Sống trên đời, có người không hề phạm pháp, nghĩa là không bao giờ bị xét xử hoặc bị kết án, nhưng cũng có những người phạm pháp một lần hoặc nhiều lần, với những mức án khác nhau: Án treo, tù giam, chung thân, chung thân khổ sai, tử hình. Ngồi mát không có “bát vàng” để ăn, nhưng có thời gian “rảnh rỗi” ngồi “bóc lịch” dài dài – một cuốn hoặc nhiều cuốn, còn tùy. Họ không thấy SƯỚNG mà chỉ thấy SƯỢNG thôi. Tội nghiệp!
Nói đến tội nhân thì có liên quan tòa án – dù là cấp thấp, cấp cao, tối
cao, hoặc quốc tế. Tòa án sẽ xét xử trước khi thi hành án. Bị xét xử tức là ra
trước “vành móng ngựa.” Về phần đời, có người không bao giờ là tội nhân, không
bị xét xử, không bị tù đày. Tuy nhiên, có những người bật khóc hoặc ngất xỉu
khi nghe tòa tuyên án.
Còn về tâm linh, bất cứ ai cũng đều là tội nhân, như Thánh Phaolô nói
rằng “mọi người đều giả dối,” (Rm 3:4a) và “mọi người đều phạm tội.” (Rm 3:23;
Rm 5:12) Nói “mọi người” tức là không trừ một ai trên thế gian này – nam, phụ,
lão, ấu, giàu sang hoặc nghèo khổ. Và rồi ai cũng phải nghe lời tuyên án!
Việt ngữ độc đáo lắm, thảo nào người ta đã ví von: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.” Ở đây, chúng ta
nói chuyện Mùa Chay, tất nhiên liên quan việc xét xử. Chỉ cần 4 chữ, đảo qua
đảo lại sẽ thành hai thể khác nhau: Xét
xử Chúa Giêsu (thể thụ động, Chúa Giêsu bị xét xử) và Chúa Giêsu xét xử (thể chủ động, Chúa Giêsu xét xử chúng ta).
1. XÉT XỬ CHÚA GIÊSU
Trước khi xét xử, người ta tìm bắt tội nhân. Chúng ta đã thấy có những
tội phạm đặc biệt nguy hiểm bị truy nã cấp quốc gia hoặc quốc tế. Chẳng chóng
thì chày, họ đều phải quy phục công lý. Nhưng có một tử tội đặc biệt nhất thế
gian, từ cổ chí kim, bị truy nã khắp nơi, bị truy nã đủ kiểu, dù tử tội đó vô
tội, hoàn toàn công chính, chuyên làm việc thiện, đó là Chúa Giêsu Kitô, người
Nadarét, miền Galilê, căn cước mang quốc tịch Do Thái, sinh tại
Belem, thuộc chi tộc Giuđa, mẹ là bà Maria, cha nuôi là Giuse. Trình thuật Mt 26:47-56 kể về sự thể Đức
Giêsu bị bắt, (Mc 14:43-50; Lc 22:47-53; Ga 18:3-11) cụ thể như sau:
Khi Chúa Giêsu còn đang
nói, thì Giuđa, một người trong nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả
một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục
trong dân sai đến. Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn
ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Đức
Giêsu và nói: “Rápbi, xin chào Thầy!” rồi hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn: “Này
bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức
Giêsu.
Một trong những kẻ theo
Đức Giêsu liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm
nó đứt tai. Đức Giêsu bảo người ấy: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm
gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao?
Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì
lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy.”
Vào giờ ấy, Đức Giêsu nói với đám đông: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem
gươm giáo gậy gộc đến bắt? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền Thờ thì các
ông không bắt. Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép
trong Sách Các Ngôn Sứ.” Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết trơn!
Tiếp theo, trình thuật Mt 26:57-68 kể việc Đức Giêsu ra trước Thượng
Hội Đồng, (Mc 14:53 -65; Lc 22:54 -55, 63-71; Ga 18:13-14, 19-24) chi tiết thế
này:
Họ bắt Đức Giêsu, rồi điệu
đến thượng tế Caipha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó. Ông Phêrô theo
Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với bọn thuộc hạ,
xem kết cuộc ra sao. Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm
chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình. Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu
có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian. Sau cùng, có hai người bước ra, khai
rằng: “Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày,
sẽ xây cất lại.” Bấy giờ vị thượng tế đứng lên hỏi Đức Giêsu: “Ông không nói
lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?” Nhưng Đức Giêsu vẫn làm
thinh. Vị thượng tế nói với Người: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền
cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa
không?” Đức Giêsu trả lời: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông
hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá
mây trời mà đến.” Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Hắn nói phạm
thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến
Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Họ liền đáp: “Hắn đáng chết!” Rồi họ khạc nhổ
vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người và nói: “Ông Kitô ơi, hãy nói
tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?”
Bản án dành cho Chúa Giêsu không từ thẩm phán mà từ mọi người tham dự
phiên tòa hôm đó. Đám người đó rất đông, đông như kiến. Chúa Giêsu bị ghét còn
hơn như ghét tội, không bằng tên gian phi Baraba. Đám đông đồng loạt la lớn: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!” (Lc
23:18) Rồi họ đồng thanh kết án: “Đóng
đinh nó vào thập giá!” (Mt 27:23; Mc 15:13; Lc 23:21; Ga 19:15) Chỉ tưởng
tượng cũng thấy rợn cả người. Khủng khiếp thật!
Chúa Giêsu chết mà vẫn chưa được yên, vì “một người lính lấy giáo đâm
vào cạnh sườn Người,” (Ga 19:34) đến giọt Máu và giọt Nước cuối cùng cũng chảy
ra hết. Vậy là Ngài phải chết tới 2 lần: Thánh Thể Thầy te tua, tơi tả, thảm
thương. Thật tang tóc!
2. CHÚA GIÊSU XÉT XỬ
Người đời có thể dễ mắc sai lầm, hoặc cố ý phạm sai lầm, bởi vì có
những thẩm phán đã từng nhận hối lộ để làm sai lệch cán cân công lý. Người ta không
ngại thay trắng, đổi đen, trắng trợn biến kẻ có tội thành vô tội, nỡ lòng bắt người
vô tội phải chịu hàm oan! Thế nhưng với Thiên Chúa thì khác hẳn, vì “điều cao
trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa,” (Lc 16:15) Ngài
một mực “công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử.” (Rm 3:4b)
Kinh thánh đã xác định rạch ròi: “Chúa
Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử.” (Ga
5:22) Người Con đó không ai khác là Đức Kitô, Đấng đã chịu chết và phục sinh để
cứu độ chúng ta, mong muốn “tập hợp mọi người lại như như gà mẹ tập hợp gà con
dưới cánh,” (Mt 23:37) nhưng có những người vẫn cứng đầu mà cố chấp, không chịu
như vậy. Đó là quyền tự do của mỗi người thôi, Chúa không bao giờ ép buộc ai!
Chúa Giêsu vốn dĩ điềm đạm, thế nên khi xét xử, lời tuyên án của Ngài cũng
rất nhẹ nhàng: “Mỗi lần các ngươi LÀM
hoặc KHÔNG LÀM như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi
đã LÀM hoặc KHÔNG LÀM cho chính Ta vậy.” (Mt 25:40-45)
LÀM hoặc KHÔNG LÀM NHƯ THẾ là sao? Chính xác nhất là nghe Chúa Giêsu giải
thích. Ngài sẽ nói với những “con chiên” đứng bên phải: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là
khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau
yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt
25:35-36) Ngài cũng sẽ nói tương tự với những “con dê” đứng bên trái, nhưng
thay chữ “đã” bằng chữ “không.” (Mt 25:42-43)
Theo cách xét xử của Chúa Giêsu, chúng ta có kinh nguyện nói về đức ái,
gồm 14 mối, chia làm hai phần: Thương về thể xác có 7 mối, thương về tinh thần
có 7 mối.
a. Bảy Mối Thương Thể Xác: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ
nhờ, chuộc kẻ làm tôi, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết.
b. Bảy Mối Thương Linh Hồn: Lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn
bảo kẻ có tội, nhịn nhục chớ hờn giận, tha kẻ khinh dể ta, cầu cho người sống
và người chết.
Đức ái quan trọng nhất, vì trên Nước Trời chỉ còn đức mến mà thôi.
Thiên Chúa là tình yêu. (1 Ga 4:6 & 8) Vả lại, Chúa Giêsu luôn “chạnh lòng
thương” nên Ngài rất coi trọng lòng trắc ẩn: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã
thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không
mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:42) Không cần cao lương mỹ vị, chỉ là nước lã
nhạt nhẽo, nhưng vẫn được Chúa ghi công trạng nếu chúng ta cho người khác với
lòng yêu thương, nhân danh lòng thương xót, hành động vì Chúa.
Điều đó chẳng có gì lạ, chẳng có gì cao siêu, vì người đời cũng vẫn xác
nhận: “CỦA CHO không bằng CÁCH CHO.” Còn
Thánh Phaolô bảo: “CHO có phúc hơn NHẬN.” (Cv 20:35) Mẹ Thánh Teresa Calcutta so sánh:
“Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài
trong Thánh Thể.” Còn Thánh Nữ Teresa Hài Đồng nói: “Ai vì yêu Chúa Giêsu mà nhặt một cái đinh thì cũng đủ để cứu một linh
hồn.” Chính Mẹ Thánh Teresa cũng đã dạy các nữ tu về phong cách phục vụ: “Khi cứu giúp người nghèo khổ, hãy coi đó là
giúp Chúa Giêsu.” Thật giống với lời xét xử của Thẩm Phán Giêsu Kitô trong
ngày Phán Xét Chung.
Cầu mong mỗi người
đều được là chiên đứng ở bên phải khi Chúa Giêsu chủ tọa Phiên Tòa Chung Thẩm!
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment