I. KHAI MẠC
1. Lời dẫn nhập (người dẫn đọc)
Kính thưa cộng đoàn, sáng kiến “24 giờ cho Chúa” là sáng kiến cầu nguyện và hòa giải trong Mùa Chay được ĐTC Phanxicô khởi xướng,
năm nay đánh dấu lần thứ 11 diễn ra sự kiện này. Như trước đây, sáng kiến này
được tổ chức vào đêm trước Chúa Nhật IV Mùa Chay, từ Thứ Sáu ngày 08 đến Thứ Bảy ngày
09 tháng 03 năm 2024. Đây là một sáng kiến cầu nguyện và hòa giải trong Mùa
Chay mà ĐTC Phanxicô mong muốn được cử hành. Bởi có Chầu Thánh Thể,
có lắng nghe Lời Chúa, lãnh Bí tích Hoà Giải, có giờ phút cầu nguyện và tìm lại
ý nghĩa cho cuộc sống, sống đời sống mới dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Nhật báo Evangelizatio, khẩu hiệu được ĐTC Phanxicô chọn cho năm
nay được lấy từ một câu trong thư gửi tín hữu Rôma: “Sống một đời sống mới.” (Rm 6:4) Ngài đề nghị mọi người làm một
cuộc hành trình tái canh tân đời sống đức tin. Làm sao cho mỗi người chúng ta,
nhờ những ân sủng trong Bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận, được thư Rôma khơi lại,
trở thành một thụ tạo mới, không còn sống cho mình, nhưng sống cho Chúa. (x.
http://www.evangelizatio.va)
Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp
chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.
2. Hát: Cầu Xin Chúa Thánh Thần. (mọi người đứng)
3. Cầu nguyện (mọi người quỳ,
người dẫn đọc)
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng sáng tạo trời đất
muôn vật hữu hình và vô hình, trong đó có loài người chúng con. Chúng con tôn
thờ và kính lạy Ngôi Con là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc nhân loại, trong
đó có mỗi người chúng con. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Ba là
Chúa Thánh Linh, Đấng thánh hóa trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự thật giữa chúng con đây, và giờ
phút này, Chúa thấy chúng con đang ở đây với Chúa, trước sự hiện diện của Chúa.
Đã gần hai ngàn năm, Chúa đã sẵn lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để
rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con là những người anh chị em của
Chúa. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến
Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng
con luôn luôn xác tín rằng: mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng
con đón nhận chính Chúa.
Hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì yêu thương nhân
loại và yêu cho đến cùng, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ
“mãi mãi, cho đến tận thế.” (Mt 8:20) Chúa là nguồn gốc và cùng đích đời sống
đức tin của chúng con, chúng con thờ lạy Chúa. Vì không có Chúa, chúng con
không có ở đây giờ phút này, không có Chúa, chúng con sẽ không hiện hữu, không
có Chúa, sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì.
Chúa là Đấng “vạn vật được tạo thành.” (Ga 1:3) Chúa là Đấng mà nhờ Ngài, chúng con được tạo thành. Chúa đang ở giữa chúng con, cho chúng con
được chiêm ngắm Chúa.
Lạy Thiên Chúa đầy tình thương mến, xin ôm ấp tất cả chúng con giờ
đây đang thờ lạy trước Thánh Thể tình yêu Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha
dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và
Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha
và Chúa.
Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng con nói về quyền
năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói
cho chúng con về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả
hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp
nhận hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng
Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến,
Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với
Người.
II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM
1. Hát: Lắng Nghe Lời Chúa – Lm Nguyễn Duy
PK. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin
cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên
trả lời và vâng theo ý Chúa. Xin cho con biết thân thưa: “Lạy Ngài, Ngài muốn
con làm chi?”
ÐK. Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con.
Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm
chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc
đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.
2. Công bố lời Chúa (Người
dẫn mời mọi người ngồi)
Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma. (Rm
6:1-4)
“Vậy ta sẽ nói sao? Ta hãy ở lại trong tội, để ơn được gia tăng ư?
Ðừng nói gở! Ta là những kẻ đã chết cho tội, làm sao ta sẽ còn sống trong nó
nữa? Hay anh em không biết rằng: Hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô
Giêsu; thì chính trong sự chết của Người mà ta đã được thanh tẩy? Vậy nhờ thanh
tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô,
nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta
cũng bước đi trong đời sống mới.” Đó là Lời Chúa.
3. Hát: Niềm Tin Của Chúng Ta – Kim Loan 2017 (Cám hứng Rm 6:8, 17…)
1/ Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô chúng ta sẽ được cùng sống
lại với Người. Nếu chúng ta chịu khổ với Đức Kitô chúng ta sẽ được cùng thống
trị với Người.
ĐK. Đó là niềm tin của chúng ta, đó là niềm tin của chúng ta.
2/ Nếu chúng ta thành tín với Đức Kitô chúng ta sẽ chẳng hề thất
vọng bao giờ. Mỗi chúng ta phải chết thối nát tiêu tan, hãy tin Chúa là nguồn
sống muôn đời bất diệt.
3/ Kiếp sống con người ví gió lốc thoảng qua chốn xưa chính mình ở
cũng chẳng biết mình. Thế giới đang hiện có cũng sẽ qua đi, chỉ duy Chúa tồn
tại vững bền muôn đời.
4/ Chúa đánh tan sự chết chiến thắng vinh quang cứu ta thoát khỏi
tội lỗi gông cùm ác thần. Chúa xót thương từ ái dẫn lối ta đi, chúng ta khẩn
cầu cùng Chúa tha mọi lỗi lầm.
5/ Chúa giáng sinh trần thế đã chết cho ta, Chúa nay sống lại toàn
thắng, cứu chuộc nhân loại. Chúa chúng ta là Đấng chí thánh yêu thương, chúng
ta hãy cảm tạ Chúa muôn đời không ngừng.
4. Gợi ý suy niệm 1 (mọi người ngồi)
Kính thưa cộng đoàn, Thánh Phaolô đặt câu hỏi: “Vậy ta sẽ nói sao?
Ta hãy ở lại trong tội, để ơn được gia tăng?”
“Ở trong tội lỗi” thường được giải thích là vẫn còn phạm tội, vẫn
rơi vào những cám dỗ. Trái lại “chết về tội lỗi” nghĩa là đã chiến thắng được
tội lỗi, hoặc không còn bị ảnh hưởng bởi chúng nữa. Nhưng chúng ta ai cũng biết
điều này không xảy ra trong thực tế. Vì bản chất tội lỗi, chúng ta vẫn là người
tội cho dù chẳng hề phạm một điều lầm lỗi nào trong nhân gian. Và nếu “tội” là
những điều chúng ta phạm phải, theo như cách giải thích này, thì cách duy nhất
để chúng ta “chết về tội lỗi,” thì thân xác này phải chết đi, nghĩa là còn sống
thì còn phạm tội.
“Ở trong tội lỗi” cũng đồng nghĩa với “ở trong sự chết,” vì theo Ed
18:20, linh hồn nào phạm tội linh hồn đó phải chết. Khi Phaolô nêu lên câu hỏi:
“Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn
sống trong tội lỗi nữa?” Thánh nhân không hỏi tại sao chúng ta vẫn còn tiếp
tục phạm tội, nhưng ngài công bố một luật mới: khi chúng ta đã chết vì tội lỗi,
thì còn không còn bị kể là tội nhân nữa, vì tội lỗi là một tình trạng bị lên án
chung cho cả nhân loại. (x. Rm 6:2) Tại sao chúng ta có thể nói được như vậy?
Vì Thánh Phaolô đã tuyên bố : “Chúng ta đã được mai táng làm một với Người
trong sự chết ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống
lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới.” (Rm 6:4)
4. Hát: Hãy Quay Về – Lm Mi Trầm (mọi người đứng)
1. Hãy quay về thật lòng ăn năn hỡi những người lạc bước đường
lầm. Hãy quay về, về cùng Chúa ta. Người
thương ta tình thiết tha đậm đà.
ĐK. Hãy đổi mới tinh thần, hãy sống đúng Tin Mừng người ơi! Hãy đổi mới tinh thần, hãy sống đúng Tin Mừng
hỡi người.
2. Hãy quay về này ngày cứu rỗi Chúa thương tình tha thứ tội
đời. Hãy quay về, về cùng Chúa ta. Người
thương ta tình thiết tha đậm đà.
3. Hãy quay về mọi người lớn bé, xé tâm hồn xin Chúa ngự vào. Hãy quay về, về cùng Chúa ta. Người thương ta
tình thiết tha đậm đà.
5. Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)
Với chủ đề “Sống Một Đời Sống Mới,” (Rm 6:4) ĐTC Phanxicô đề nghị
chúng ta làm một cuộc hành trình tái canh tân đời sống đức tin. Làm sao cho mỗi
người chúng ta, nhờ những ân sủng của Bí tích Rửa Tội chúng ta đã lãnh nhận,
chúng ta trở nên một tạo vật mới, không còn sống cho mình, nhưng là sống cho
Chúa.
Khi chúng ta chịu Phép Rửa tội, chúng ta được dìm mình vào trong
nước. Nước rửa tội tượng cho sự đoán phạt của Thiên Chúa trên tội lỗi bằng cơn
Lụt Đại Hồng Thuỷ vào thời ông Nôê, để rửa sạch tội lỗi khỏi mặt đất. Vì thế,
việc chúng ta tự nguyện được dìm mình vào trong nước là một nghi thức muốn nói
rằng chúng ta bằng lòng chết đi cho tội lỗi của mình. Chúng ta ra khỏi nước là
chúng ta được sống lại bởi đức tin trong Đức Giêsu Kitô, kể từ giây phút đó,
chúng ta sống là sống cho Thiên Chúa và sống bằng sức sống mới từ Thiên Chúa.
Vì thế, khi chúng ta chịu Phép Rửa tội, đổ nước ba lần, hay dìm
mình vào nước còn có nghĩa là chúng ta được nhúng chìm hoàn toàn vào trong sự
chết của Đức Giêsu Kitô, chôn trong mồ ba ngày, thì chúng ta cũng được sống lại
với Người trong đời sống mới.
Sống đời sống mới là mới về mọi phương diện, từ cách nói năng cũng
đổi mới với ngôn ngữ mới của sự yêu thương, thánh thiện, và công chính mà Thiên
Chúa đã ban cho những người được dựng nên mới như Thánh Phaolô viết: “Cho nên ai ở trong Ðức Kitô, kẻ ấy là tạo
thành mới: cũ đã qua đi, và này mới đã thành sự!” (2 Cr 5:17)
Có những người sau khi đã được dựng nên mới, không tận dụng ơn
Chúa ban, để sống một đời sống mới theo đúng nghĩa, lại nhanh chóng quay về
sống nếp sống cũ tội lỗi. Nguyên cớ là vì họ đã không đọc, không suy ngẫm Lời
Chúa ngày đêm để cẩn thận làm theo, vì thế, họ thiếu sự tri thức về Chúa và Lời
Chúa.
Thánh Phaolô nói: “Con người
cũ cùng bị đóng đinh.” (Rm 6:6) được hiểu là: “Bị xử chết!” Nghĩa là con người cũ của chúng ta đã bị xử chết vì
phạm tội, cùng xảy ra với sự xử chết Đức Giêsu Kitô. Trong khi chúng ta bị xử
chết vì chính tội lỗi của mình thì Đức Giêsu Kitô bị xử chết vì tội lỗi của
chúng ta.
Khi một người đã bị xử chết thì người ấy đã trả giá cho sự phạm
tội của mình một cách công chính, và thoát khỏi quyền lực của tội, luật pháp
nêu rõ: “Vì lương bổng của tội là sự chết.”
(Rm 6:3) Nếu không có sự Đức Giêsu chịu chết thay cho sự phạm tội của loài
người thì loài người cứ ở mãi trong hậu quả của tội lỗi là sự chết, nghĩa là
đời đời hư mất, xa cách nhan Thiên Chúa và vinh quang Chúa. (x. 2 Tx 1:9) Đời
đời hư mất là không bao giờ còn có cơ hội được cứu rỗi. Xa cách nhan Chúa là
không bao giờ còn có cơ hội để kêu cầu cùng Chúa. Xa cách sự vinh quang Chúa là
xa cách sự yêu thương, công chính, và thánh thiện của Thiên Chúa, là vinh quang
có quyền năng cứu chuộc những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận Thiên Chúa. “Nhưng nếu ta chết làm một với Ðức Kitô, thì
ta tin rằng: ta cũng sẽ cùng sống với Ngài.” (Rm 6:8)
6. Hát: Con Hãy Nhớ – Lm
Kim Long
ĐK. Con hãy nhớ rằng: Đức Kitô đã phục sinh từ trong cõi chết.
(con hãy nhớ rằng) Ngài là Cứu Chúa ta, là vinh hiển ta đến muôn đời.
1/ Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta
chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị.
2/ Nếu ta từ chối Danh Ngài, ta sẽ bị Ngài loại xa. Dẫu ta bội tín
với Ngài, Ngài vẫn một lòng trung trực.
3/ Chính tay Ngài khiến cơ cùng tan biến thành niềm mừng vui.
Chính nơi Ngài chiếu hi vọng soi dẫn cuộc đời muôn người.
7. Gợi ý suy niệm 3 (Mọi người ngồi)
Với Chủ đề “Sống Một Đời Sống Mới,” chúng ta đã được dẫn vào mầu
nhiệm của Phép Rửa tội để có hiểu thấu đáo hơn về Bí Tích Tái Sinh. Bi tích này
không phải là một nghi thức của quá khứ, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô
được diễn ra trong chính hiện tại của chúng ta; mà đã gặp được Chúa Kitô rồi
thì sự gì sẽ xảy ra? Đối với thánh Phaolô, Đức Kitô đã trở nên lý tưởng cho sự
sống còn của ngài, trong tất cả mọi công việc, nên ngài thúc bách chúng ta : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp
sống xưa, là con người hư nát và bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần
Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được
sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.”
(Ep 4:22-24)
Con người cũ theo thánh Phaolô là con người sống, yêu, ghét, suy
nghĩ và hành động theo sự thúc đẩy của tội lỗi, con người bị tội lỗi thống trị.
Có con người cũ chính là vì tội lỗi đã xâm nhập và thống trị trong con người,
khiến con người không cưỡng nổi quyền lực của nó. Chính tội lỗi làm cho con
người không còn là con người nữa, nó làm cho con người trở thành con thú đáng
sợ hơn mọi con thú, vì con người có trí khôn nên biết vận dụng mọi khả năng thể
xác, tình cảm, trí tuệ và cả tính xã hội để phục vụ cho thú tính. Tội lỗi đảo
lộn tất cả. Nó làm cho con người lấy cái xấu xa, cái giả dối thay Chân Thiện
Mỹ, ghét cái đáng yêu và yêu cái đáng ghét: thay vì hiểu biết để vươn lên thì
lại dùng trí tuệ để thi thố những gì làm cho mình gần con vật hơn.
Thảm kịch của con người bị tội lỗi thống trị đã được thánh Phaolô
mô tả sinh động trong toàn chương 7 của Thư gửi tín hữu Roma; và ngài đã kết
thúc bằng một câu hỏi bi đát: “Ai sẽ giải
thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” Nhưng rồi, nhờ có niềm tin nên
Thánh Phaolô đã tự trả lời trong hân hoan: “Tạ
ơn Thiên Chúa vì có Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.”
Quả vậy, tội lỗi đã làm cho con người thành con người cũ và Ðức
Giêsu Kitô giúp con người có khả năng trở thành con người mới, tức là con người
theo đúng ý định ban đầu của Thiên Chúa ; con người giống hình ảnh Thiên Chúa
là Chân, Thiện, Mỹ, và có khả năng nhận biết và hướng về Chân Thiện Mỹ.
Để sống một đời sống mới, chúng ta phải cộng tác với Ơn Chúa để
vượt từ tình trạng bị tội lỗi thống trị sang tình trạng được Thánh Thần hướng dẫn.
Chính bước vượt ấy là ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, vì nhờ Ðức Kitô
chúng ta nhận được Thánh Thần như một nguyên lý sống mới.
Như thế, đời sống cũ là đời sống mà con người bị tội lỗi thống
trị, nếu không cố gắng vượt qua thì mãi mãi trở thành nô lệ của sự dữ và phải
sống trong tăm tối. Còn người sống đời sống mới là người biết vượt từ tình
trạng tội lỗi sang tình trạng được Thánh Thần dẫn dắt, “được tái tạo theo hình
ảnh Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện.” (Ep 4:24)
Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải mặc lấy Con Người Mới, tức là
được trở nên một Kitô hữu ặp gỡ với một Con Người Giêsu Kitô, cuộc gặp gỡ này
mang lại sự sống mới, một hướng đi mới cho đời chúng ta. Sống đời sống mới là
lột bỏ nếp sống cũ, như từ bỏ cách nói năng, hành động, suy nghĩ theo “thế
gian, xác thịt” để tập lấy cách sống mới là nói năng, hành động, suy nghĩ theo
như Ðức Giêsu Kitô.
Nếp sống mới hoàn toàn khác với nếp sống cũ. Thánh Phaolô dạy
chúng ta phải đóng đinh và chôn con người cũ. Khi chúng ta “lột bỏ” con người
cũ, Chúa Giêsu sẽ “mặc lấy con người mới cho chúng ta,” tức là đổi mới chúng ta
từ bên trong. Con người cũ chết đi chưa đủ, chúng ta phải được phục sinh bởi
quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa Cha và sống một đời sống mới. (Rm 6:4)
Bước đi trong đời sống mới là từ bỏ tất cả tội lỗi để sống ngay
thẳng và chân thật. Chúng ta thuộc về sự thật nên không thể dính vào sự dối
trá, sự giận dữ; phải cẩn thận gìn giữ môi miệng và chỉ nên nói những lời lành,
những lời tốt đẹp để xây dựng và làm ích cho người nghe. “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối
đáp sao cho phải với mỗi người.” (Cl 4:6)
8. Hát : Như Đức Kitô – Lm Dao Kim
Đk. Như Đức Kitô đã chết và đã sống lại thế nào thì Thiên Chúa
cũng sẽ đem họ đến với Người. Và mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì
cũng sẽ được sống lại nơi Đức Ktô như vậy.
1/ Niềm hy vọng của chúng ta đã chiếu sáng nơi trần gian này. Là
nhờ Đức Kitô đã giao hoà ta cùng Thiên Chúa.
2/ Dù ta còn ở thế gian, mắt đã sáng lên niềm hy vọng, là nhờ Đức
Kitô đã gieo mầm, gieo mầm sự sống.
3/ Lòng trông cậy ở Chúa luôn quyết vững ghi trung thành với
Người, ngày khi hướng vinh quang khúc ca hoà ca hoà tươi sáng.
9. Gợi ý suy niệm 4 (mọi người ngồi)
Bằng giáo huấn của ngài, Thánh Phaolô đã cho chúng ta biết khi
lãnh nhận phép Rửa, chúng ta được trở thành một thụ tạo mới. Được mặc lấy Đức
Kitô, từ nay trở đi không có gì nơi chúng ta thuộc về con người cũ nữa. Chúng
ta đã được tái tạo từ đầu đến cuối và nhận lấy một đời sống mới từ Đức Kitô.
Bằng đau khổ và cái chết, Đức Kitô đã giải phóng ta khỏi luật của sự tội và sự
chết. Đời sống của Chúa bao trùm lấy ta và cho ta trở thành một con người mới
bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Theo tánh Phaolô: Muốn có một Đời Sống Mới thì phải được tái sinh.
“Tái Sinh” chính là điểm khởi đầu của một đời sống mới, một con người mới
trong Chúa. Thánh Phaolô đã nói rõ : một đời sống mới là một đời sống “ở
trong Đức Kitô.” Đã có được Đời sống mới rồi thì phải ham thích những điều mới…
đó là học hỏi Lời Chúa, siêng năng tham gia vào các công việc thuộc về Chúa và
sốt sắng làm theo lời Chúa dạy… Nếu được như thế, tự nhiên cuộc đời của chúng
ta sẽ bắt đầu thay đổi, chúng ta sẽ biết từ bỏ đi nếp sống cũ, và hân hoan sống
nếp sống mới.
Muốn có một đời sống mới trong Chúa Giêsu, chúng ta phải từ bỏ nếp
sống cũ này, để Thần Khí đổi mới tâm trí chúng ta, và phải mặc lấy con người
mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống
công chính và thánh thiện”
Dĩ nhiên đây không phải là chuyện dễ. Cách tốt nhất để làm chết đi
con người cũ này là chúng ta đừng nuôi nó nữa, có nghĩa là phải dứt khoát tẩy
chay nó, đừng nghe nó cám dỗ và cũng đừng làm theo những điều nó lôi cuốn, có
khi rất hấp dẫn nhưng ta đã biết đó là những điều xấu, những điều không công
chính, những điều không mang lại lợi ích cho linh hồn ta.
Thánh Phaolô đã cho ta biết “sự sống là ân huệ của Thiên Chúa.” Và
do đó “sự sống mới lại càng là một ân huệ to lớn hơn.” Nhưng sự sống ấy lại
phải do ta làm cho nảy nở. Vì thế “Con người mới” vừa là ân huệ Thiên Chúa ban
vừa là công trình của ta.
Cuối cùng, để thực sự được sống một đời sống mới, nghĩa là được
trở nên công chính và thánh thiện, Thánh Phaolô đã cho mọi người thấy rõ rằng
điều kiện của Đời Sống Mới không tuỳ thuộc vào những việc lành chúng ta có thể
làm, nhưng hoàn toàn tuỳ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta “được trở
nên công chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa như một ân huệ, nhờ Ơn Cứu độ trong
Đức Kitô Giêsu.” (Rm 3:24) Bằng những lời này, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy
được chiều hướng mới của ngài từ khi gặp được Chúa Phục Sinh. Ngài đã khẳng
định rằng Thiên Chúa đã ban Thần khí cho con người để họ làm hoà với Thiên Chúa
và được sống.
Bởi đó, con người có thể sống một đời sống mới nhờ Thần Khí và sự
công chính Thiên Chúa ban tặng. Đây quả là một tin vui và đầy tràn hy vọng cho
chúng ta, nhờ Đức Tin và Phép Rửa, chúng ta đã trở nên những người con đích
thực của Thiên Chúa theo hình ảnh của Chúa Kitô.
Thánh Phaolô mời gọi tất cả mọi người hãy dứt khoát cắt đứt mọi
liên hệ với nếp sống cũ trong nô lệ tội
lỗi, đồng thời xây dựng một đời sống mới
theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật, củng cố các nhân đức đối thần (Tin –
Cậy – Mến ) và các nhân đức tự nhiên ; thực hành các việc lành trong tình
thương mến tha nhân, và nhất là để cho Ân Sủng của Chúa được đổ đầy xuống lòng
ta. Ước chi mỗi chúng ta, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trong niềm vui
của những Con Người Mới, chúng ta hân hoan sống đời sống mới.
10. Hát: Chúa Sống Trong Tôi – Fa Thăng
ĐK. Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô, mà
là chính Đức Kitô, Ngài sống trong tôi.
1/ Tình yêu Chúa phủ kín hết không gian. Tình yêu Chúa đổi mới
muôn tâm hồn. Ngài gọi con và muốn chính thân con, thuộc về Chúa và sống cho
Ngài luôn.
2/ Ngài gọi con, Ngài đã phái con đi vào trần gian tìm kiếm chiên
lạc về. Vì tình yêu Ngài muốn hết muôn người còn lạc xa về sống trong tình Cha.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện
riêng)
III. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA
1. Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng
2. Hát: Ca Thánh Thể
3. Lời nguyện
4. Phép Lành Mình Thánh Chúa.
V. BẾ MẠC
Hát kết thúc.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hướng Tới NĂM THÁNH 2025
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment