Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

NĂM TUẤT – TẢN MẠN VỀ CON CHÓ

GÀ KÊU QUÁC QUÁC KHI GIÃ BIỆT
CHÓ SỦA GÂU GÂU LÚC LÊN NGÔI
Con Gà giã từ để nhường ngôi cho con Chó. Năm 2018 mệnh danh là năm Mậu Tuất (Hán tự: 戊戌), cầm tinh con Chó, người ta gọi là “Tiến Sơn Chi Cẩu” – nghĩa là “Chó vào Núi”. Theo văn hóa Á Đông, Chó được xếp vào 12 con giáp, ở vị trí thứ 11 với chi Tuất, và là một trong những con vật thuộc lục súc: Mã (ngựa), Ngưu (trâu/bò), Dương (cừu/dê), Cẩu (chó), Trư (lợn) và Kê (gà).
Mậu là một trong số 10 can của Thiên Can, thông thường được coi là Thiên Can thứ năm – trước có Đinh, sau có Kỷ. Về phương hướng, Mậu chỉ trung tâm; theo ngũ hành, Mậu tương ứng với Thổ; theo thuyết Âm-Dương, Mậu là Dương. Thiên Can gắn liền với chu kỳ sinh trưởng của thực vật. Mậu chỉ cây cỏ phát triển tốt tươi.
Mậu Tuất là kết hợp thứ 35 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông. Nó được kết hợp từ thiên can Mậu (Thổ dương) và địa chi Tuất (chó). Đối với Mậu Tuất, trước có Đinh Dậu và sau có Kỷ Hợi. Nếu tính từ năm 1958, năm 2018 là trọn một “lục thập hoa giáp”. Như vậy, cứ mỗi 60 năm là một vòng “lục thập hoa giáp”, nếu đủ vòng này mà chết thì người ta được gọi “hưởng thọ”.
Thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng công lịch (như chúng ta sử dụng ngày nay, lịch Gregorius – Grêgôriô) do ĐGH Grêgôriô XIII áp dụng từ năm 1582, chia một năm thành 12 tháng với 365 ngày. Có điều ngạc nhiên là cái gì hay và được người ta công nhận thì đều liên quan Kitô giáo. Thật kỳ lạ!
Theo sử liệu, chó là loài động vật nuôi đầu tiên được con người thuần hóa cách đây 15.000 năm vào cuối Kỷ Băng Hà. Tổ tiên của loài chó là Chó Sói. Chó con được gọi là “cún”, đặc biệt khi chó còn nhỏ. Loài chó được sử dụng để giữ nhà hoặc làm vật cưng, thú tiêu khiển. Trong các từ ghép Hán Việt, chó được gọi là “cẩu” () hoặc “khuyển” (), nên người ta nói “cẩu xực” và “quân khuyển”. Bởi vì chó nhìn tương tự “con cầy” nên chó còn được gọi là “cầy”, dân nhậu cũng “chơi chữ” nên họ gọi là “cầy tơ”, và đảo tự thành “cờ tây”. Rượu vào lời ra có khác!
Họ nhà chó có tên khoa học là Canidae (theo La ngữ, canis nghĩa là chó), có khoảng 37 loài, bao gồm chó sói, chó sacan, cáo, chó rừng và các giống chó nhà. Tất cả các thành viên trong họ chó đều là loài ăn thịt và thích nghi đặc biệt để săn mồi. Răng của chúng dùng để cắn xé, nhai và gặm thịt, tất nhiên thi thoảng chúng cũng dùng răng để… cắn nhau.
Ở loài chó, các giác quan phát triển mạnh là thị giác, thính giác và khứu giác: Chó có mắt to, tai dựng và mũi nhạy. Nhờ đó, chúng có thể theo dấu con mồi thành công, dù là săn đơn độc hay săn theo bầy. Tất cả các loài chó – trừ chó bụi rậm Nam Mỹ – đều có chân dài thích nghi với việc chạy nhanh khi săn đuổi mồi. Chó là loài “đi bằng đầu ngón chân” và có các bàn chân đặc trưng, năm ngón ở chân trước và bốn ngón ở chân sau. Đôi khi chó nhà có năm ngón ở chân sau (móng thứ năm gọi là móng huyền – huyền đề). Chó rừng có đuôi dài, lông dày, thường đồng màu và không có đốm hoặc sọc.
ĐẶC TÍNH CỦA LOÀI CHÓ
Thời gian mang thai trung bình của chó kéo dài khoảng 60 đến 62 ngày, có thể sớm hơn hoặc kéo dài 65 ngày. Lúc mới ra đời, chó con không có răng, nhưng chỉ sau 4 tuần tuổi chúng có thể có tới 28 cái răng. Bộ hàm đầy đủ của chó gồm 42 cái răng. Cũng giống như các động vật có vú, sau khi đẻ con, chó mẹ cho con bú và chăm sóc chúng vài tháng, lúc này chó mẹ trở nên hung dữ.
Mắt chó có đến 3 mí: một mí trên, một mí dưới và mí thứ ba ở giữa, hơi sâu vào phía trong, giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn. Tai chó rất thính, chúng có thể nhận biết được 35.000 âm rung chỉ trong một giây. Khứu giác chó cũng thính như tai. Người ta có thể ngửi thấy mùi thức ăn ở đâu đó trong nhà bếp nhưng chó thì có thể phân biệt từng gia vị trong nồi, thậm chí những chú chó săn còn tìm ra những cây nấm con nằm sâu trong rừng, vì chúng có thể phân biệt gần 220 triệu mùi khác nhau. Não chó phát triển tốt. Trước tiên chó phân biệt vật thể dựa vào chuyển động, sau đó là ánh sáng và cuối cùng là hình dạng. Tuy nhiên, thị giác của chó lại rất kém, chỉ nhìn thấy 3 màu (xanh lục, xanh dương và vàng). Vào mùa đông, chúng ta thấy thỉnh thoảng chó hay lấy đuôi che cái mũi ướt, đó là cách chúng giữ ấm cho cơ thể.
Chó có 2 lớp lông: lớp bên ngoài như chúng ta thấy, còn lớp lót bên trong giúp chúng giữ ấm, khô ráo trong những ngày mưa rét, thậm chí còn có thể giúp “hạ nhiệt” trong những ngày oi bức.
Người ta tính toán rằng chó 1 năm tuổi tương ứng với người 16 tuổi, chó 2 tuổi tương ứng với người 24 tuổi, chó 3 năm tuổi tương ứng với người 30 tuổi, và sau đó cứ thêm một năm tuổi chó thì bằng 4 năm tuổi người. Ngày nay, nhu cầu nuôi chó cảnh đang được phát triển nên những giống chó nhỏ như Chihuahua Fox, hoặc chó thông minh như Collie được nhiều người chơi quan tâm đến. Điều này cũng không có gì khó hiểu bởi chó là con vật thủy chung, gần gũi với con người. Chó giúp con người rất nhiều việc như trông nhà cửa, săn bắt, và được xem như là loài vật trung thành, tình nghĩa nhất với con người.
Chó là loài động vật được nuôi nhiều trên thế giới, chúng có thể giữ nhà, chăn cừu, dẫn đường, kéo xe,... và tất nhiên cũng là món vừa khoái khẩu vừa giàu chất đạm, đặc biệt là dân nhậu: Nó đây rồi!
HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG VĂN HÓA
Trong văn hóa và tâm linh của một số dân tộc, chó là con vật thân thiết gắn bó lâu đời với người chủ – nói riêng, và với con người – nói chung, các đức tính của chó được quý nhờ tính trung thành, thông minh, quan tâm chủ nhân,... Chó là bạn gần gũi với con người vì nó bảo vệ nhà cửa cho con người, thậm chí có nơi chó còn được coi như thần linh nên được thờ cúng tại các đền, miếu. Theo quan niệm của người Việt, chó là con vật có thể đem đến điều may mắn, điều thuận lợi và niềm vui: “Mèo đến nhà thì khó, Chó đến nhà thì sang”. Nói theo tính khôi hài, chó kêu “gâu gâu” tương tự tiếng “giàu giàu” nên được coi là tốt, còn mèo kêu “meo meo” tương tự tiếng “nghèo nghèo” nên bị coi là xấu. Chẳng qua là do suy nghĩ của con người, quy kết điều này hoặc điều nọ theo định kiến của mình mà thôi, chứ con vật nào lại không có cái xấu và cái tốt – kể cả con người?
Tại nhiều nơi trên thế giới, chó được yêu quý và nâng niu, người ta cũng đặt các chòm sao theo loài chó: Tiểu Khuyển, Đại Khuyển, Lạp Khuyển. Ngoài ra, chó cũng là loài bị khinh rẻ, coi thường, bị coi như một con vật bẩn thỉu, ngu dốt và đáng khinh. Người ta hay thóa mạ nhau bằng những câu chửi, tiếng lóng hoặc thuật ngữ liên quan loài chó như: đồ chó má, đồ chó đẻ, đồ chó săn, đồ chó chết, đồ chó cái (ám chỉ gái lăng loàn, mại dâm), đồ chó ghẻ, ngu như chó, cẩu nô tài (ám chỉ những kẻ tay sai), tuồng chó lợn, đồ chó vô chủ, đám chó hoang, chó chui gầm chạn,...
Trong giai thoại về Xiển Bột có câu chuyện về chó, trong đó ngụ ý quan như con chó và hội đồng làng thì “lau chau như chó đau tranh cứt sốt”. Trong tiểu thuyết “Giết Con Chim Nhại”, và điển hình như cảnh Atticus phải giết chết con chó dại. Con chó đại diện cho thành kiến còn tồn tại ở Maycomb, và Atticus, người đã đợi trên một con đường vắng để bắn con chó, phải đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở nơi đó mà không có giúp đỡ nào từ những cư dân da trắng. Thậm chí tác giả đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ từ sự cố con chó dại để miêu tả một vài cảnh trong căn phòng xử án, con chó dại ở Maycomb chính là nạn phân biệt chủng tộc đã phủ nhận quyền con người của Tom Robinson.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung có chiêu võ công liên quan loài chó là “đả cẩu bổng pháp” – tức là những chiêu côn pháp dùng để đánh chó. Đây là một trong những tuyệt chiêu trấn phái của Cái Bang (dùng côn). Đả cẩu bổng pháp là bộ bổng pháp (côn, gậy) chỉ có bang chủ đời trước đích thân truyền thụ cho bang chủ đời sau. Bộ bổng pháp này áp dụng phương pháp “lấy nhu thắng cương”.
Trong điện ảnh, chó cũng có những vai diễn trong các phim của Hollywood hoặc Walt Disney sản xuất như: Trở Về Nước, Chuyến Du Lịch Kỳ Lạ, Chó Benji, Chú Chó Săn, Cáo và Chó Săn (chuyện về con cáo Tod và chó săn Copper) của Walt Disney, Chó Cleo trong phim Sự Lựa Chọn Của Con Người, Chó Asta trong phim Người Đàn Ông Mảnh Khảnh, và bầy chó trong phim hoạt hình “101 Con Chó Đốm” của Walt Disney đã để lại ấn tượng về những cá tính của các diễn viên do sự sáng tạo tinh tế của các họa sĩ.
Về ẩm thực, chó được chế biến thành nhiều món: luộc, lẩu, nướng, xáo, áp chảo, nhựa mận, tiết canh,… Người ta khoái món dồi chó, thế nên ví von: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết có hay không”.
Người ta thấy có 11 nơi trên thế giới có thói quen ăn thịt chó. Trước tiên phải nói ngay là tại Việt Nam của chúng ta, có 10 nơi khác là Trung Hoa, Đài Loan, Indonesia, Hàn quốc, Thụy Sĩ, Bắc Cực, Nam Cực, México, Philippines và Polynesia.
HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG TÍN NGƯỠNG
Con người vốn duy tâm nên có nhiều phong tục thờ cúng, nhưng cách thờ cúng các thụ tạo là quá ấu trĩ, nói thẳng ra là ngu xuẩn, bởi vì tại sao không thờ thứ gì “cao cấp” mà lại thờ loại “hạ cấp”, thậm chí còn thấp kém hơn cả chính mình? Một trong các tục lệ thờ cúng đó là thờ chó. Tục lệ thờ chó khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, và có ở hầu khắp thần thoại các dân tộc ở Đông Nam Á. Ban đầu tục lệ này xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc ở khu vực Tây Nam Á, với vai trò canh giữ đàn gia súc. Sau đó có thể người Ấn–Âu từ thời đồng thau đã mang vào Á Đông truyền thống chăn nuôi cùng với tín ngưỡng thờ chó. Trong thần thoại vùng Địa Trung Hải và Cận Đông, chó được coi là kẻ canh giữ gia súc, nhưng rồi được chuyển thành kẻ canh giữ thế giới âm phủ.
Tại nhiều nước trên thế giới, huyền thoại có liên quan loài chó như Thiên khuyển, Cerbère (Chó Ngao Xéc-be) và gắn liền với Tử Thần, âm phủ, hạ giới. Theo đó, chó có nhiệm vụ dẫn hồn của con người trong bóng đêm của cõi chết. Người Mexico cổ nuôi những con chó chuyên để làm bạn đồng hành và dẫn đường cho những người chết sang thế giới bên kia. Tại Nouvelle – Guinée, nhiều bộ tộc cho rằng con chó đã đánh cắp lửa của chủ nhân đầu tiên là con chuột. Theo quan niệm của người Mường, gà và chó giữ vai trò làm biểu tượng của sự sống (ánh sáng) và sự chết (bóng tối) ở hai thế giới đối nghịch nhau trong không gian, đại diện cho các loài sống dưới thấp, trên mặt đất. Tại Nhật Bản, chó là bạn trung thành của con người. Theo Hồi giáo, chó trở thành hình ảnh của tất cả những gì xấu xa đê tiện nhất trên thế gian, tự đồng hoá mình với con chó ăn xác chết, và chó là biểu tượng của sự tham lam, phàm ăn, tục uống.
Tại Trung Hoa, chó Bắc Kinh được coi là những con chó thiêng liêng, thần thánh mà được kính trọng như theo một truyền thuyết về Thạch Sư với khả năng xua đuổi tà ma cho gia chủ. Chúng có thể chỉ được nuôi bởi hoàng gia Trung Hoa và được tôn trọng như thần thánh. Kẻ nào ăn trộm một trong số chó này thì sẽ bị hành hình. Những người không thuộc quý tộc đều phải cúi chào chúng. Khi hoàng đế băng hà, chó Bắc Kinh của có thể theo để bảo vệ ở thế giới bên kia. Năm 1860, người Anh xâm chiếm Cung điện Hoàng gia Trung Hoa, những người lính bảo vệ hoàng gia Trung Hoa được yêu cầu thủ tiêu những con chó đó để bảo vệ chúng khỏi rơi vào bàn tay của kẻ thù, những người bị coi là “những con quỷ ngoại xâm”.
Tại Việt Nam – nhất là ở miền Bắc, thịt chó được một số dân rất ưa chuộng, họ có cả một “phố thị chó” là phố Nhật Tân. Nguồn gốc ăn thịt chó bắt đầu từ lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian. Người ăn đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy, họ ăn lén vào lúc tối trời. Do mặc cảm tội lỗi mà chẳng ai dám nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên người ta nói trại là ăn thịt cầy, mộc tồn (tức là “cây còn”, cách nói lái của “con cầy”). Xưa nay, quan niệm của người Việt vẫn mê tín dị đoan, cho rằng đầu năm đầu tháng mà ăn thịt chó thì không tốt, không gặp may mắn, xui xẻo lắm. Cuối năm, cuối tháng, hoặc sau khi gặp một chuyện không hay, mà ăn thịt chó thì lại là hên, có thể xua đuổi “vận xui xẻo, đen đủi”. Đúng là nhảm nhí hết sức!
HÌNH ẢNH CON CHÓ TRONG KINH THÁNH
Kinh Thánh gần gũi với cuộc sống của con người, nghĩa là không xa rời thực tế. Thiên Chúa rất thực tế. Thật vậy, Thiên Chúa sử dụng những gì rất đời thường để giáo huấn con người chúng ta.
1. Cựu Ước
Con chó được đề cập nhiều lần và đa dạng. Về việc dâng của đầu mùa và con đầu lòng, sách Xuất Hành cho biết huấn lệnh của Thiên Chúa: “Ngươi không được chậm trễ dâng phần hoa màu và rượu nho của ngươi. Con đầu lòng trong số con cái ngươi, ngươi sẽ dâng cho Ta. Bò và chiên cừu của ngươi, ngươi cũng phải làm thế: con đầu lòng sẽ ở với mẹ nó bảy ngày, ngày thứ tám ngươi sẽ dâng nó cho Ta. Các ngươi sẽ là những người được thánh hiến cho Ta: thịt con vật bị thú dữ xé ngoài đồng, các ngươi đừng ăn, nhưng PHẢI NÉM CHO CHÓ” (Xh 22:28-30).
Về việc báo tin các con đầu lòng sẽ phải chết, ông Mô-sê cho biết: “Đức Chúa phán thế này: vào quãng nửa đêm, Ta sẽ rảo khắp Ai-cập. Mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập sẽ phải chết, từ con đầu lòng của vị Pha-ra-ô đang ngồi trên ngai báu, đến con đầu lòng của đứa đầy tớ gái ngồi sau cối xay, đến mọi con đầu lòng của loài vật. Trong khắp đất Ai-cập, sẽ vang lên tiếng kêu la như chưa từng có và không bao giờ có nữa. Còn nơi mọi con cái Ít-ra-en, sẽ không có một CON CHÓ nào sủa, dù sủa người hay sủa thú vật; như thế, các ngươi sẽ biết rằng Đức Chúa phân biệt Ít-ra-en với Ai-cập. Bấy giờ tất cả các bề tôi của bệ hạ sẽ xuống tìm tôi, phục xuống lạy tôi và thưa: xin ông và toàn dân theo ông ra khỏi nước cho. Sau đó tôi sẽ đi ra” (Xh 11:4-8). Kinh Thánh cho biết rằng khi đó ông Mô-sê đã nổi giận bừng bừng và ra khỏi cung điện Pha-ra-ô.
Trình thuật Tl 15:1-5 cho biết về việc ông Sam-sôn đốt mùa màng của người Phi-li-tinh bằng cách dùng CHÓ SÓI làm môi giới: Vào mùa gặt lúa miến, ông Sam-sôn mang một con dê tơ đến thăm vợ. Ông nói: “Tôi muốn vào phòng ngủ của vợ tôi”; nhưng bố vợ không cho ông vào. Bố vợ nói: “Thật sự tôi tưởng là anh đã chán ghét nó, nên tôi đã trao nó cho người đã làm phù rể cho anh. Con em nó lại chẳng khá hơn nó sao? Vậy để con em thay cho chị nó đi!”. Ông Sam-sôn nói với họ: “Lần này thì tôi vô tội đối với người Phi-li-tinh, nếu tôi làm hại chúng”. Ông Sam-sôn đi bắt ba trăm CON CHÓ SÓI; lấy đuốc, rồi cột ngược đuôi con này với đuôi con kia và buộc một chiếc đuốc giữa hai đuôi. Ông châm lửa vào đuốc và lùa CHÓ SÓI vào đồng lúa chín của người Phi-li-tinh, thiêu rụi từ gốc rạ cho đến bông lúa, thiêu cả nho và ô-liu nữa.
Về việc ông Đa-vít tha chết cho vua Sa-un, trình thuật 1 Sm 24:1-16 cho biết: Ông Đa-vít lên khỏi chỗ đó và ở trên những đỉnh núi Ên Ghe-đi. Sau khi vua Sa-un đuổi người Phi-li-tinh và trở về, người ta báo tin cho vua rằng: “Này Đa-vít đang ở trong sa mạc Ên Ghe-đi”. Vua Sa-un lấy trong toàn thể Ít-ra-en ba ngàn quân tinh nhuệ, và lên đường để tìm bắt ông Đa-vít và người của ông, ở phía đông các Mỏm Đá Sơn Dương. Vua đến các bãi quây chiên dê bên đường. Ở đó có một cái hang và vua Sa-un vào đó để đi việc cần. Ông Đa-vít và người của ông đang ngồi ở cuối hang. Người của ông Đa-vít nói với ông: “Đây là ngày Đức Chúa phán với ông: Này ta trao kẻ thù của ngươi vào tay ngươi, ngươi sẽ đối xử với nó thế nào tuỳ ý”. Ông Đa-vít đứng dậy và cắt vạt áo khoác của vua Sa-un. Sau đó, ông Đa-vít áy náy trong lòng vì đã cắt vạt áo của vua Sa-un. Ông bảo người của ông: “Xin Đức Chúa đừng để tôi làm điều này cho chúa thượng của tôi, đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong, là tra tay hại vua, vì người là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong”. Nhờ những lời ấy, ông Đa-vít đã ngăn chặn người của ông, không để cho họ xông vào vua Sa-un.
Sau đó, ông Đa-vít đứng lên, ra khỏi hang và kêu đằng sau vua Sa-un rằng: “Thưa đức vua là chúa thượng con!”. Vua Sa-un ngoái lại đằng sau. Ông Đa-vít sấp mặt sát đất mà lạy. Ông Đa-vít nói với vua Sa-un: “Tại sao cha lại nghe lời người ta nói rằng Đa-vít đang tìm cách hại cha?Hôm nay đây, chính mắt cha thấy Đức Chúa đã trao cha vào tay con, hôm nay, trong hang; người ta nói đến chuyện giết cha, nhưng con đã thương hại cha và nói: Tôi sẽ không tra tay hại chúa thượng tôi, vì người là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong. Thưa cha, xin nhìn xem, vâng, xin nhìn xem vạt áo choàng của cha trong tay con. Vì con đã cắt áo choàng của cha và không giết cha, xin cha biết và thấy cho rằng tay con không làm điều ác, điều lỗi, và con đã không phạm tội hại cha, trong khi cha mưu toan lấy mạng sống con. Xin Đức Chúa phân xử giữa con và cha và xin Đức Chúa phạt cha để trả thù cho con, nhưng tay con sẽ không đụng đến cha. Như tục ngữ người xưa có nói: ‘Điều ác từ kẻ ác mà ra’, nên tay con sẽ không đụng đến cha. Đức vua Ít-ra-en đã ra trận để đánh ai? Cha đuổi theo ai? Một CON CHÓ chết! Một con bọ chét! Đức Chúa sẽ là trọng tài, Người sẽ phân xử giữa con và cha. Xin Người nhìn xem và biện hộ cho con, xin Người phân xử để con thoát khỏi tay cha!”.
Đề cập con chó, sách Samuel cho biết: Khi ông Mơ-phi-bô-sét, con ông Giô-na-than, cháu vua Sa-un, đến gặp vua Đa-vít, ông cúi rạp xuống mà lạy. Vua Đa-vít gọi: “Mơ-phi-bô-sét!”. Ông thưa: “Dạ, tôi tớ ngài đây!”. Vua Đa-vít bảo ông: “Đừng sợ! Vì ông Giô-na-than, cha cháu, ta muốn lấy tình mà đối xử với cháu. Ta sẽ trả cho cháu tất cả ruộng đất của vua Sa-un, ông của cháu. Phần cháu, cháu sẽ luôn luôn dùng bữa tại bàn ăn của ta”. Ông lạy và nói: “Tôi tớ ngài là gì, mà ngài quay về phía một CON CHÓ chết như cháu?” (2 Sm 9:6-8).
Trình thuật Tb 6:1-6 cho biết điều thú vị: Người mẹ đã khóc khi ông Tô-bít sai con trai Tô-bi-a ra đi, nhưng có thiên sứ cùng đi với cậu, ngay cả CON CHÓ cũng ra đi với cậu và cùng đi với hai người đồng hành. Họ cùng đi, và đêm thứ nhất, họ qua đêm bên bờ sông Tích-ra. Chàng thanh niên xuống sông Tích-ra rửa chân, có con cá lớn nhảy vọt lên khỏi mặt nước chực táp bàn chân cậu. Cậu la lên. Thiên sứ bảo cậu: “Hãy chộp lấy con cá và nắm cho chặt”. Cậu nắm chặt con cá và đem nó lên bờ. Thiên sứ bảo: “Mổ bụng cá ra, lấy mật, tim, gan và giữ nó bên mình, còn ruột thì quăng đi, vì mật, tim, gan của nó làm ra được thứ thuốc công hiệu”. Cậu Tô-bi-a mổ bụng cá lấy mật, tim, gan, nướng một phần con cá để ăn và dành ra một phần đem ướp muối. Cả hai người cùng đi với nhau cho đến khi gần tới Mê-đi..
Về việc chữa mắt ông Tô-bít, cũng thấy con chó xuất hiện. Trình thuật Tb 11:1-4 kể: Khi họ gần tới Ca-xe-rin, đối diện với Ni-ni-vê, thiên sứ Ra-pha-en nói: “Em biết chúng ta đã để cha em ở lại trong tình trạng nào. Chúng ta hãy chạy lên trước vợ em, chuẩn bị nhà cửa, trong lúc những người kia đang tới”. Cả hai người cùng đi, và thiên sứ nói: “Hãy cầm mật cá trong tay”. Có CON CHÓ theo sau thiên sứ và Tô-bi-a.
Trong cuộc hội ngộ lần đầu giữa bà Giu-đi-tha và tướng Hô-lô-phéc-nê, lời lẽ của bà Giu-đi-tha làm vừa lòng tướng Hô-lô-phéc-nê và các võ quan của ông, họ thán phục trí khôn ngoan của bà và nói: “Tôi sẽ hướng dẫn ngài đi khắp xứ Giu-đê cho tới khi đến thành Giê-ru-sa-lem. Tôi sẽ đưa chiến xa của ngài vào giữa thành. Họ như đàn chiên không người chăn dắt, nhưng chính ngài sẽ chăn dắt họ. Sẽ không có một CON CHÓ nào dám sủa trước mặt ngài. Vì tất cả những điều ấy, tôi đã được linh tính báo cho biết và tôi được sai đến thuật lại cho ngài” (Gđt 11:19).
Sách Châm Ngôn gồm những lời giáo huấn giá trị về mọi lĩnh vực, hình ảnh con chó cũng được ví von: “Roi dành cho ngựa, hàm thiếc cho lừa, đòn vọt dành cho lưng đứa ngu xuẩn. Đừng đáp lại đứa ngu theo cái ngu của nó, kẻo chính con cũng lại giống nó thôi. Hãy đáp lại đứa ngu theo cái ngu của nó, kẻo nó cứ tưởng là nó khôn. Nhờ đứa ngu chuyển giùm sứ điệp chẳng khác chi tự chặt chân mình và gánh lấy biết bao tai hoạ. Đứa dốt mở miệng nói khôn nói ngoan thì cũng như anh què đi khập khiễng. Bày tỏ lòng kính trọng đứa ngu chẳng khác chi cột sỏi vào ná bắn. Đứa dốt mở miệng nói khôn nói ngoan chẳng khác gì kẻ say vung cành gai mà múa. Ai mướn kẻ ngu hay người say thì cũng ví tựa kẻ bắn cung gây thương tích cho mọi người qua lại. CON CHÓ quay lại chỗ nó mửa, đứa ngu lặp lại chuyện ngu đần” (Cn 26:3-11). Và nói về những kẻ lắm chuyện: “Xen vô chuyện của người khác nào kéo tai CHÓ chạy rông” (Cn 26:17).
Mọi người đều như nhau, hoàn toàn bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, và cùng chung một số phận, dù đó là ai, nhưng có điều khác một chút: “Chỉ những ai còn sống trong cõi dương gian mới có hy vọng mà thôi, vì CON CHÓ sống thì hơn con sư tử chết” (Gv 9:4). Trắng với đen không thể hòa hợp, tốt với xấu không thể chung đường. Kinh Thánh đặt vấn đề: “Sói sống chung với chiên sao được? Kẻ tội lỗi với người đạo hạnh cũng thế. Hoà bình sao được giữa CHÓ RỪNG và CHÓ NHÀ? Và hoà bình sao được giữa kẻ giàu sang với người lam lũ?” (Hc 13:17-18). Mỗi chúng ta phải tự trả lời, và tất nhiên đòi hỏi phải có hệ lụy kèm theo.
Đời là bể khổ. Ai cũng có kinh nghiệm này. Nhưng với niềm tin, đau khổ có thể trở thành phúc lành. Khi gặp đau khổ, người lành than van kêu cứu: “Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau, chốn tử vong Chúa đặt vào; quanh con BẦY CHÓ đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem” (Tv 22:16-18). Đó là lời tiên tri về Người-Tôi-Trung-Đau-Khổ: Đức Giêsu Kitô.
Thiên Chúa thấu suốt mọi sự (1 Sbn 28:9b; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20), và Ngài không hề làm ngơ bất cứ ai, nhất là những kẻ hèn mọn, đau khổ. Thi sĩ Paul Claudel (1868-1955, người Pháp) nhận định rất chí lý: “Thiên Chúa xuống thế không để diệt trừ đau khổ, cũng không giải nghĩa đau khổ, mà để chia sớt đau khổ”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cầu xin để minh chứng lòng tín thác: “Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm, gỡ thân con thoát miệng CHÓ RỪNG, khỏi nanh sư tử hãi hùng, phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên” (Tv 22:21-22).
Nói về kẻ thù, Thánh Vịnh gia thổ lộ: “Chiều đến, chúng trở lại tru lên như CHÓ và chạy rông khắp thành. Chiều đến, chúng trở lại, tru lên như CHÓ và chạy rông khắp thành” (Tv 59:7 và 15). Thuở xưa, Thiên Chúa đã phán: “Từ Ba-san Ta dẫn đưa về, dẫn đưa về từ đáy biển thẳm sâu, để cho ngươi dầm chân trong máu, BẦY CHÓ của ngươi đưa lưỡi liếm thây thù” (Tv 68:23-24). Đó là lòng thương xót của Ngài – Đấng là tình yêu luôn ở trong những ai tôn thờ Ngài hết lòng.
2. Tân Ước
Chúa Giêsu có tính cách thẳng thắn, nói thật, không vòng vo tam quốc, không nói bóng gió chi cả. Những ai lươn lẹo, mưu mô và giả hình thì không thích Ngài – cụ thể là nhóm Pha-ri-sêu và Sa-đốc. Thời nay cũng thế thôi. Thật vậy, Ngài đã từng nghiêm nghị nói thẳng: “Của thánh, đừng quăng cho CHÓ; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Mt 7:6). Nghe rất “sốc”, nhưng sự thật vẫn mãi là sự thật. Điều quan trọng là Chúa Giêsu muốn chúng ta kiên trì cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, và Ngài hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7:7-11; Lc 11:9-13).
Lời hứa đó đa được thực hiện cho cô con gái của người đàn bà Ca-na-an kiên trì (Mt 15:21-28). Hôm đó, khi Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đôn, có một người đàn bà Ca-na-an kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”. Nhưng Người không đáp lại một lời. Người nói với các môn đệ: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”. Nhưng bà ấy vẫn đến bái lạy và thưa: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho LŨ CHÓ CON”. Bà ấy không hề tự ái và nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà LŨ CHÓ CON cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Đúng ngay lúc đó, con gái bà được khỏi.
Cũng câu chuyện này, Thánh Máccô cho biết thêm một chi tiết rằng người đàn bà đó là người gốc Phê-ni-xi, xứ Xy-ri (Mc 7:24-30). Như vậy, có lẽ bà là dân nhập cư vào vùng Ca-na-an. Thánh Máccô cho biết chi tiết hơn về việc cô con gái thoát khỏi quỷ ám bằng chính lời Chúa Giêsu nói: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (Mc 7:29).
Có lẽ hình ảnh CON CHÓ “nổi bật” nhất trong dụ ngôn Ông Nhà Giàu và Anh La-da-rô Nghèo Khó (Lc 16:19-31). Thánh Luca tường thuật: Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm MẤY CON CHÓ cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.
Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.
Trong dụ ngôn này, CON CHÓ chỉ là phụ, điều quan trọng là vấn đề liên quan đức ái. Chính đức ái là “khoảng cách” mà chúng ta phải lấp đầy, nếu không thì đời đời không thể qua lại được!
VĨ NGÔN
Đây là một câu chuyện đời thường có công của một CHÚ CHÓ. Câu chuyện hy hữu này xảy ra tại Autralia năm 2017, khi anh David Kenney và gia đình tới Brisbane để thăm bạn bè.
Trong lúc người lớn trò chuyện rất vui vẻ, đột nhiên CHÚ CHÓ Leala chạy vào, toàn thân nó ướt đẫm, liên tục cất tiếng sủa vang, dáng vẻ rất gấp gáp. Lúc này, anh David bỗng nhiên cảm thấy có chuyện gì đó không ổn. Chú chó Leala đã 9 tuổi, bình thường nó là một con chó cưng rất thân thiện, hiểu chuyện. Khi nó có biểu hiện khác thường như vậy, nhất định đã có chuyện gì đó xảy ra.
Nghĩ như vậy, David lập tức đứng dậy, anh cùng bạn bè của mình chạy theo Leala đến đập nước gần đó và phát hiện một sự thật đáng sợ. Cảnh tượng rùng rợn bày ra trước mắt khiến trái tim anh David như bị ai đó bóp chặt, muốn vỡ ra. Dưới nước, cậu con trai Alexander 2 tuổi của David đang nổi trên mặt nước, bất tỉnh.
David vội vã nhảy xuống cứu con. Sau khi đưa được Alexander lên bờ, anh cùng vài người khác thay nhau làm hồi sức cho cậu bé suốt 27 phút, và họ gọi cấp cứu cho tới lúc nhân viên cứu hộ đến nơi.
Sau khi được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng, cha mẹ Alexander được các bác sĩ cho biết rằng tình huống của cậu bé rất nghiêm trọng, có thể tỉnh lại đã là điều may mắn, kể cả khi đã thoát khỏi cửa tử thì có thể Alexander sẽ bị tổn thương não. Dù sao thì CHÚ CHÓ Leala vẫn có công lớn trong việc cấp cứu một con người. Thiên Chúa luôn quan phòng mọi sự!
Lạy Thiên Chúa, năm cũ đã qua, năm mới vừa tới. Con xin lỗi Ngài về những thiếu sót trong năm qua, xin Ngài tha thứ, xin giúp con tống cựu để nghinh tân và chấn chỉnh trong năm mới này theo đúng Tôn Ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Xuân Mậu Tuất – 2018
[Đăng báo ĐMHCG số 378, tháng 2-2018, Xuân Mậu Tuất, DCCT xuất bản tại Hoa Kỳ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment