Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

LUẬT THIỆN HẢO

Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ và ban hành luật pháp. Tác giả Thánh Vịnh cho biết kinh nghiệm: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19:8). Thánh Phaolô so sánh rất mạnh và độc đáo: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25). Phải thực sự có niềm tin vào Đức Kitô mới khả dĩ hiểu được lập luận này.
Công giáo mệnh danh là Đạo Yêu Thương, có luật gồm 10 điều khoản – gọi là Mười Điều Răn. Cả 10 điều trong Thánh Luật của Thiên Chúa đều liên quan tình yêu – đối với Thiên Chúa (đối thần) và đối với tha nhân (đối nhân). Mười điều nhưng tóm lại chỉ là hai điều: Mến Chúa và yêu người. Hai điều khoản ấy “rút gọn” chỉ còn một điều: YÊU. Nói ngắn gọn cho dễ hiểu và dễ nhớ: Luật Yêu, hoặc Luật Tình. Nói theo ngôn ngữ ngày nay là Luật hai-trong-một.
Ngoài Mười Điều Răn do Thiên Chúa ban qua Môi-sê, Giáo hội còn có Năm Điều Răn. Cả 15 điều đều đồng quy về chữ YÊU. Trong Mười Điều Răn, ba điều trước là trách nhiệm đối với Thiên Chúa, bảy điều sau là bổn phận đối với mọi người. Có lẽ Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết điều này: “Yêu người khó lắm”. Và Ngài muốn chúng ta thể hiện chi tiết đối với nhau, từ suy nghĩ tới lời nói, rồi biến thành việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê so sánh: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:17 và 26). Còn Thánh Gioan gọi những người đó là “kẻ nói dối” (x. 1 Ga 2:4; 1 Ga 4:20). Yêu thương liên quan công lý.
Chỉ một chữ YÊU, rất ngắn gọn, không còn ngắn hơn được nữa, nhưng “xòe” chữ Yêu đó ra theo hình cánh quạt thì lại vô cùng bao la. Chữ Yêu đó “viết” theo dạng tương tự chữ Thập – Thập Giá. Yêu là Thập Giá, là chịu mọi đau khổ. Thánh Vincent de Paul đặt vấn đề: “Tôi yêu mến Chúa chưa đủ nếu tha nhân của tôi chưa yêu mến Ngài”. Người khác chưa thực sự yêu mến Chúa cũng có phần do lỗi của chúng ta, vì “tấm gương” của chúng ta chưa đủ lớn và chưa đủ sáng để người khác có thể soi vào! Chúa Giêsu “nhắc khéo” qua lời chúc: “Phúc thay kẻ lắng nghetuân giữ lời Thiên Chúa!” (Lc 11:28). Phúc này còn quan trọng hơn cả việc Đức Mẹ được cưu mang và cho Con Thiên Chúa bú mớm. Có yêu mến Thiên Chúa thì mới “lắng nghe và tuân giữ” lời Thiên Chúa.
Như đã nói, chữ Yêu tương quan chữ Thập. Chữ Thập có bốn hướng: Hướng lên trời là hướng đến với Thiên Chúa, hai hướng ngang là các hướng đến với tha nhân (cả người trên và dưới, lớn và nhỏ, sang và hèn, giàu và nghèo, giỏi và dốt,...), và hướng đến với các linh hồn. Tuyệt vời biết bao! Cũng vậy, chữ Yêu bắt đầu bằng mẫu tự Y, giống như một người đứng dang rộng đôi tay. Chỉ những ai có lòng yêu thương thực sự, biết động lòng trắc ẩn người khác, biết thương xót tha nhân thì mới có thể dang rộng vòng tay như vậy. Không ai có thể giả bộ được. Thiên Chúa đã quan phòng và tiền định cho Việt ngữ có dạng độc đáo lắm!
Luật vị nhân sinh. Luật vì con người, nghĩa là luật có sau con người. Tuy có trước luật, nhưng con người lộng hành, thế nên cần có luật để chấn chỉnh, luật như chiếc hàm thiếc kiềm chế ngựa chứng. Đất nước nào cũng có hiến pháp, quốc gia nào cũng có quốc pháp, nhà nào cũng có gia phong, dù chỉ một nhóm nhỏ cũng có luật, chí ít cũng là nội quy. Kitô giáo có Mười Điều Răn là Hiến Pháp Nước Trời. Thánh Phaolô nói: “Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin” (Gl 3:24).
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa truyền nghiêm luật: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút” (Xh 22:20-23).
Luật pháp phải bao hàm tình yêu thương, quyết bảo vệ và nâng đỡ người “nhỏ bé”, nhưng phải trừng phạt kẻ “lớn” mà ngông cuồng, hống hách. Luật pháp không thể theo kiểu “luật rừng”, mà phải nghiêm minh như quân luật: Quân pháp bất vị thân. Nói đầy đủ là: “Pháp bất vị thân, nghĩa bất dung tình” – nghĩa là Pháp Luật KHÔNG được thiên vị mà bênh vực người thân, và Nghĩa Lý KHÔNG được bao che bất cứ ai vì tình cảm. Không dễ đâu đấy! Ai làm được vậy mới đáng tâm phục khẩu phục, là đại nhân, là quân tử, là người thẳng thắn giống Đức Giêsu Kitô.
Luật Chúa rạch ròi đến từng chi tiết: “Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ” (Xh 22:24-26). Thiên Chúa là Đấng luôn chạnh lòng thương người thấp cổ bé miệng nên Luật của Ngài là Công Luật, là Thiên Luật, là Thánh Luật, chứa đầy Lòng Thương Xót. Quả thật, Luật Chúa là luật thiện hảo vô cùng!
Được sống trong luật thiện hảo như vậy thì thật hạnh phúc. Vì thế, tác giả Thánh Vịnh phải thốt lên: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con. Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ” (Tv 18:2-3). Tác giả Thánh Vịnh xác nhận và chia sẻ: “Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù” (Tv 18:4).
Chúng ta cũng đã và đang nhận lãnh biết bao hồng ân của Thiên Chúa, nhưng chúng ta thường quên tạ ơn. Hãy cùng tác giả Thánh Vịnh xưng tụng Ngài khi chúng ta xác tín: “Đức Chúa vạn vạn tuế! Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn. Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi, là Thượng Đế giúp tôi rửa sạch hận thù, bắt chư dân quy phục quyền tôi” (Tv 18:47-48). Nhờ đó, chắc chắn Thiên Chúa lập tức quên hết tội lỗi của chúng ta và âu yếm ôm chúng ta vào lòng, cho chúng ta cư ngụ trong Thánh Tâm Ngài.
Thánh Phaolô chia sẻ tâm sự: “Khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em; còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban: bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Makêđônia và miền Akhaia” (1 Tx 1:5-7). Ước gì chúng ta luôn có thể nói với nhau như vậy, nhất là những người có chức có quyền, đừng ỷ thế cậy quyền mà “tự làm luật” (vừa “mới” vừa “lạ”) để rồi làm khổ người khác. Có “quyền” thì đừng “hành” người khác, mà phải phục vụ mới đúng luật (x. Mt 20:26-28; Mc 10:43-45).
Thánh Phaolô bộc bạch thêm: “Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật, và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giêsu, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến” (1 Tx 1:9-10). Vâng, được như vậy thì chẳng cần nói thêm gì nữa, như Thánh Phaolô cũng đã xác nhận trước đó: “Chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa” (1 Tx 1:8).
Trình thuật Tin Mừng hôm nay (Mt 22:34-40) nói về “điều răn trọng nhất” (tương tự Mc 12:28-34 và Lc 10:25-28) liên quan chữ YÊU. Tin Mừng ngắn gọn nhưng súc tích, làm nổi bật chữ YÊU.
Một hôm, khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, những người Pharisêu họp nhau lại – nhóm này “không tin có sự sống lại” nên chuyên tìm cách “gài bẫy” Chúa Giêsu nhiều lần mà không được. Lần này, có một người thông luật trong nhóm hỏi để thử Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Đức Giêsu thản nhiên đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”. Kinh Thánh không cho biết sau đó thế nào, nhưng chắc chắn là nhóm Xa-đốc đành cắn răng và ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi!
Nói đi nói lại, nói tới nói lui, nói trước nói sau, nói ngang nói dọc,... nói kiểu nào hoặc theo hướng nào thì cũng chỉ để “diễn giải” chữ YÊU mà thôi. Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16) nên luật của Ngài là Luật Yêu. Chúng ta chấp nhận theo Đức Kitô thì phải “giữ trọn vẹn lề luật” (Gl 5:3). Đó là lẽ tất nhiên, không yêu không được. Tại sao? Thánh Gioan cho biết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Thánh Phaolô giải thích và kết luận: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13:10).
Liên quan Luật Yêu, Thánh Bênađô nói: “Lý do yêu mến Thiên Chúa thì nên vì Thiên Chúa, mà mức độ yêu mến Thiên Chúa chính là không có mức độ. Mức độ yêu là “yêu vô hạn” – không tính toán, không so đo, không phân bì, yêu như điên. Các thánh đều đã yêu “tới bến” và hóa điên rồ vì yêu Đức Kitô, vì các ngài biết chắc rằng Thiên Chúa không thể ngừng yêu thương. Muốn làm thánh, chúng ta cũng phải có “máu yêu” như vậy. Chỉ có các Kitô hữu “chính hiệu” mới có loại máu Y – loại máu này y học không hề biết vì không đủ trình độ để phát hiện.
Quả thật, còn hơn là sự liên tục của hơi thở giúp bảo vệ sự sống, Thiên Chúa không thể ngừng yêu. Thánh Tiến sĩ Tommaso d’Aquino (Tôma Aquinô) xác định: “Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta, khi chúng ta cho là mình cô độc thì Thiên Chúa vẫn ở bên chúng ta”.
Lạy Thiên Chúa, xin thương giúp chúng con chân nhận Ngài là Thiên Chúa duy nhất giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con khả dĩ nhận biết chính mình để chúng con yêu mến Ngài hết lòng và yêu thương tha nhân thật lòng, bằng cả con người của chúng con. Xin hướng dẫn chúng con đi theo Đường Chân Lý của Ngài (Tv 25:5). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment