Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

VÀI Ý NGHĨ VỀ DANH XƯNG CÔNG GIÁO

[ trích từ Ephata 705 ]
Lời toà soạn Việt Báo: Bài của tác giả Vũ Linh Châu là một góp ý ngữ học về một vấn đề đã được tranh luận từ lâu. Thực ra, đứng về mặt bút pháp nói chung, các nhà văn sử dụng nhiều danh xưng thay đổi và biến hóa linh động thường khi không mang một nghĩa ám chỉ phía sau. Các nhà văn vẫn dùng thay đổi các chữ mang nghĩa tương đương, hoặc cho thuận câu, hoặc cho êm tai, hoặc để giữ vần điệu. Thí dụ, khi gọi tên quốc gia Hoa Kỳ bằng tiếng Anh, các nhà văn vẫn dùng các chữ cùng nghĩa, như: U.S.A., United States, United States of America, US, USA, America, the States, U.S. Tất cả các cách viết và đọc vừa nói, đều tương đương và đều được các nhà ngữ học Hoa Kỳ đồng ý. Tuy nhiên, Vũ Linh Châu là một tín hữu và ông đề nghị một cách gọi thống nhất về danh xưng Công Giáo, mà ông nghĩ đó là cách gọi đúng nhất.
o0o
Chúng tôi biết rằng, dù hoàn toàn với thiện chí xây dựng, dù không bài bác hay đả phá một tôn giáo nào, dù chỉ muốn làm sáng tỏ một điều ngộ nhận về tôn giáo mà mình đang tin theo, đề cập tới tôn giáo cũng là một việc làm vạn bất đắc dĩ. Chúng tôi cũng biết rằng đối với nhiều người, việc không sử dụng danh xưng Công Giáo chỉ là một việc làm ngay tình bộc phát, theo thói quen, chứ không hề với chủ tâm cố ý. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng đạo Phật thờ Phật nên gọi là Phật Giáo, đạo Công Giáo thờ Thiên Chúa thì gọi là Thiên Chúa Giáo.

Nhưng các dẫn chứng dưới đây sẽ cho thấy sự việc không hoàn toàn đơn giản như vậy. Nó cũng sẽ giúp mọi người hiểu vì sao Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam cũng như Giáo Dân Việt Nam, chưa hề có ai đã đề cập tới việc sửa đổi danh xưng Công Giáo bao giờ. Kể cả các phong trào trí thức Công Giáo cấp tiến, các cơ quan ngôn luận độc lập của Giáo Dân trước đây và hiện giờ. Ngay cả tổ chức “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo” tại quốc nội nữa, từ sau ngày 30.4.1975 cho đến nay, tờ báo của họ vẫn lấy tên là “Công Giáo và Dân tộc”.
Tuy vậy cho đến tận ngày hôm nay, tại cả trong và ngoài nước, nhiều người vẫn còn đang né tránh không muốn sử dụng danh xưng Công Giáo, đôi khi lại còn cố ý làm cho hai chữ Công Giáo trở thành một đề tài tranh luận, bằng cách gán ghép cho danh từ đó nhiều ẩn ý không đẹp bên trong. Nhất là khi những sự việc trên lại do các cơ quan truyền thông lớn, những người có chức quyền, có bằng cấp hay đang ở địa vị lãnh đạo trong các tôn giáo... thì hậu quả lại càng đáng buồn hơn nữa.
Sau nhiều năm trời cân nhắc đắn đo, suy tư cầu nguyện và tham khảo ý kiến nhiều người, chúng tôi thấy rằng tiếp tục im lặng không phải là một thái độ xây dựng khôn ngoan. Do vậy, như một chuyện chẳng đặng đừng, chúng tôi xin trịnh trọng góp ý rằng: Việc thay đổi danh xưng Công Giáo bằng bất cứ danh xưng nào khác là một điều không nên làm vì các lý do sau đây:
1- Công Giáo là tên chính thức mà tất cả mọi người Công Giáo tự gọi hàng ngày, từ giới lãnh đạo như Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam, Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, cho tới một người Giáo Dân bình thường trong mục “Tìm bạn bốn phương”, tất cả đều xử dụng cái tên Công Giáo mà cha ông họ đã đặt cho. Ai ai trong chúng ta cũng đều đã biết, việc tự ý sửa đổi tên của người khác, ngoài ý muốn của họ, là thiếu tương thân tương kính, thiếu nhã nhặn lịch thiệp, không nên xảy ra trong giao tế hàng ngày.
2- Việc thay thế danh xưng Công Giáo bằng các tên khác như Thiên Chúa Giáo, Kitô Giáo, Thiên Chúa Giáo La Mã..., theo ý chúng tôi, cũng không được chính xác:
- Không thể thay bằng Thiên Chúa Giáo hay Kitô Giáo được, vì ngoài Công Giáo, còn có rất nhiều tôn giáo tin thờ Thiên Chúa và Đức Kitô, như Chính Thống Giáo, các hệ phái Tin Lành, Anh Giáo... Công Giáo chỉ là một trong các Thiên Chúa Giáo và Kitô Giáo đó.
 Do vậy, nếu gọi Công Giáo là Thiên Chúa Giáo và gọi các Kitô Giáo khác là Tin Lành, như nhiều cơ quan ngôn luận trong nước đang làm, thì e rằng cũng không hoàn toàn chính xác.
– Thay bằng Thiên Chúa Giáo La Mã, tuy có rõ ràng hơn, nhưng lại vẫn thiếu tế nhị trong xã giao, vì đó không phải là tên mà mọi người Công Giáo tự gọi hàng ngày.
3- Nếu việc sửa đổi tên gọi này lại liên quan tới các văn kiện pháp lý hay các cơ quan công quyền thì rất có thể sẽ gây những hậu quả to lớn khó lường. Thí dụ, được giao cho tái tài trợ Trung Tâm Công Giáo tại Santa Ana, trong giấy chủ quyền, nếu văn phòng địa ốc và escrow liên hệ lại đăng ký tên của sở hữu chủ là “Tòa Giám Mục Thiên Chúa Giáo Giáo Phận Orange County” thì hậu quả sẽ ra sao?
4- Riêng đối với giới truyền thông báo chí, xin được mạn phép góp ý rằng, việc sử dụng các danh xưng Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo, Kitô Giáo... để thay thế cho chữ Công Giáo thường làm cho bản tin hay bài viết trở thành tối nghĩa khó hiểu, dễ gây ngộ nhận, nhất là khi cả hai danh từ Catholic và Christian đều cùng được dịch sang Việt ngữ là Thiên Chúa Giáo. Xin đan cử một thí dụ. Gần đây, một câu trong bài tham luận của Giáo Hoàng Benedicto liên quan tới Hồi Giáo đã gây nên nhiều phản ứng dữ dội trong các nước theo Đạo Hồi, kể cả việc thiêu hủy một số Nhà Thờ Công Giáo. Các cơ quan truyền thông đã loan các tin này theo hai cách:
 Nhiều Nhà Thờ Công Giáo đã bị đốt: Bản tin này sẽ được hiểu là lời tuyên bố của Giáo Hoàng chỉ khiến người Hồi Giáo bất mãn với Giáo Hội Công Giáo mà thôi.
 Nhiều Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo đã bị đốt: Bản tin này sẽ có một tầm mức trầm trọng hơn gấp bội, vì sẽ được hiểu là câu nói của Đức Giáo Hoàng đã làm bùng nổ ra sự xung đột giữa Hồi Giáo và Âu châu, Hoa Kỳ (Tây phương), Nga... là các nơi theo Thiên Chúa Giáo. Bóng ma Crusade lại đang chập chờn xuất hiện !
5- Để tránh khuyết điểm trên, nhiều cơ quan truyền thông uy tín tại hải ngoại, như Nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo tại Miền nam California, Chương trình Việt ngữ các đài phát thanh BBC Luân đôn, Radio France Internationale (RFI),... các cơ quan truyền thông này đã thường chuyển dịch danh từ Christian sang Việt ngữ là Thiên Chúa Giáo, danh từ Catholic là Công Giáo. Hơn nữa, vì các danh từ Catholic và Christian này gần như đều được gặp thấy mỗi ngày, nên một số rất đông thính giả và độc giả Công Giáo của quý vị, ngày nào cũng phải áy náy ưu tư. Xin hãy đem niềm vui tới cho mọi người, để chính quý vị cũng được an bình thanh thản.
6- Đối với các tổ chức gồm nhiều tôn giáo, nếu thay thế danh xưng Công Giáo bằng tên Thiên chúa giáo, sẽ có nghĩa là đã mặc nhiên loại bỏ Công Giáo ra khỏi tổ chức, vì về phương diện pháp lý cũng như trong thực tế, hiện nay, tại cả trong và ngoài nước, không có một tôn giáo nào mang tên là Thiên Chúa Giáo cả. Thành viên được gọi là của Thiên Chúa Giáo đó sẽ không đại diện cho ai cả, hoặc sẽ bị coi là tự ý muốn đại diện cho tất cả các tôn giáo có tin thờ Thiên chúa. Thường thì mục đích của các tổ chức này là để xây dựng tình đoàn kết yêu thương trong cộng đồng dân tộc, nhưng việc gọi sai tên của một tôn giáo bạn, dù vô tình hay cố ý, cũng sẽ rất dễ dàng khiến cho người bàng quan đặt nhiều nghi vấn và suy diễn xa hơn, tổ chức sẽ rất khó thành đạt được mục tiêu đã đề ra.
7- Chữ “công” trong danh xưng Công Giáo có nghĩa là phổ quát, là của chung, là công cộng. Công Giáo là đạo chung cho mọi người, đạo luôn luôn mở rộng vòng tay đón nhận bất cứ ai, ở mọi nơi, thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia... Giống như công viên là cái vườn của mọi người, bất cứ ai muốn ghé vào cũng được. Đó là quan điểm của Tân ước, nó trái ngược hẳn với Cựu Ước, vì Cựu Ước dậy rằng Đạo chỉ dành riêng cho người Do Thái mà thôi.
Ý nghĩa của danh xưng Công Giáo, xin được miễn bàn cặn kẽ và chi tiết ở đây. Việc này, vì thiện chí, nhiều người đã làm, họ đã bỏ ra rất nhiều thì giờ và công sức, đã tra cứu Tân Ước và Cựu Ước, dẫn chứng các tài liệu trong lịch sử giáo hội Công Giáo từ 2.000 năm về trước để giảng giải về ý nghĩa của chữ “công” trong danh xưng Công Giáo, mặc dù họ biết đó là một việc làm kỳ cục, bất bình thường. Xưa nay, chưa hề có ai đã phải giảng gỉai phân trần về ý nghiã cái tên cuả mình bao giờ, vì từ cổ chí kim, chưa hề có ai đã so đo hơn thiệt rồi né tránh, hay hay sửa đổi tên gọi của người khác bao giờ. Phải chăng chính vì suy nghĩ như vậy mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã không lên tiếng về vấn đề này.
Nhân đây, cũng xin được góp ý rằng, chữ “công”, không phải chỉ có một nghĩa là của Nhà nước, do Nhà nước sáng lập và điều hành, giống như “trường công” ngày trước, hay như các cơ sở quốc doanh bây giờ, mà nó còn có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Thí dụ: công nhân, công binh; quận công, công chuá; tấn công, đặc công; công bằng, bất công; công bố, công khai; công chức, công an; thông công, chiến công, công đức, công quả...
Cha ông chúng tôi đã sáng tạo cho con cháu nhiều danh từ tuyệt vời xuất sắc, như: Linh Mục (người chăn dắt phần tâm linh), danh từ này có lẽ còn hay hơn cả nguyên ngữ Pastor nữa, vì Pastor chỉ có nghĩa là người chăn dắt. Giám Mục (người giám sát công việc mục vụ, pastoral). Chủng viện, Chủng sinh (chủng là gieo trồng). Việc phiên dịch kinh sách cũng vậy, nhiều người nghĩ rằng cụm từ "Mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa" mà dịch sang Việt ngữ là “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng thì hậu thế rất khó có ai sẽ chuyển dịch xuất sắc hơn được.
Do vậy, chắc chắn khi sáng tác danh xưng Công Giáo, các ngài đã phải vận dụng tất cả khả năng tài trí, tất cả sở học sẵn có và nhất là đã phải ưu tư cẩn trọng gấp bội, vì đây là tên gọi của cả một tôn giáo, sẽ được truyền lại tới muôn đời.
8- Giả dụ như đạo Công Giáo đổi tên thành VIỆT NAM QUỐC DÂN GIÁO, (đạo của nhân dân nước Việt Nam), mọi người cũng chẳng nên né tránh hay bàn tán làm gì, vì gần một trăm năm nay, có thấy ai thắc mắc gì về cái tên Việt Nam Quốc Dân Đảng đâu. Hơn một phần tư nhân loại là người Hoa, nhưng chưa thấy một người nào đòi đổi tên của Trung Hoa Quốc Dân Đảng cả. Lý do là vì mọi người, Việt cũng như Hoa, tất cả đều biết đó chỉ là những cái tên như trăm ngàn cái tên khác. Quốc Dân Đảng là tử thù của CS, nhưng đảng CS Việt Nam và đảng CS Trung Hoa cũng chưa hề bao giờ có ý kiến gì về cái tên Quốc Dân đảng này.
- Tại Hoa Kỳ cũng như tại nước ta hiện nay, rất nhiều cơ sở kinh doanh hoàn toàn do tư nhân làm chủ, nhưng lại đặt tên là National (quốc gia) hay Federal (liên bang) như National Bank, Federal Express... nhưng chẳng bao giờ thấy ai thắc mắc khiếu nại về những cái tên này. Cũng chẳng có ai quan tâm tới các danh xưng National Cathedral tại Washington DC hay Việt Nam Quốc Tự tại Sàigòn cả.
9- Đặc biệt, có những cái tên không những đã mang ý nghĩa tự đề cao mình mà còn rõ ràng cố ý coi nhẹ và khinh khi người khác, chẳng hạn cái tên Trung Quốc. Người Tầu, nhất là ngày xưa, vẫn công khai cho rằng nước họ là trung tâm của trái đất, các nước khác, trong đó có nước ta, chỉ là những vệ tinh chư hầu chung quanh. Người Việt Nam ta ai mà không biết điều đó, nhưng từ ngày lập quốc tới nay, kể cả trong các thời kỳ Trung quốc xâm lăng nước ta – gần đây nhất là cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và cuộc xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa hiện giờ – cũng chưa hề thấy có ai đòi thay đổi hoặc chỉ trích cái tên Trung Quốc đó cả.
10- Ngay cả khi cho rằng danh xưng Công Giáo là hoàn toàn sai đi nữa, thiết tưởng cái tên đó cũng chẳng đáng được ai phiền tâm bận trí. Những tên America (Châu Mỹ), West Indies, Indian... là hoàn toàn sai, nhưng từ hơn 500 năm nay, loài người, kể cả những người bị mất tên là dân tộc Ấn Độ, lẫn những người bị đặt tên lầm là Thổ Dân Da Đỏ, gần như chưa hề thấy ai đã nghĩ đến chuyện sửa đổi những cái tên này.
11- Thậm chí, ngay cả đối với kẻ thù và những cái tên bị coi là bất xứng, người ta cũng vẫn gọi đúng tên của chúng rồi thêm cụm từ “Cái gọi là (The so called) vào phía trước. Thí dụ “Cái gọi là” Thuốc trường sinh bất tử, Cải lão hoàn đồng.
12- Cách đây ít năm, có người đã lý luận rằng, nếu đã nói “công” thì phải có “tư”, như vậy, những tôn giáo khác không phải Công Giáo, như Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, chỉ là tư giáo, hay tôn giáo không chính thức.
 Đây là một lập luận rất ngớ ngẩn buồn cười. Vì nếu theo lối lý luận “có công thì phải có tư này, thì không phải chỉ có danh xưng Công Giáo, mà tên của rất nhiều cá nhân, đoàn thể, đảng phái, cơ sở thương mại... cũng phải sửa đổi. Riêng trong lãnh vực tôn giáo, không phải chỉ có tước vị của các chức sắc, mà ngay cả chính danh xưng cuả hầu hết các tôn giáo cũng sẽ bị cái cách lập luận “hễ đã có Công thì phải có Tư” này buộc phải xem xét lại...
Chúng tôi chân thành van xin sự rộng lượng tha thứ của quý vị, đặc biệt là quý vị chức sắc và tín đồ các tôn giáo mà chúng tôi đã dám phạm thượng để ám chỉ tới trong các dòng chữ trên đây. Xin hiểu cho rằng chúng tôi buộc lòng phải mạnh tay như vậy để phản bác một lối lý luận rất ngô nghê kỳ cục, nhưng hình như vẫn còn đang lừa dối được rất nhiều người chất phác ngay lành, kể cả nhiều vị chân tu đơn sơ thật thà... Tuy vậy, từ trong thâm tâm, chúng tôi không hề dám có một suy nghĩ nhỏ nào về việc phê phán ý nghĩa của tước vị, cũng như ý nghĩa của danh xưng tôn giáo mà quý vị đang lãnh đạo hay đang tin theo. Xin chân thành minh xác như vậy.
Thân thể đã bị một cây đinh nhọn đâm vào rất sâu và từ rất lâu, giải phẫu lấy ra thế nào chả thấy nhói đau. Nhưng thôi, thà cắn răng chịu đau trong giây lát còn hơn nhức nhối cả đời. Chúng tôi tha thiết cầu mong sự thông cảm và góp tay tiếp sức cuả những người thành tâm thiện chí trong việc loại bỏ chiếc đinh độc hại này.
13- Nếu chỉ nhằm mục đích thanh minh cho người Công Giáo, thì chắc chắn bài viết này đã không đến tay quý vị, sở dĩ nó đã có mặt là vì ngay cả cho đến ngày hôm nay, tại trong cũng như ngoài nước, nhiều người, vì vô tình hay cố ý, vẫn còn đang công khai lợi dụng ý nghĩa của chữ "công" trong danh xưng Công Giáo để gây thêm tị hiềm ngờ vực và tiếp tục làm tổn hại đến tình đoàn kết liên tôn, đến sự yêu thương đùm bọc của tình nghĩa đồng bào Việt Nam ruột thịt.
Xin đan cử một vài thí dụ điển hình:
- Nhiều Đài Phát thanh, Truyền hình, nhiều cơ quan truyền thông, nhiều quan chức chính quyền... hiện vẫn né tránh không sử dụng danh xưng Công Giáo, vẫn dịch danh từ Catholic sang Việt ngữ là Thiên Chúa Giáo, Kitô Giáo, Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo La Mã...
- Điển hình hơn cả là ý kiến sau đây trên một tờ tuần báo lớn xuất bản tại hải ngoại. Theo tờ tuần báo này thì “Công Giáo” có nghĩa là tôn giáo được Nhà nước công nhận và như vậy các tôn giáo khác như Phật Giáo, Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo cũng đều là Công Giáo vì cũng đều được Nhà nước công nhận ! Dụng ý của đoạn văn trên càng rõ ràng hiển nhiên hơn nưã vì tác giả đã viết tiếp: “Trước khi Thiên Chúa giáo tiến vào Việt Nam, từ đời Lý, đạo Phật được coi là quốc giáo”. Ý tưởng này cũng hoàn toàn sai, vì ai ai cũng đều đã biết, vào cuối đời Nhà Lý và từ đời Nhà Trần trở về sau,“Tam Giáo đồng tôn” nghiã là gì. (Sử Trần Trọng Kim, quyển I, trang 124).
Hơn nữa  định nghĩa về danh xưng Công Giáo ở trên nghe cũng ngớ ngẩn như lập luận để đòi đổi tên của tỉnh Quảng Nam sau đây: “Quảng Nam là xứ Quảng ở Miền Nam, như vậy Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Ngãi cũng là Quảng Nam”.
Cũng tại miền Nam California, cách nay ít lâu, trong các bản tin quốc tế hàng ngày, một vài cơ quan truyền thông vẫn dùng chữ Catholic để dịch tên của đạo Công Giáo. Thí dụ: “Trên một triệu thanh niên Catholic Đức nghênh đón nhà lãnh đạo Vatican... hay là “Các Giám Mục Catholic và Chính Thống Giáo Nga đã gặp gỡ để thảo luận...
Nhân dịp tang lễ cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trên nhiều đài truyền thanh, truyền hình, một chức sắc tôn giáo cao cấp đã trịnh trọng phát biểu rằng Ngài “thành thật chia buồn cùng Giáo Sĩ và Giáo Dân Catholic Việt Nam”.
– Trong số báo phát hành đầu năm 2008, một nhật báo tại Westminster đã viết như sau: ...nhà lãnh đạo Catholic toàn cầu nói: “Chúng ta mong muốn hòa bình, nhưng phải là hòa bình chân chính...
– Trong văn thư gửi cho Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội ngày 14.1.2008, Bà Phó Chủ Tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã dùng chữ "đồng bào theo đạo Thiên Chúa" để gọi các tín hữu Công Giáo đang thắp nến cầu nguyên để đòi lại tài sản của Giáo Hội tại Thủ đô Hà Nội.
 Ngồi viết những dòng này mà lòng buồn rười rượi, tôi đang sống tại Hoa Kỳ, một quốc gia có truyền thống bao dung và cởi mở vào bậc nhất thế giới, mà sao tôi lại phải đề cập tới những chuyện đang xảy ra tại một vùng sa mạc xa xôi nào đó, hay đã xảy ra trên quê hương tôi một hai trăm năm về trước.
Do đó tôi tin tưởng sắt đá rằng mình đang làm một việc có ích cho dân tộc, cho cộng đồng và cho mọi người. Liều thuốc này tuy cay đắng nhưng sẽ hữu hiệu. Ca giải phẫu này tuy nhiều đau đớn nhưng rất cần thiết và sẽ thành công.
14- Người Công Giáo Việt Nam cũng không thể thay đổi hay loại bỏ cái tên Công Giáo này được, không những vì đó là một gia bảo vô giá của tổ tiên truyền lại, mà vì nó còn liên hệ đến giáo lý nữa. Trong kinh Tin Kính, một kinh tóm gọn các tín điều căn bản của đạo Công Giáo, mọi tín hữu đều phải tuyên xưng mỗi đầu Thánh Lễ, có dịp đi Nhà Thờ Việt – Mỹ, chúng ta sẽ nghe câu này: "I believe in one holy, catholic and apostolic Church". Hội đồng các Nhà Thần Học Công Giáo Việt Nam dịch sang Việt ngữ là: “Tôi tin một Giáo Hội thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Không ai có thể sửa lại là: “Tôi tin một Giáo Hội thánh thiện, được quốc gia thừa nhận và tông truyền.
15- Giữa năm 2006, bài viết này tình cờ đến tay một vị trí thức Phật Giáo, không những ông đã chân tình chỉ bảo mà còn gíup cho bài viết được phổ biến trên một tờ nhật báo tại Quận Cam. Liền ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến khuyến khích và tán đồng, kể cả của các vị lãnh đạo thuộc nhiều tôn giáo. Nhưng đã khích lệ chúng tôi nhiều nhất là lá thư của Mục Sư Nguyễn Quang Minh, (www.duongvequetroi.com), tại vì lá thư đã mở đầu nguyên văn như sau: “Tôi rất đồng ý với ông về danh xưng Công Giáo ông viết trên Việt Báo hôm qua. Xin ông gửi cho tôi bài này bằng internet để tôi chuyển đến bạn hữu trong các hệ phái Tin Lành...”.
 Tuy nhiên, cũng có hai vị độc giả khuyên người Công Giáo nên tự ý loại bỏ danh xưng Công Giáo và mọi người không nên xử dụng danh xưng này vì nó do gia đình Ngô Đình Diệm và thực dân Pháp tặng cho đạo Công Giáo. Cứ cho rằng việc trao tặng đó là có thật đi nữa, thì theo ý chúng tôi, người Công Giáo và mọi người Việt Nam cũng không nên làm theo những lời khuyên này, vì nó sẽ dẫn đến việc đòi thay đổi cả chính tên gọi Việt Nam của đất nước chúng ta. Tại vì tên “Việt Nam” là do… Trung Quốc đặt cho chúng ta, (Sử Trần Trọng Kim, quyển 2, trang 178), mà người Tầu thì đã cai trị và đàn áp nhân dân ta còn tàn bạo và lâu dài hơn thực dân Pháp gấp bội !
16- Hơn nữa, chúng tôi thiết nghĩ, ngay cả trong trường hợp vẫn còn nhất quyết tin rằng cái tên Công Giáo có ngụ ý coi các tôn giáo khác là tư giáo, là tôn giáo không chính thức, là không được quốc gia thừa nhận, hay ngay cả khi cho rằng danh xưng đó là sản phẩm của thực dân đế quốc... như đã trình bày ở trên, mọi người cũng không nên né tránh danh xưng Công Giáo vì các lý do sau đây:
– Vì đó là lối hành xử thường ngày của những người có tâm hồn cao thượng, có đầu óc cởi mở phóng khoáng, có tấm lòng đại lượng bao dung, có tư cách xã giao phong lưu lịch lãm.
- Vì nó liên quan tới một nhân đức căn bản mà mọi tôn giáo đều truyền bá rao giảng, một nết xấu mà mọi tín đồ đều phải diệt trừ dứt bỏ.
- Vì trong giao tế hàng ngày, không ai dám cố ý gọi sai hay sửa đổi tên của bất cứ người nào khác bao giờ. Xã Ước bất thành văn giữa các cá nhân trong xã hội đã quy định như vậy.
- Vì ngay từ thời thơ ấu, mọi người đều đã được căn dặn như thế.
- Nhưng nhất là vì, nếu cố ý, thì sẽ dễ dàng bị hiểu lầm về trình độ và nhân cách. Giống như một người nào đó, cứ nhất định né tránh, cứ đòi sửa đổi tên gọi của ông Lê Văn Giáo chẳng hạn, vì cho rằng" với ý nghĩa của cái tên Giáo, ông ấy tự coi mình là thầy của người khác !”
- Các ngộ nhân trên đây có thể tránh được dễ dàng, bằng cách, cứ gọi đúng tên Công Giáo, rồi thêm cụm từ “cái gọi là” vào phía trước. ( … )
17- Sau cùng, đâu có ai trong chúng ta muốn cho tên gọi hoặc tước vị của mình bị người khác né tránh, sửa đổi. Vậy thì xin hãy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.
Trong suốt quá trình lich sử, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng như toàn cầu đã làm được nhiều điều hữu ích cho xã hội. Nhưng vì cũng chỉ là con người, nên chắc chắn không thể tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Người ta có thể coi thường các chức sắc và các tín đồ Công Giáo, người ta có thể không tôn trọng người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, người ta có thể đả phá các đường lối chính sách hay phê bình chỉ trích các nghi lễ của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng mọi người, tất cả mọi người, ai ai cũng đều phải tôn trọng danh xưng Công Giáo, đừng sửa đổi, đừng thay thế, đừng né tránh, đừng phân tích, đừng giải nghĩa, đừng chiết tự, đừng truy tìm xuất xứ, đừng khen, đừng chê. Lý do rất đơn giản: Công Giáo chỉ là một cái tên như tất cả mọi cái tên khác.
Rất mong những ý kiến bộc trực, mạnh dạn và vạn bất đắc dĩ, nhưng đầy thiện chí trên đây sẽ được mọi người có tâm hồn ngay lành quan tâm, để tất cả chúng ta, ngay ở đời này, đã được vui hưởng một cuộc sống an bình thanh thản. Một lần nữa, chúng tôi lại xin chân thành tạ lỗi vì những liều thuốc cay đắng trên đây, xin ban cho sự thông cảm thứ tha, để một ngày không xa, những dị biệt hôm nay, sẽ không còn phải là những gai góc chướng ngại, nhưng sẽ được nhìn như những đóa hoa đủ mầu đủ sắc, điểm tô cho cuộc đời đáng yêu đáng quý này càng thêm xinh đẹp vì đa dạng, hài hòa.
Chúng tôi viết bài này đã lâu, từ 5, 6 năm về trước, nhưng chỉ gửi cho vài người bạn, một hai cơ quan ngôn luận để tham khảo, nhất là chưa bao giờ dám gửi đến các vị lãnh đạo các tôn giáo, kể cả Công Giáo, vì nghĩ rằng đây là một chuyện rất hiển nhiên, ai ai cũng đều đã biết, nhắc nhở về một chuyện thông thường như vậy là vô lễ, là bất kính. Chúng tôi cũng nghĩ rằng đa số sai sót là do vô tình, do thĩi quen, chỉ cần nghe biết thoáng qua là đã vội vã sửa đổi ngay. Tuy nhiên từ nay, buộc lòng chúng tôi sẽ phải phổ biến rộng rãi hơn và phải kiên trì mạnh dạn hơn nữa, vì đã rõ ràng, nhiều người vẫn đang hành động có chủ tâm, có mục đích.
Chúng tôi sẽ rất sung sướng đón nhận các ý kiến xây dựng và những lời chỉ bảo chân thành của mọi người, công khai trên các cơ quan ngôn luận hay riêng tư qua địa chỉ điện thư này: chaulinhvu@yahoo.com.
VŨ LINH CHÂU – một người thờ Trời theo nghi thức Công Giáo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment