Emmanuel [ עִמָּנוּאֵל ] – theo tiếng Hebrew nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23; Is 7:14) – là tước hiệu đặc biệt dành cho Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể làm người để cứu độ nhân loại.
Người ta cho rằng chữ Noël được giản lược từ chữ Emmanuel, có gốc từ tiếng Pháp – dạng cổ là Naël, và chữ này lại có gốc từ Latin là nātālis (diēs) – nghĩa là “(ngày) sinh.”
Ngày xưa, Đức
Chúa phán với vua A-khát: “Ngươi cứ xin
Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc
trên chốn cao xanh.” (Is 7:11) Nhưng vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách
Đức Chúa.” (Is 7:12) Thiên Chúa cho phép ông cứ xin một “dấu lạ” nhưng ông
không dám, vì ông biết và tin thật rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng.
Đó là đức tin của
vua A-khát. Đức tin rất quan trọng, nhưng người ta chỉ tin khi nào mắt thấy tỏ
tường, và người ta thường “chạy đua” tìm kiếm những “dấu lạ” hoặc “sự lạ,” thỏa
tính hiếu kỳ rồi thôi, thế mà người ta vẫn nghĩ mình có đức tin mạnh mẽ. Đa số
phàm nhân là thế. Ngày xưa, ngôn sứ Isaia đã phải lên tiếng: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm
phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm
phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các
ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên
là Emmanuel.” (Is 7:13-14)
Đấng Emmanuel ấy
chính là Thiên Chúa, là Đấng “làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ
hoàn cầu với toàn thể dân cư” và Ngài tạo “nền trái đất dựng trên biển cả, đặt
vững vàng trên làn nước mênh mông.” (Tv 24:1-2) Ngài là Đấng Thánh, quá cao cả
và vĩ đại, thế thì “ai được lên núi Chúa và được ở trong đền thánh của Ngài?”
(Tv 24:3) Một câu hỏi xem chừng khá “hóc búa.” Đó là vấn nạn!
Đấng Emmanuel là
Thiên Chúa uy linh cao cả, nhưng Ngài không thích dùng “quyền” mà “hành” người
khác như những phàm nhân có chức vị và quyền thế, mà Ngài khiêm hạ và hòa nhã
với mọi người, dù đó là các tội nhân xấu xa. Theo tác giả Thánh Vịnh, những
người được lên núi Chúa và ở trong đền thánh của Ngài là những người “tay sạch
lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối,” và họ “sẽ được
Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.” (Tv 24:4-5) Tác
giả Thánh Vịnh gọi những người đó là “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Ngài, tìm
thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.” (Tv 24:6)
Thánh Phaolô bày
tỏ: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô
Giêsu; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên
Chúa.” (Rm 1:1) Rồi ngài
giải thích cặn kẽ: “Tin Mừng ấy, xưa
Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin
Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng xét như Đấng đã
từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với
tất cả quyền năng. Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ,
làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.
Trong số đó, có cả anh em, là những
người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô.” (Rm 1:2-6)
Chúng ta vô cùng
hạnh phúc, vì dù là tội nhân khốn nạn nhưng vẫn được Thiên Chúa kêu gọi để
thuộc về Ngài, muốn chúng ta hoàn toàn nên giống Ngài: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Chúng ta là các
thánh-nhân-lữ-hành, cùng sống trong một Hội Thánh, hiệp thông với các
thánh-nhân-vinh-hiển (các thánh trên trời) và các thánh-nhân-đau-khổ (các linh
hồn nơi luyện hình). Trong tinh thần thánh đức đó, Thánh Phaolô cầu chúc mọi
người: “Kính gửi tất cả anh em ở Rôma,
những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên
Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.”
(Rm 1:7)
Giáng Sinh kề
cận, Giáo hội muốn chúng ta biết rõ “gốc tích” của Đức Giêsu Kitô qua trình
thuật Mt 1:18-24, liên quan “dấu lạ” mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo. Thánh sử
Mát-thêu cho biết: Cô Maria, mẹ Người, đã thành hôn với Chú Giuse, nhưng trước
khi hai người về chung sống, Cô đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Đó là
điều rất lạ, người không có đức tin thì không thể nào tin được.
Theo sự thường
thì đó là “tiếng sét ngang tai,” là “chuyện tày trời,” chắc hẳn khi nghe người
ta xì xầm chuyện Cô Maria có thai thì Chú Giuse buồn lắm. Thật khó xử. Tiến
thoái lưỡng nan. Bỏ thương, vương tội. Vả lại, cả hai Cô Chú còn trẻ, cùng khấn
giữ đồng trinh, sao lại xảy ra “chuyện động trời” như vậy chứ? Căng thật đấy!
Là người công
chính và không muốn tố giác Bà Xã, nên Chú Giuse định tâm âm thầm lặng lẽ bỏ đi
xa, chứ ở lại thì “nhức đầu” lắm! Thế nhưng người tính không bằng trời tính. Kế
hoạch của Thiên Chúa rất mầu nhiệm.
Thật vậy, khi Chú
Giuse đang toan tính như vậy thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng: “Này Chú Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại
đón Cô Maria vợ Chú về, vì người con Cô cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh
Thần. Cô sẽ sinh con trai và Chú phải đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu, vì chính
Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1:20-21) Chắc hẳn Chú
Giuse thở phào nhẹ nhõm vì ẩn số được giải đáp rất rõ ràng!
Tất cả sự việc
này đã xảy ra, đặc biệt là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn
sứ Isaia: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai
và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
(Mt 1:23) Khi tỉnh giấc, tất nhiên Chú Giuse mau mắn làm đúng như lời sứ
thần Chúa dạy và vui vẻ đón vợ về nhà.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con có thể nhận biết
Thánh ý Ngài trong từng biến cố cuộc đời và giúp chúng con can đảm vui nhận mà
thực hiện trọn vẹn. Xin Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse giúp chúng con cũng
biết sẵn sàng và mau mắn hành động như các ngài. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment