Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

DÁNG XƯA

Tháng Bảy mưa ngâu, người ta vẫn tin rằng đó là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ. Chuyện huyền thoại mà vẫn rất thật. Tháng Bảy khác lạ với đất trời, và lòng người cũng bất chợt khác lạ...

Trong ca khúc “Ngày Đó Xa Rồi,” nhạc sĩ Tú Nhi đã tâm sự: “Xa nhau, đã cách xa rồi, ta đã xa cách lâu rồi. Thì thôi, em nhé dù thương yêu hay đau cũng thế thôi... Năm xưa i nhớ nơi này qua một đêm gió mưa nhiều, lời đau ta rót vào tim nhau trong mê biết nói sao...

Thế mà thấm thot đã hơn 20 năm em xa tôi – khi tôi chợt hồi tưởng và viết bài này. Cứ tưởng tôi đã quên em, nhưng không, vẫn có những lúc thực sự nghĩ về em, có lẽ vì tình yêu em dành cho tôi chân thật, tha thiết và hoàn toàn trong sáng. Cảm giác trong tôi rất thật và rất khó tả!

Ngày ấy, sau 4 năm yêu nhau tha thiết và chân thành, em đã xin phép ba và nói thật về mối tình giữa em và tôi. Em chưa cho gia đình biết có lẽ em đợi mãn tang mẹ. Nhưng buồn thay, ba em đã ngăn cấm và còn thẳng tay tát vào mặt em. Em bảo ba chưa bao giờ đánh em, thế mà… Và em khóc, nhưng chắc hẳn em không khóc vì đau thể lý. Thế là em phải trốn khỏi Cà Mau, lên Saigon ở khách sạn một tuần chờ đến ngày em trở về Utah (USA).

Tôi là người ít nói và luôn mặc cảm về hoàn cảnh tự lập đầy khó khăn của mình, có lẽ em hiểu lầm tôi là “kẻ vô tình.” Tôi không tự biện minh, nhưng thực ra lòng tôi giống như một dòng-sông-nhỏ-đầy-sóng-ngầm-rất-mạnh, dòng-sông-tôi-tĩnh--động, Mỹ Khanh ơi!

Thời gian qua đi thì chẳng bao giờ trở lại, thậm chí nó cũng không hề nấn ná hoặc đứng lại chờ ai. Chuyện đã qua, nhắc lại cũng chỉ để mà “nhắc lại” mà thôi, nhưng nỗi buồn ấy vẫn sâu thẳm và vẫn mới nguyên, buồn đến nao lòng! Dù muốn hay không thì cũng đã hơn 20 năm em xa tôi, không lời từ biệt, không lời giải thích, không lời biện hộ,... Tất nhiên tôi vẫn không hiểu vì sao.

Lại một ngày tháng Bảy, tình cờ thấy lại xấp thư cũ của em với nét chữ vẫn xanh màu và đầy những lời yêu thương ngày ấy, đặc biệt là tấm hình em chụp với con chó (em tuổi con chó, Canh Tuất, 1970), phía sau tấm hình em ghi: “Gửi về anh tất cả thương nhớ – Mỹ Khanh.” Những lá thư mặn nồng tình nghĩa, những lời chân chất đậm men yêu thương và nhung nhớ. Em kể: “Có những lúc em vừa lái xe vừa khóc vì nhớ anh. Đêm nào em cũng cầu nguyện cho anh. Cứ mở mắt ra là nhớ anh.” Tình cảm em dành cho tôi như vậy, thảo nào tôi vẫn còn nhớ về em…

Trở lại miền ký ức, tất cả như cuốn phim chiếu lại. Nhắc lại ngày xưa, tôi không hề có ý trách em, thật lòng tôi cũng chưa bao giờ trách em điều gì cả – dù chỉ trong ý nghĩ thoáng qua. Tôi viết ra đây chỉ là “tự giải thoát” hoặc “rêu rao đời mình” theo cách nói của cố NS Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Ru Ta Ngậm Ngùi.” Chẳng bao giờ gặp nhau nữa, chắc chắn là thế, vậy mà có lúc tôi vẫn mơ hồ ước mong một ngày nào đó chúng ta gặp lại nhau, hoặc là một cú điện thoại, nhưng không có phép mầu nào xảy ra. Tôi biết đời mình không có được may mắn như những người khác, “kinh nghiệm xương máu” thấy vậy, từ thuở nhỏ tới bây giờ. Sự thật vẫn mãi là sự thật!

Nhưng gặp lại nhau để làm gì? Cũng chẳng để làm gì, mà chỉ để “xem dung nhan đó chứ bây giờ ra sao” (ca khúc “Trộm Nhìn Nhau” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng). Trái đất này có thực sự tròn không? Mơ hồ và viển vông quá chăng? Có lẽ tâm hồn nghệ sĩ là vậy. Lãng mạn nhưng chắc chắn không lãng xẹt! Em có bao giờ chợt nhớ về ngày xưa?

Độc hành loanh quanh giữa cuộc đời như một định mệnh đã an bài, không ai muốn, mà có muốn khác cũng không thể được. Tôi soi bóng mình trong bóng nắng, tôi tìm bóng mình trong bóng đêm, tôi dõi lòng mình qua ký ức, tôi rượt đuổi bóng mình trong hiện tại mà không sao bắt được, tôi muốn khám phá bóng mình trong tương lai. Tôi là ai mà còn trần tục quá? Tôi là hạt bụi nào mà sao quá vô duyên? Tôi đi, bóng đi. Tôi chạy, bóng chạy. Tôi mệt, bóng nghỉ. Nỗi buồn cứ âm thầm đục khoét tim tôi, tình xưa như khối u di căn không hết!

Cứ nhìn lại những tấm hình và những lá thư cũ, lòng tôi lại se sắt buồn. Có khi buột miệng gọi: “Khanh ơi!” Nhưng dù sao cũng đã lỡ cung đàn rồi! Như trong ca khúc “Chuyện Tình Lan và Điệp,” hai nhạc sĩ Mạc Phong Linh và Lê Minh Bằng viết: “Lỡ một cung đàn, phải chăng tình mình là vòng dây oan trái?” Nó vô tình trở thành một định mệnh buồn, như nhà soạn nhạc Beethoven đã soạn bản “Định Mệnh” vậy! [*]

Mùa Hè đi, rồi mùa Thu lại, tiếp nối là mùa Đông, rồi sang Xuân. Tứ thời, bát tiết cứ luân phiên theo chu kỳ của thiên nhiên. Tạo Hóa đã sắp xếp như vậy. Còn định mệnh? Chẳng ai biết chính xác: “Không phải tại em cũng không phải tại anh, tại trời xui khiến nên chúng mình thương nhau… Không phải tại em cũng không phải tại anh, tại đời đen trắng nên chúng mình xa nhau…” (ca khúc “Không Phải Tại Chúng Mình” của nhạc sĩ Ngọc Văn, phổ thơ Thương Linh)

Quá khứ hóa thành kỷ niệm: Kỷ niệm vui là kỷ niệm buồn, kỷ niệm buồn là kỷ niệm buồn hơn! Em thích màu tím, phải chăng đó là “điềm báo” về một nỗi nhớ sắc tím? Dù sao cũng đã một thời là của nhau, nghĩa là bây giờ chỉ còn trong miền--ức-tình-yêu xưa cũ, xa ngái, mãi mãi chỉ còn là cố nhân mà thôi.

Có lúc tôi cứ miên man nghĩ và tự vấn: “Cô gái Cà Mau bây giờ là dân xứ Utah, hiện nay ra sao? Tất cả đã là quá khứ. Nhưng tất cả vẫn mãi “đọng lại” trong bút danh Kha Đông Anh (Khanh “cắt đôi” thành Kha + Anh, chèn Đông vào giữa) như một định mệnh giữa tôi và em – người mà ngày xưa tôi gọi bằng nickname “Cô Bé Lộn Xộn.” Lộn xộn hết trơn rồi! Let bygones be bygones! Cái gì qua thì cho qua! Ngày đó em nói tình không thành thì em sẽ đi tu. Em có đi tu?

Em theo đạo Phật, dòng tộc em có sư, nhưng em nói rằng em hay theo bạn tới nhà thờ dự lễ. Hy vọng em đã nhận biết Chúa và trở thành con chiên ngoan của Chúa. Cầu mong em luôn được bình an và hạnh phúc trong Chúa và Mẹ Maria.

Em xa tôi là phúc cho em và cho tôi. Lý do đơn giản là nhờ vậy mà em không phải chịu khổ vì tôi – người chỉ viết được mà không làm gì được, và tôi cũng không bị cắn rứt nhiều. Tất cả là hồng ân, không ngoài sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa.

TRẦM THIÊN THU

Ngày mưa, 29-07-2013

[*] Beethoven là người Đức, Công giáo, rửa tội ngày 17-12-1770, qua đời ngày 26-3-1827. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là bản symphony số 9, bản concerto số 5 soạn cho piano, bản sonata số 32 soạn cho piano, 16 bản quartet soạn cho đàn dây. Ông còn soạn các bản nhạc thính phòng, hợp ca (trong đó có bản Missa Solemnis), và các ca khúc. Bản giao hưởng “Định Mệnh” (Destiny Symphony) được viết khi ông có triệu chứng điếc tai.

CẢM ƠN EM

Anh không thể giữ được em ở lại
Sống bên nhau cho trọn nghĩa yêu đương
Chuyến bay nào mai đưa em lên đường
Còn bỏ lại cho anh một nỗi nhớ

Tiễn em đi mà anh cũng không thể
Vì muốn rằng để em khỏi bận tâm
Buồn trăm mối anh sẽ giữ âm thầm
Cho riêng mình mà không bao giờ kể

Tình không trọn, kỷ niệm vẫn đẹp đẽ
Anh mang theo đến lúc xuống mộ sâu
Hình bóng em là dấu ấn tình đầu
Đã khắc vào một trái tim chai đá

Em cho anh một mối tình rất lạ
Cảm ơn em cho đến mãi ngàn sau
Bài thơ này viết dù không ngọt ngào
Nhưng gởi em để thay lời từ giã

Chúc em đi bình an và vui vẻ
Hãy giữ gìn những gì trong tầm tay
Cuộc sống này hạnh phúc hay đắng cay
Đều do mình dựng xây hay phá đổ

Cứ an tâm, đừng lo gì thêm nữa
Để lòng anh cũng cảm thấy nhẹ vơi
Thay nước mắt bằng tiếng hát, nụ cười
Nhớ nghe em, nơi phương trời viễn xứ…

KHA ĐÔNG ANH
Saigon, 25-02-1995

CẢM ƠN TRỜI

Cảm ơn Trời đã để tôi sống nghèo nàn, ít bạn
Nhờ đó tôi mới biết cảm thương người nghèo nàn
Cảm ơn Trời đã để tôi bị hàm oan
Nhờ đó tôi mới cảm thông người bị xét xử

Cảm ơn Trời đã để tôi bị người ta ghét bỏ
Nhờ đó tôi mới thấy cảm thương những người cô đơn
Cảm ơn Trời đã để tôi bình thường nhất trong những kẻ bình thường
Nhờ đó tôi mới cảm nhận thế nào là mơ ước

Cảm ơn Trời đã để tôi bị thua thiệt
Nhờ đó tôi mới biết khao khát vươn lên
Cảm ơn Trời đã để tôi không hiểu thấu những điều cao siêu hơn
Nhờ đó tôi mới không sa vào hố kiêu ngạo

Cảm ơn Trời đã để tôi biết phân biệt thực, ảo
Nhờ đó tôi mới cảm nhận cuộc sống vô thường
Cảm ơn Trời đã để tôi tha phương
Nhờ đó tôi mới có thể hòa đồng với người xa, kẻ lạ

Cảm ơn Trời đã để tôi mồ côi cả Cha lẫn Mẹ
Nhờ đó tôi mới biết trân quý tình cảm gia đình
Cảm ơn Trời đã để tôi “lạc loài” giữa cuộc đời loanh quanh
Nhờ đó tôi mới cảm nhận thế nào là bóc lột, áp bức

Cảm ơn Trời đã để tôi không giống ai hết
Nhờ đó tôi mới hiểu đừng bắt chước, cứ là chính mình
Cảm ơn Trời đã để tôi không may mắn như bạn bè, thua chị, kém anh
Nhờ đó tôi mới cảm nhận cảm giác của người bị hại

Cảm ơn Trời đã để tôi có những lần thất bại
Nhờ đó tôi mới cảm nhận chút hạnh phúc khi thành công
Tất cả là bất đẳng thức, bất thường mà bình thường
Tôi cố gắng vẽ bức-tranh-cuộc-đời-tôi bằng nét-cọ-số-phận

Trông lên thấy mình chẳng bằng ai, vô duyên và lận đận
Nhưng khi nhìn xuống, thấy còn bao người khổ đau
Họ không thấy niềm vui ở đâu
Không thể có – dù họ vẫn khao khát sống thanh thản!

VIỄN ĐÔNG

CHÊNH VÊNH

Dấu chân hằn vết thời gian
In trên con đường trừu tượng
Chênh vênh hy vọng
Chênh vênh ước mơ

Đời người là que diêm đam mê
Tàn lụi sau một đốm lửa
Chờ. Rồi mong. Mòn nỗi nhớ!
Đêm đặc lại quanh đời

Chơi vơi
Trăm năm chưa hết dại!

VIỄN DZU TỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment