Sau lễ Giáng Sinh, còn trong Tuần Bát Nhật, âm hưởng Giáng Sinh vẫn vang vọng, Giáo hội mừng kính lễ Thánh Gia. Đó là một Gia Đình Thánh, mẫu gương của các gia đình, mẫu gương của mỗi thành phần trong ba thành phần chính của một gia đình: Cha, mẹ, và con cái. Cả ba thành phần đó tạo nên một chiếc-kiềng-ba-chân khả dĩ đứng vững trước mọi nghịch cảnh cuộc đời.
Con Thiên Chúa đã sinh trong một gia đình, điều đó
chứng tỏ gia đình quan trọng lắm. Gia đình là một cộng đồng nhỏ, gồm những
người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn
nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình
có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến xã hội, vì gia đình là “tế bào gốc” của xã
hội – và Giáo Hội.
Nữ phi công Hoa Kỳ Amelia Mary Earhart (1897-1937)
nhận xét: “Người ta càng làm nhiều, thấy
nhiều và cảm nhận nhiều, người ta càng có thể làm được nhiều, và càng biết đánh
giá chân thực về những điều cơ bản như gia đình, tình yêu và thấu hiểu sự đồng
hành.” Nữ tác giả Karen Armstrong (sinh năm 1944, Anh quốc) nhận định: “Gia đình là trường học của lòng khoan
dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác.”
Vâng, gia đình là Bến Bình An của mỗi chúng ta.
Còn Kinh Thánh xác định: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ
cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn
vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người
đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân.” (Hc 3:3-7) Cha mẹ quan
trọng vì là những người đại diện Thiên Chúa để dưỡng dục con cái. Ai cũng chỉ
có một gia đình. Người ta có thể tự chọn nhiều thứ, nhưng không ai có thể chọn
cha mẹ và gia đình. Cha và mẹ đều có một vị trí quan trọng riêng, không thể
thay thế, nhưng người mẹ luôn gần gũi và ảnh hưởng tới con cái nhiều. Bạn có
thể lừa vài người trong mọi lần, và bạn có thể lừa mọi người trong vài lần, nhưng
bạn không thể lừa mẹ.
Hiếu kính cha mẹ là bổn phận của con cái, nhưng Thiên
Chúa coi đó là “công trạng” của con cái: “Vì
lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho
con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến
tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời.” (Hc 3:14-15) Ngược lại, bất hiếu
là trọng tội, tất nhiên Thiên Chúa sẽ trừng trị: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ
bị Đức Chúa nguyền rủa. Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,
thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.” (Hc 3:16-17)
Kinh Phật có câu rất chí lý: “Tột cùng thiện không gì bằng có hiếu, tột cùng ác không gì bằng bất
hiếu.” Vậy mà trong thực tế đời thường, chúng ta vẫn thấy có những nghịch
tử dám hành hạ cha mẹ mình, thậm chí là sát hại cha mẹ mình. Thật là khủng
khiếp! Tục ngữ ví von giản dị mà thâm thúy: “Có
cha, có mẹ thì hơn / Không cha, không mẹ như đờn đứt dây.” Đờn đứt dây còn
nối lại được, cha mẹ mất rồi thì con mãi mãi mồ côi, không gì có thể khỏa lấp.
Mồ côi tội lắm, người ơi!
Tuy nhiên, dù muốn hay không thì rồi ai cũng có một lúc
nào đó sẽ thấm thía cảm giác mồ côi. Cảm giác đó càng mạnh nếu bị mồ côi khi
còn nhỏ tuổi.
Gia đình là tế bào yêu thương, cần thiết để nuôi dưỡng
cuộc sống và tạo nên Tổ Ấm thực sự. Có thể nói được rằng mọi thứ khởi đầu từ
gia đình. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Hạnh
phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn
làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.” (Tv 128:1-2) Gia
đình như cây cối, mỗi thành viên là những rễ nuôi cả thân cây. Thân cây có
những cành và lá – đó cũng chính là mỗi thành viên gia đình: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào
cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn
ăn.” (Tv 128:3) Mọi thứ được thể hiện rõ nét tại bàn ăn, vì thế mà bữa ăn
rất quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình. Với các Kitô hữu còn có một “bàn
tiệc” khác còn quan trọng hơn: Bàn tiệc Lời Chúa. Đó là những giờ kinh trong
gia đình, thường là giờ kinh tối, trước khi đi ngủ.
Hạnh phúc gia đình là gì? Đó chính là hồng ân của
Thiên Chúa, là “phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.” (Tv 128:4) Tất cả đều
là hồng ân, đúng như Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Đây là lời cầu
chúc quan trọng đối với mọi người: “Xin
Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn
được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.” (Tv 128:5-6)
Quả thật, gia đình quan trọng như tế bào gốc vậy!
Tại sao tế bào quan trọng? Vì tế bào là đơn vị cấu tạo cơ
bản của sự sống. Cơ thể con người có hàng nghìn tỷ tế bào. Chúng giúp cơ
thể tạo dưỡng chất từ thức ăn, chuyển hóa dưỡng chất thành năng lượng, và đem
lại các chức năng đặc biệt. Tế bào còn chứa nguyên liệu di truyền và khả dĩ tự
tạo nhiều bản sao từ chính chúng.
Tế bào gồm nhiều phần, mỗi phần có chức năng khác
nhau. Một số gọi là “bào quan,” tức là những cấu trúc chuyên dụng thực hiện
những nhiệm vụ nhất định bên trong tế bào. Hai bào quan lysosome và peroxisome là
trung tâm tái tạo của tế bào. Chúng tiêu hủy vi khuẩn lạ xâm nhập tế bào, giải
phóng tế bào khỏi chất độc, và tái tạo những thành phần tế bào bị hư hỏng.
Ribosome là bào quan hoàn thiện các cấu trúc di truyền của tế bào để tạo
protein. Bào quan này có thể di chuyển tự do trong tế bào chất hoặc liên kết
thụ động với mạng lưới nội chất. Chỉ biết sơ sơ vậy cũng đủ thấy tế bào quan
trọng thật!
Tế bào khỏe thì cơ thể mới mạnh, tế bào yếu thì cơ thể
đuối, và khiến tinh thần cũng suy nhược. Tế bào đột biến, phát triển không theo
quy trình tự nhiên, có thể gây ung thư và dẫn tới cái chết sớm!
Gia đình Công giáo không chỉ là “tế bào gốc” mà còn là
“tế bào thánh,” vì mọi thứ của gia đình đều được dâng kính lên Thiên Chúa. Thánh
Phaolô nói: “Anh em là những người được
Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.” (Cl 3:12a) Và cũng vì thế,
chúng ta phải có trách nhiệm lẫn nhau: “Anh
em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu
đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người
kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho
nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết
tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong
một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy,
anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3:12b-15)
Thánh Phaolô có điều ước dành cho mọi người: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật
dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan.
Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài
thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói
gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.”
(Cl 3:16-17) Nhiều lần Thánh Phaolô đã đề cập tâm tình tạ ơn. Vâng việc tạ
ơn quan trọng, không phải lời tạ ơn của chúng ta thêm gì cho Chúa nhưng sinh
ích lợi cho chính phần rỗi của chúng ta.
Về bổn phận vợ chồng với nhau, Thánh Phaolô khuyên: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế
mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng
cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều
đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã
lòng.” (Cl 3:18-21)
Trong Ep 5:21-28, Thánh Phaolô nói về “gia đình sống
đạo” và tiếp tục nhấn mạnh việc vợ chồng tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức
Kitô: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng
như tùng phục Chúa, người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu
thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, chồng phải yêu vợ như yêu chính
thân thể mình, yêu vợ là yêu chính mình.”
Con Thiên Chúa đã sinh trong một gia đình, và Ngài
cũng giữ luật như mọi người. Trình thuật Lc 2:22-40 cho biết: Khi đã đến ngày
lễ thanh tẩy (lễ tẩy trần) của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse
đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của
thánh, dành cho Chúa.” Đồng thời cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền,
là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông
là người công chính và sùng đạo, ông luôn mong chờ niềm an ủi của Israel, và
Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông
sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần
Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.
Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn
tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và
chúc tụng Thiên Chúa bằng Bài ca “An Bình Ra Đi” (Nunc dimittis): “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa
đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang
của Israel Dân Ngài.” Ông đã thỏa nguyện và mãn nhãn, ông không mong gì ở
đời này nữa. Khi đã cảm nhận được Thiên Chúa, người ta không cần gì khác ngoài
Thiên Chúa. Ông Simêôn thật diễm phúc biết bao!
Đức Maria và Đức Giuse rất ngạc nhiên vì những lời ông
Simêôn vừa nói về Hài Nhi Giêsu. Ông Simêôn chúc phúc cho hai người, rồi nói
với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé
này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu
hiệu cho người đời chống báng. Và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người
sẽ lộ ra. Còn chính Cô, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Cô.” Một lời tiên
tri rất lạ!
Thánh sử Luca cho biết thêm rằng cũng có một nữ ngôn
sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase, đã nhiều tuổi lắm. Từ khi
xuất giá, bà đã sống với chồng được 7 năm, rồi ở góa, đến nay đã 84 tuổi. Bà
không rời bỏ Đền Thờ, luôn ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.
Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và cũng nói về Hài Nhi
cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Một thời
điểm lịch sử đáng ghi nhớ. Lời tiên tri hàng ngàn năm trước giờ đây đã ứng
nghiệm, Hài Nhi này đúng là Đấng Cứu Độ rồi.
Sau khi làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, Đức
Maria và Đức Giuse đưa Con Trẻ trở về nơi cư ngụ ở thành Nadarét, miền Galilê. Kinh
Thánh cho biết điều đặc biệt: “Hài Nhi
ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng
Thiên Chúa.” Chúng ta cảm thấy xấu hổ vì càng thêm tuổi, có thể thêm “khôn”
mà chưa “ngoan” thực sự, có thể thêm khôn ngoan về trần tục nhưng chưa chắc
khôn ngoan về Đức Tin.
Lạy Thiên
Chúa, xin giúp chúng con biết chăm sóc và bảo vệ Tế Bào Gia Đình phát triển
theo định hướng của Ngài, nhờ đó mà xã hội và Giáo Hội cũng phát triển tốt lành
theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ
duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment