Friday, September 11, 2015

VẤN ĐỀ CANH TÂN ĐẶC SỦNG VỚI “ƠN TÉ NGÃ & NÓI TIẾNG LẠ”

Tôi đã viết ít là 4 bài về vấn đề này. Nhưng gần đây qua những emails ở đâu gửi đến, tôi nhận thấy có người vẫn chưa phân biệt thế nào là cầu xin ơn Thánh Linh và thế nào là xúc phạm đến Chúa Thánh Thần.
Phải nói như vậy vì dường như hễ ai tỏ ý không tin hay phê bình về những hiện tượng “té ngã”và “nói tiếng lạ” trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh chữa lành, thì đều bị coi là chống đối hay đả phá Phong Trào Thánh Linh và xúc phạm đến Chúa Thánh Thần!
Ô hay, lý trí khách quan để đâu mà người ta lại suy luận và kết luận cách hàm hồ, độc đoán, và sai lạc hoàn toàn như vậy?
Chính vì sự kiện này mà tôi thấy cần nói thêm một lần nữa về những hiện tượng mà người ta gán cho Chúa Thánh Linh đã làm trong những buổi cầu nguyện chữa lành khiến có người “té ngã và nói tiếng lạ”vì tin rằng những người này đã được ơn Thánh Linh !!!
Nhưng, trước hết, tôi xin nói lại một lần nữa ở đây là việc cầu xin ơn Chúa Thánh Linh là việc đạo đức rất cần thiết và vô cùng quan trọng phải làm đối với toàn thể Giáo Hội nói chung và mọi cá nhân người tín hữu nói riêng. Sở dĩ thế, vì nều không có ơn Chúa Thánh Thần thì Giáo Hội không thể lớn lên được trong niềm tin vào Chúa Kitô cũng như chu toàn được sứ mệnh mà Chúa đã trao phó cho các Tông Đồ trước tiên và cho Giáo Hội từ buổi sơ khai thi hành cho đến ngày nay.
Lịch sử Giáo Hội cho thấy, trải qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm rung chuyển cộng thêm yếu đuối và tội lỗi của con người ở cương vị lãnh đạo, nhưng Giáo Hội vẫn trường tồn và ngày một trở nên hoàn hảo, thánh thiện hơn là vì có ơn Chúa Thánh Linh hoạt động âm thầm nhưng vô cùng hữu hiệu khiến cho Giáo Hội có được khuôn mặt ngày một thêm giống Chúa Kitô như ta thấy ngày nay.Vì thế, Đức cố Giáo Hoàng Piô XII đã nói : “Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. “(The Holy Spirit is the soul of the Church). Điều này thật chí lý vì nó nói lên đầy đủ vai trò và ơn phù trợ vô cùng hữu hiệu mà Chúa Thánh Thần đã làm trong Giáo Hội của Chúa Kitô cũng như trong đời sống thiêng liêng của mỗi người tín hữu chúng ta.
Không có ơn Chúa Thánh Thần trước hết ban qua bí tích Thêm Sức, thì không ai có thể lớn lên trong đức tin và có đủ sức để chiến đấu với ba thù hầu yêu mến Thiên Chúa và tin có Người là Cha nhân lành, là Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô, cũng là Thiên Chúa thật, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi Một Thiên Chúa (The Triune God). Cho nên, thật là cần thiết cho ta phải năng chậy đên với Chúa Thánh Thần để xin Người tăng thêm lòng yêu mến Thiên Chúa, tăng đức tin, đức cậy và thêm ơn khôn ngoan để biết xa tránh mọi gian tà và tội lỗi hầu luôn sống đẹp lòng Chúa và nhiên hậu được cứu độ.
Để đạt mục đích đó, thì tội phạm đến Chúa Thánh Thần- tức tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thường của Người, là tội không thể tha được như Chúa Giêsu đã nói rõ như sau :
Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”(Mc 3 : 28-29)
Nói phạm đến Chúa Thánh Thần có nghĩa là chối bỏ Thiên Chúa và hoàn toàn không còn tin tưởng gì nơi lòng xót thương của Người nữa, vì nhờ có Chúa Thánh Thần mà ta biết Thiên Chúa và yêu mến Người. Nên khước từ Thiên Chúa và tình thương của Người là xúc phạm đến Chúa Thánh Thần cách nặng nề..
Nhưng không tin Chúa Thánh Thần là nguyên nhân cho ai “bị té ngã, bất tỉnh và nói ú ớ” trong những buổi cầu nguyện Thánh linh chữa lành hay canh tân đặc sủng có phải là tội phạm đến Chúa Thánh Thần không?
Chắc chắn chỉ có ai không am hiểu giáo lý, tín lý, Kinh Thánh của Giáo Hội mới nghĩ như vậy và đả kích những ai dám phê bình những hiện tượng giả tạo nói trên.
Thật vậy, phải nói đến giáo lý vì đây là kim chỉ nam cho đời sống đức tin của mọi tín hữu trong Giáo Hội.Do đó, chắc chắn không có khoản giáo lý nào của Giáo Hội từ xưa đến nay dạy rằng : khi Chúa Thánh Thần đến hay ban ơn cho ai thì người đó bị xô cho ngã xưống đất và miệng lâm râm hay ú ớ nói những gì không ai hiểu được. Đây là “ơn đặc sủng”hay là trò ảo thuật mà người ta dàn dựng để mê hoặc tín hữu không hiểu rõ về ơn Chúa thánh Thần?
Tôi dám thách đố ai tìm được chứng từ nào trong Kinh Thánh hay giáo lý, tín lý (dogma) của Giáo Hội để bênh vực cho sự kiện té ngã là do “ơn đặc sủng”của Chúa Thánh Linh như người ta lầm tưởng, quảng bá và reo rắc sai lầm cho giáo dân.
Người ta có thể nêu trường hợp của Saolê –tức Thánh Phaolô sau này–đã ngã xuống đất trên đường đi Đa Mát để bắt bớ những Kitôhữu và được gặp Chúa “qua luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ ông, khiến ông ngã xuống đất và có tiếng từ trên cao hỏi ông “Saolô, Saolô tại sao ngươi bắt bớ Ta?”(Cv 9 :4). Nhưng chính nhờ bị Chúa “quật ngã” trên đường đi bắt Đạo mà Saolô đã trở thành vị Tông Đồ của dân ngoại và cùng với Phêrô, là hai cột trụ chính chống đỡ Giáo Hội của Chúa trong buổi sơ khai.
Đấy là kết quả Saolô bị té ngã, biến cố đã làm thay đổi toàn diện con người của Saolô, từ kẻ thù của Thập giá Chúa Kitô, trở thành đại Tông Đồ đi rao giảng không biết mệt mỏi Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những dân không biết Thiên Chúa là ai.
Còn những ai được té ngã trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh thì sau đó đã làm gì, biết gì thêm về đường hướng thiêng liêng phải đi để sống đẹp lòng Chúa hơn, và mưu ích cho phần rỗi của mình?
Nếu không có được cảm nghiệm thiêng liêng nào rõ rệt mà chỉ được té ngã và nỏi ú ớ không thôi, thì ích lợi gì cho chính bản thân mình–và hơn nữa–có gì để chia sẻ cho người khác?
Mặt khác, những người tham dự, nhưng không được té ngã và không hiểu những người ú ớ kia nói gì thì họ được ích lợi thiêng liêng nào? Nếu chỉ để chứng kiến người ta té ngã và ú ớ nói những gì mình không hiểu, để rồi sinh chán nản thất vọng vì nghĩ rằng Chúa Thánh Thần không ban ơn cho mình nên không được té ngã và nói ú ớ như một số người kia?
Tôi đã nghe hai nhân chứng kể lại là họ đứng một chân về phía trước và một chân về phía sau nên linh mục “chữa lành” kia đã hai lần dí tay mạnh vào trán nhưng họ không té ra phía sau được vì thế đứng vững như trên.Và từ đó họ không còn đi dự những buổi cầu nguyện chữa lành nữa!
Chưa hết, một vài linh mục còn bày thêm trò “tắm trong Thánh Thần” mới lạ đời nữa!
Họ cũng tụ họp giáo dân, cầu nguyền rồi đặt tay cho một số người té ngã và ngất đi như đang mê ngủ. Rồi một số người khác dùng khăn ướt đắp lên mặt những người kia cho họ tỉnh dạy và nói đó là “tắm trong Thánh Thần”! Giáo Hội làm gì có nghi thức nào quái đản như thế này?
Xin hỏi: căn cứ vào nền tảng giáo lý, thần học nào mà bày ra trò “tắm trong Thánh Thần”như một vài linh mục đã và đang làm ở một vài giáo xứ, gây hoang mang cho giáo dân?
Giáo Hội chỉ có hai bí tích chữa lành là Hòa giải và Xức dầu bệnh nhân mà thôi. Ngoài ra không có bí tích hay nghi thức nào có tên chính thức là “Chữa lành hay tắm trong Thánh Thần” như người ta đã tự ý “phăng” ra để mê hoặc giáo dân không am hiểu giáo lý như chính bản thân các người bày ra chuyện này.
Là linh mục của Giáo Hội, không ai được phép tự ý “phăng hay chế ra” nghi thức nào của riêng mình mà phải nghiêm khắc thi hành các bí tích, kỷ luật bí tích và mọi nghi thức phụng vụ theo đúng qui định của Giáo Hội mà thôi. Giáo dân có bổn phận tố cáo cho giáo quyền địa phương– cụ thể là Giám mục đang coi sóc mình–biết những sai trái về bí tích và phụng vụ của linh mục nào đang làm ở địa phương mình.
Để biết thêm về những ơn Chúa Thánh Thần ban, chúng ta cần đọc lại Tin Mừng Thánh Gioan và Sách Công Vụ Tông Đồ để biết Chúa Thánh Thần đã làm gì cho các Tông Đồ của Chúa Giêsu sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, và đặc biệt trong ngày Lễ Ngũ Tuần:
Trước hết Tin Mừng Thánh Gioan cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ trong nhà đóng kín cửa (vì sợ người Do Thái) và Chúa đã chúc bình an cho mọi người hiện diện. Sau đó “Chúa thổi hơi vào các ông và nói: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20:22)
Chúa ban Thánh Thần cho các Tông Đồ nhưng không một ai té ngã và nói lảm nhảm những gì không ai hiểu được. Nếu có, thì sự kiện này đã được ghi trong Tin Mừng nói trên. Nhưng tuyệt đối không có.
Sau đó, trước khi lên Trời, Chúa Giêsu đã tuyền cho các Tông Đồ “hãy đi, và làm cho muôn dânthành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế.” (Mt 28 : 19-20)
Nhưng sau khi Chúa Kitô về trời, các Tông Đồ không dám ra khỏi nhà để rao giảng Tin Mừng của Chúa cho ai vì các ông còn sợ người Do Thái. Mặt khác, các ông , cho đến lúc đó, vẫn chưa hiểu rõ Sứ Mệnh cứu chuộc của Chúa Kitô, nên có ông đã ngớ ngẩn hỏi Chúa như sau, ngay trước lúc Người sắp lên trời :
“Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục Vương quốc Ít-ra-en không?
Người đáp: “anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt.Nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy ở Jerusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (x. Cv 1: 6-8)
Sau khi tiễn Chúa lên Trời, các ông lại về nhà, đóng kín cửa lại và cùng Đức Mẹ cầu nguyện cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần lấy hình “lưỡi lửa” đậu xuống trên đầu mọi người đang tụ họp trong nhà và mọi người được “tràn đầy Thánh Thần”. Nhưng Sách Công Vụ Tông Đồ không hề nói có ai bị té ngã và miệng lâm râm nói những gì không ai hiểu được.Ngược lại Công Vụ Tông Đồ chỉ nói tỉ mỉ những gì đã xẩy ra sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ mà thôi
Đó là, các Tông Đồ và mọi người đang tụ họp trong nhà “được tràn đầy ơn Thánh Thần” và họ bắt đầu “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Sđd 2:4 )
Nhưng các thứ “tiếng khác” ở đây là các ngôn ngữ của “dân Pacthia, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mia, Giu-đê, Capadokia, Pon-tô và A-xi-a…”(Sđd 2 :9) mà các Tông Đồ tự dưng nói được, nhờ ơn Chúa Thánh Thần ban khi Người hiện xuống trên các ông và mở miệng cho các ông nói, khiến các dân nói các ngôn ngữ trên phải sửng sốt và thán phục bảo nhau rằng : “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (2: 7-8)
Như thế đủ cho ta thấy rõ là “ơn nói tiếng lạ”, căn cứ theo Kinh Thánh, không phải là nói ngôn ngữ nào mà người ta không ai hiểu được.Trái lại, đó là ngôn ngữ của con người mà Chúa Thánh Thần đã ban riêng cho các Tông Đồ của Chúa Giêsu trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khiến các ông không học mà tự nhiên nói được ngôn ngữ cúa các dân đang sống ở Jerusalem khi ấy, khiến họ phải sửng sốt thán phục khi nghe các ông nói được tiếng mẹ đẻ của họ. Nếu các ông cũng “nói ú ớ”hay lâm râm trong miệng như một số người và cả một linh mục chủ tế thánh lễ chữa lành kia đã biểu diễn, thì các dân nói trên làm sao hiểu được mà thán phục như ta đọc thấy trong Sách Công Vụ Tông Đồ trích dẫn trên đây?
Mặt khác, thử hỏi có cá nhân hay Phong Trào nào cầu nguyện tha thiết và sốt sắng hơn các Tông Đồ trong suốt thời gian chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống? Vậy mà khi Chúa hiện xuống, có ông nào té xỉu và nói tiếng nào không ai hiểu đâu?
Ngược lai, người ta chỉ thấy những sự lạ lùng Chúa Thánh Thần đã làm trong ngày Lễ Ngũ Tuần là ban ơn nói các ngôn ngữ loài người cho các Tông Đồ, ơn can đảm để giúp các ngài mạnh bạo rao tên Chúa Giêsu cho các dân đến nghe, và ơn hiểu biết khiến các ngài hiểu rõ hơn Sứ Điệp của Chúa Kitô và sứ vụ của các ngài. Ngoài ra, tuyệt đối không thấy ở đâu trong Kinh Thánh Tân Ước có nói đến việc Chúa Thánh Thần xô cho ai té ngã và nói ú ớ những gì không ai hiểu được., như người ta đã biểu diễn trò này trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh chữa lành và gán cho Chúa Thánh Thần đã làm “những sự lạ đó”cho một số tham dự viên. Tôi dám quả quyết là Chúa Thánh Thần không bao giờ làm những việc “quái dị và khó hiểu”này mà chỉ có ai mượn danh Người để diễn trò ảo thuật sai lạc giáo lý đó mà thôi.
Có lẽ họ đã bắt chước một số giảng viên Tin Lành biểu diễn trên TV Mỹ. Ai đã từng xem thì cũng thấy rõ đây là trò chơi mà con nít cũng khó tin, nói chi người lớn. Đó là việc một vài chuyên viên giảng thuyết sắp xếp cho dăm ba người ngồi xe lăn trước mặt cử tọa đông đảo. Rồi giảng viên kia tay cầm cuốn Kinh Thánh, tay cầm micrô đi lại trong phòng miêng la to: “Jesus is my Savior” (Giêsu là Cứu Chúa của tôi). Rồi ông ta mời gọi mọi người cùng la to với ông. Sau đó, ông chạy đến bên mấy người đang ngồi xe lăn kia và bảo họ nói theo ông: “Jesus, save me!” (Xin Chúa Giêsu cứu chữa tôi!). Mấy người kia nói xong, tức thì đứng cả dậy, quăng xe lăn đi, và ôm nhau nhẩy nhót miệng hô to: “I am saved, alleluia Alleluia!” (Tôi được cứu chữa rồi, vinh danh Chúa!). Những trò ảo thật này quá rẻ tiền, không thuyết phục được ai nên đã từ lâu khán giả TV Mỹ không còn được xem tuồng chữa lành giả tạo này nữa.
Phong Trào Thánh Linh là Phong Trào được Giáo Hội khuyến khích vì mục đích tốt lành là cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để giúp canh tân đời sống thiêng liêng của các tín hữu nói chung và Giáo Hội nói riêng.Như thế, tụ họp nhau lai để cầu xin ơn Thánh Linh soi sáng là việc đạo đức rất tốt, phù hợp với đức tin Công giáo
Nhưng không thể gán cho Chúa Thánh Thần là nguyên nhân gây ra “những sự khác thường như té ngã và nói ú ớ” cho một số tham dự viên và cả cho một linh mục kia đã ú ớ trong khi dâng lế chữa lành theo lời kể của một nhân chứng.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là sự khôn ngoan, là sức mạnh, là sự hiểu biết và là Đấng an ửi dịu hiền.
Cho nên, ai tha thiết cầu xin Chúa thì chắc chắn Người sẽ ban những ơn cần kíp như bình an, phấn khởi trong tâm hồn, thêm sức mạnh và ơn soi sáng chỉ dẫn con đường thiêng liêng phải sống để đẹp lòng Chúa ngày một hơn. Nghĩa là ai cầu xin Chúa Thánh Thần cách đích thực (thành tâm, sốt sắng chứ không hời hợt, không chờ để được té ngã vì có người đẩy mạnh tay vào trán) thì sẽ cảm nghiệm rõ rệt ơn phù trợ của Người trong tâm hồn.
Thực tế từ Viêt Nam sang Hoa Kỳ, chưa có ai té ngã, nói ú ớ rồi sau đó đã chia sẻ những gì họ cảm nghiệm được chắc chắn về mặt thiêng liêng.Ngược lại, chỉ có người nói là không hiểu tại sao tôi té ngã lúc đó và nói những gì tôi cũng không hiểu ! Vậy có lẽ nào Chúa Thánh Thần phán bảo điều gì mà người cầu xin lại không hiểu thì ích lợi gì cho người đó?
Đức tin lành mạnh và kinh nghiệm thiêng liêng dạy ta là nếu ai đang buồn phiền chán nản, mất bình an nội tâm mà tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần, thì chắc chắn sẽ được an ủi, bình an và phấn khởi để tiếp tục hành trình đức tin, đức cậy và đức mến.Tuyệt đối sẽ không bị té ngã, bất tỉnh và nới ú ớ những gì không ai hiểu được. Dấu chỉ bề ngoài này chắc chắn không phải là dấu Chúa Thánh Thần đến và ban ơn riêng cho ai cầu xin Người.Tôi nhắc lại một lần nữa là không có căn bản thần học, giáo lý, tín lý và Kinh Thánh nào cho phép ta tin là ai cầu xin ơn Thánh linh thì sẽ được té ngã và miệng lâm râm, ú ớ những gì không ai hiểu được. Đây là trò mê hoặc những ai yếu bóng vía, thiểu hiểu biết giáo lý , và nghiêm trọng hơn- là khiến cho người ta hiểu lầm về ơn Chúa Thánh Thần vì ta gán cho Chúa làm những việc vô lý, bí ẩn và đầy thiên vị nói trên. Phải nói thiên vị hay thiên tư (partiality) vì có bao nhiêu người cũng tha thiết cầu xin ơn Thánh Linh mà tại sao chỉ có một số nhỏ “được té ngã và nói tiếng lạ”? Như vậy những người không té ngã và nói lảm nhảm thì không được ơn Thánh Linh hay sao? Và cái vô lý hơn nữa là sau khi té ngã và nói ú ớ xong , người đó cảm nghiệm được ơn gì của Chúa Thánh Thần? Nếu chỉ được té ngã và nói ú ớ không thôi thì ích lợi gì cho người đó? Tôi chưa thấy ai nói là sau khi té ngã và nói ú ớ, người nào đó cảm nghiệm được ơn soi sáng, bình an và thêm lòng yêu mến Chúa hơn trước.Nếu có được như vậy, đấy mới chính là hoa trái của việc cầu xin ơn Thánh Linh.
Tóm lại, cầu xin ơn Thánh Linh là việc đạo đức rất tốt đẹp lòng Chúa. Phong Trào hay cá nhân nào hô hào, kêu gọi ai cầu xin ơn Chúa Thánh Thần đều đáng ca ngợi và khuyến khích. Nhưng cầu xin Chúa Thánh Linh để được soi sáng, an ủi, thêm sức mạnh nội tâm và nhìn rõ con đường ngay thẳng phải đi, việc tốt phải làm, sự dữ và gian tà phải tránh thì hoàn toàn khác với cầu xin để mong được té ngã và miệng lâm râm nói những gì không ai hiểu được kể cả người nói.
Ước mong những điều giải thích trên đây không bị ai cố ý xuyên tạc cho là đả kích Phong Trào Thánh Linh, xúc phạm đến Chúa Thánh Thần. Amen.
Lm P.X. NGÔ TÔN HUẤN

No comments:

Post a Comment

Comment