Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

PHONG CÙI

Bệnh phong [còn gọi là (phong) cùi hoặc (phung) hủi] là chứng nan y do vi khuẩn Hansen gây ra. Bệnh nhân trông rất “kỳ dị” (sần sùi, lở loét, rụng tóc, mất ngón chân, ngón tay), và tất nhiên họ rất đau khổ – cả tinh thần và thể lý. Ngày nay, khoa học đã có thể chữa trị được bệnh phong nhưng di chứng phong sẽ không bao giờ có thể chữa khỏi.

Tại Việt Nam có hơn 10 trại phong, một trong số đó là trại phong Di Linh (Djiring), thuộc GP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, do ĐGM Jean Cassaigne [1] sáng lập – rồi chính ngài cũng đã chết năm 1973 vì nhiễm bệnh phong. Ngài là một chủ chiên sống đúng lời Đức Kitô: Thí mạng sống vì đoàn chiên.

Trong số các bệnh nhân phong có một bệnh nhân đặc biệt: Hàn Mặc Tử, [2] một thi sĩ Công giáo nổi tiếng (cả về đạo và đời) và là thi sĩ có lòng yêu mến Đức Mẹ. Các bệnh nhân phong càng đau đớn hơn vào những mùa trăng, đêm nào trăng càng sáng thì họ càng khổ, vì vi trùng đục khoét các vết thương rất nhức buốt, thế nên thi sĩ Hàn Mặc Tử đã phải thốt lên: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho.” (Trăng Vàng Trăng Ngọc)

Ngày xưa, người nào mắc bệnh phong thì đều bị coi là “ô uế” – có thể ngày nay người ta cũng vẫn vậy. Người ta coi các bệnh nhân phong là BẨN, tức là họ tự nhận mình là SẠCH. Thiết nghĩ phải nhớ lại lời Chúa Giêsu nói thẳng: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.(Mc 7:15) Ai dám chê người bẩn mà nhận mình sạch là kẻ mạo nhận, ảo tưởng, giả đối, giả hình, có “máu” Pharisêu – thậm chí là bất công và nhẫn tâm, vì thiếu yêu thương, không bác ái.

Thánh Giacôbê cũng chỉ trích thói giả dối: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.” (Gc 1:26-27) Tục ngữ Việt Nam đã cảnh báo: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười.”

Thời Cựu ước, ông Naaman mắc bệnh phung hủi, ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Giođan, theo lời người của Thiên Chúa là ông Êlisa. Lạ thay, da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Vậy là ông đã được sạch. Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ítraen. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây.” (2 V 5:15)

Ông Naaman được sạch, và ông trở lại để cảm ơn ông Êlisa. Nhưng ông Êlisa nói: “Có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả.” (2 V 5:16) Ông Êlisa chí công, vô tư, thanh liêm và chính trực. Ông Naaman nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối, nhất quyết không nhận gì, vì ông khiêm nhường và mặc nhiên tự nhận mình vô dụng. Ông Naaman nói: “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.” (2 V 5:17) Người thi ân và hàm ân đều chân thành, vì cả hai đều có lòng kính mến Thiên Chúa.

Không ai lại không hàm ân, từ hồng ân Chúa đến ân nghĩa của tha nhân. Vì thế, lòng biết ơn rất cần thiết, như người Việt nói: “Ăn cây nào rào cây nấy.” Với Thiên Chúa thì chúng ta lại càng phải biết ơn. Hồng ân đơn giản nhất nhưng lại cần thiết nhất cho sự sống: Không khí. Vậy thì không thể không tạ ơn Chúa từng giây, từng phút, ngay từ mỗi sớm mai mở mắt ra thì chúng ta phải biết tạ ơn Ngài rồi.

Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh tha thiết kêu gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.” (Tv 98:1) Thiên Chúa muốn chúng ta nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất nên Ngài “đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân” (Tv 98:2) để chúng ta có thể chân nhận Ngài và chỉ tôn thờ một mình Ngài mà thôi.

Chúng ta chúc tụng, tôn vinh và kính thờ Ngài thì chúng ta cũng chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng chính điều đó lại sinh ích lợi cho cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa là Đấng trung tín tuyệt đối, Ngài đã “nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Israel” – cũng là chúng ta, thế nên “toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” (Tv 98:3) Thật vậy, không một quốc gia nào lại không có những nhân chứng sống động của Ngài, bằng cách này hoặc cách khác, vì Tin Mừng đã lan rộng khắp thế giới, tới tận các hang cùng, hẻm cụt.

Ai cũng có bổn phận đem Chúa đến với người khác, đồng thời phải thể hiện lòng thương xót đối với bất kỳ ai. Nhờ vậy chúng ta mới khả dĩ đồng thanh: “Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.” (Tv 98:4)

Trong thư gởi Thánh Timôthê, Thánh Phaolô nói: “Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (2 Tm 2:8-10) Đó là những lời tâm huyết mà Thánh Phaolô trút cả lòng mình nhân danh Đức Kitô, cho chúng ta thấy rằng không ai sướng khi chấp nhận theo bước Đức Kitô, ai sống ung dung tự tại thì không thể xứng đáng là môn đệ của Ngài.

Thánh Phaolô nói rạch ròi hơn: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm 2:11-13) Một chuỗi chữ “nếu” vô cùng quan trọng. NẾU là một giả định, nhưng là giả-định-thật, đồng thời cũng ngụ ý trong đó có sự tự do. Thiên Chúa cho phép tùy ý mỗi người chọn cách sống!

Hồi đó, khi trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17:13) Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” (Lc 17:14) Chúa không làm gì để chữa họ mà chỉ bảo họ “đi trình diện các tư tế.” Lạ lùng là họ không thắc mắc gì cả, chứng tỏ họ đã thực sự tin sẽ khỏi dù thân thể họ vẫn đau nhức vì các vết thương. Và quả nhiên, khi họ đang đi thì được sạch. “Trình diện các tư tế” chỉ là quy ước phần đời thời đó để được công nhận là sạch.

Bỗng thấy thân thể mình hết phong cùi, một người trong bọn liền quay trở lại (dù chưa trình diện các tư tế) và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Điều đáng lưu ý: Anh ta là người Samari, tức là ngoại giáo. Người Việt có câu: “Khi vui chẳng nhớ đến ai, đến khi nóng cứ trái tai mà sờ.” Người ta cầu xin điều gì thì đều muốn được thỏa nguyện, không được thì “ấm ức,” được rồi thì “qua đò rút ván.” Trở bàn tay hoặc phủi tay là điều dễ làm nhất, sẵn sàng “ăn cháo đá bát.” Chúng ta vẫn thường làm vậy mà lại ảo tưởng nhận mình là người “biết điều,” luôn biết trước, biết sau, sống có tình, có nghĩa!

Bẩn ngoại tại không lo, bẩn nội tại mới sợ; phong cùi thân xác chưa nguy hiểm, phong cùi tâm hồn mới thực sự khủng khiếp và đáng sợ! Có khi chính mình bẩn mà lại cứ chê người khác bẩn, và chính mình mắc chứng phong cùi nặng mà không biết, thế mà lại dè bỉu và xa lánh người khác vì ghê tởm họ y như họ bị phong cùi vậy!

Thấy chín người kia biết mất, Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17:17-18) Một câu hỏi xoáy sâu tận tâm khảm. Thật quá! Đáng trách quá! Nhức nhối quá! Nhiều khi chính mình vô ơn với Thiên Chúa, bạc nghĩa bạc tình với tha nhân, thế mà lại tưởng mình sống đạo đức và tốt lành. Chúa Giêsu hỏi vậy là “đặt vấn đề” để mỗi người tự rà soát lương tâm, rồi Ngài ôn tồn nói với người-cùi-được-sạch: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh. Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17:19)

Nghe vậy, người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Đúng là Pharisêu, chỉ tìm cớ để xỉa xói người khác, tìm cách hại người khác, chèn ép và chà đạp người khác. Cuộc sống (cả đời và đạo, thậm chí cả trong các cộng đoàn tu trì) cho chúng ta thấy rõ những dạng Pharisêu như vậy. Và rồi Chúa Giêsu trả lời thẳng thắn: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.” (Lc 17:20) Lời này nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức mọi nơi và mọi lúc, kẻo rồi nước đến chân thì nhảy không kịp!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết mức độ nhơ nhớp và chứng bệnh trầm kha của mình để chúng con tìm cách tẩy rửa và chữa trị tận gốc rễ, nhờ đó mà chúng con không dám có những động thái khinh bỉ tha nhân, không dám buông những lời sắc bén làm đau lòng người khác. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[1] ĐGM Jean Cassaigne (thường gọi Cha Sanh) thuộc Hội Thừa Sai Paris, sinh 30-1-1895, mất 31-10-1973. Khẩu hiệu Giám mục của ngài: “Caritas et Amor” – Bác Ái và Yêu Thương. Câu nói đáng ghi nhớ của ngài nhắn nhủ những người cùi: “Suốt 47 năm dài, cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn diện ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo…”

[2] Hàn Mặc Tử tên thật là Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, sinh 22-9-1912, mất 11-11-1940. Bài thơ “Trăng Vàng Trăng Ngọc” được Thi sĩ Hàn sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ Điên” (Đau Thương):

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment