Tuesday, March 25, 2014

THUẬN NGÔN NGHỊCH NHĨ

Thật lạ lùng khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người: Hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi, hai tay, hai chân, thậm chí là hai bán cầu não, nhưng chỉ có MỘT miệng. Chắc hẳn Ngài đã tiền định điều gì đó. Với đầu óc “bã đậu” của phàm nhân, chúng ta cũng khả dĩ suy luận được rằng Ngài muốn chúng ta NGHE nhiều, NHÌN nhiều, NGỬI nhiều (nghĩa bóng), LÀM VIỆC nhiều, ĐI nhiều, NGHĨ nhiều, nhưng NÓI ít (và ĂN ít = ăn chay và tịnh tâm).

Liên quan TAI và MIỆNG, chúng ta có câu “thuận ngôn nghịch nhĩ.” Câu này nghe rất quen tai, và ai cũng biết chắc rằng “lời thật” nào cũng luôn “làm mất lòng.” Người ta cũng có những cách nói khác như “thuốc đắng đã tật.” Có những loại thuốc vô cùng khó uống, có khi phải bịt mũi và nhắm mắt mà uống cho nhanh rồi dùng thức uống khác mà “chữa lửa.” Uống thuốc mà khổ thật!

Nói xa hơn, ca dao Việt Nam có câu: “Chim khôn chưa bắt đã bay, người khôn chưa nói đã cay lòng rồi.” Người “chậm tiêu” thì có nói tới nơi tới chốn, nói toạc móng heo mà họ vẫn chẳng hiểu gì. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu hai dạng: Loại người chậm hiểu thật, và loại người cố ý giả nai, giả vờ không hiểu, bướng bỉnh, cố chấp.

Biết rõ là “thuốc đắng đã tật” nhưng có những người vẫn không muốn uống dù họ đang bị bệnh nặng. Thuốc đã vậy, các bệnh nhân ung thư phải hóa trị hoặc xạ trị thì thật là khổ vô cùng. Cũng vậy, người ta sợ “nghịch nhĩ” nên không ai muốn nghe “thuận ngôn,” dù lương tâm vẫn cho họ biết nên nghe hay không.

Đại văn hào Victor Hugo xác định: “Lương tâm là Thiên Chúa trong mỗi con người.” Khi nghe tiếng nói của lương tâm, người ta phải can đảm và dứt khoát, nếu không thì khó có thể “vượt qua chính mình.” Liên quan lòng can đảm (đức đại đảm), Đức Khổng Tử so sánh: “Người có đức ắt có tài ngôn ngữ, người có tài ngôn ngữ chưa chắc có đức. Người có lòng nhân ắt có lòng dũng cảm, người có lòng dũng cảm chưa chắc có lòng nhân.” Tương tự, cái gì tốt thì đẹp, nhưng cái gì đẹp thì chưa chắc tốt.

Lời Chúa luôn là “thuận ngôn” nên luôn gây “nghịch nhĩ.” Người ta chỉ thích trích dẫn những câu có lợi cho mình, cũng đồng nghĩa là người ta không thích những câu bất lợi cho mình, vì nghe “rát tai” lắm, ớn lắm, nhột lắm, ngại lắm, sợ lắm. Không muốn nghe đã đành, thậm chí người ta cũng không muốn xem, không muốn đọc, không muốn ai nhắc tới những câu đại loại là “gây khó chịu” như vậy. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5:18)

Và Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.” (Mt 5:19) Thật vậy, Thánh Vịnh gia nói: “Công lý của Chúa là công lý trường tồn, luật Chúa truyền ban là chân lý.” (Tv 119:142)

Chúa Giêsu là người của Chân Lý, Ngài là Vua Sự Thật, như chính Ngài đã xác nhận trước mặt Tổng trấn Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37) Ông Philatô nói với Người: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38) Ông ta giả nai hay thực sự không hiểu? Chúng ta cũng đã từng có những lúc y như Philatô vậy, vì chúng ta sợ “thuận ngôn nghịch nhĩ” đấy thôi!

Chúa Giêsu đã có lần nói thẳng thắn và dứt khoát: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5:20) Ngài cũng đang nói với mỗi chúng ta như vậy, nhất là trong khoảng thời gian Mùa Chay Thánh này.

Thế nào là “công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu” vậy? Chúng ta cũng chẳng xa lạ gì với dụ ngôn “hai người cầu nguyện tại Đền Thờ,” (x. Lc 18:9-14) một là dân Pharisêu và một là dân thuế vụ. Thời xưa, ai cũng “nể” những người Pharisêu, vì họ được coi là “đạo đức, thánh thiện và công chính,” vì họ “ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập.” Chúng ta có làm được như “đại đức” Pharisêu chưa? Khó lắm!

Vậy mà Chúa bảo chúng ta phải “ăn ở công chính” hơn họ. Quả là “gay go” thật! Ngài muốn cảnh báo chúng ta vì chúng ta có “máu” thích nổi trội, thích hào nhoáng bề ngoài, không dám âm thầm lặng lẽ như Đức Thánh Giuse, không muốn nhỏ đi để Thiên Chúa lớn lên như Ngôn sứ Gioan. (x. Ga 3:30) Chúng ta ưa tự quảng cáo chính mình bằng nhiều cách rất tinh vi. Nhưng Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21)

Ngay cả người công chính cũng phạm tội mỗi ngày 7 lần. (x. Cn 24:16) Điều đó cho thấy không ai xứng đáng gọi là công chính trước mặt Thiên Chúa. May mà Ngài chấp nhận công chính hóa chúng ta nếu chúng ta thật lòng tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế, chết và sống lại để cứu độ chúng ta.

Thế nhưng phàm nhân chúng ta cứng đầu cứng cổ lắm, vẫn ngang bướng mà tự biện hộ cho những động thái sai trái của mình. Chúa Giêsu biết tỏng nên Ngài cũng đã nói trước: “Nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” (Mt 7:22)

Vô ích. Vải thưa làm sao che mắt thánh? Hay là lại giả nai chăng? Chúa Giêsu lại phải nói thẳng: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6:43-45; Mt 7:16-20; Mt 12:33-35) Hết đường chối cãi, càng nói càng sai, khôn hồn thì im lặng và sám hối!

Cũng ý đó, Thánh Mát-thêu dùng cách nói rõ ràng hơn: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai.” (Mt 7:20) Và Chúa Giêsu cũng đã, đang và sẽ thẩm vấn mỗi chúng ta: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6:46) Nếu không thể trả lời rạch ròi thì thật đáng sợ!

Và Ngài sẽ nguyền rủa: “Loài rắn độc kia, xấu như các người thì làm sao nói điều tốt được?” (Mt 12:34) Ước mong không ai phải nghe lời nguyền rủa chua chát như vậy!

Sống tinh thần Mùa Chay, chúng ta cùng nhau khiêm nhường thân thưa như Đức Maria: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38) Đồng thời cũng bắt chước Ngôn sứ Samuel cầu nguyện: “Xin Người cứ làm điều Người cho là tốt.” (1 Sm 3:18)

TRẦM THIÊN THU

Ý TƯỞNG

Điều suy nghĩ xem chừng rất đơn giản
Vì đó là vấn đề về tự do
Tự do này đặc biệt và riêng tư
Chỉ mình biết chứ chẳng ai biết được

Ý tưởng đó có thể xấu hay tốt
Tốt thì phúc, còn xấu thì khốn thôi
Tội tư tưởng được Chúa đề cập rồi [1]
Nhẹ như gió mà mạnh như nước xối

Vì SUY NGHĨ sẽ biến thành lời nói
Rồi biến thành HÀNH ĐỘNG và THÓI QUEN
Từ thói quen biến thành TÍNH CÁCH riêng
Và tính cách sẽ trở thành SỐ PHẬN

Chuyện ý tưởng có vẻ rất đơn giản
Thế mà lại rất phức tạp, nhiêu khê
Cứ tưởng khôn mà lại hóa ra ngu
Thảo nào Chúa luôn nhắc nhở tỉnh thức

Nhiều loại người nhưng có ba thứ dốt
Điều cần biết mà lại chẳng biết chi
Điều mình biết mà lại không rành gì
Nhưng lại biết những điều không nên biết [2]

Sự thinh lặng, ít nói, rất cần thiết
Đó là người thông sáng và khôn ngoan
Chỉ nên nói khi nào thực sự cần
Nói điều cần và điều đẹp lòng Chúa [3]

Lạy Thiên Chúa, cầu xin Ngài canh giữ
Từ ý nghĩ đến miệng lưỡi con đây [4]
Xin dạy con biết nói những lời hay
Không suy diễn, không ba hoa, lắm chuyện

TRẦM THIÊN THU
[1] Mt 5:28 – “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
[2] “Có 3 thứ ngu dốt: không biết những gì mình cần biết, không rành những gì mình biết, và biết những gì mình không cần biết.” (François de La Rochefoucauld, 1613-1680)
[3] “Ai cố gắng làm đẹp lòng Thiên Chúa mới là người thông sáng, họ hầu như thinh lặng, hoặc có nói thì nói rất ít – chỉ nói những gì cần thiết và đẹp lòng Thiên Chúa.” (Thánh Anthony Cả)
[4] Tv 141:3 – “Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con.”

No comments:

Post a Comment

Comment