Saturday, February 27, 2016

MÙA CỨU THƯƠNG

Mùa Chay là Mùa Cứu Thương. Nhưng… tôi rất ghét thầy thuốc! Tôi không bao giờ cần thầy thuốc! Tôi không hề muốn gặp thầy thuốc! Đó là những mệnh đề xác định “chắc nịch.” Tại sao vậy?

Xin đừng căng thẳng. Hãy cười và nới lỏng cơ bắp để thư giãn! Nói là “ghét” chứ thực ra không hề có ác tâm mà thù ghét thầy thuốc. Thầy thuốc hành nghề cứu người thì sao mà ghét được. Ý nói “ghét” ở đây chỉ là “không thích” mình phải đi tìm họ hoặc “được” họ đến nhà. Phải “gặp” họ thì chính mình chán lắm, vì sức khỏe của mình sa sút rồi, không chừng Tử Thần “rủ đi” đấy!

Thế nhưng rồi ai cũng đã từng phải cần đến thầy thuốc, mức độ khác nhau, chí ít cũng là… “uống thuốc cảm.” Thể lý đã vậy, huống chi tâm linh. Thật vậy, chắc chắn không ai lại không cần đến Thầy Thuốc Giêsu. Càng nhiều tuổi càng nhiều “bệnh” (tội), thế nên càng nhiều lần cần “gặp” Siêu Thầy Thuốc Giêsu, Đại Lương Y Kitô, để được Ngài chữa lành.

Chuyện cổ-tích-có-thật theo ngòi bút của Thánh sử Luca kể rằng…

Một hôm, Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” (Lc 5:27) Ông liền bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Lê-vi độc đáo thật, đang bận việc thế mà khỏi cần, dù là làm việc cho đế quốc Rôma, vì sẽ bị sa thải nếu bỏ việc nhà nước để lo việc riêng. Nhưng ông dứt khoát, theo Giêsu ngay lập tức. Chắc hẳn Lêvi đã nghe danh tiếng của Chàng Giêsu, và hẳn là phải tâm phục khẩu phục Đại Sư Giêsu lắm thì Lêvi mới dám bỏ tất cả để có thể mau mắn đi theo như vậy. Ước gì…!

Sau đó, ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Rất có thể là dạ tiệc, không phải tiệc bình thường mà là “tiệc lớn,” nghĩa là linh đình lắm, và hẳn là các thực khách tham dự phải là những ông to, lắm bà, những người quyền cao và chức trọng.

Thật vậy, Thánh sử Luca cho biết rằng hôm đó có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với họ. Hôm đó, những người Pharisêu – ỷ mình được “biệt phái” – và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” (Lc 5:30) Đúng là hạng người “ghen ăn, tức ở” nên “ngứa óc,” họ chuyên “đâm bị thóc, thọc bị gạo.” Chúng ta cũng chẳng hơn đâu, đừng ảo tưởng mà “chỉ trích” họ. Có thiên hình vạn trạng kiểu giả hình ngày nay!

Đức Giêsu biết tỏng họ đầy tà tâm và ác ý, miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm loại “xịn.” Ngài vẫn thản nhiên xác định: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5:31-32)

Cũng ý đó, nhưng Thánh Mátthêu nói chi tiết hơn về câu trả lời của Chúa Giêsu: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9:12-13) Chắc hẳn Chúa Giêsu không có ý coi thường nghi lễ và việc thờ phượng, mà Ngài muốn nhấn mạnh rằng yêu thương tha nhân mới là điều quan trọng hơn.

Chúng ta biết rằng Lêvi chính là Thánh Mátthêu, người Do Thái, làm việc cho quân đội La Mã với nhiệm vụ thu thuế từ những người Do Thái. Kiểu như Việt Nam nói là “cõng rắn cắn gà nhà.” Dù người Do Thái không cho phép lấy thuế quá nặng, nhưng mối quan tâm của người La Mã là cái hầu bao riêng. Họ không bận tâm việc nộp thuế của đám dân đen là những thứ gì, miễn sao cứ nhiều tiền, nhiều của là “Ôkê” thôi. Các nhân viên thuế vụ có nhiệm vụ là đè đầu dân mà lấy thuế, không chút thương xót. Do đó dân thu thuế bị người Do Thái ghét như những kẻ phản bội. Những người Pharisêu bị coi là phường tội lỗi, thế nên họ thấy “sốc” khi Chúa Giêsu gọi một người tội lỗi như thế làm môn đệ.

Xin “mở ngoặc” một chút: Tên gọi Mátthêu theo tiếng Do Thái là מַתִּתְיָהוּ‎ (Mattityahu), hoặc מתי (Mattay), nghĩa là “tặng phẩm của Chúa,” theo tiếng Hy Lạp là Ματθαῖος (Matthaios). Còn tên gọi Lêvi, theo tiếng Do Thái, nghĩa là “giữ lấy.” Cái tên cũng luôn có gì đó bí ẩn, dù cha mẹ đặt cho, nhưng có lẽ chính Thiên Chúa đã soi sáng để cha mẹ đặt tên cho con cái vậy. Có thể ví như lời quả quyết của ông Dacaria: “Tên cháu là Gioan.” (Lc 1:63)

Quả thật, mỗi người đều có số mệnh mà Thiên Chúa đã “chọn” và “ấn định” theo Thánh Ý Ngài, chúng ta không thể hiểu thấu. Người ta vẫn nói “con người có số mệnh,” chúng ta cho đó là kiểu nói mang tính mê tín và dị đoan, nhưng nếu xét cho cùng thì chẳng dị đoan đâu, vì từ đời đời, Thiên Chúa đã “gọi” mỗi người vào làm Vườn Nho của Ngài ở những thời điểm khác nhau, với cương vị khác nhau, không thể làm khác theo ý riêng mình, nhưng tất cả là để hoàn tất Đại Công Trình Sáng Tạo và Cứu Độ theo Tôn Ý Ngài. Đó là số mệnh vậy!

Xin “trích ngang” thêm một chút: Thánh Mátthêu biết tiếng Aram và tiếng Hy Lạp, là nhân viên thuế vụ của tổng trấn Hêrôđê Antipa (Herod Antipas), làm việc tại phòng thuế vụ ở Caphácnaum (Galilê), là một trong 4 tác giả Phúc Âm (quen gọi là Thánh sử), là con trai của ông Anphê. (Alpheus, x. Mc 2:14; Lc 5:27)

Thánh sử Luca và Máccô gọi Thánh Mátthêu bằng “biệt danh” Lêvi, nhưng cính Thánh Matthêu gọi mình bằng tên riêng. Ngược lại, Thánh Mátthêu không nói tới bữa ăn tối của Chúa Giêsu tại nhà mình, còn Thánh Lu-ca và Thánh Máccô nói rõ là nhà của ông Lêvi. Có điều hay là Thánh Mátthêu không e ngại khi nhận mình là người tội lỗi, không giấu giếm sơ yếu lý lịch hoặc xuất xứ của mình.

Điều đó cho thấy rõ ràng Thánh Mátthêu đã biết mình “bệnh nặng,” biết tình trạng “sức khỏe” suy yếu nhiều vì căn bệnh trầm kha nào đó, có thể là “tiếng chuông báo tử” của chứng ung thư, rất cần được chữa lành, càng sớm càng tốt. Vì thế, Thánh Mátthêu không thể chần chừ, không còn nuối tiếc bất cứ thứ gì của cuộc đời này, sẵn sàng và mau mắn đứng dậy đi theo “tiếng gọi” ngay lập tức khi biết đó là “tiếng gọi” của Thầy Thuốc Giêsu.

Lời mời gọi “hãy theo tôi” của Chúa Giêsu là lời khuyên chân thành của vị lương y chân chính, thế nên “bệnh nhân” Mátthêu không thể không nghe theo, dù thật lòng không muốn, và phải cấp tốc điều trị. Lời mời gọi đó cũng như tiếng còi xe cứu thương rất não nuột, rất cấp bách,...

Tình trạng tội lỗi của chúng ta là căn bệnh nan y còn nguy hiểm hơn chứng ung thư quái ác, càng cần phải điều trị sớm bằng những liệu pháp tối tân nhất. Liệu pháp hữu hiệu duy nhất là sám hối, lãnh nhận Bí tích Hòa giải, khiêm nhường mở cửa lòng để Suối Nguồn Lòng Chúa Thương Xót chảy vào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô.

Như đã nói, Mùa Chay là Mùa Cứu Thương, đúng như Thánh Phaolô đã xác định: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cr 6:2) Và tới đây, nhất là về phương diện tâm linh, mệnh đề của chúng ta sẽ “chuyển hướng” 180 độ: “Tôi rất cần thầy thuốc, rất cần Đại Bác Sĩ Giêsu – Thần Y Kitô.” Máu và Nước của Đức Giêsu Kitô là Biệt Dược, là Thần Dược, chỉ có Siêu Dược đó mới triệt căn chứng ung-thư-tội-lỗi mà thôi!

Lạy Thiên Chúa, chúng con biết mình đang mắc chứng nan y mà chỉ có Ngài mới trị khỏi. Xin thương xót cứu chữa, vì chúng con biết tội rồi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment

Comment