Lửa rất mềm mà cũng rất mạnh. Một đốm lửa có
thể dập tắt bằng một hơi thổi nhẹ hoặc làn gió nhẹ, nhưng ngọn lửa lớn thì rất
khó dập tắt. Lửa càng chia sẻ càng tăng thêm nhiều. Và “lửa yêu” cũng vậy!
Máu Thánh của Đức Kitô đã đổ ra vì thương xót
và cứu độ nhân loại. Nhờ đó mà có nhiều người không “tham sanh, úy tử,” dám
liều mạng sống vì Chúa.
Đó là những nhân chứng đức tin, là các vị tử đạo. Chính
máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống sinh các tín hữu. Việt Nam là quốc gia có
hằng trăm ngàn nhân chứng đức tin đã xả thân vì đức tin Kitô giáo. Các ngài
cũng là những người có cuộc sống bình thường như chúng ta, nhưng có cách sống
khác thường, dù thời đó Việt Nam mới nhận biết đức tin Kitô giáo chưa được bao
lâu.
Thánh Anrê Phú Yên (1625-1644) mới rửa tội
được 4 năm, thế nhưng đức tin của “chàng trai trẻ” đã trưởng thành nên mới có
thể thí mạng vì Đức Kitô khi mới 19 tuổi đời. Thánh Anê Lê Thị Thành
(1781-1841), thường gọi bà Đê, là một bà mẹ Công giáo bình thường, nhưng lại có
một đời sống đức tin khác thường, để rồi dám chết vì Đức Kitô. Biết tin vua Thiệu
Trị ra lệnh xử trảm, Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm (1813-1847) vẫn thản nhiên nói: “Tôi
có ăn trộm ăn cướp gì đâu mà sợ, mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm.”
Và còn hằng trăm ngàn người Công giáo Việt
Nam đã chết vì Đạo Chúa, điều mà Đức Kitô đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh
tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Và đó cũng là một trong Bát
Phúc: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống
công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:10) Chúng ta quen đọc kinh Tám
Mối Phúc Thật: “Phúc thay ai chịu khốn
nạn vì đạo ngay ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được Nước Đức Chúa Trời làm của
mình vậy.”
Với người đời, những cái chết đó là dại dột,
là ngu xuẩn; nhưng với Thiên Chúa lại là sự khôn ngoan. Chúa Giêsu đã giải
thích: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân
xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt
cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10:28) Thật vậy, tác giả sách Khôn
Ngoan nói: “Linh hồn người công chính ở
trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa.” (Kn 3:1) Đối
với những người yêu Chúa thì đau khổ chẳng nghĩa lý gì.
Như kiểu nói của người Việt là “gậy ông đập
lưng ông,” tác giả sách Khôn Ngoan nói: “Bọn
ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô
phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ
đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa
chan hy vọng được trường sinh bất tử.” (Kn 3:2-4) Tất cả xem chừng là những
nghịch lý, nhưng lại là nghịch-lý-thuận. Mọi khổ hình dã man nhất của loài
người đối với các nhân chứng đức tin cũng chỉ là cách “chịu sửa dạy đôi chút,” và
rồi “họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao.” (Kn 3:5) Đó mới là mục đích của họ!
Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy
họ xứng đáng với Ngài: “Ngài đã tinh
luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn
thiêu. Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén
nhanh khắp rừng sậy.” (Kn 3:6-7) Rồi họ sẽ được quyền “xét xử muôn dân và
thống trị muôn nước,” chính “Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời.” (Kn 3:8) Thiên
Chúa giúp họ lật lại thế cờ, chuyển bại thành thắng, đúng như lời Chúa hứa: “Những ai trông cậy vào Ngài, sẽ am tường sự
thật; những ai trung thành, sẽ được Ngài yêu thương và cho ở gần Ngài, vì Ngài
ban ân phúc và xót thương những ai Ngài tuyển chọn.” (Kn 3:9)
Thánh Vịnh gia vui mừng trong niềm tín thác: “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn,
là Đấng dạy tôi nên người thiện chiến, luyện thành tay võ nghệ cao cường.” (Tv
144:1) Tại sao? Vì “Chúa là đồng minh, là đồn luỹ che chở, là thành trì bảo
vệ, là Đấng giải thoát tôi. Chúa là khiên mộc cho tôi ẩn núp, Người bắt chư dân
quy phục quyền tôi.” (Tv 144:2) Chẳng có gì có thể làm cho người tôi trung phải
khiếp sợ, họ vẫn thản nhiên tôn thờ Chúa và vững tin: “Lạy Chúa Trời, xin dâng Chúa một bài ca mới, thập huyền cầm, con gảy
đôi cung. Chính Ngài cho các vua thắng trận, cứu mạng Đa-vít, kẻ trung thần,
khỏi lưỡi gươm ác nghiệt.” (Tv 144:9-10)
Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến
như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy
chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất
cả cho chúng ta?” (Rm 8:31-32) Thánh nhân tiếp tục chất vấn một loạt: “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã
chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng
lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu
Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu
của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ,
gươm giáo?” (Rm 8:33-35) Chính những câu hỏi đó đã ngầm chuyển tải những
câu trả lời.
Có lời chép: “Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát
sinh.” Nhưng trong mọi thử thách ấy, “chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu
mến chúng ta.” (Rm 8:37) Thánh Phaolô tin chắc: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện
tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ
một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của
Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:39) Tất cả
chỉ là “số không,” và chẳng gì cản bước hoặc ngăn cấm được người ta yêu mến
Thiên Chúa. Lúc này “lửa yêu” đã bùng cháy, không gì có thể dập tắt!
Trong một lần rao giảng, Đức Giêsu nói với
mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9:23) Điều kiện “theo
Chúa” vừa dễ, vừa khó. Lửa yêu của ai mạnh thì là dễ, nhưng lửa yêu của ai yếu
thì là khó. Chính người đời cũng ví von: “Tình
yêu trong cách xa như ngọn lửa trong gió: Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ, nhưng thổi
bùng ngọn lửa lớn.”
Chúa Giêsu nói thêm: “Ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng
sống ấy.” (Lc 9:24) Đặc biệt là cách đặt vấn đề của Ngài: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt
thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9:25) Cách nói “nghi vấn xác định” là cách
xác định mạnh mẽ hơn.
Rồi Ngài kết luận: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì
kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên
thần.” (Lc 9:26) Rất rõ ràng. Rất mạch lạc. Rất dễ hiểu. Nhưng Ngài vẫn tôn
trọng tự do của mỗi người, chứ Ngài không hề ép buộc bất kỳ ai.
Lạy
Thiên Chúa, xin thêm đức tin-cậy-mến và lòng can đảm cho chúng con, và giúp
chúng con biết noi gương sáng các nhân chứng đức tin là tiền nhân của chúng
con. Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin nguyện giúp cầu thay chúng con hôm nay
và mãi mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ
của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng
báo ĐMHCG số 375, tháng 11-2017, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment