI. Thế thôi! Thế
nhưng ở đời cũng “lắm chuyện”. Không nói thì người ta bảo hèn nhát, a dua, nịnh
hót, theo đóm ăn tàn. Dám nói thẳng nói thật thì bị ghét bỏ, bị trù dập, bị xa
lánh. Dốt nát thì bị KHINH, thông minh thì bị GHÉT. Chúa Giêsu cũng chỉ vì
thẳng-thắn-thật-thà mà bị giết chết thê thảm!
Dù sao thì cũng cứ là chính mình, không nịnh bợ, luồn cúi hoặc khép nép
trước bất cứ ai, nhưng cũng không hống hách hoặc khinh miệt bất cứ ai. Cứ bình
thường!
Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài, mỗi người mỗi việc, tùy khả
năng Chúa ban. Đó là Ngài chia sẻ công việc để chúng ta làm mà có thêm công
trạng theo danh chính ngôn thuận, chứ Ngài đâu cần gì chúng ta góp một tay. ĐGH danh dự Benedict
XVI, khi còn đương nhiệm, đã nhận xét: “Kitô
giáo không là triết lý mới hoặc luân lý mới. Chúng ta chỉ là Kitô hữu nếu chúng ta gặp
gỡ Đức Kitô. Chỉ trong mối quan hệ riêng với Đức Kitô, Đấng phục sinh,
chúng ta mới thực sự là Kitô hữu”.
Con người luôn khắc khoải về thân phận hoặc số phận, luôn thao thức về
chính mình, một hạt bụi nhỏ nhoi mà đầy nỗi gian truân, nỗi đọa đày. Cố NS
Trịnh Công Sơn đã tự hỏi: “Hạt bụi nào
hóa kiếp thân tôi?” (Cát Bụi). Nhưng ông không thể giải đáp, nên ông tự nhủ
và nhắn nhủ, rồi lại tiếp tục tự vấn: “Đừng
tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng... Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng...
Tôi là ai mà còn ghi giấu lệ, tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai, là ai,
là ai mà yêu quá đời này?” (Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng). Cuộc đời như một chu
kỳ lẩn quẩn. Biết suy tư là còn sinh tồn. Cõi lòng Thánh Augustinô cũng luôn
như biển động: “Linh
hồn con bồn chồn lo lắng mãi cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Và tác giả Thánh Vịnh kết luận: “Chỉ
trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi
mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv
62:2).
Ước gì mỗi chúng ta khả dĩ xác định được như vậy, đồng thời có thể nói
như Ngôn sứ Êlia: “Lòng nhiệt thành đối
với Chúa nung nấu con” (1 V 19:14). Biết Chúa và biết mình, điều nào cũng
khó, nhưng cần phải biết Chúa để có thể biết mình. Vâng, Thánh tiến sĩ
Augustinô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con –
Domine, noverim Te, noverim me”. Chính Thánh
Augustinô cũng đã tỏ ra hối tiếc mà thú nhận: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Biết Chúa và được yêu Chúa thì quả là
đại phúc!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng
con nhận biết Chúa là Thánh Phụ giàu lòng thương xót, là Thiên Chúa chí tôn duy
nhất, và xin giúp chúng con nhận diện chính mình để chúng con biết khiêm nhường
đúng mức, chứ không ảo tưởng mà kiêu ngạo, đồng thời cũng biết sống đúng bậc
mình, quyết tâm nên thánh theo bậc của mình qua bổn phận và trách nhiệm. Xin
cho những người có chức có quyền đừng “hành hạ” người khác, nhưng biết dùng
quyền để yêu thương và nâng đỡ người khác đến với Chúa. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Ngụ ngôn “La Grenouille Qui
Veut Se Faire Aussi Grosse Que Le Boeuf” của Jean de La Fontaine (Pháp).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment