Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

DẤU CON NGƯỜI

Con người có đến hàng chục giác quan khác ngoài 5 giác quan thông thường. Có rất nhiều những sự thật hư cấu về cơ thể con người đã tồn tại hàng thập kỷ, thậm chí hàng ngàn năm cho tới hôm nay. Với internet, tốc độ lan truyền của chúng còn trở nên khủng khiếp hơn nữa. Những hiểu lầm với cơ thể con người đôi khi là vô hại. Nhưng không phải không có những trường hợp chúng tạo ra tai họa.

Vậy đâu là những lầm tưởng mà mọi người hay gặp nhất và sự thật về chúng? Chúng ta cùng tìm hiểu...

1. DẤU VÂN TAY CỦA BẠN LÀ DUY NHẤT

Trong hơn 1 thế kỷ trở lại đây, điều tra pháp y đã sử dụng dấu vân tay như một bằng chứng không thể chối cãi của kẻ phạm tội. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1888, sau khi một bác sĩ đồng thời là nhà khoa học người Schotland, Henry Faulds, viết một bài báo khoa học khẳng định rằng mỗi người đều có một bộ dấu vân tay riêng biệt và độc nhất.

Cho nên bây giờ, việc kết án hình sự có khi chỉ cần dựa vào một dấu vân tay duy nhất tại hiện trường là đủ. Mặc dù vậy, vẫn có những trường hợp ngoại lệ đáng lưu ý. Năm 2005, Simon Cole, một nhà tội phạm học tại Đại học California, Irvine đã công bố một nghiên cứu trong đó chỉ ra 22 trường hợp lỗi dấu vân tay trong lịch sử pháp luật Hoa Kỳ.

Ông nhấn mạnh rằng việc trùng lặp dấu vân tay có thể khiến nhiều người vô tội bị buộc tội, nên việc quan niệm dấu vân tay là độc nhất cần thiết phải được loại bỏ.

Trên thực tế, chúng ta không hề có đủ cơ sở để kết luận rằng dấu vân tay mỗi người đều khác nhau. Muốn làm được điều này, phải có toàn bộ hơn 70 tỷ dấu vân tay của tất cả những người đang sống và 1.000 tỷ dấu vân của những người đã chết để đối chiếu chúng với nhau.

“Sẽ là bất khả thi để chứng minh rằng không có 2 dấu vân tay nào là giống nhau”, nhà khoa học pháp y người Anh Mike Silverman cho biết. Người ta vẫn nói 2 dấu vân tay giống nhau là cực kỳ hiếm, cũng giống như cơ hội trúng xổ số. “Nhưng mọi người vẫn trúng số hàng tuần đó thôi”, Silverman nói.

2. CUỘN LƯỠI LÀ MỘT ĐẶC ĐIỂM DI TRUYỀN

Năm 1940, nhà di truyền học Alfred Sturtevant xuất bản một bài báo khoa học nói rằng di truyền là yếu tố quyết định việc bạn có thể uốn cong lưỡi hay không. Điều đó có nghĩa là nếu bố mẹ bạn có thể uốn lưỡi, bạn cũng có thể làm điều đó.

Nhưng 12 năm sau đó, Philip Matlock, một nhà di truyền học người Pháp đã bác bỏ kết luận này, bằng một nghiên cứu của riêng ông. Trong khi so sánh 33 cặp song sinh giống hệt nhau, Matlock thấy 7 cặp trong số họ chỉ có 1 người uốn được lưỡi còn 1 người không.

Bởi gen của các cặp song sinh này là giống hệt nhau, rõ ràng, đó không phải là yếu tố quyết định lưỡi của họ có thể uốn tròn được.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết đến nghiên cứu của Matlock, và quan niệm về việc uốn lưỡi là do di truyền vẫn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.

Không giống như dấu vân tay có thể để lại hậu quả nghiêm trọng khi nhầm lẫn, quan niệm di truyền về uốn lưỡi vẫn gây ra một vài tình huống dở khóc dở cười. John McDonald, một nhà sinh vật học tiến hóa từng kể rằng: Anh nhận được email từ những đứa con của mình, viết rằng chúng lo ngại về huyết thống khi không có khả năng uốn cong lưỡi như bố mẹ.

3. CON NGƯỜI CHỈ CÓ 5 GIÁC QUAN

Chúng ta thường được dạy từ khi còn nhỏ, rằng con người có 5 giác quan – xúc giác, thị giác, thính giác, vị giác, và khứu giác. Đó là một "thực tế" có nguồn gốc từ năm 350 trước Công nguyên, trong một tác phẩm của triết gia người Hy Lạp Aristotle. Đúng là nó đã lỗi thời rồi, bạn thực sự có nhiều hơn 5 giác quan.

Vậy còn bao nhiêu giác quan nữa? Không phải 5 cũng không phải 6. Trên thực tế, các nhà khoa học thậm chí còn không biết con người có nhiều giác quan đến thế nào - ước tính phải từ 22 đến 33 giác quan. Một số giác quan có thể bạn chưa từng nghe tên bao gồm: giác cảm độ cân bằng, giác cảm nhiệt độ, giác cảm chuyển động và giác cảm đau…

Tuy nhiên, không có thứ giác quan thứ 6 nào giúp bạn có thể nói chuyện với người chết. Tất cả các giác quan bổ sung này đều có cơ sở khoa học và cần thiết trong cuộc sống. Chẳng hạn như giác cảm về sự khát là thứ nhắc bạn uống nước khi cơ thể thiếu nước. Mất giác cảm sự khát có thể khiến một người bị mất nước trầm trọng vì không thấy khát, thậm chí tử vong.

4. MÓNG TAY VÀ TÓC TIẾP TỤC MỌC DÀI RA SAU KHI CHẾT

Tưởng tượng đến những gì xảy ra với cơ thể chúng ta sau khi chết là một điều rất đáng sợ. Nhưng chưa chắc những điều mà bạn nghĩ là đúng, ví dụ như tóc và móng tay thực sự không tiếp tục mọc dài ra khi chúng ta chết.

Để điều đó xảy ra, cơ thể chúng ta phải tạo ra được các tế bào mới, một điều chắc chắn là bất khả thi sau khi chúng ta chết.

Sự hiểu lầm này đã có nguồn gốc từ rất lâu trong quá khứ. Ít nhất, chúng ta biết từ năm 1929, nhà văn người Đức Erich Remarque đã mô tả hiện tượng móng tay người chết dài ra trong tác phẩm của mình. Thực tế, khoa học nói Remarque đã nhầm bởi đó chỉ là ảo giác mà thôi.

Sau khi chết, da của chúng ta "co lại" khi nó trở nên mất nước. Khi da co lại, móng tay và tóc của chúng ta sẽ lộ ra ngoài nhiều hơn một chút. Và do đó, nhiều người nhầm tưởng rằng chúng tiếp tục mọc.

Cũng may mắn bởi hiểu lầm này không gây ra nhiều thiệt hại, ngoài những cơn ác mộng cho những đứa trẻ hoặc làm trầm trọng thêm nỗi ám ảnh của mọi người về cái chết.

5. BẠN KHÔNG NÊN ĐÁNH THỨC NGƯỜI ĐANG BỊ MỘNG DU

Một tỷ lệ khá lớn, khoảng 7% dân số sẽ mộng du ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, đến tận bây giờ vẫn không có ai biết chắc chắn điều gì khiến chúng ta mộng du khi ngủ. Bạn nên làm gì nếu gặp một người đi bộ lang thang trong khi còn đang ngủ? Những lời khuyên thường lẫn lộn nhiều quan niệm sai lầm từ rất lâu đời.

Mark Pressman là một nhà tâm lý học và chuyên gia về giấc ngủ tại Bệnh viện Lankenau Pennsylvania, Hoa Kỳ. Ông nói rằng niềm tin rằng chúng ta không nên đánh thức một người mộng du bắt đầu từ thời cổ đại. Khi đó, mọi người nghĩ rằng linh hồn của chúng ta đã rời khỏi cơ thể trong giấc ngủ.

Đánh thức một người mộng du, do đó, sẽ làm cho họ bị mất hồn vía. Về sau, các hậu quả của việc này lại được thêm thắt vào. Một số người nói rằng bạn có thể khiến người mộng du bị đau tim, hoặc thậm chí là điên khi đánh thức họ.

Sự thật là gì? Pressman nói, đánh thức một người mộng du sẽ không khiến họ bị làm sao cả. Trong khi đó, để họ tiếp tục đi lại trong khi đang ngủ thì còn nguy hiểm hơn. Có nhiều người mộng du đã tự làm mình bị thương, thậm chí tử vong trong trạng thái đó.

Vì vậy, cách tốt nhất nên làm khi gặp người mộng du là hướng dấn họ trở lại giường ngủ của mình.

6. KẸO CAO SU MẤT 7 NĂM ĐỂ TIÊU HÓA TRONG BỤNG BẠN

Chiếc kẹo cao su bạn nuốt phải năm 2010 giờ vẫn còn trong bụng bạn? Và dạ dày vẫn luôn phải co bóp mỗi ngày để tiêu hóa nó? Không hề.

Kẹo cao su có thể nhai mãi mà không tan bởi nó chứa một chất cao su tổng hợp. Chất cao su này không thể tiêu hóa trong dạ dày hay ruột. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ nuốt kẹo cao su thì nó sẽ tắc trong bụng bạn vĩnh viễn.

Theo Rodger Liddle, một bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột của Trường Y khoa Đại học Duke: Hệ thống tiêu hóa của con người có khả năng lưu thông một vật có kích thước bằng đồng xu. Vì vậy, một miếng kẹo cao su không gây ra trở ngại gì lớn.

Trừ trường hợp, nếu bạn nuốt vài miếng kẹo cao su một lúc, chúng có thể tắc lại trong đường tiêu hóa. Lúc này, bạn cần đến bệnh viện để lấy cục cao su ra bằng biện pháp thủ công. Trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp phải làm điều này, và đó là một trải nghiệm không dễ dàng gì.

7. CƠ THỂ CHÚNG TA TỎA PHẦN LỚN NHIỆT QUA DA ĐẦU

Nếu so sánh với những quan niệm sai lầm phổ biến phía trên, suy nghĩ về nhiệt cơ thể tỏa ra phần lớn từ đầu có nguồn gốc tương đối gần đây. Nó thậm chí còn được coi là có khoa học, phần nào là vậy.

Hai nhà nghiên cứu dịch vụ y tế Rachel Vreeman và Aaron Carroll nói với The Guardian rằng hiểu lầm này có thể bắt nguồn từ những năm 1950, khi quân đội Mỹ tiến hành một nghiên cứu để xác định thời tiết lạnh sẽ ảnh hưởng đến binh sĩ như thế nào.

Trong thí nghiệm, họ cho tình nguyện viên mặc một bộ quần áo tương tự như bộ đồ sinh tồn ở Bắc Cực và quan sát cơ thể họ phản ứng như thế nào với nhiệt độ đến đóng băng. Quân đội kết luận rằng các tình nguyện viên mất phần lớn nhiệt qua đầu. Nhưng dường như họ bỏ qua một thực tế rằng đầu là bộ phận duy nhất trên cơ thể tình nguyện viên không có đồ bảo hộ.

Hai thập kỉ sau, một cuốn sách hướng dẫn sinh tồn của Quân đội Hoa Kỳ đã bên nguyên phần kết luận này vào tình huống thông thường. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc che phủ đầu khi ở trong môi trường nhiệt độ thấp bởi đầu sẽ tỏa ra “từ 40 đến 45% nhiệt của cơ thể”. Một quan niệm sai lầm đã được sinh ra từ đó.

Trên thực tế, Vreeman và Carroll cho biết, không một phần nào trên cơ thể tỏa nhiều nhiệt hơn các phần khác. Một nghiên cứu năm 2008 của nhà khoa học Kinesiology đến từ Đại học British Columbia ủng hộ điều đó.

Trong nghiên cứu này, tám người tình nguyện đã trầm mình 45 phút trong nước có nhiệt độ 17 độ C. Một số người tham gia ngụp cả đầu, trong khi một số đứng ngập đến cổ. Kết quả, những người có đầu chìm dưới nước bị mất thêm 11% nhiệt lượng cơ thể. Do đầu chiếm khoảng 7% diện tích bề mặt của chúng ta, đó là một con số hết sức bình thường.

8. MỘT SỐ NGƯỜI UỐN DẺO ĐƯỢC VÌ CÓ NHIỀU KHỚP XƯƠNG HƠN

Có thể bạn đã xem những nghệ sĩ xiếc biểu diễn uốn dẻo. Họ có thể bẻ gập tay ra đằng sau lưng, thậm chí, một số người có thể quay cổ 180 độ. Hầu hết mọi người đều không làm được những điều này, làm cho nó trở thành một câu chuyện thần thoại: Liệu tay hay cổ những người này có nhiều khớp nối hơn bình thường?

Thực ra, không một ai được sinh ra mà có nhiều khớp hơn bình thường. Nhưng một số người có thể có khớp xương rất linh hoạt. Tình trạng này được gọi là hypermobility, hay khớp lỏng lẻo và nó ảnh hưởng tới 10-25% dân số.

Hypermobility thường có nguồn gốc từ hình dạng xương bất thường hoặc dây chằng bị trùng, nhà giải phẫu Michael Habib đến từ Trường Y Keck, Đại học Southern California cho biết. Mặc dù hypermobility có thể là điểm mạnh của những vũ công, diễn viên đóng thế hoặc nhà ảo thuật, nó không ảnh hưởng mấy tới người bình thường.

Theo FUTURISM – nguồn: Công Nghệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment