Người ta thường thở dài và nói: “Đời là thế!” Cũng với ý đó, người Pháp nói: “C’est la vie!” còn người Anh nói: “It’s life.” Khi nói câu này, có lẽ người ta đã nhận ra điều gì đó bí ẩn mà không thể hiểu
và “đành” chấp nhận, dù muốn hay không muốn, vừa mặc nhiên vừa minh nhiên.
Chúng ta, dù không hoàn hảo, nhưng càng có
tuổi cũng càng thêm kinh nghiệm – dù ít hay nhiều, nhưng cũng chỉ nói được: “Đời
là thế!” Người ta gọi đó là thế thái nhân tình, hay nói ngắn gọn là “thói đời.”
Những người trung niên trở lên hẳn là có thể
từng nghe đến tên Trúc Phương, nhất là những người yêu thích âm nhạc, hoặc
không biết ông là tác giả một số ca khúc phổ biến (ngày nay vẫn được hát) thì
cũng đã từng nghe hoặc hát nhạc của ông. Một trong số ca khúc nổi tiếng của ông
là ca khúc “Thói Đời.” Một tựa đề đầy “chất đời.”
Ca khúc này nói về cái “đời là thế” của thế
thái nhân tình đầy bạc bẽo! Ca từ giản dị mà thâm thúy, giai điệu không cầu kỳ
mà vẫn “đẹp” và tạo sự lắng đọng trong tâm hồn.
Đoạn MỘT: “Đường
thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người. Trong thói đời
cười ra nước mắt, xưa trắng tay gọi tên bằng hữu, giờ giàu sang quên nghĩa tâm
giao, còn gian dối cho nhau.”
NS Trúc Phương đã có “tầm nhìn” vừa sâu vừa
rộng để có thể “nghiệm” được “sự đời” như thế. Sinh ra ai cũng bật khóc như
“thấy trước” được “đường thương đau đầy ải nhân gian” vậy! Ông xác định: “Ai chưa qua chưa phải là người,” như một
lời tiên tri vậy. Quả thật, chính đau khổ mới khiến người ta “nên người,” chính
gian nan vất vả mới làm người ta thành nhân, chứ không phải sự giàu sang sung
sướng.
Ông nhận xét rất thực tế: “Trong thói đời cười ra nước mắt, xưa trắng
tay gọi tên bằng hữu, giờ giàu sang quên nghĩa tâm giao, còn gian dối cho nhau.” Cuộc đời có những tình huống khiến người ta “cười ra nước mắt.” Không chỉ “giàu
đổi bạn, sang đổi vợ,” mà người ta còn giả dối và lọc lừa nhau bằng mọi thủ
đoạn bỉ ổi, như ngày nay người ta mỉa mai: “Lương tâm không bằng lương tháng.”
Đoạn HAI: “Người
yêu ta rồi cũng xa ta nên chung thân ta giận cuộc đời. Đôi mắt nào từng đêm
buốt giá, bên chiếu chăn tình xa nhịp thở, tiền đổi tay khi rũ cơn mê, để chua
xót trên lối về.”
Ngay cả trong tình yêu cũng vậy thôi: “Người yêu ta rồi cũng xa ta nên chung thân
ta giận cuộc đời.” Người yêu, vợ hoặc chồng còn bỏ ta thì còn ai không bỏ
ta? Nghĩa là ai cũng bỏ ta, dù “bỏ” theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Vì thế mà
người bị tình phụ có thể “hận đời,” thậm chí có những người tuyệt vọng đến nỗi
quyên sinh. Buồn lắm, buồn đến nỗi “đôi mắt từng đêm buốt giá, bên chiếu chăn
tình xa nhịp thở,” xót xa lắm, vì “tiền đổi tay khi rũ cơn mê” rồi thì chỉ còn
một mình “chua xót trên lối về.” Đau lắm!
Đoạn BA: “Rượu
trần ai gội niềm cay đắng, những suy tư in đậm đường hành, mình còn ai đâu để
vui khi trót sa vũng lầy nhân thế, cỏ ưu tư, muộn phiền nên xám môi.”
Đau lòng quá nên người ta muốn tìm quên trong
men rượu: “Rượu trần ai gội niềm cay
đắng,” mặc cho “những suy tư in đậm đường hành.” Bởi vì “mình còn ai đâu để
vui khi trót sa vũng lầy nhân thế.” Chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần sa vào
“vũng lầy nhân thế,” dù mức độ khác nhau và mỗi “vũng” cũng khác nhau. Chính
lúc này mới cần “bản lĩnh sống.” Nếu thiếu bản lĩnh này, người ta sẽ sa đà vào
nhiều thứ nguy hiểm, nguy hiểm đến nỗi mình cũng khó biết mình đang bị nguy
hiểm. Con người quá yếu đuối. Người vui cảnh cũng vui, người buồn cảnh cũng
buồn, thế nên “cỏ ưu tư” – tức là mình ưu tư mà thấy cỏ cũng như đồng cảm, đến
nỗi “muộn phiền nên xám môi.” Suy nghĩ quá và buồn quá nên mất ngủ, mất ngủ nên
mắt thâm quầng, tất nhiên “xám môi” là lẽ đương nhiên.
Đoạn BỐN: “Bạn
quên ta tình cũng quên ta, nên chân đêm thui thủi một mình. Soi bóng đời bằng
gương vỡ nát, nghe xót xa ngời lên tròng mắt, đoạn buồn xa ta đã đi qua, ngày
vui tới ta vẫn chờ.”
Khi chúng ta sa cơ thất thế, chẳng ai còn
muốn quen ta chứ nói chi muốn gần ta. Một mình bước đi lầm lũi, đi không ai
biết, về chẳng ai hay: “Chân đêm thui
thủi một mình.” Mình nhìn ta, mình nhìn bóng, tự độc thoại giữa bốn bức
tường vắng lặng: “Soi bóng đời bằng gương
vỡ nát,” thế nên nhiều lúc “nghe xót xa ngời lên tròng mắt,” và con người
vẫn muốn thoát khỏi vũng lầy đó: “Đoạn
buồn xa ta đã đi qua, ngày vui tới ta vẫn chờ.” Vì thế mà người ta có thể gượng
đứng dậy mà tiếp tục sống…
Thói đời là thế. Xưa nay vẫn vậy. Chúng ta
không thể làm gì được. Cố gắng chấp nhận để tâm hồn thanh thản, chấp nhận để
biết mình hữu hạn và cố gắng sống yêu thương nhiều hơn. Cứ mỉm cười mà nói: “Đời là thế!”
TRẦM THIÊN THU
* Theo Wikipedia, Ns Trúc Phương (1933-1995) tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, một nhạc sĩ
nhạc vàng nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước 30-04-1975.
Trúc
Phương sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, một tỉnh ở
hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông
tin tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Saigon.
Trúc Phương bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với
Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết...và lập nghiệp luôn ở đó. Những sáng
tác đầu tay của Trúc Phương là hai bản Tình Thương Mái Lá và Tình Thắm
Duyên Quê, viết năm 1957, sau đó là Chiều Làng Em (1958)
và Đò Chiều (1959). Bản nhạc Tàu Đêm Năm Cũ bất hủ của ông
được viết vào đầu thập niên 1960, tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà
vì lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm có sắc lệnh hoán chuyển công tác sĩ quan,
công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại.
Trúc
Phương có một số lượng sáng tác gần 70 bài hát, được biết đến từ những năm cuối
thập niên 1950 và được phổ biến nhiều trong suốt thập niên 1960 và sau này tại
Saigon như Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỷ Niệm, Thói Đời, Hai
Lối Mộng, Kẻ Ở Miền Xa,...
Sau
1975, Trúc Phương vẫn còn sáng tác thêm một số bài nói về tình yêu cây lá, tình
yêu quê hương nhưng hầu hết ca khúc này, như ông xác nhận, không thành công
lắm, chỉ với lý do: Ông không còn cảm hứng dồi dào như những bài tình ca đã
được đón nhận từ trước 1975. Xin cảm ơn đời là ca khúc cuối cùng Trúc
Phương viết tháng 3 năm 1995. Lời ca khúc này có thể coi như những tâm tình,
uẩn khúc nhất mà ông muốn gửi lại cho đời lần sau chót.
Nhiều
ca sĩ nổi tiếng nhờ trình bày những tác phẩm của ông như Thanh Thúy, Chế
Linh,... Cuối thập niên 1960, ông có mở một lớp nhạc ở số 33/230 Gia Long, Gò
Vấp, gọi là Trúc Phương Tự Lực, đào tạo được một số ca sĩ như Thy Lệ Dung,
Thy Lệ Huyền, Chinh Thông, nhưng không mấy thành công.
Năm
1975, Trúc Phương không di tản và sống tại Saigon. Ông vượt biên lần đầu năm
1976 nhưng không thành công, do vậy bị tịch thu nhà số 301 Lý Thường Kiệt, Quận
11. Những năm sau đó ông vượt biên thêm 2 lần nhưng vẫn không thành công. Lúc
ra tù, vợ con li tán, ông sống không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân. Khoảng
giữa năm 1985, ông được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp
một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Không lâu sau,
ông trở về lại Saigon.
Sau
3 lần vượt biên không thành công, ông không nhà cửa, không người thân, giấy tờ,
sống lây lất khắp nơi (các con trai của ông đã vượt biên thành công sang Mỹ
& Úc trước đó). Tuy hoàn cảnh rất bi đát nhưng ông chưa hề ngửa tay
xin ai một đồng nào, ngay cả những người quen của ông lúc trước. Ông mất ngày
18-9-1995 vì bệnh sưng phổi, được gia đình an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu,
Bình Dương.
Lúc
Trúc Phương mất, nhạc sĩ Nhật Ngân (lúc này định cư ở Mỹ) có viết tặng Trúc
Phương bài “Gửi Người Về Cát Bụi” với lời nhạc có nhắc tên một số bài hát của
ông. Năm 2014, lần thứ hai Trung tâm Asia có thực hiện chương trình đặc
biệt Trúc Phương – “Ông Hoàng của Dòng Nhạc Bolero” (DVD Asia 74) để
vinh danh ông.
Trúc
Linh, con trai ông, cho biết: “Ba tui không bao giờ uống rượu. Ba lấy má tui
trong những năm cuối 50 chớ không phải sau năm 70, năm nay tui 5 bó rồi. Má tui
con nhà giáo, gia đình cũng khá nhưng ở Bến Tre. Chiều Làng Em là bài ba tui
viết cho má tui. Ông già tui không phải tự học nhạc, mà có thầy dạy đàng hoàng.
Chung quanh nhà bà nội tui ở Trà Vinh không hề có tre trúc gì hết ráo, mà nhà
má tui ở Bến Tre thì có nhiều. Gia đình tui cũng không nghèo, ba tui thường lái
Mazda và Peugeot 404. Thời xưa cũng có lúc khó khăn khi ông còn viết nhạc,
nhưng sau này ba má tui làm ăn cũng khá lắm. Khi ‘giải phóng vào’ thì có sa
sút, nhưng đó là tình trạng chung của tất cả dân miền Nam thời bao cấp. Gia
đình tui có tới 6 anh chị em, có nghĩa là ba và má tui chung sống cũng khá lâu.
Họ ly dị vào khoảng năm 1979. Nguyễn Trung viết rằng khi ba tui qua đời, chết
chỉ còn đôi dép là nói láo. Ông không giàu có gì, nhưng cũng không đến nỗi thê
thảm như vậy. Tui đã từng về thăm ông 3 tháng trước khi ông mất, cho thấy điều
này ông Trung quá bôi bác gia đình chúng tôi. Nói như ông Trung có nghĩa là các
con của ông không hề quan tâm tới ông. Điều này KHÔNG ĐÚNG sự thật. Chúng tôi
lúc nào cũng quan tâm tới ông.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment