Và rồi ngay trong thời đại chúng ta, Chúa
Giêsu tiếp tục tái minh định qua Thánh nữ Maria Faustyna Kowalska: “Ta KHÔNG MUỐN phạt nhân loại, mà chỉ muốn
CHỮA LÀNH, đưa nhân loại vào trái tim thương xót của Ta.” (Nhật Ký, số
1588) Đó là điều động viên chúng ta đừng thất vọng, chỉ cần chân thành tin
tưởng và nỗ lực tu thân. Thất vọng về chính mình cũng có thể là một dạng kiêu
ngạo!
Có ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi để chúng
ta biết phải đi theo con đường nào và phương hướng nào: “Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của
ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 60:19)
Tất cả chúng ta đều nhận được Thiệp Mời Thương
Xót để tham dự Thánh Tiệc Thiên Quốc, nhưng đi hay không là quyền tự do của mỗi
chúng ta, Ngài không ép buộc. Người Việt chúng ta thường nói: “Ăn có mời, làm có khiến.” Ở đây không
có ý tiêu cực hoặc thụ động, nhưng có ý nói phép lịch sự tối thiểu trong giao
tiếp thường nhật. Và người ta cũng so sánh: “Tiếng
chào cao hơn mâm cỗ.” Chắc hẳn ai cũng đã hơn một lần đi dự tiệc, dù là trẻ
em, vì xã hội càng phát triển, người ta càng có nhiều loại tiệc: Cưới hỏi, tân
gia, đầy tháng, thôi nôi, khai trương,... Không mặn nhiều cũng mặn ít, đơn giản
nhất cũng là buổi tiệc trà. Trẻ em ngày nay cũng “luân phiên” mời nhau dự tiệc
sinh nhật. Đúng là “phú quý sinh lễ nghĩa,” nhưng đôi khi cha mẹ đã lợi dụng
dịp vui của con cái như thế để… “làm tiền.” Tốt hóa Tệ!
Khi đề cập “tiệc tùng” thì mặc nhiên nói đến
“ăn uống,” vì bữa tiệc không thể không có ẩm thực. Và đó cũng là cách người ta ngụ
ý rằng “chuyện ăn uống” là quan trọng, chứ không là “chuyện ăn uổng,” đúng như
thành ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi tiên.”
Câu này ý nói rằng “nhân dân coi vấn đề ăn là vấn đề to lớn nhất, cơ bản nhất
trong cuộc sống” (tr. 123, “Từ điển Thành ngữ Điển cố Trung quốc,” GS Lê Huy
Tiêu biên dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993), và câu này có nguồn gốc
trong Hán Thư: “Vương giả dĩ dân vi
thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên” – Vua chúa lấy dân làm trời, nhân dân lấy
(cái) ăn làm trời.” Quả thật, ăn là vấn đề cần thiết, vì liên quan vấn đề sinh
tồn: “Có thực mới vực được đạo.” Chuyện
ăn uống bình thường mà khác thường, cũng cần có văn hóa, và là bài học thứ nhất
trong bốn thứ phải học đầu tiên trong đời người: Học ĂN, học NÓI, học GÓI, học
MỞ. Có thể nói rằng miếng ăn cần thiết tương tự khí trời để hít thở, như điều
kiện “ắt có và đủ” vậy. Nhưng hãy lưu ý, bởi vì miếng ăn có thể là miếng VINH hay
miếng NHỤC. Như thế thì chuyện ăn uống không còn bình thường nữa!
Thuở xưa, ngôn sứ Isaia đã thông báo: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo
binh sẽ ĐÃI muôn dân MỘT BỮA TIỆC: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo
ngậy, rượu ngon tinh chế.” (Is 25:6) Toàn là cao lương mỹ vị, rất ngon lành,
đáng mơ ước lắm. Không chỉ vậy mà còn hơn thế nữa, niềm vui nhân lên gấp bội: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che
phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử
thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và
trên toàn cõi đất, Người sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người.” (Is 25:7-8)
Thiên Chúa hứa như vậy, và chắc chắn xảy ra như thế.
Vì thế, thiên hạ sẽ cùng nhau râm ran vào
ngày trọng đại ấy: “Đây là Thiên Chúa
chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính
Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi
được Người cứu độ.” (Is 25:9) Rạch ròi hai năm rõ mười: “Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà
nghỉ. Còn Mô-áp sẽ bị giày đạp ngay tại chỗ, như rơm bị nghiền nát trong hố
phân.” (Is 25:10)
Đức Tin luôn cần thiết, đó không chỉ là một
nhân đức mà còn là một hồng ân. Tin có Chúa là có Chúa trong lòng, có Chúa rồi
thì chẳng còn gì phải lo lắng, xao xuyến: “Chúa
là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người
cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv 23:1-3) Một
sự thật minh nhiên, đúng như Thánh Vịnh gia cũng đã từng xác định: “Hãy KÝ THÁC đường đời cho Chúa, TIN TƯỞNG vào
Người, Người sẽ RA TAY.” (Tv 37:5) Đó là hành động của Đức Tin, hoàn toàn
phó thác cho Thiên Chúa, Đấng quan phòng và tiền định. Những người thực sự tín
thác vào Chúa thì chẳng còn gì làm họ sợ hãi, họ luôn hướng về Chúa mọi nơi và
mọi lúc: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u,
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an
tâm.” (Tv 23:4) Lo cũng chẳng được, sợ cũng chẳng thoát, thế thì dại gì mà
lo sợ, mà không tín thác?
Cuộc sống luôn biến động, nếu cuộc đời cứ
bình lặng sẽ gây nhàm chán. Chính gian khổ khiến người ta nên khôn ngoan, và là
tiêu chí để biết ai hơn ai kém. Sau gian truân, thử thách, đau khổ,… ai trung
tín sẽ được Thiên Chúa tuyên dương công trạng: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa
xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.” (Tv 23:5) Như thế thì thật
hạnh phúc biết bao, chắc hẳn người ta không thể trì hoãn niềm vui sướng đó, đến
nỗi phải chia sẻ để người khác cùng biết: “Lòng
nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.” (Tv 23:6)
Có Chúa trong lòng, các tín nhân khả dĩ chấp
nhận mọi thứ mà không than thân trách phận, giống như Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư
dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập
quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã
chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.” (Pl 4:12-14) Đối
với những người có đức tin sâu sắc và mạnh mẽ, chắc chắn không gì có thể tách
rời họ khỏi tình yêu của Đức Kitô, (x. Rm 8:35) vì họ luôn tâm niệm lời của
Ngài nhắn nhủ và động viên: “Trong thế
gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế
gian!” (Ga 16:33) Ai cũng sợ đau khổ, nhưng được Thiên Chúa báo trước và
quyết tâm theo Ngài, người ta sẽ có thêm can đảm.
Đã từng trải và với niềm tín thác kiên vững,
Thánh Phaolô minh định để động viên các tín nhân: “Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt
vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu. Xin tôn vinh Thiên Chúa
là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Pl 4:19-20) Thiên Chúa là
Đấng tín thành, mọi lời hứa của Ngài đều được hoàn tất.
Một trong các dạng xác định lời mời gọi chân
thành của Thiên Chúa dành cho mọi người là dụ ngôn Tiệc Cưới, Ngài không muốn
ai phải hư mất, (Mt 18:14) Ngài rất muốn tất cả chúng ta trở nên hoàn thiện để
xứng đáng đồng hưởng phúc trường sinh với Ngài mãi mãi.
Kể chuyện dụ ngôn là đặc điểm mỗi khi Chúa
Giêsu rao giảng Nước Trời hoặc giáo huấn. Một hôm, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn Tiệc
Cưới mà nói với dân chúng. Ngài nói rằng Nước Trời giống như chuyện một vua kia
mở tiệc cưới cho con mình. Ông sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời
trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Ông lại sai gia nhân đi mời
quan khách đã được mời, nói rõ rằng cỗ bàn đã dọn xong, cao lương mỹ vị đã sẵn
sàng. Nhưng rồi họ cũng không thèm đếm xỉa tới – kẻ đi thăm trại, người đi buôn
bán, kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.
Khi nghe gia nhân tâu lại, nhà vua liền nổi
cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của
chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới
đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã ĐƯỢC MỜI lại KHÔNG XỨNG ĐÁNG. Vậy các ngươi đi
ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22:8-9) Tuân lệnh
vua, các đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp bất kỳ ai cũng mời cả vào phòng
tiệc cưới, không phân biệt họ là người xấu hay người tốt.
Giờ G đã điểm, thời điểm quan trọng là cử
hành hôn lễ. Khi đó, nhà vua tiến vào và quan sát các thực khách trong phòng tiệc,
ông chợt thấy ở đó có một người KHÔNG mặc y phục lễ cưới nên hỏi: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không
có y phục lễ cưới?” (Mt 22:12) Người ấy cúi đầu lặng thinh, không nói được
gì. Nhà vua liền bảo những người phục vụ: “Trói
chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc
lóc nghiến răng! Vì kẻ được GỌI thì nhiều, mà người được CHỌN thì ít.” (Mt
22:13-14)
Ôi, thật đáng sợ biết bao! Chính Chúa Giêsu
đã cảnh báo: “Gọi nhiều, chọn ít.”
Vậy là ít người được vào Nước Trời? Rất có thể. Bởi vì người ta chỉ “giật mình”
khi nghe lời Chúa “chạm” đến mình, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Con người vốn yếu
đuối, dễ “lờn thuốc,” không cố gắng thì lại “ngựa quen đường cũ,” lại sa đà
ngay thôi. Có phải chúng ta đã được “cài đặt” mặc định với cái tên “Nguyễn Y
Vân” (vẫn y nguyên) hoặc “Vũ Như Cẩn” (vẫn như cũ) chăng? Tương tự, người ta
cũng thường nói: “Giang sơn dễ đổi, bản
tính khó dời.” Thực sự rất khó để “cởi bỏ” con-người-cũ để có thể “mặc lấy”
con-người-mới. Vì thế mà phải tỉnh thức và nỗ lực rất nhiều, nỗ lực không ngừng,
nỗ lực triền miên. Ước gì chúng ta được là người có tên trong danh sách “số ít
được chọn” ấy!
Vì yêu thương chúng ta đến cùng nên Chúa Giêsu
luôn rất muốn ở gần chúng ta, Ngài không muốn chúng ta xa rời Ngài dù chỉ trong
tích tắc, thế nên Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để được ở trong chúng ta,
đúng như lời hứa của Ngài: “Thầy ở cùng
anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Tình yêu của Chúa Giêsu quá
lớn, chúng ta không thể hiểu thấu. Lời hứa đó của Chúa Giêsu cũng là câu cuối
cùng của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, và cũng chỉ có Phúc Âm này ghi lại câu
này.
Kinh Thánh nói: “Người no, tảng mật cũng coi thường, kẻ đói thấy đắng cay cũng ngọt.”
(Cn 27:7) Chúng ta phải nhận biết mình “đói khát” thì mới mau mắn chấp nhận lời
mời dự tiệc của Lòng Chúa Thương Xót, Tiệc Cưới Nước Trời vĩnh hằng, nếu không
nhận biết mình “đói khát” thì không muốn đi dự tiệc mặc dù tấm thiệp đã cầm trong
tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment