Cuộc đời có rất
nhiều cuộc thi, nhiều dạng và nhiều mức độ. Trong đời học sinh và sinh viên,
mỗi năm vài lần thi. Khi đi làm cũng có nhiều dạng thi. Nói chung, đời người có
rất nhiều cuộc thi, cả ở trường học và ở trường đời, cuộc thi nào cũng khó,
nhưng có lẽ khó nhất là thi ở trường đời.
Các cuộc thi được
tổ chức là để tìm kiếm các tác phẩm hay, chất lượng cao, và cũng là dịp phát
hiện các nhân tài, các tài năng thực sự. Xưa nay đều có rất nhiều cuộc thi, từ
nhỏ tới lớn, từ bình thường tới quan trọng, từ phạm vi nhỏ tới phạm vi lớn. Các
cuộc thi có thể có chủ đề tự do hoặc có chủ đề rõ ràng, số lượng có thể chỉ
được dự thi 1 bài, 2 bài, 5 bài, thậm chí là “ít nhất 50 bài” (như cuộc thi thơ
“Tác Phẩm Đầu Tay” được tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2015), hoặc không hạn
chế số lượng – tùy mỗi cuộc thi.
Về giải thưởng
cũng khác nhau. Có cuộc thi chỉ có MỘT giải, không có các giải khác; thường thì
có các giải I, II, III và khuyến khích, hoặc giải A, B và C và khuyến khích.
Trong cuộc thi có các thí sinh (người thi) và
ban giám khảo (người chấm thi). Vấn đề quan trọng là ban giám khảo, nghĩa là
phải có công tâm, phải khách quan và công bằng, không thể vì “quen biết” hoặc
bất cứ lý do nào khác. Đã gọi là cuộc thi thì phải minh bạch, không thể “phe
cánh,” tức là phải ngiêm túc áp dụng theo luật của Thiên Chúa, Đấng nhất mực
công minh và chính trực: “Thiên Chúa
không vị nể ai.” (Mt 22:16; Mc 12:14; 1 Pr 1:17)
Cụ thi hào Nguyễn Du so sánh: “Chữ Tâm kia mới
bằng ba chữ Tài.” Còn cụ Đồ Chiểu xác định: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không
khẳm – Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.” Điều đó cho thấy ai cũng phải có cái
Tâm, đặc biệt đối với những người sáng tác và người chấm thi. Lời nói dễ qua
tai (trừ trường hợp thu âm và thu hình), nhưng những gì viết ra thì có thể còn
hoài, giấy mực rõ ràng từng dấu chấm, dấu phẩy, ai cũng có thể đọc được tư
tưởng của người viết.
Việc gì cũng có nỗi khổ đặc trưng. Và “số
phận” của các tác phẩm cũng không ngoại trừ. Tác giả VIẾT được một bài đã là
khó, nhưng có LÁCH được hay không lại là chuyện khác, càng khó hơn!
CUỘC
THI ĐỜI THƯỜNG
Ngày xưa, thời
phong kiến, người ta tổ chức các kỳ thi Hương, thi Hội, và thi Đình.
1. Thi Hương là cuộc thi được tổ chức tại
các trường nhiều nơi (từ “hương” nghĩa là khu vực quê hương của người
thi). Nhưng không phải tỉnh nào cũng được tổ chức thi Hương. Trường thi chia ra
làm nhiều vùng. Ba bốn trấn hoặc tỉnh cùng thi ở một nơi. Theo quy định từ năm 1434,
thi Hương có 4 kỳ: kỳ I gồm kinh nghĩa và thư nghĩa; kỳ II gồm chiếu, chế,
biểu; kỳ III gồm thơ phú; kỳ IV gồm văn sách.
Thi qua ba kỳ thì
đỗ Tú Tài, trước năm 1828 gọi là Sinh Đồ, dân gian gọi là Ông Đồ hoặc Ông Tú.
Thông thường, mỗi khoa đỗ 72 người. Tuy là thi đỗ nhưng thường không được bổ
dụng. Nhiều người thi đi thi lại nhiều lần để cố đạt cho được học vị Cử Nhân.
Đỗ lần thứ nhất được gọi là Ông Tú, lần thứ hai vẫn đỗ Tú Tài thì gọi là Ông
Kép, lần thứ ba vẫn đỗ như thế thì gọi là Ông Mền.
Thi qua cả 4 kỳ
thì đỗ Cử Nhân, trước năm 1828 gọi là Hương Cống – Ông Cống, Ông Cử. Mỗi khoa
đỗ 32 người, được bổ dụng làm quan ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp trung ương, hoặc
được làm quan huyện, dần dần rồi mới thăng quan tiến chức. Người đỗ đầu gọi là
Giải Nguyên.
2. Thi Hội là khoa thi ba năm một lần ở cấp
trung ương do bộ Lễ tổ chức. Từ đời Lê Thánh Tông, thi Hương được tổ chức vào
các năm Tý, Ngọ, Mão, và Dậu; thi Hội vào năm sau là Sửu, Mùi, Thìn và Tuất
(dựa theo quy định thi cử của Trung Hoa). Khoa thi này được gọi là “Hội thi cử
nhân” hoặc “Hội thi cống sĩ”. Các cử nhân và cống sĩ là những người đã đỗ kỳ thi
Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi, do đó gọi là thi Hội.
3. Thi Đình là kỳ thi cao nhất, được tổ chức
ngay tại sân triều đình của nhà vua. Địa điểm thi là một cái nghè lớn, thế nên
người ta thường gọi những người vào ứng thí là các Ông Nghè. Nhà vua trực tiếp
ra đề thi. Sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm số,
chính nhà vua tự tay phê người nào đỗ. Người đỗ đầu gọi là Đình Nguyên.
Theo số điểm,
người đỗ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam Giáp:
– Bậc 3: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp (Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân – dân gian gọi
là Ông Tiến sĩ).
– Bậc 2: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp (Tiến Sĩ Xuất Thân, Hoàng Giáp – tức là
Ông Hoàng).
– Bậc 1: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp (Tiến Sĩ
Cập Đệ – gồm có ba thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam Khôi: Đứng đầu là Trạng
Nguyên (Ông Trạng), hạng nhì là Bảng Nhãn (Ông Bảng), hạng ba là Thám
Hoa (Ông Thám).
Khi chấm bài thi,
nếu chủ khảo (trong đó có cả vua) thấy người đậu thủ khoa không đạt được điểm
số tối thiểu để gọi là Trạng thì các khoa thi này sẽ không có Trạng Nguyên, thủ
khoa giữ cấp Đình Nguyên. Đó là trường hợp của Lê Quý Đôn, ông đỗ cao nhất
nhưng chỉ được cấp vị Đình Nguyên Bảng Nhãn.
Ngày nay, cũng có
các cuộc thi văn hóa tương tự – thi tú tài, cao đẳng, đại học,… Ngoài ra, còn
có những cuộc thi phổ biến khác – thi về thể thao, âm nhạc, thi ca, hội họa,
điêu khắc,… Các cuộc thi này có cả trong xã hội và tôn giáo. Các cuộc thi này
thường được tổ chức hằng năm, mỗi năm có hàng chục cuộc thi. Tôn giáo ít có các
cuộc thi này, nhưng vài năm gần đây, một số nơi đã và đang có các cuộc thi như
vậy – cả Công giáo và Tin lành.
Có những cuộc thi
thể hiện sự minh bạch ngay từ đầu: Không ghi tên tác giả hoặc bất cứ điều gì khác
vào tác phẩm dự thi, chỉ ghi một mã số tự chọn (ví dụ: X3591 hoặc U5482), và
phải dùng Font chữ Times New Roman, với size chữ 12. Có những cuộc thi rọc
phách, giám khảo không biết của ai. Mà cũng có thể chưa chắc đủ mức tin cậy, vì
ai làm chứng “không bị lộ”? Nhưng ít ra cũng có thể tạm tin. Thực tế cho thấy
đã có nhiều lần lộ đề thi trong những kỳ thi tuyển sinh (tốt nghiệp, cao đẳng,
đại học) tại Việt Nam đấy thôi!
Có những cuộc thi
không theo các quy tắc đó, và thường có “phe cánh” với nhau. Một số cuộc thi
văn thơ và nhạc của tôn giáo vẫn bị cái lỗi sơ đẳng này, dĩ nhiên đó là lỗi của
ban giám khảo. Thi viết về Chúa, Mẹ và các Thánh mà ban giám khảo lại không hề
có công tâm, nghĩa là thiếu minh bạch và không công bình. Nói thẳng ra là vẫn
“phe cánh”. Các cuộc thi như vậy, cả đời và đạo, không hề có giá trị đúng mức, chắc
chắn không có uy tín.
Có những cuộc thi
có số người dự thi nhiều, vài trăm hoặc xấp xỉ một ngàn. Trong đó chỉ chọn 10,
12 hoặc 15 giải thì giá trị về năng lực sẽ cao. Nhưng các cuộc thi chỉ 50, 30,
hoặc 20 người dự thi mà chọn 10 thì chắc chắn mức độ giá trị về năng lực giảm
rất nhiều. Nhân tài mà chưa chắc đã TÀI, thậm chí có thể là TAI. Giám khảo lại “phe
cánh” nữa thì quả là TAI thật – tai ách, tai ương, tai họa, nhân tai,... Dạng
này vẫn xảy ra (đã, đang, và sẽ) ở các cuộc thi, cuộc thi ngoài đời đã đành mà
cuộc thi trong đạo cũng chẳng hơn gì. Buồn biết bao!
Cuộc thi có thể
là cuộc thi lớn hoặc nhỏ. Ý nói “lớn” ở đây không phải là giá trị vật chất, mà
là uy tín và ở phạm vi rộng (toàn quốc hoặc quốc tế). Còn “nhỏ” là không uy tín
và ở phạm vi hẹp (nhóm, công ty, xã, huyện,…) chứ không lệ thuộc vật chất. Tỷ
lệ 1 đối 50 chắc chắn khó hơn 1 đối 10. Đó là một dạng “lớn.” Có những cuộc thi
“lớn” (uy tín và tầm cỡ quốc tế) nhưng giá trị vật chất lại không nhiều, nhưng
các cuộc thi như vậy vẫn thực sự “lớn.” Có những cuộc thi “lớn” cả về tầm cỡ,
cả về vật chất (toàn quốc và giải thưởng lên tới cả trăm triệu VNĐ). Và tất
nhiên, có những cuộc thi vừa nhỏ vừa keo, chẳng đáng gì mà “chảnh.” Dạng này ít
người dự thi, vậy những người đạt giải có xứng đáng là nhân tài hay không? Ngại...
trả lời ghê đi!
CUỘC THI TÂM LINH
Trong đời sống
tâm linh, cách riêng là trong đời sống Kitô hữu, chúng ta cũng vẫn có những
cuộc thi đầy cam go.
Thánh Phaolô đã
từng là “thí sinh” trong cuộc thi như vậy. Với kinh nghiệm dày dạn về thi cử,
ông muốn chân thật chia sẻ cho hậu thế: “Trong
cuộc chạy đua trên thao trường, tất
cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy
chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ
đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta
nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không
chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho
người khác, chính tôi lại bị loại.” (1
Cr 9:24-27) Cái vế sau giới từ “kẻo mà” mới đáng quan ngại! Chắc chắn cuộc thi
nào cũng gian nan, phải khổ luyện để có thể đấu trí, đấu tài và đấu sức.
Về cuộc thi tâm
linh, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên: “Anh
hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp
vì đức tin, giành cho được sự sống
đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói
lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng.” (1 Tm 6:12)
Thánh Phaolô dẫn
chứng cụ thể bằng cách đưa ra các hình ảnh cụ thể của đời thường: “Trong nghề binh, không ai vướng mắc vào
những việc thuộc đời sống dân sự; có thế mới đẹp lòng người đã tuyển mộ. Người
tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ. Còn người nông dân làm việc vất vả thì phải
là người đầu tiên được hưởng phần hoa lợi.” (2 Tm 2:4-6) Luật là quan
trọng, nhưng luật phải vì con người.
Ước gì mỗi chúng
ta khả dĩ nói được như Thánh Phaolô: “Tôi
đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,
đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững
niềm tin.” (2 Tm 4:7) Tuy
nhiên, chúng ta cũng cần cảnh giác với chính mình: “Đừng đi quá mức khi đánh
giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng
mức.” (Rm 12:3) Nghĩa là đừng ảo tưởng, và nếu có chút tài mọn thì cũng
đừng vênh váo, khinh người. Tội kiêu ngạo là đầu mối các tội khác, khủng khiếp
lắm!
Trong cuộc thi
tâm linh, ai cũng là thí sinh, vì thế mà “đừng đối xử thiên tư” (Gc 2:1) với
bất cứ ai. Tại sao? Vì “nếu anh em đối xử thiên tư thì anh em phạm một tội và
bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm.” (Gc 2:9) Lạy Chúa tôi!
Dù là thí sinh
hoặc giám khảo, đặc biệt là giám khảo, đu672ng quên điều này: “Thiên Chúa không thiên tư bất cứ ai.” (x. 1 Ga 4:7-10) Còn Thánh Phaolô xác
định: “Bất cứ ai trong anh em được thanh
tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn
ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl 3:27-28)
Là thí sinh tham
dự cuộc thi tâm linh, chúng ta hãy cùng nhau thầm nhủ như Thánh Phaolô: “Tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi
chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng
tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được
Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu.” (Pl 3:13-14)
VĨ
NGÔN
Về các tác phẩm ngoài đời (ca khúc, thơ,
truyện,…), mỗi thứ đều có “số phận” hẩm hiu nhất định. Thật lạ, theo kinh
nghiệm riêng, có những ca khúc tôi gởi cộng tác bình thường thì không được dùng
(có thể hiểu là “bị chê”), nhưng khi tôi gởi dự thi thì lại đoạt giải. Thật khó
hiểu! Tất nhiên, là con người thì không thể tránh khỏi “thất tình” (hỉ, nộ, ai,
lạc,…), nhưng cốt yếu phải làm sao đừng có định kiến. Cần lắm sự công tâm!
Trong một cuộc vận động sáng tác ca khúc, một
thành viên hội đồng sơ tuyển và chung tuyển đã nói một câu “xanh rờn” thế này: “Nhiều tác phẩm hay nhưng không được giải
cao vì phần thể hiện của ca sĩ trong bản ghi âm gửi ban tổ chức chưa đạt. Đây
là một trong những điều đáng tiếc thường gặp ở các cuộc sáng tác hiện nay.”
Một câu nói khiến nhiều người không đồng
tình, vì nói như vậy có nghĩa là ban giám khảo chưa đủ trình độ thẩm định một
ca khúc bằng cách “đọc nhạc” (xem bản nhạc). Đúng là “hết ý” luôn! Có một số ý
kiến thế này:
Quang Huy (truonglequanghuy@yahoo.com.vn):
“Theo tôi nghĩ, nếu đánh giá một ca khúc
hay, có chất lượng tốt cả về giai điệu và ca từ thì về phía ban giám khảo chỉ
đọc bản ký âm thì đã rõ. Xét về góc độ thu âm và phối khí đó chỉ là một phần
đưa tác phẩm thêm thăng hoa và nổi bật lên mà thôi. Theo tôi, để cho tất cả
những ai đam mê sáng tác và có thể tham dự các cuộc thi sáng tác lần sau, tôi
nghĩ ban giám khảo chỉ động viên nộp thêm phần demo thôi. Mục đích là để tạo
điều kiện cho những tác giả chưa có điều kiện thuê nhạc sĩ thu âm phối khí cho
đứa con tinh thần của mình, vừa là mang tính động viên cho tác giả.”
Quang Huy (gamhong09@yahoo.com): “Theo tôi nghĩ, nếu đánh giá tác phẩm hay
hoặc chưa chất lượng, điều quan trọng nhất đó là ca từ và giai điệu. Còn những
phần còn lại như hòa âm phối khí ca sĩ thể hiện đó chưa hẳn là quan trọng. Bởi
vì đây là cuộc thi sáng tác ca khúc... Tôi nghĩ chỉ cần ban giám khảo nhìn bản
ký âm thì đã biết tác phẩm đó có chất lượng về ca từ và giai điệu rồi. Theo ý
kiến cá nhân tôi, nếu lần sau tổ chức thì nên khuyến khích có bản demo thôi. Đó
cũng là dành cho những người có sáng tác hay mà chưa có điều kiện thu âm cũng
có thể tham gia.”
Trịnh Công Hoài (hoaitrinhkt@gmail.com): “Nhiều tác phẩm hay nhưng không được giải
cao vì phần thể hiện của ca sĩ trong bản ghi âm gửi ban tổ chức chưa đạt. Đây
là một trong những điều đáng tiếc thường gặp ở các cuộc sáng tác hiện nay”. Tôi
không đồng ý với ý kiến trên vì tôi nghĩ rằng những tác giả trẻ ở các tỉnh
thành không có cơ hội và điều kiện để tiếp xúc với những giọng ca phù hợp với
bài hát mà mình dự thi cuộc thi này là cuộc thi sáng tác ca khúc… chứ không
phải cuộc thi tiếng hát… thì tại sao vì giọng hát mà có thể cho cả bài hát là
không có chất lượng? Thật vô lý!”
Dục Tử xác định: “Biết đúng mà không theo là DỞ, biết sai mà không sửa là MÊ”. Không
công tâm là không thực hiện công lý và không hành động vì công ích. Giáo huấn
Xã hội Công giáo ghi: “Phải phục vụ công ích một cách đầy đủ, chứ không theo
những chủ trương giản lược mà một số dân tộc đưa ra nhằm lợi ích riêng cho
mình; trái lại, phải xây dựng công ích dựa trên một logic sẽ đưa người ta tới
chỗ chịu trách nhiệm nhiều hơn. Công ích là điều đáp ứng bản năng cao cả nhất
trong số các bản năng của con người, nhưng đó cũng là một giá trị rất khó thực
hiện vì đòi hỏi phải có năng lực và cố gắng liên tục trong việc mưu cầu ích lợi
cho người khác, như thể đó là ích lợi của bản thân mình.” (Tóm lược GHXHCG,
số 167, tr. 135)
Chuyện thi cử cũng có những điều “rắc rối.” Có những cuộc vận động sáng tác ca khúc mà buộc người dự thi phải kèm CD. Giám
khảo không thể “đọc nhạc” (xướng âm) sao mà phải chấm giải bằng cách nghe? Vậy
thì rất thiếu độ chính xác! Có những cuộc thi người ta nhìn tên tác giả mà
“định đoạt,” đây là kiểu tệ hại nhất.
Thuận ngôn, nghịch nhĩ. Sự thật luôn phũ
phàng. Người ta không thích “thuận ngôn” vì nó luôn gây “nghịch nhĩ.” Dám thay
đổi là một dạng can đảm. Ngành nghề nào cũng cần có “cái đức.” Ngành y gọi là y
đức. Còn nghề báo gọi là gì? Lâu nay người ta phê phán nhiều về chuyện y đức,
còn cái đức của nghề báo thì sao? Câu hỏi khó trả lời hay không muốn trả lời?
Chẳng hay gì những người xu nịnh, tâng bốc,
vì “giá áo, túi cơm” mà sẵn sàng đánh mất lương tri chính trực. Danh nhân W.
Goethe thẳng thắn nói: “Ai thẳng thắn với
bản thân và thẳng thắn với người khác thì bao giờ cũng có phẩm chất vô cùng quý
báu của những tài năng vĩ đại.”
Về cái tâm trong việc viết lách, nhà văn Nam
Cao khẳng định: “Cẩu thả trong mọi nghề
đều khốn nạn nhưng cẩu thả trong văn chương là khốn nạn nhất.” Vincent Van
Gogh cũng khẳng định: “Nghệ thuật không
nước đôi. Nghệ thuật không nửa vời. Nghệ thuật không san sẻ. Hoặc bạn là nghệ
sĩ, hoặc không. Đã làm nghệ thuật thì đừng tham vọng gì khác. Đã có tham vọng
gì khác thì thôi nghệ thuật.”
Đó là chuyện đời. Chuyện “nhà đạo” cũng không
khá hơn bao nhiêu! Có những báo in bài, mà báo in thì có bán và có doanh thu,
nhưng lại không hề nhắc gì tới “nhuận bút,” còn các website thì cũng đòi “độc
quyền” bài viết của tác giả nào đó. Những người viết bài về đạo là những người
“vô lương” (nghĩa là không có lương), ít nhiều gì cũng vì yêu mến Chúa mà rao
truyền về Chúa. Như vậy, nếu một bài đăng ở nhiều website, thiết tưởng là điều
tốt, vì số người đọc được bài đó sẽ nhiều hơn. Bởi lẽ có số người này “ưa”
website này, số người khác “thích” website khác, không hẳn họ có chung ý thích.
Chia sẻ trên nhiều website cũng là một cách “loan báo Tin Mừng khắp thế gian.”
(x. Mc 16:15) Vậy sao lại đòi “độc quyền”?
Năm 1976, bài hát “Mùa Xuân Đầu
Tiên” của Ns Văn Cao được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút 100
rúp. Ông phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó
lĩnh hộ. Ông nói thật với con gái: “Con
cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác
phẩm nào đâu.” Câu nói của ông nghe sao “chua chát” quá!
Thấy điều “trái tai gai mắt” mà không nói thì
người ta lấn lướt, đè đầu đè cổ, nhưng nói ra thì lại bị người ta
ghét. Quả thật, ngòi bút cũng có những “nỗi niềm khó nói” rất đặc trưng,
đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vậy!
Về các tác phẩm Công giáo, vấn đề xin cấp
Nihil Obstat và Imprimatur cũng vẫn là vấn đề nhiêu khê, nghĩa là cũng không
thoát khỏi lưới “phe cánh.” Quen thân khác, xa lạ khác. Buồn biết bao! Dạng này
không là thi nhưng có gì đó “dính líu” chuyện thi cử. Đã đành rằng con người
khó thoát khỏi ý riêng và thiên kiến, nhưng phải làm sao đừng quá đáng. Cần lắm
sự công tâm!
Về “nhà đạo,” làm gì người ta cũng đổ lỗi cho
Chúa: “Chúa sẽ trả công.” Thế là
xong! Chúa cũng bị oan. Như vậy có khác gì Philatô rửa tay để minh chứng mình
vô tội trong vụ án xét xử Đức Kitô? Sự thật quá phũ phàng! Như vậy làm gì có
công lý? Không có công lý sẽ không có hòa bình và nhân quyền, và chắc chắn còn
kéo theo các hệ lụy khác nữa…
Ước gì mỗi chúng ta luôn ghi nhớ lời Thánh
Phaolô: “Ai ăn ở bất công sẽ được trả theo điều bất công mình làm; không có chuyện thiên vị.” (Cl 3:25)
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment