Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

THỎA NIỀM KHAO KHÁT của CHÚA GIÊSU

Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện, chúng ta thường đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, nhất là những người đau khổ. Cầu nguyện buộc chúng ta trao chén nước cho người khát vì cầu nguyện là chúng ta chịu đựng cơn khát của Chúa Giêsu – Ngài khát khao cứu độ chúng ta. Theo cách này, cầu nguyện giúp chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi những người đau khổ, nhất là những người cần có niềm hy vọng. Nếu chúng ta nhạy bén với cơn khát của Đức Kitô, chúng ta có thể nhận ra mình rất đáng chịu đau khổ và giúp đỡ những người đau khổ để làm thỏa cơn khát của Chúa Giêsu.
Mẹ Thánh Teresa Calcutta tin rằng nhiều người bệnh và người đau khổ sẽ được thánh hóa mau hơn “nếu họ chịu đựng để làm thỏa cơn khát của Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu khát các linh hồn, thế nên khi bị treo trên Thánh Giá, Ngài đã phải thốt lên: “Tôi khát.” (Ga 19:28) Mẹ Teresa đã ghi lời này của Chúa Giêsu gần bên Thánh Giá tại các nhà nguyện của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái (Missionaries of Charity). Khi tôi cầu nguyện tại một trong các nhà nguyện đó, lời Chúa Giêsu không chỉ nhắc nhở tôi, mà còn sửa dạy cho lòng tôi nhói đau, khiển trách tôi về sự uể oải và hờ hững của tôi. Bằng nhiều cách, lời Chúa Giêsu cho tôi hiểu mục đích thánh thiện của Mẹ Teresa và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái. Mẹ Teresa cũng muốn các nữ tu phục vụ hết mình, nhất là đối với những người bệnh nặng và những người hấp hối.
Điều đó có ý nghĩa gì đối với những người bệnh và những người đau khổ để được thánh hóa? Khi chúng ta chịu đau khổ để thỏa cơn khát của Chúa Giêsu, chúng ta dành chỗ để Thiên Chúa hành động theo cách mới trong cuộc đời chúng ta và cuộc đời người khác. Thật vậy, Bí tích Xức dầu Bệnh nhân hiệu quả trong đời sống của những bệnh nhân, trong sự yếu đuối và cô đơn của họ, họ được tham dự mầu nhiệm Thập Giá, nơi có sự thân mật nhất với Đức Kitô. Đó là nơi Thiên Chúa cho phép các linh hồn đau khổ được mở rộng mầu nhiệm cứu độ của Ngài qua sự đau khổ của họ, cả không gian và thời gian, tới mức mà họ chịu đựng sự yếu đuối bằng đức tin và đức ái để vinh danh Ngài. Chính đức tin và đức ái biến chuyển đau khổ thành vẻ đẹp dành cho Thiên Chúa để rồi đau khổ sẽ mặc khải sự thánh thiện của Thiên Chúa ngay trên thế gian này.
Ngày nay, tại các bệnh viện và các nhà tế bần, đôi khi ngay tại gia đình, vẫn có những người đau khổ cùng cực và vô vọng. Đôi khi họ chịu cám dỗ đến tuyệt vọng mặc dù họ vẫn yêu mến Chúa và muốn nên thánh. Nếu hiểu được mầu nhiệm của lời Chúa Giêsu kêu “khát” thì chúng ta sẽ yêu thương tha nhân bằng cách trao cho họ chén nước hy vọng để họ có thể hy sinh và kết hiệp với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm đau khổ.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ SpiritualDirection.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment