Mùa Vọng khởi đầu Năm Phụng Vụ mới, ngày Tết Phụng Vụ của Giáo hội. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nhắn: “Hãy coi chừng!” Đó là lời cảnh báo về điều gì đó nghiêm trọng, đặc biệt là điều có thể nguy hại đến tính mạng. Hằng ngày, chúng ta có rất nhiều thứ phải coi chừng, thậm chí từng phút, từng giây. Coi chừng không chỉ về thể lý mà cả về tinh thần và tâm linh – từ điều lớn tới điều nhỏ. Mọi nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào!
Thật vậy, hãy cẩn thận với suy
nghĩ, vì nó có thể biến thành lời
nói; hãy cẩn thận với lời nói, vì nó có thể biến thành hành động; hãy cẩn thận với hành động, vì nó có thể biến thành thói quen; hãy cẩn thận với thói quen,
vì nó có thể biến thành tính cách;
hãy cẩn thận với tính cách, vì nó có thể biến thành số phận. Một chuỗi liên kết rất lô-gích!
Chúng ta biết rằng Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị mừng đón Con Thiên
Chúa giáng sinh làm người. Việc chuẩn bị này được tìm thấy trong sách ghi chép
về Công nghị Saragossa, ở Tây Ban Nha năm 380 (sau Công Nguyên). Công hội này
tuyên bố các Kitô hữu đã rửa tội nên có mặt ở nhà thờ từ 17/12 đến 25/12, thời
gian này không là Mùa Vọng trọn vẹn nhưng là một sự khởi đầu. Các Giáo hội Đông
phương bắt đầu cử hành Mùa Vọng từ thế kỷ VIII như thời gian “ăn chay nghiêm
nhặt và kiêng khem” – việc thực hành này vẫn phổ biến trong Chính Thống giáo
Đông phương (Eastern Orthodoxy). Việc thực hành này cũng phản ánh tính tương tự
với Mùa Chay. Màu đỏ là màu phụng vụ của Mùa Vọng trong các Giáo hội Đông
phương, còn với Công giáo là màu tím.
Cả cuộc đời chúng ta trên đường lữ hành trần gian là Mùa Vọng kéo dài,
luôn phải tỉnh thức, như Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em,
như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8) Tỉnh thức là biết
mong chờ và sẵn sàng. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Hồn tôi trông đợi Chúa Trời, còn hơn lính gác mong trời hừng đông. Bởi
Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.” (Tv 130:6-7)
Trong cuộc sống đời thường, kể cả tinh thần, chúng ta luôn có nhiều mơ
ước, và mong chờ kết quả mỹ mãn. Dù chúng ta có đạt được ước vọng cháy bỏng nào
đó, rồi cũng qua. Chỉ có Thiên Chúa mới là niềm vui trọn vẹn và vĩnh cửu. Ngôn
sứ Isaia đã kêu lên: “Quả chính Ngài là
Cha chúng con! Chúng con không được ông Ápraham biết đến, không được ông Israel
nhìn nhận, còn Ngài, lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng
con: đó là danh Ngài từ muôn thuở. Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con
lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng
còn biết kính sợ Ngài? Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia
nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại.” (Is 63:16-17)
Hai người yêu nhau không muốn xa nhau một khoảnh khắc nào, xa nhau một
ngày mà cứ tưởng lâu lắm. Đứa bé không muốn rời tay mẹ dù chỉ trong chốc lát,
vắng mẹ một lúc thì đứa bé đã khóc. Còn với Thiên Chúa, chúng ta còn cần Ngài
hơn như vậy, nhất là những khi chúng ta bất xứng: “Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không
còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non
rung chuyển trước Thánh Nhan.” (Is 63:19)
Thiên Chúa xuất hiện khiến mọi thứ biến đổi: “Khi thấy Ngài làm những điều kinh hồn táng đởm mà chúng con không ngờ:
Ngài ngự xuống: và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan! Người ta chưa nghe nói
đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra,
đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình.” (Is 64:2-3) Thiên Chúa
quá đỗi kỳ diệu, vô hình mà hiện hữu, hữu hình mà không thể nhìn thấy. Cách
hành động của Ngài cũng không thể dự đoán. Có những điều trái ngược ý muốn của
chúng ta nhưng thực sự là Ý Chúa, vì Ngài biết trước mọi sự và Ngài thực hiện
để cho chúng ta được ích lợi nhất.
Sách Isaia cho biết: “Ngài đón
gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui và nhớ đến Ngài khi theo đường lối
Ngài chỉ dạy. Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con, nhưng khi mải đi theo các
đường lối của Ngài, chúng con sẽ được cứu thoát. Tất cả chúng con đã trở nên
như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả
chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn
chúng con đi. Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy
Ngài, vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến, và để cho tội ác chúng con phạm mặc
sức hành hạ chúng con.” (Is 64:2-6) Thiên Chúa có phương pháp giáo dục rất
độc đáo, khác hẳn kiểu của phàm nhân. Ngài không chỉ vẽ cặn kẽ theo kiểu “nói
toạc móng heo,” nhưng khéo léo làm cho chúng ta “sáng mắt” bằng cách để chúng
ta tự ý thức mà tự nguyện đón nhận Ngài. Thế đấy! Tại sao? Kinh Thánh “mách
nước” cho chúng ta biết: “Ngài là Cha
chúng con; chúng con là đất sét, còn
thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.” (Is 64:2-7)
Quả thật, Thiên Chúa là Nghệ Sĩ siêu phi thường!
Chắc chắn không có niềm khao khát mong chờ bằng khao khát Thiên Chúa.
Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về niềm khao khát cháy bỏng: “Lạy Mục Tử nhà Israel, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! Ngài là Đấng ngự trên
các thần hộ giá, xin giãi sáng hiển
linh cho dòng dõi Épraim, Bengiamin và Mơnase được thấy. Xin khơi dậy uy dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ.” (Tv 80:2-3)
Thiên Chúa là Đấng siêu phàm, vắng Ngài chỉ trong tích tắc là chúng ta
tiêu tan ngay: “Chúa ẩn mặt đi, chúng
rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên.” (Tv 104:29-30)
Biết chắc như vậy, tác giả Thánh Vịnh luôn mong chờ Thiên Chúa đến và luôn tha
thiết cầu xin: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin
trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo
vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh.” (Tv
80:15-16)
Cá lớn nuốt cá bé, cuộc đời cũng luôn có những điều bất công, chỉ khổ
cho những người ngước đầu không nổi vì thấp cổ, la lớn không nổi vì bé miệng,
có la khàn giọng cũng chẳng ai thèm nghe. Không chỉ vậy, họ còn bị những người
có quyền lực đè đầu, bóp cổ và bịt miệng. Họ bị tước mất quyền căn bản nhất của
con người: Quyền sống. Và họ chỉ còn biết trông cậy vào Thiên Chúa: “Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh. Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống, để
chúng con xưng tụng danh Ngài.” (Tv 80:18-19)
Chúng ta cũng đã từng bị như vậy, cách này hoặc cách khác, cả đời lẫn
đạo. Đặc biệt là chúng ta bị thế lực bóng tối ma quỷ chèn ép. Thánh Phaolô bày
tỏ với cộng đoàn Côrintô: “Xin Thiên Chúa
là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi
hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi
Đức Kitô Giêsu.” (1 Cr 1:3-4)
Thánh Phaolô không chỉ nói đến khoảng mong chờ của Mùa Vọng, mà mạnh mẽ
đề cập cuộc tái lâm của Thiên Vương Giêsu Kitô: “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu
biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững
chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không
thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có
thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thiên
Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của
Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Cr 1:6-9)
Ngày đó không ai biết lúc nào, thuộc tương lai xa hay gần, vì thế mà
chúng ta phải luôn canh thức và trông mong, tức là phải luôn “coi chừng” – coi
chừng tiên tri giả, coi chừng những kẻ lừa bịp, coi chừng những tà thuyết, coi
chừng những kẻ phản Kitô, coi chừng các tin đồn nhảm, cẩn thận với các “sự
lạ,”… Đúng như tiền nhân nói: “Cẩn tắc vô
ưu.” Đồng thời chúng ta phải quyết tâm: “Dù
ai nói ngả nói nghiêng, tôi đây vẫn vững như kiềng ba chân.” Hãy vững tin
vào những điều Chúa Giêsu đã dạy!
Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Máccô ngắn gọn nhưng súc tích. Chúa
Giêsu mạnh mẽ cảnh báo: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào
thời ấy đến.” (Mc 13:33) Ngài dùng hình ảnh cụ thể đời thường: “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà
lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra
lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.”
(Mc 13:34) Rồi Ngài căn dặn: “Vậy anh
em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối
hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ
ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây,
Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải
canh thức!” (Mc 13:35-37)
Chỉ một đoạn văn ngắn mà có tới 4 từ “canh thức,” 1 từ “coi chừng” và 1
từ “tỉnh thức.” Tất cả đều ở thể mệnh lệnh cách: PHẢI. Điều đó cho thấy sự cấp
bách của việc tỉnh thức mong chờ Đức Giêsu Kitô. Lá vàng hoặc xanh cũng có thể rụng
bất cứ lúc nào. Thời gian rụng cũng không ai biết: Sáng sớm, trưa, chiều, tối,
khuya hoặc nửa đêm về sáng. Thực tế này quá rõ ràng, ai cũng biết.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp
chúng con biết tỉnh thức mà mong chờ Ngài đến bất cứ lúc nào. Xin canh giữ
chúng con trước mọi mánh khóe của cuộc đời này. Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa, xin
mau đến giải thoát chúng con. Người là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa
Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Giao thừa Xuân Cứu Độ – 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment